Bệnh Viêm tủy xương đốt sống

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN

Giám đốc Chuyên môn cơ sở HCM

Viêm tủy xương đốt sống là một trong những dạng viêm tủy xương hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến các đốt sống. Nó thường được gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng đau nhức lưng khó chịu, sốt, mệt mỏi, sụt cân... Các chọn lựa điều trị hiệu quả thường là dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng hoặc phẫu thuật loại bỏ tổn thương. 

Viêm tủy xương đốt sống là một dạng viêm tủy xương hiếm gặp gây tổn thương xương đốt sống và các mô xung quanh

Tổng quan

Viêm tủy xương đốt sống (Vertebral Osteomyelitis) xảy ra khi đoạn thân đốt sống và các mô xung quanh bị nhiễm trùng. Tình trạng này có thể được gây ra bởi các loại vi khuẩn, virus, nấm hoặc các vi sinh vật khác. Chúng có thể xâm nhập qua đường máu hoặc do các tình trạng nhiễm trùng lây lan gần đó.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm tủy xương đốt sống, nhưng phổ biến nhất là ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo thống kê tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh lý này đang ngày càng tăng cao do ảnh hưởng từ các bệnh lý mạn tính như suy giảm miễn dịch, ung thư, tiểu đường... Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới. Ước tính có khoảng 4.8/100.000 người mắc bệnh hàng năm.

Phân loại

Viêm tủy xương đốt sống được phân chia làm 2 dạng cấp tính và mạn tính. Cụ thể gồm:

  • Viêm tủy xương đốt sống cấp tính: Đây là tình trạng viêm tủy xương khởi phát đột ngột, không có dấu hiệu báo trước với các dấu hiệu rõ rệt. Chúng phát sinh nhanh chóng và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách.
  • Viêm tủy xương đốt sống mạn tính: Thể mạn tính thường phát triển chậm trong thời gian dài, nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tuy mức độ các triệu chứng thường nhẹ hơn so với thể cấp tính, nhưng nếu không điều trị kịp thời vẫn có thể gây ra những biến chứng khó lường.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm tủy xương đốt sống là một dạng nhiễm trùng xương hiếm gặp và xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là các tác nhân sau:

Viêm tủy xương đốt sống thường phát triển do các đợt nhiễm trùng lây lan theo đường máu hoặc sau chấn thương cột sống

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus là tác nhân hàng đầu gây ra chứng viêm tủy xương đốt sống. Trong đó:

  • Vi khuẩn: Các loại vi khuẩn phổ biến gây viêm tủy xương đốt sống như:
    • Staphylococcus aureus: Đây là loại vi khuẩn phổ biến nhất và thường thấy trong mũi và da;
    • Các loại vi khuẩn khác như Streptococcus, Escherichia Coli hoặc Pseudomonas aeruginosa;
  • Virus: Một số ít trường hợp bị viêm tủy xương đốt sống có thể là do nhiễm virus. Loại virus gây bệnh phổ biến nhất là virus herpes simplex. Chúng có khả năng gây viêm tủy sống.
  • Nấm: Nhiễm nấm Candida hoặc Aspergillus cũng góp phần vào sự phát triển của bệnh viêm tủy xương đốt sống.

Chấn thương 

Các chấn thương phổ biến như té ngã, va chạm mạnh khi chơi thể thao, tai nạn giao thông khiến có vật gì đó đâm vào xương làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng xương. Hậu quả dẫn đến viêm tủy xương đốt sống.

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài những nguyên nhân trên, sự phát triển của viêm tủy xương đốt sống cũng có thể khởi phát do các yếu tố rủi ro sau:

  • Suy giảm hệ thống miễn dịch;
  • Tuổi tác cao;
  • Mắc bệnh tiểu đường;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Ung thư;
  • Suy thận mạn tính;
  • Nhiễm HIV/AIDS;
  • Lạm dụng thuốc corticosteroid kéo dài;
  • Dùng thuốc dạng tiêm truyền qua đường tĩnh mạch;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân bị viêm tủy xương đốt sống thường gặp các triệu chứng sau:

Các triệu chứng của viêm tủy xương đốt sống thường dễ nhầm lẫn với các triệu chứng nhiễm khuẩn cấp tính

  • Triệu chứng ban đầu:
    • Sưng viêm tại vị trí bị nhiễm trùng;
    • Yếu đốt sống và các cơ xung quanh;
    • Hạn chế khả năng cử động, thay đổi tư thế;
    • Sốt, ớn lạnh và mệt mỏi;
    • Vã mồ hôi;
    • Suy nhược cơ thể, sụt cân;
  • Triệu chứng giai đoạn nặng: Ở giai đoạn này, bệnh nhân viêm tủy xương đốt sống có thể gặp các triệu chứng suy nhược thần kinh. Điển hình với các triệu chứng như:
    • Liệt tứ chi;
    • Mất hoàn toàn khả năng di chuyển;

Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm tủy xương đốt sống khá phức tạp do các triệu chứng biểu hiện ít rõ rệt trong giai đoạn đầu và gần giống với những triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác. Trước khi tiến hành các xét nghiệm cụ thể, bác sĩ thường tiến hành thăm khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân... để khoanh vùng thể bệnh.

Sau đó, tùy theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu hoặc dịch giúp xác nhận chẩn đoán viêm tủy xương đốt sống do nhiễm trùng

  • Xét nghiệm máu: Được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra mức độ viêm nhiễm thông qua các yếu tố như tốc độ lắng máu, nồng độ protein phản ứng C hoặc nồng độ tế bào bạch cầu. Ngoài ra, nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy có nhiễm trùng, bác sĩ sẽ yêu cầu lấy mẫu mô bị nhiễm trùng để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Kiểm tra hình ảnh: Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT Scan hoặc MRI nhằm phát hiện tổn thương và các dấu hiệu nhiễm trùng ở cột sống.
  • Sinh thiết: Được thực hiện đồng thời khi tiến hành thủ thuật loại bỏ mô hoặc mảnh xương bị tổn thương gây nhiễm trùng. Mẫu bệnh phẩm này sẽ được phân tích dưới kính hiển vi để xác định tác nhân gây viêm tủy xương đốt sống. Dựa vào kết quả này để giúp quyết định biện pháp điều trị hoặc loại kháng sinh phù hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm tủy xương đốt sống nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng khó lường như:

  • Gãy xương;
  • Nhiễm trùng tái phát;
  • Tổn thương thần kinh;
  • Tàn phế;
  • Đau nhức kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống;

Tiên lượng về bệnh viêm tủy xương đốt sống được đánh giá không quá cao, dù ngay cả khi điều trị tích cực. Nếu được điều trị, tổn thương có thể phục hồi nhưng quá trình phục hồi phải được thực hiện kéo dài, kết hợp cùng lúc nhiều phương pháp phức tạp.

Bệnh viêm tủy xương đốt sống có thể gây ra rất biến chứng khó lường như nhiễm trùng mãn tính, tê liệt, gãy xương hoặc tổn thương thần kinh vĩnh viễn

Ngoài ra, hậu phẫu thuật xử lý tổn thương viêm tủy xương đốt sống cũng có thể để lại một số biến chứng nghiêm trọng. Theo thống kê, ước tính có khoảng 15% bệnh nhân phải chịu các tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Thậm chí chịu cảnh tàn tật vĩnh viễn và giảm chất lượng cuộc sống kéo dài.

Do đó, các chuyên gia, bác sĩ luôn được tư vấn kỹ về tiên lượng điều trị cho từng trường hợp bệnh. Đồng thời, khuyến khích bệnh nhân tuân thủ tuyệt đối các biện pháp điều trị y tế cần thiết để đạt hiệu quả tối đa.

Điều trị

Bệnh viêm tủy xương đốt sống cần được điều trị càng sớm càng tốt để kiểm soát tiến triển bệnh, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Tùy vào căn nguyên và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Dưới đây là các biện pháp được áp dụng phổ biến nhất:

Dùng thuốc

Dùng kháng sinh là phương pháp điều trị hiệu quả và phổ biến nhất ở bệnh nhân bị viêm tủy xương đốt sống. Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tùy mức độ nhiễm trùng, bệnh nhân có thể dùng thuốc trong vòng vài tuần hoặc vài tháng để kiểm soát triệu chứng. Hầu hết trường hợp bệnh đều được chỉ định dùng thuốc khoảng 6 tuần.

Hầu hết bệnh nhân bị viêm tủy xương đốt sống đều đáp ứng tốt với các loại thuốc kháng sinh

Kháng sinh thường được chỉ định dùng dạng uống hoặc dạng tiêm tùy từng trường hợp. Đa số trường hợp bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc dạng uống, nhưng nếu có dấu hiệu nhiễm độc chì trong giai đoạn đầu sẽ được chỉ định dùng thuốc dạng tiêm.

Các loại thuốc được dùng phổ biến nhất là:

  • Oxacillin hoặc nafcillin liều 9 - 12g x 6 lần/ ngày;
  • Cefazolin 1g x 3 lần/ ngày;
  • Trường hợp dị ứng với penicillin có thể thay thế bằng vancomycin, liều khuyến cáo 1g x 2 lần/ ngày;
  • Một số trường hợp có thể sử dụng kết hợp các loại thuốc khác đường uống khác như:
    • Dicloxacillin hoặc cephalexin liều 1g x 4 lần/ ngày;
    • Ciprofloxacin 750mg x 2 lần/ ngày;
    • Rifampicin 300mg x 2 lần/ ngày;

Phẫu thuật

Phẫu thuật rất hiếm khi được chỉ định áp dụng trong điều trị bệnh viêm tủy xương đốt sống. Chỉ những trường hợp viêm nặng gây tổ thương thần kinh và phá hủy đốt sống trầm trọng, phát sinh biến chứng áp xe, nhất là không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa mới được chỉ định áp dụng biện pháp điều trị này.

Mục đích phẫu thuật viêm tủy xương đốt sống nhằm loại các tổ chức bị nhiễm trùng hoặc hư hỏng. Hoặc tiến hành ghép xương đốt sống nhân tạo thay thế phần bị tổn thương nhằm phục hồi chức năng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được kê toa dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Phòng ngừa

Để không bị ảnh hưởng bởi triệu chứng đau nhức khó chịu cũng như biến chứng khó lường của bệnh viêm tủy xương đốt sống, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Giữ gìn vệ sinh toàn thân kỹ lưỡng bao gồm tắm gội sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn, sau khi đại tiện hoặc muốn chạm tay vào mắt, mũi, miệng...
  • Luôn giữ cho làn da luôn sạch sẽ, khô ráo và chăm sóc vết thương ngoài da kỹ lưỡng (nếu có).
  • Bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng bằng cách hạn chế hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh viêm tủy xương đốt sống?

2. Bệnh viêm tủy xương đốt sống có nguy hiểm không?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán xác nhận viêm tủy xương đốt sống?

4. Bệnh viêm tủy xương đốt sống có chữa khỏi được không?

5. Chữa bệnh viêm tủy xương đốt sống bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến các chỉ định điều trị?

7. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát bệnh viêm tủy xương đốt sống?

8. Chi phí điều trị viêm tủy xương đốt sống tốn bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT không?

Viêm tủy xương đốt sống gây ra những ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe và khả năng vận động của bệnh nhân. Các chuyên gia khuyến cáo việc điều trị nên được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng phức tạp về sau. Đồng thời, tuân thủ lịch tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh và các bất thường có thể xảy ra trong quá trình điều trị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chia sẻ:
Bệnh Viêm Khớp Cùng Chậu
Viêm khớp cùng chậu xảy ra do rất nhiều tác nhân như viêm khớp, chấn thương, mang thai hoặc các tác nhân bệnh lý khác. Đặc trưng triệu chứng là…
Bệnh thoát vị đĩa đệm Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý về cột sống…
Bệnh Viêm Khớp Bàn Chân
Viêm khớp bàn chân là một dạng tổn thương phổ…
Tràn dịch khớp Bệnh Tràn Dịch Khớp
Tràn dịch khớp là hậu quả của chấn thương hoặc…
Bệnh Loạn Dưỡng Cơ Duchenne

Loạn dưỡng cơ Duchenne là bệnh lý di truyền đặc trưng với các tổn thương và suy giảm chức năng…

Bệnh Viêm Bao Hoạt Dịch Khớp Gối

Viêm bao hoạt dich khớp gối xảy ra do rất nhiều nguyên nhân và ở bất kỳ đối tượng nào.…

Bệnh Viêm Khớp Ngón Chân

Viêm khớp ngón chân có thể xảy ra ở bất kỳ ngón chân nào, nhưng phổ biến nhất là ở…

Bệnh Bạch Cầu Cấp

Bạch cầu cấp là bệnh ung thư máu phát triển từ các tế bào bạch cầu dòng tủy và trong…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN

Giám đốc Chuyên môn cơ sở HCM

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua