Bệnh Paget xương là gì? Nguy hiểm không? Cách điều trị
Bệnh Paget xương là một chứng rối loạn bất thường xảy ra ở cấu trúc xương. Bệnh khiến cho xương trở nên yếu và rất dễ bị gãy. Nếu không sớm phát hiện và kiểm soát tốt thì bệnh còn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy cần tìm hiểu thông tin về bệnh để luôn chủ động trong việc phát hiện và thăm khám.
Bệnh Paget xương là gì?
Bệnh paget xương (Paget’s disease of bone) là một chứng rối loạn bất thường xảy ra ở cấu trúc xương. Ở những người khỏe mạnh, bình thường xương liên tục phát triển với quá trình phân hủy và tái tạo mới. Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại liên tục để duy trì cấu trúc xương khỏe mạnh.
Trong quá trình hình thành và xây dựng cấu trúc xương, các tế bào xương cũ sẽ bị thay thế bởi các tế bào xương mới. Tuy nhiên ở bệnh Paget xương thì khả năng thay thế này sẽ bị cản trở. Tế bào xương mới sẽ không thể tạo ra kịp để thay thế cho tế bào xương cũ. Từ đó khiến cho các phần xương bị yếu đi và trở nên dễ gãy.
Bệnh Paget xương có thể ảnh hưởng đến bất cứ phần xương nào trong hệ thống xương của cơ thể. Phổ biến nhất là vùng xương cột sống, xương cổ, xương chậu, xương hộp sọ và xương chân. Đây đều là những vị trí rất quan trọng, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như khả năng vận động của người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh Paget xương
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Paget xương vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên theo kết quả của nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nghi ngờ rằng sự kết hợp của yếu tố di truyền và các yếu tố môi người góp phần gây ra bệnh. Có một số gen có thể liên quan đến cơ chế bệnh sinh.
Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu còn đưa ra giả thuyết rằng, bệnh Paget về xương có thể còn liên quan đến tình trạng nhiễm virus ở trong các tế bào xương. Tuy nhiên giả thuyết này cho đến nay vẫn chưa được làm rõ và còn gây nhiều tranh cãi.
Một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh Paget xương bao gồm:
- Tuổi tác: Những người trên 40 tuổi được cho là có nhiều khả năng mắc phải bệnh lý này nhất.
- Giới tính: Số liệu thống kê cho thấy, bệnh ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn là phụ nữ.
- Nguồn gốc quốc gia: Bệnh Paget xương phổ biến ở các nước châu Âu hơn là ở Scandinavia và châu Á.
- Tiền sử gia đình: Nếu bạn có người thân cận huyết mắc bệnh Paget xương thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn những người bình thường khác.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Paget xương
Những người mắc bệnh Paget xương có thể sẽ không gặp phải các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên khi triệu chứng xảy ra thì phàn nàn phổ biến nhất là tình trạng đau xương.
Ở bệnh lý này, khả năng tạo ra các tế bào xương mới bị hạn chế. Từ đó sẽ không thể thay thế kịp thời cho các tế bào xương cũ. Điều này sẽ tạo ra xương mềm và yếu hơn. Điều này có thể dẫn tới đau xương, gãy xương hay dị dạng.
Bệnh Paget có thể chỉ ảnh hưởng đến 1 hay vài vùng trên cơ thể. Tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh còn lan rộng và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Các dấu hiệu của bệnh còn phụ thuộc vào bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Cụ thể như:
- Xương chậu: Bệnh Paget xương cùng chậu có thể gây ra tình trạng đau hông.
- Hộp sọ: Sự phát triển quá mức của xương bên trong hộp sọ có thể gây đau đầu. Thậm chí là gây mất thính giác.
- Cột sống: Trường hợp cột sống bị ảnh hưởng thì các rễ dây thần kinh có thể bị chèn ép. Điều này sẽ gây đau, ngứa ran và tê ở cánh tay hoặc chân.
- Xương chân: Khi xương yếu đi thì chúng có thể bị uốn cong. Tình trạng này sẽ khiến chân của người bệnh có dấu hiệu bị vòng kiềng. Các xương ở chân to ra và biến dạng cũng sẽ tạo thêm áp lực cho các khớp gần đó. Điều này có thể gây viêm xương khớp ở đầu gối hoặc ở hông.
Nên chủ động liên hệ và tìm gặp bác sĩ trong các trường hợp sau:
- Đau xương và khớp
- Ngứa ran và cảm thấy yếu ớt vùng cột sống
- Dị tật xương
- Mất thính lực không rõ nguyên nhân, nhất là chỉ ở 1 bên
Bệnh Paget xương có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh Paget xương có xu hướng tiến triển chậm. Bệnh lý này có thể kiểm soát tốt nếu sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp đúng đắn.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, các biến chứng vẫn có thể xảy ra, thường bao gồm:
- Gãy xương và dị tật: Xương bị ảnh hưởng của Paget sẽ trở nên dễ gãy hơn bình thường. Mạch máu thừa phát triển trong các xương biến dạng có thể gây ra tình trạng chảy máu nhiều hơn trong khi phẫu thuật sửa chữa. Xương chân có thể bị vòng kiềng và ảnh hưởng tới khả năng đi lại của người bệnh.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp khác: Tình trạng xương bị lệch có thể làm gia tăng sức ép lên các khớp xương lân cận. Đây có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm xương khớp.
- Ảnh hưởng thần kinh: Trường hợp bệnh Paget xương xảy ra tại khu vực có gây thần kinh đi qua xương như cột sống hay hộp sọ thì sự phát triển của xương có thể gây chèn ép và làm tổn thương các dây thần kinh. Từ đó gây đau, yếu hay ngứa ran ở cánh tay, chân. Thậm chí nhiều trường hợp còn làm mất thính giác.
- Suy tim: Bệnh Paget xương lan rộng sẽ buộc tim phải làm việc tích cực hơn để bơm máu tới các vùng bị ảnh hưởng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới suy tim.
- Ung thư xương: Mặc dù hiếm xảy ra (chỉ chiếm khoảng 1%) nhưng bệnh Paget xương cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư xương.
Chẩn đoán bệnh Paget xương
Để đưa ra chẩn đoán xác định về bệnh Paget xương thì bác sĩ cần căn cứ vào kết quả thăm khám lâm sàng cùng kết quả của các xét nghiệm cần thiết. Cụ thể như sau:
1. Thăm khám lâm sàng
Trước hết bác sĩ sẽ kiểm tra tại vùng cơ thể mà bạn bị đau nhức và khó chịu. Tiếp đến là hỏi kỹ về các triệu chứng. Chúng xuất hiện khi nào, biểu hiện ra sao, khi nghỉ ngơi có thuyên giảm không…
Ngoài ra, việc hỏi thăm về tiền sử bệnh lý hay tiền sử chấn thương của người bệnh cũng được cho là rất cần thiết. Bởi đây đều là những yếu tố có thể giúp ích cho việc khoanh vùng và đưa ra chẩn đoán xác định.
2. Thăm khám cận lâm sàng
Ngoài việc thăm khám lâm sàng thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng. Những thay đổi về xương thường gặp ở bệnh Paget xương có thể được tìm thấy bởi:
- Chụp X-quang: Dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý này thường là những bất thường có thể được tìm thấy trên hình ảnh X-quang được thực hiện bởi một số lý do khác. Hình ảnh X-quang cho thấy các vùng mở rộng xương, tái hấp thu xương hay các biến dạng đặc trưng của Paget xương. Điển hình như các xương dài có dấu hiệu bị cong.
- Xạ hình xương: Xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán và theo dõi một số bệnh lý về xương. Trong quá trình xạ hình xương, chất phóng xạ sẽ được tiêm vào cơ thể. Thành phần này sẽ đi tới các điểm trên xương bị ảnh hưởng nhiều nhất do bệnh Paget xương. Và các điểm này sẽ sáng lên trên hình ảnh quét.
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để hỗ trợ chẩn đoán. Những người mắc bệnh Paget xương thường sex có nồng độ kiềm phosphatase trong máu tăng cao.
Các phương pháp điều trị bệnh Paget xương
Trường hợp bệnh Paget xương không gây ra các triệu chứng thì bạn có thể không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu bệnh đang hoạt động (biểu hiện bởi mức phosphatase kiềm tăng cao) và đang ảnh hưởng tới các vị trí có nguy cơ cao như cột sống hay hộp sọ thì bác sĩ có thể đề nghị điều trị. Điều này giúp ngăn ngừa biến chứng ngay cả khi các triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng.
Dưới đây là một số giải pháp điều trị thường được áp dụng cho bệnh Paget xương:
1. Sử dụng thuốc
Thuốc trị loãng xương (bisphosphonates) hiện đang là phương pháp điều trị phổ biến đối với bệnh Paget xương. Một số loại thuốc bisphosphonates được sử dụng bằng đường uống trong khi một số khác có thể dùng theo đường tiêm.
Các loại bisphosphonates đường uống thường được dung nạp tương đối tốt. Tuy nhiên chúng lại có thể khiến đường tiêu hóa của bạn bị kích ứng. Một số ví dụ cho trường hợp này là:
- Risedronate (Actonel)
- Axit Zoledronic (Zometa, Reclast)
- Ibandronate (Boniva)
- Alendronate (Fosamax)
- Pamidronate (Aredia)
Tình trạng đau cơ, khớp hoặc xương nghiêm trọng có thể không giải quyết được khi ngừng thuốc. Ngoài ra các thuốc bisphosphonates còn có thể làm tăng nguy cơ mắc phải một số tình trạng hiếm gặp. Điển hình như tình trạng hoại tử xương hàm. Tình trạng này thường có liên quan tới bệnh nha khoa đang hoạt động hay phẫu thuật miệng.
Trường hợp người bệnh không thể dung nạp được bisphosphonates thì bác sĩ có thể kê đơn calcitonin (Miacalcin) để thay thế. Đây là một loại hormone sản sinh tự nhiên liên quan tới việc điều hòa canxi và chuyển hóa xương. Calcitonin có thể được dùng bằng cách tiêm hay xịt mũi. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý bao gồm đỏ bừng mặt, buồn nôn và gây kích ứng tại chỗ tiêm.
2. Can thiệp phẫu thuật
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân bị Paget xương. Phẫu thuật được yêu cầu để:
- Giúp xương gãy chóng lành hơn
- Thay thế các khớp bị tổn thương do viêm khớp nặng
- Làm giảm áp lực lên các dây thần kinh
- Căn chỉnh lại các xương bị biến dạng
Bệnh Paget xương có thể khiến cho cơ thể sản xuất quá nhiều mạch máu tại xương bị ảnh hưởng. Từ đó làm tăng nguy cơ bị mất máu nghiêm trọng trong quá trình phẫu thuật. Vì vậy, trước khi lên lịch phẫu thuật, bác sĩ cần kê đơn thuốc giúp làm giảm hoạt động của bệnh. Từ đó sẽ làm giảm mất máu khi thực hiện phẫu thuật.
3. Các biện pháp hỗ trợ tại nhà
Để làm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng có liên quan tới bệnh Paget xương, bạn nên áp dụng một số giải pháp sau:
– Ngăn ngừa té ngã:
Bệnh Paget xương sẽ khiến cho bạn có nguy cơ bị gãy xương cao. Tốt nhất nên nhận lời khuyên bác sĩ để giúp ngăn ngừa tình trạng này. Người bệnh thường được khuyên sử dụng gậy hay khung tập đi.
– Chống trơn trượt cho không gian sống:
Nên tháo bỏ lớp sàn trơn trượt trong nhà hay nơi làm việc. Tốt nhất hãy sử dụng thảm chống trơn ở trong bồn tắm. Ngoài ra nên buộc gây và lắp tay vịn ở cầu thang cũng như thanh vịn ở trong bồn tắm.
– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh:
Người bệnh cần chú ý đảm bảo chế độ ăn uống bổ sung đủ lượng canxi và vitamin D mà cơ thể cân. Điều này đặc biệt quan trọng hơn nếu bạn đang được chỉ định điều trị với bisphosphonate. Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về một chế độ ăn phù hợp nhất.
– Tập luyện đều đặn:
Thường xuyên dành thời gian cho hoạt động thể chất là yếu tố cần thiết giúp duy trì khả năng vận động của khớp cũng như sức mạnh của xương. Trao đổi với bác sĩ trước khi bạn bắt đầu 1 chương trình tập thể dục. Bác sĩ sẽ tư vấn thời gian và cường độ tập luyện phù hợp với bạn. Cần chú ý rằng một số hoạt động có thể tạo áp lực và gây căng thẳng quá mức cho các khớp xương bị ảnh hưởng.
Paget xương là bệnh lý về xương có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không sớm phát hiện và kiểm soát tốt. Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì bạn nên chủ động thăm khám ngay. Đồng thời nghiêm túc điều trị và chăm sóc theo chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm:
- Loạn sản xơ xương: Cách điều trị và thông tin cần biết
- Thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy đau nhức cần phải làm gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!