Ung thư xương hàm và thông tin người bệnh cần biết
Bệnh ung thư xương hàm xảy ra khi các tế bào ung thư hình thành trong xương và hình thành lên khối u. Nó khiến cho xương hàm bị đau nhức, tê ngứa hoặc có thể làm răng bị lung lay, khó nhai thức ăn hoặc nói chuyện. Việc điều trị ung thư xương hàm nếu được tiến hành sớm khi khối u còn nhỏ sẽ giúp nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Ung thư xương hàm là gì?
Bệnh ung thư xương hàm là một trong những dạng ung thư xương ở mặt thường gặp được xác định khi có sự hiện diện của khối u ác tính trong xương hàm. Bệnh thường gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá hoặc thường xuyên lạm dụng bia, rượu.
Một cá nhân có thể mắc bệnh ung thư xương hàm nguyên phát khi khối u bắt đầu hình thành ngay tại xương hàm hoặc phát triển thứ phát do bị ung thư ở vị trí khác trước đó. Điều này có nghĩa là các tế bào ung thư di căn từ cơ quan khác đến xương hàm và hình thành khối u, điển hình nhất là bệnh ung thư biểu mô tế bào vảy ở miệng.
Ung thư xương hàm có khả năng phát triển khá nhanh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, khối u có thể phát triển to gây biến dạng mặt, đồng thời di căn sang các cơ quan khác đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
Nguyên nhân gây ung thư xương hàm
Khối u ác tính trong xương hàm có thể tiến triển do các nguyên nhân sau:
- Hút thuốc lá: Trong khói thuốc lá chứa hàm trăm chất độc, trong đó có tới 70 chất gây ung thư. Thói quen nghiện hút thuốc lá của các quý ông không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư xương hàm và nhiều căn bệnh ung thư nguy hiểm ở các cơ quan khác.
- Lạm dụng bia rượu: Những người thường xuyên sử dụng nhiều bia rượu và các thức uống có cồn cũng có nguy cơ bị ung thư xương hàm cao. Việc lạm dụng các thức uống này trong thời gian dài làm phá vỡ trạng thái ổn định của các tế bào và gây đột biến gene, từ đó dẫn đến ung thư.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì chức năng hoạt động của hệ miễn dịch càng suy giảm. Chính vì vậy, khả năng chống lại vi khuẩn, virus cùng các tác nhân gây hại khác của cơ thể cũng kém dần. Đây chính là một trong những lý do khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư xương hàm ở người lớn tuổi luôn ở mức cao.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Thói quen sử dụng thức ăn nhanh, đồ hộp hoặc các thực phẩm chứa chất độc hại, ăn uống không đủ dưỡng chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương hàm.
- Nhiễm virus Human Papilloma ( HPV): HPV là một loại virus có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Tình trạng nhiễm virus HPV trong miệng kéo dài cũng có thể dẫn đến bệnh ung thư xương hàm.
Nhận biết đầy đủ các yếu tố nguy cơ cũng như nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn có phương pháp phòng ngừa và điều trị ung thư xương hàm hiệu quả hơn.
Các dấu hiệu bệnh ung thư xương hàm
Bệnh ung thư xương hàm có thể tiến triển âm thầm trong nhiều năm và thường ít gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu khiến không ít trường hợp chủ quan và phát hiện bệnh chậm trễ. Khi tiến triển mạnh, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:
– Thường xuyên có cảm giác đau nhức trong hàm:
Nếu bạn thường xuyên bị đau nhức dữ dội ở hàm, hãy thận trọng với bệnh ung thư xương hàm. Cơn đau thường xuất hiện theo từng đợt khiến cho mọi cử động ở miệng trở nên khó khăn. Cảm giác đau có thể tăng mạnh khi nói chuyện hay nhai thức ăn.
Triệu chứng đau nhức hàm cảnh báo khối u ác tính đã bắt đầu xâm lấn rộng vào trong xương hàm. Tuy nhiên, một số bệnh lý khác như viêm xương hàm hay một chấn thương sau va đập cũng có thể gây đau nhức xương hàm. Nếu có dấu hiệu này, bạn nên đi khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau và phát hiện sớm ung thư nếu không may bị bệnh.
– Có khối u ở hàm
Khi khối u ác tính phát triển to về kích thước, bạn có thể quan sát hoặc sờ thấy sự hiện diện của nó ở trên thành miệng. Đôi khi khối u cũng có thể xuất hiện dọc theo đường nướu.
Mặc dù vậy, không phải ai có khối u ở hàm cũng bị ung thư. Một số trường hợp có thể bị u lành tính ở xương hàm. Những kỹ thuật kiểm tra tại bệnh viện sẽ giúp bạn chẩn đoán phân biệt khối u lành tính hay ác tính.
– Đau răng, răng lung lay:
Sự xâm lấn của khối u khiến cho chân răng không còn bám chắc được trên hàm. Nó khiến răng bị xô lệch, lung lay và đau nhức. Nếu một hay nhiều răng của bạn bị lung lay kéo dài mà không do tác động từ ngoại lực, sâu răng hoặc do mắc các bệnh lý nha chu thì nên nhanh chóng tới bệnh viện kiểm tra.
– Hàm bị sưng to:
Ở những người bị ung thư xương hàm, hàm không chỉ đau nhức khó chịu mà còn có biểu hiện sưng to do có sự phát triển của khối u. Khi khối u ác tính xâm lấn ra bên ngoài khu vực xương hàm, nó có thể khiến bạn bị sưng cả mặt.
– Xuất hiện cảm giác tê hoặc ngứa ran ở hàm
Hiện tượng tê hoặc ngứa ran như châm chích có thể xuất hiện dọc theo đường viền dưới hàm. Nguyên nhân là do khối u phát triển to và chèn ép vào các dây thần kinh cảm giác ở khu vực khoang miệng.
– Hạch bách huyết dưới hàm bị sưng:
Các tế bào ác tính từ trong xương hàm có thể lan ra ngoài và xâm lấn đến các hạch bạch huyết trong vùng cổ khiến cho chúng bị sưng đau. Đây là dấu hiệu cho thấy ung thư xương hàm đang bước vào giai đoạn tiến triển mạnh và di căn ra khỏi vị trí ban đầu.
Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư xương hàm
Bệnh ung thư xương hàm được chia thành 4 giai đoạn phát triển như sau:
- Giai đoạn I: Khối u ác tính mới hình thành trong xương hàm, chưa xâm lấn ra ngoài.
- Giai đoạn II: Khối u phát triển to hơn về kích thước nhưng ung thư vẫn chỉ ảnh hưởng trong phạm vi xương hàm, chưa di căn đến hạch bạch huyết.
- Giai đoạn III: Đây là giai đoạn bệnh có sự tiến triển mạnh. Các tế bào ung thư nhanh chóng di căn đến các hạch bạch huyết cũng như tế bào khỏe mạnh lân cận.
- Giai đoạn IV: Ở giai đoạn cuối, tế bào ác tính đã xâm lấn ra khoang miệng, hạch bạch huyết và ảnh hưởng đến các cơ quan ở xa hơn.
Bệnh ung thư xương hàm có nguy hiểm không?
Nghiên cứu cho thấy, bệnh ung thư xương hàm có mức độ xâm lấn khá nhanh. Tốc độ di căn của bệnh có thể cao hơn gấp 3 – 4 lần so với nhiều loại ung thư khác.
Khi bước vào giai đoạn tiến triển mạnh, khối u nhanh chóng phát triển về kích thước và di căn đến các cơ quan ở xa hơn dẫn đến suy giảm chức năng hoạt động đa nội tạng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
Do vậy, ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc ung thư xương hàm, bạn nên tới bệnh viện thăm khám, tầm soát ung thư để phát hiện và điều trị sớm. Việc chữa trị ung thư xương hàm được tiến hàng ở giai đoạn đầu sẽ giúp nâng cao cơ hội điều trị thành công và kéo dài sự sống cho người bệnh.
Tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư xương hàm
Khả năng sống trên 5 năm của bệnh nhân mắc ung thư xương hàm phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm bắt đầu tiến hành điều trị. Cụ thể như sau:
- Giai đoạn I: 80% bệnh nhân có thể kéo dài thời gian sống trên 5 năm
- Giai đoạn II: Tỷ lệ bệnh nhân sống từ 5 năm trở lên giảm xuống còn 70%
- Giai đoạn III: Tiên lượng sống dưới 5 năm khoảng 60%.
- Giai đoạn IV: Tiên lượng sống của bệnh nhân khá thấp, thời gian sống tối đa không quá 5 năm.
Chẩn đoán ung thư xương hàm
Tại phòng khám, bác sĩ có thể đưa ra một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng bạn đang gặp phải, thời điểm bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh. Một số vấn đề khác như tiền sử mắc bệnh, chế độ ăn uống, sinh hoạt… cũng có thể được đưa ra trao đổi nhằm mục đích chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ cũng tiến hành thăm khám khu vực bên ngoài xương hàm nhằm tìm kiếm sự hiện diện của khối u, vị trí đau hay tình trạng sưng mặt, sưng hạch bạch huyết… Một số kỹ thuật dưới đây có thể được thực hiện để sàng lọc ung thư:
- Chụp X-quang vùng xương hàm bị ảnh hưởng
- Chụp CT 3D
- Làm sinh thiết để xác định xem khối u ở xương hàm lành tính hay ác tính
Nếu phát hiện các khối u ở xương hàm là lành tính thì việc điều trị thường không được tiến hành. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân theo dõi thường xuyên bởi nếu chúng vẫn tiếp tục phát triển về mặt kích thước thì có khiến khiến cho xương hàm cũng như các mô xung quanh bị suy yếu.
Trường hợp được chẩn đoán mắc u xương ác tính ở hàm, bác sĩ sẽ căn cứ vào giai đoạn ung thư, mức độ xâm lấn của khối u, tuổi tác và tình trạng sức khỏe chung của người bệnh để xây dựng phác đồ điều trị ung thư cho phù hợp.
Cách điều trị bệnh ung thư xương hàm
Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị là những phương pháp điều trị chính được áp dụng cho bệnh nhân bị ung thư xương hàm. Trong đó phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất.
Khi khối u còn nhỏ, ca phẫu thuật sẽ được tiến hành nhằm mục đích khoét bỏ khối u và một số mô lân cận. Do vùng loại bỏ có diện tích không lớn nên hầu hết bệnh nhân không gặp phải di chứng xấu nào sau phẫu thuật và vẫn bảo tồn được chức năng của xương hàm cũng như tính thẩm mỹ của khuôn mặt.
Trường hợp khối u có kích thước lớn và đã xâm lấn rộng hơn thì bác sĩ có thể đề nghị làm phẫu thuật cắt bỏ một đoạn xương. Một số cuộc phẫu thuật chỉnh hình cũng có thể được tiến hành sau đó nhằm khôi phục tính thẩm mỹ cho người bệnh. Bệnh nhân được yêu cầu tái khám định kỳ sau ca mổ để theo dõi quá trình phục hồi và đảm bảo khối u không còn xuất hiện trở lại.
Đôi khi, hóa trị và xạ trị có thể được đề nghị kết hợp cùng với phẫu thuật. Nếu được tiến hành trước ca mổ, chúng có tác dụng thu nhỏ kích thước của khối u trong xương hàm. Ngược lại hóa trị và xạ trị được thực hiện sau ca phẫu thuật nhằm đảm bảo các tế bào ung thư còn sót lại được tiêu diệt hoàn toàn.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư xương hàm
Không có giải pháp nào giúp ngăn ngừa bệnh ung thư xương hàm cho hiệu quả tuyệt đối. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này bằng một số cách đơn giản dưới đây:
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ
- Khám răng miệng định kỳ, thường xuyên để sớm phát hiện ra bệnh khi có các dấu hiệu bất thường.
- Ngưng hút thuốc lá. Ngay cả khi bạn không hút thuốc thì cũng nên tránh xa những nơi có khói thuốc lá.
- Hạn chế uống bia rượu
- Quan hệ tình dục an toàn và tránh “yêu” bằng đường miệng để không bị lây nhiễm HPV.
- Ăn uống đủ bữa, có chế độ ăn đầy đủ. Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin A, C, E và chất chống oxy hóa vào trong thực đơn để nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Nhìn chung, bệnh ung thư xương hàm tuy có tốc độ phát triển nhanh và nguy hiểm nhưng nếu được điều trị sớm thì cơ hội sống được trên 5 năm khá cao. Khi có triệu chứng bất thường nghi ngờ mắc căn bệnh này, bạn nên tiến hành thăm khám và tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời giữ vững tinh thần lạc quan để bệnh nhanh chóng được đẩy lùi.
Có thể bạn quan tâm:
- Ung thư sụn là gì? Tất cả các thông tin cần biết
- Vòm họng nổi cục có phải dấu hiệu của ung thư vòm họng?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!