Bệnh U nang xương đơn độc
U nang xương đơn độc là bệnh lý lành tính xảy ra chủ yếu ở trẻ em và thiếu niên từ 5 - 20 tuổi. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ xương chi, làm hạn chế vận động. Điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng gãy xương và phục hồi khả năng vận động. Các chọn lựa điều trị như phẫu thuật, vật lý trị liệu hoặc dùng nẹp cải thiện triệu chứng.
Tổng quan
U nang xương đơn độc (Unicameral Bone Cyst - UBC) là một dạng u nang lành tính, không phải ung thư, trong xương chứa đầy chất dịch lỏng nhưng không có khả năng lan rộng.
Các u nang xương đơn độc có thể phát triển ở bất kỳ xương nào trong cơ thể. Nhưng đa số các trường hợp được chẩn đoán mắc phải chủ yếu ở đoạn xương dài cánh tay gần vai và xương chân gần hông. Tổn thương này thường ít gây ra triệu chứng, không đau nhức. Tuy nhiên, vì các u nang làm tăng nguy cơ gãy xương nên chỉ khi nào các xương xung quanh nang bị gãy mới gây triệu chứng sưng đau.
Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và trẻ thiếu niên trong độ tuổi < 20 tuổi, trung bình từ 5 - 15 tuổi. Nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới (tỷ lệ 3:1). Tuy nhiên, thống kê con số chính xác mắc phải bệnh lý này chưa được biết chính xác do có nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không được phát hiện.
Tham khảo thêm: U xương là gì? Các dạng thường gặp, cách chẩn đoán, điều trị
Phân loại
U nang xương đơn độc gồm 2 dạng nhỏ được phân chia dựa vào tính chất và đặc điểm phát triển của chúng:
- Thể u nang hoạt động: Là những u nang phát triển cạnh các đĩa tăng trưởng và có xu hướng mở rộng theo thời gian. Hậu quả khiến các xương xung quanh u nang dần suy yếu đi và dễ gãy.
- Thể u nang tiềm ẩn: Là những u nang nằm cách xa các tấm tăng trưởng và không còn khả năng hoạt động theo sự phát triển của trẻ. Đến một độ tuổi trưởng thành nhất định, hệ xương của con ngừng phát triển, các khối u nang này sẽ tự động biến mất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác cho sự hình thành các khối u nang xương đơn độc đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng đã có nhiều giả thuyết được đưa ra khi cho rằng sự phát triển của u nang xương đơn độc liên quan đến các yếu tố sau:
- Chấn thương: Đây là một trong những tác nhân hàng đầu được nhắc đến. Khi xương bị tổn thương, nó sẽ tạo ra một khoảng trống bên trong xương, điều này khiến các chất dịch lỏng dần dích tụ và hình thành u nang. Tác nhân này đặc biệt phổ biến ở trẻ em do nghịch và năng động quá mức khi vui chơi, chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động thể chất khác. Phần lớn trường hợp trẻ phát triển u nang xương đơn độc sau vài tháng hoặc vài năm chấn thương.
- Khiếm khuyết khi hình thành xương: Trong quá trình phát triển bào thai, nếu có tác nhân bất thường gây ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của hệ thống xương, khiến xương suy yếu ngay từ khi còn nhỏ và tăng nguy cơ hình thành u nang. Tình trạng khiếm khuyết này thường được phát hiện ở những trẻ mắc chứng loạn sản sợi dẫn đến bất thường khi phát triển triển xương
- Yếu tố di truyền: Di truyền cũng là một trong những yếu tố góp phần phát triển u nang xương đơn độc. Điều này thể rõ khi những gia đình có người mắc bệnh sẽ có tỷ lệ di truyền cho các thế hệ sau cao hơn những gia đình bình thường. Tuy nhiên, yếu tố di truyền chính xác vẫn còn đang được nghiên cứu.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Hầu hết những trẻ phát triển u nang xương đơn thường không phát sinh triệu chứng. Chỉ khi u nang phát triển xâm lấn vượt ra ngoài gây suy yếu và gãy xương mới bộc lộ triệu chứng.
- Đau nhức nhẹ, sưng tấy khi xương suy yếu;
- Trường hợp gãy xương sẽ có các triệu chứng nặng hơn như:
- Bầm tím da;
- Hạn chế cử động do đau nhức nhiều;
- Sưng phù, ngứa ran;
- Thay đổi hình dạng xương;
Chẩn đoán
Với các triệu chứng trên, bác sĩ thường không nghĩ đến u nang xương đơn độc đầu tiên. Do đó, để chẩn đoán chính xác tình trạng này cần thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại để loại trừ các tổn thương và bệnh lý xương khác.
Dưới đây là một số kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán xác nhận u nang xương đơn độc, bao gồm:
- Chụp X quang: Hình ảnh phim X quang rất cần thiết giúp phát hiện các tổn thương thực thể và cả những khối u nang xương đơn độc.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật này sử dụng kết hợp giữa nam châm, tần số vô tuyến với công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan, hệ thống mô, cơ, dây chằng cùng nhiều bộ phận cấu trúc khác trong cơ thể. Nhờ đó giúp xác nhận chẩn đoán và đánh giá mức độ tổn thương của các u nang xương đơn độc.
- Chụp EOS: Đây là kỹ thuật hiện đại, mô phỏng hình ảnh 3 chiều từ hai hình ảnh phẳng. Bệnh nhân khi thực hiện chẩn đoán này sẽ đứng thẳng người chứ không nằm như khi chụp CT hay MRI.
- Sinh thiết: Phương pháp này được thực hiện bằng cách dùng một cây kim nhỏ đâm xuyên qua da, tiếp cận đến vị trí u nang xương đơn độc để lấy mẫu mô bệnh phẩm. Mẫu này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra phân tích và phát hiện các bất thường liên quan.
Cần chẩn đoán phân biệt u nang xương đơn độc với các bệnh lý sau:
- U nang xương phình mạch;
- Loạn sản sợi;
- U sụn hoặc u nguyên bào sụn lành tính;
Dựa vào kết quả chẩn đoán, xác định u nang xương đơn độc và đánh giá vị trí, kích thước, mức độ nghiêm trọng của khối u nang. Từ đó giúp ích trong việc xác định các chọn lựa điều trị tốt nhất dành cho trẻ.
Biến chứng và tiên lượng
Những trường hợp trẻ có u nang xương đơn độc nhưng không nghiêm trọng, có tiên lượng tự khỏi không nhất thiết phải điều trị. Bác sĩ thường yêu cầu tái khám thường xuyên để theo dõi tiến triển để có những chỉ định điều trị kịp thời nếu có bất thường.
Riêng những trường hợp được chẩn đoán u nang xương đơn độc nghiêm trọng, xương suy yếu, có dấu hiệu hoặc đã gãy xương, có thể được khuyến nghị áp dụng các biện pháp điều trị y tế tích cực.
Nhưng nhìn chung, đa phần những trẻ có tổn thương u nang xương đơn độc đều không đáng kể về mặt lâm sàng. Tiên lượng đáp ứng tốt khi điều trị và nhanh chóng phục hồi.
Điều trị
Dưới đây là một số phương pháp điều trị u nang xương đơn độc hiệu quả:
Tiêm Steroid
Đây là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu có hiệu quả cao trong việc giúp điều trị chữa lành các khối u nang mà không cần áp dụng thêm bất kỳ phương pháp nào khác. Các chuyên gia cho rằng, khi steroid được tiêm vào cơ thể, chúng sẽ giúp các u nang được tái hấp thu vào xương và biến mất.
Quá trình tiêm steroid được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm. Trước tiên, dùng kim sinh thiết để chọc và hút dẫn lưu chất lỏng ra khỏi khối u nang. Sau đó, tiến hành tiêm steroid vào vị trí u nang gần xương bị tổn thương. Liệu trình tiêm liên tục trong vòng 12 - 20 tháng.
Sau thời gian này, trẻ sẽ được chụp X quang để đánh giá mức độ phục hồi của xương. Nếu thuyên giảm sẽ tiếp tục liệu trình tiêm steroid cho đến khi lành hẳn và ngược lại nếu tiến triển vẫn tiếp tục xấu đi sẽ cân nhắc chuyển sang phương pháp khác phù hợp hơn.
Phẫu thuật
Những trẻ phát triển u nang xương đơn độc với tổn thương nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật, nhằm loại bỏ khối u nang và lấp đầy khoang xương bằng kỹ thuật ghép xương hoặc các vật liệu khác. Phương pháp phẫu thuật này được gọi là nạo và ghép xương.
Quy trình thực hiện như sau:
- Dẫn lưu chất dịch lỏng từ u nang ra ngoài;
- Nạo bỏ khối u và những lớp lót bên dưới của khối u nang hoàn toàn;
- Trường hợp cần thiết có thể bôi ethanol vào khoang để tiêu diệt các tế bào nang còn sót lại;
- Tiến hành phẫu thuật ghép xương. Có thể chọn lấy xương từ một phần khác của cơ thể hoặc sử dụng xương được hiến tặng. Nếu cả 2 điều kiện này đều không đáp ứng có thể chọn sử dụng vật liệu nhân tạo (thường là xi măng) để lấp đầy khoang;
- Trường hợp cần thiết có thể phải chèn thêm một tấm kim loại vào khoang để ổn định xương, giảm thiểu nguy cơ gãy xương;
Các biện pháp hỗ trợ khác
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu thường được các chuyên gia hướng dẫn thực hiện nhằm cải thiện phạm vi chuyển động và phục hồi sức mạnh ở các chi bị tổn thương.
- Nẹp: Nẹp có thể được chỉ định để hỗ trợ cử động tại các chi bị ảnh hưởng và phòng ngừa gãy xương.
- Chăm sóc tích cực: Ngoài các biện pháp y tế, còn nhiều biện pháp chăm sóc, hỗ trợ cải thiện bớt triệu chứng do u nang xương đơn độc gây ra như:
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi;
- Chườm đá vào vùng bị đau giúp giảm sưng đau;
- Nâng cao chi khi nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ để cải thiện tuần hoàn, hỗ trợ giảm sưng;
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm đau nhanh hơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen;
Phòng ngừa
Không có biện pháp phòng ngừa cụ thể đối với u nang xương đơn độc. Tuy nhiên, chỉ cần phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Các bậc phụ huynh nên hết sức chú ý sự phát triển của con trẻ, nhất là trong độ tuổi từ 5 - 20 để kịp thời phát hiện các bất thường.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến con tôi mắc bệnh u nang xương đơn độc?
2. Bệnh u nang xương đơn độc có nguy hiểm không?
3. Con tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán u nang xương đơn độc?
4. Phương pháp điều trị nào tốt nhất dành cho trường hợp của con tôi?
5. Trường hợp của con tôi có cần phẫu thuật không?
6. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị?
7. Nên và không nên làm gì trong quá trình điều trị?
8. Con tôi có thể tái phát u nang xương đơn độc sau điều trị không?
Bản chất của u nang xương đơn độc là những khối lành tính không phải ung thư nên không hề gây nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ cần sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh để kịp thời chẩn đoán và điều trị để ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh, hãy trao đổi kỹ hơn với bác sĩ để được giải thích rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm
- Ung thư xương - Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
- Ung thư sụn là gì? Tất cả các thông tin cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!