Ung thư sụn là gì? Tất cả các thông tin cần biết

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Ung thư sụn là một dạng bệnh ung thư xương hiếm gặp. Khối u ác tính thường bắt đầu trong xương nhưng đôi khi có thể ảnh hưởng đến các các mô mềm gần xương. Cần sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp điều trị để nâng cao tiên lượng sống.

ung thư sụn
Ung thư sụn là bệnh ung thư hiếm gặp nhưng cần hết sức cẩn trọng

Ung thư sụn là bệnh gì?

Ung thư sụn (Chondrosarcoma) là một dạng bệnh ung thư nguyên phát. Nó gây biến đổi các tế bào tạo ra sụn. Khối u ác tính Chondrosarcoma có đặc tính phát triển và di căn chậm.

Bệnh lý này có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, ung thư sụn phổ biến hơn ở những người trung niên và người cao tuổi. Thay vì ảnh hưởng đến xương tứ chi thì khối u Chondrosarcoma thường có xu hướng ảnh hưởng tới bộ xương trục nhiều hơn.

Ung thư sụn thường bắt đầu từ trong xương. Tuy nhiên một số trường hợp, khối ung thư có thể xuất hiện tại các mô mềm ở gần cạnh xương. Xương chậu, hông và vai là những vị trí mà khối u Chondrosarcoma xuất hiện phổ biến. Mặc dù hiếm gặp nhưng một số trường hợp, khối u này còn ảnh hưởng tới hộp sọ.

Đa phần các trường hợp, khối u Chondrosarcoma có sự phát triển và di căn chậm. Nếu được điều trị và loại bỏ hoàn toàn thì khối u có nguy cơ di căn thấp đến các xương và mô phác. Tuy nhiên nếu không kiểm soát kịp thời, khối u phát triển nhanh thì nguy cơ di căn sẽ rất cao.

Ung thư sụn thường được chỉ định điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp cần kết hợp với xạ trị và hóa trị để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

Căn cứ vào tốc độ phát triển và khả năng di căn của khối u mà các nhà nghiên cứu chia bệnh ung thư sụn ra thành 3 cấp độ. Cụ thể như sau:

  • Cấp độ thấp – Giai đoạn 1: Lúc này, khối u mới xuất hiện và phát triển với tốc độ chậm. Phẫu thuật thường sẽ được chỉ định để loại bỏ khối u. Nếu phát hiện và điều trị đúng cách trong giai đoạn này thì sẽ hạn chế được nguy cơ tái phát sau điều trị.
  • Cấp độ trung bình – Giai đoạn 2: Khi bệnh bước sang giai đoạn này thì khối u ác tính có thể phát triển và lây lan nhanh chóng hơn. Điều này gây ra nhiều cản trở cho quá trình điều trị.
  • Cấp độ cao – Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư có tốc độ lây lan rất nhanh chóng. Chúng có thể di căn tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Tiên lượng sống ở giai đoạn này sẽ bị giảm xuống rõ rệt.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư sụn

Cho đến nay, nguyên nhân chính gây bệnh ung thư sụn vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, cơ chế bệnh sinh có thể liên quan tới một số đột biến di truyền.

hình ảnh ung thư sụn
Hình ảnh X-quang khối u chondrosarcoma ở tay

Cụ thể, ung thư sụn có liên quan tới sự đột biến của các enzyme isocitrate dehydrogenase 1 và 2. Ngoài ra, đột biến của các enzyme này còn liên quan tới bệnh bạch cầu và các khối u thần kinh.

Ngoài ra, trong một số trường hợp khối ung thư sụn có thể phát triển từ các tổn thương sụn lành tính. Các tổn thương này biến đổi và phát triển thành ung thư.

Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư sụn:

– Tuổi tác:

Ung thư sụn thường xảy ra phổ biến nhất ở những người trung niên và người cao tuổi (từ 40 tuổi trở lên). Tuy nhiên cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ về nguyên nhân cho vấn đề này.

– Hội chứng nhiều u sụn xương:

Hội chứng nhiều u sụn xương (Multiple exostoses syndrome) khiến cho sụn phát triển thành nhiều vết sưng hay khối u nhỏ trên bề mặt xương. Điều này có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển các tế bào ung thư.

– U nội sụn:

U nội sụn (Enchondromas) là một khối u lành tính và không phải ung thư. Khối u này phát triển ở sụn. Thực tế cho thấy, những người có tiền sử u nội sụn thường có nguy cơ bị ung thư sụn cao hơn các đối tượng bình thường khác.

Ngoài ra, những người từng xạ trị liều cao để điều trị ung thư cũng được cho là có nguy cơ mắc bệnh ung thư sụn cao hơn.

Dấu hiệu nhận biết ung thư sụn

Ung thư sụn thường không gây ra các triệu chứng đặc trưng như các khối u xương ác tính khác. Khối u chondrosarcoma không gây mệt mỏi và các triệu chứng toàn thân đi kèm. Thay vào đó, người bệnh có thể cảm nhận thấy một số triệu chứng ngay tại vị trí mà khối u xuất hiện.

Dấu hiệu đặc trưng của ung thư sụn là gây đau xương ngay tại khu vực có khối u xuất hiện. Cơn đau có xu hướng trở nên nghiêm trọng dần lên theo thời gian. Nhất là vào ban đêm hay khi người bệnh nghỉ ngơi. Ngoài ra, việc nghỉ ngơi không có tác dụng làm cơn đau thuyên giảm.

Trường hợp khối u phát triển lớn hay cơn đau xương trở nên nghiêm trọng thì người bệnh có thể bị mất kiểm soát tại khu vực bị ảnh hưởng. Nếu khối u ảnh hưởng đến chân thì người bệnh có thể bước đi khập khiễng.

dấu hiệu ung thư sụn
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị sưng đau tại vị trí xuất hiện khối u

Bên cạnh đó, ung thư sụn có thể gây ra một số triệu chứng khác đi kèm. Có thể bao gồm:

  • Gặp các vấn đề về đường tiêu trong trường hợp khối u ảnh hưởng tới khung xương chậu
  • Sưng đau, cứng khớp hay cảm thấy có áp lực đè nặng xung quanh khối u
  • Trường hợp khối u có kích thước lớn thì có thể sờ thấy
  • Trường hợp khối u đè lên tủy sống thì người bệnh có thể bị yếu, tê hay cử động không tự chủ

Ung thư sụn nguy hiểm không? Tiên lượng sống?

Ung thư sụn là một loại bệnh ung thư hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp nói riêng, sức khỏe tổng thể nói chung thì còn đe dọa cả tính mạng. Đặc biệt là trong trường hợp khối u chondrosarcom phát triển nhanh và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Tiên lượng của ung thư sụn phụ thuộc vào thời gian phát hiện và điều trị bệnh. Trường hợp bệnh còn ở giai đoạn đầu thì tiên lượng thường tốt. Số liệu thống kê ghi nhận khoảng 90% người bệnh sống sót sau hơn 5 năm điều trị. Còn với các trường hợp khối u chondrosarcom được phát hiện trong giai đoạn muộn thì tỷ lệ người bệnh sống sót sau 1 năm chỉ là 10%.

Xem thêm: U sụn màng hoạt dịch là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Chẩn đoán ung thư sụn

Các chuyên gia cho biết, hầu hết các khối u chondrosarcoma đều có tiến triển rất chậm. Chính vì vậy chúng có thể không được chẩn đoán trong thời gian dài. Trong một số trường hợp, khối u có thể được phát hiện trong quá trình xét nghiệm hình ảnh cho các vấn đề không liên quan.

Việc phân biệt khối u chondrosarcoma phát triển chậm với các khối u lành tính khác cũng là vấn đề rất khó khăn. Hơn nữa các triệu chứng của ung thư sụn đôi khi khá giống với nhiễm trùng xương hay viêm khớp.

Để có thể đưa ra chẩn đoán xác định, bác sĩ cần thực hiện thăm khám lâm sàng, kết hợp với xét nghiệm hình ảnh và làm sinh thiết:

1. Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể của người bệnh. Việc trao đổi về tiền sử bệnh lý cá nhân hay các bệnh lý trong gia đình được cho là cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán.

Trường hợp người bệnh gặp phải các triệu chứng thì bác sĩ có thể hỏi kỹ hơn vấn đề này. Triệu chứng xuất hiện từ khi nào? Tần suất và mức độ ra sao? Ảnh hưởng của triệu chứng đến vận động và sinh hoạt thường ngày.

2. Xét nghiệm hình ảnh

Xét nghiệm hình ảnh được thực hiện để giúp đưa ra chẩn đoán phân biệt ung thư sụn với các khối u xương lành tính khác. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính CT Scan.

chẩn đoán ung thư sụn
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán bệnh ung thư sụn

Dưới đây là một số xét nghiệm hình ảnh thường được dùng phổ biến trong chẩn đoán ung thư sụn:

  • Chụp X-quang: Xét nghiệm hình ảnh này sẽ giúp bác sĩ xác định được vị trí, hình dạng cũng như kích thước của khối u.
  • Chụp cắt lớp vi tính – CT Scan: Với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng tia X cường độ mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết ở bên trong cơ thể. Từ đó giúp xác định rõ các tế bào ung thư cùng sự di căn của chúng.
  • Chụp cộng hưởng từ – MRI: Xét nghiệm chụp cộng hưởng từ sẽ dùng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh về cấu trúc xương cùng các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Xạ hình xương – Bone scans: Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định được các tổn thương xương và khối u di căn. Người bệnh được cho uống 1 chất có lượng phóng xạ thấp. Chất này sẽ được các tế bào ung thư hấp thụ. Khu vực hấp thụ chất phóng xạ sẽ từ từ nóng lên và có màu xám đậm hay màu đen trên hình ảnh xạ hình xương.
  • Chụp cắt lớp phát xạ – PET: Với xét nghiệm này, chất phóng xạ sẽ được dùng để quan sát bên trong cơ thể. Từ đó giúp bác sĩ xác định xem khối u có phải là ung thư không. Chụp cắt lớp phát xạ cũng có thể giúp xác định chính xác của khối u sụn và các khối u đã di căn.

3. Sinh thiết

Ngoài việc thăm khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh thì bác sĩ cũng có thể sinh thiết mô để xác định ung thư sụn. Ở xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng kim tiên hay dao mổ để lấy đi 1 mẫu mô tại khối u. Sau đó đem đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xác định tế bào ung thư.

Sinh thiết mô cần được thực hiện một cách thận trọng và đúng phương pháp. Điều này sẽ tránh gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật loại bỏ khối u trong các trường hợp cần thiết.

Các phương pháp điều trị ung thư sụn hiện nay

Bác sĩ cần căn cứ vào vị trí và khả năng di căn của khối ung thư sụn để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, ung thư sụn là bệnh hiếm gặp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả cũng như các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình điều trị.

Dưới đây là một số phương pháp có thể được áp dụng trong điều trị ung thư sụn:

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật để loại bỏ khối u ác tính là phương pháp điều trị chính đối với bệnh ung thư sụn. Bác sĩ sẽ căn cứ vào vị trí và kích thước của khối u để cân nhắc chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.

điều trị ung thư sụn
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính với bệnh ung thư sụn

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ khối u chondrosarcoma cùng với một số mô khỏe mạnh xung quanh. Điều này giúp đảm bảo rằng các tế bào ung thư được loại bỏ hoàn toàn. Đồng thời giúp ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ bị mất 1 số xương, cơ và sụn. Do đó, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cấy ghép xương hay dùng đinh vít kim loại để hỗ trợ xương. Trường hợp khối u ở gần khớp thì người bệnh có thể bị đau đầu gối, khớp háng. Lúc này có thể càn thay khớp để giúp cải thiện chức năng vận động.

Còn trường hợp khối u ở cánh tay/ chân thì bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật bảo tồn chức năng tay/ chân. Tuy nhiên với một số trường hợp nghiêm trọng thì bệnh nhân có thể cần phải cắt chi và lắp chi giả để phục hồi chức năng.

Bên cạnh đó, để làm giảm nguy cơ ung thư sụn tái phát, bác sĩ có thể đưa nitơ hóa lỏng vào khu vực có khối u. Nitơ sẽ đóng băng, đồng thời tiêu diệt hết các tế bào ung thư chưa được loại bỏ sau phẫu thuật.

2. Xạ trị

Trong một số trường hợp, khối u Chondrosarcoma có thể ảnh hưởng tới đáy sọ hay các vị trí gây khó khăn cho việc loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị trước khi tiến hành phẫu thuật.

Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường được áp dụng trong giai đoạn đầu của bệnh ung thư hay sau khi các khối u đã di căn.

Xạ trị sẽ làm tổn thương các tế bào ung thư nhờ cơ chế phá hủy vật liệu di truyền. Đồng thời kiểm soát sự phát triển và phân chia của các tế bào ung thư. Tuy nhiên việc xạ trị đôi khi có thể gây tác động xấu tới các tế bào khỏe mạnh. Điều này sẽ gây ra một số tác dụng phụ.

Dưới đây là một số tác dụng phụ khi thực hiện xạ trị ung thư sụn:

  • Rụng tóc ở vị trí điều trị, nhiều trường hợp còn bị rụng tóc vĩnh viễn
  • Mệt mỏi và kích ứng da
  • Khô miệng, khó nuốt, nước bọt đặc, đau họng
  • Thay đổi khẩu vị, sâu răng, lở miệng, buồn nôn
  • Ho hoặc thở gấp
  • Kích thích bàng quang, tiêu chảy
  • Rối loạn chức năng tình dục

3. Hóa trị

Hóa trị liệu thường nhắm vào các tế bào bất thường phát triển nhanh. Tuy nhiên ung thư sụn lại là một khối u ác tính phát triển chậm. Chính vì vậy mà biện pháp điều trị này thường không được áp dụng phổ biến.

hóa trị liệu ung thư sụn
Trường hợp khối u chondrosarcoma phát triển nhanh và có nguy cơ di căn cao thì bác sĩ có thể yêu cầu điều trị bằng hóa trị liệu

Tuy nhiên trong một số trường hợp, khối u Chondrosarcoma cũng có khả năng phát triển nhanh. Đồng thời có nguy cơ di căn cao. Lúc này, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định điều trị bằng hóa trị liệu.

Hóa trị liệu là phương pháp điều trị sử dụng hóa chất mạnh để tiêu diệt các tế bào bất thường phát triển nhanh trong cơ thể. Phương pháp này sẽ giúp loại bỏ các tế bào ung thư một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, hóa trị liệu điều trị ung thư sụn có thể gây ra một số tác dụng phụ. Thường gặp nhất là:

  • Buồn nôn, nôn ói
  • Tiêu chảy, táo bón
  • Lở miệng, ăn không ngon
  • Mệt mỏi, sốt

Một số tác dụng phụ do hóa trị liệu gây ra có thể dự phòng và điều trị được. Chính vì vậy khi gặp phải các triệu chứng bất thường, người bệnh nên trao đổi cụ thể với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục.

Trên đây là những thông tin cơ bản cần nắm rõ về bệnh ung thư sụn. Đây mặc dù là bệnh ung thư hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm nên cần tuyệt đối không được chủ quan. Tốt nhất hãy nghiêm túc điều trị theo phác đồ từ bác sĩ chuyên khoa để kéo dài tiên lượng sống.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Gạo Lứt có Chữa được Thoát Vị Đĩa Đệm không, bằng Cách nào?

Dùng gạo lứt chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp dân gian, được đánh giá cao về hiệu quả…

Đau lưng sau khi quan hệ (ở nữ, nam) – Hãy cẩn thận!

Đau lưng sau khi quan hệ là hiện tượng thường gặp ở nam giới nhưng cũng có thể ảnh hưởng…

Mổ thoát vị đĩa đệm xong bao lâu có thể quan hệ? Mổ thoát vị đĩa đệm xong bao lâu có thể quan hệ?

Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu quan hệ được phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, phương…

10 địa chỉ thăm khám chứng tê tay chân tốt nhất

Chứng tê tay chân có liên quan đến nhiều bệnh lý trong cơ thể. Chính vì vậy, bạn cần tìm…

đau bả vai phải khó thở Đau bả vai phải khó thở – Các bệnh liên quan và cách xử lý

Đau bả vai phải khó thở là tình trạng khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua