U xương là gì? Nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị
U xương xảy ra khi các tế bào xương phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và tạo thành khối u. Khối u này có thể là lành tính hay ác tính. Cần sớm thăm khám và làm giải phẫu nhằm xác định bản chất cả khối u để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách.
U xương là gì? Có những loại nào?
U xương là bệnh lý thường gặp, xảy ra khi các tế bào xương phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và tạo thành các khối u. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp u xương là lành tính.
Trường hợp khối u xương không phải là ung thư thì sẽ không di căn. Tuy nhiên bệnh vẫn sẽ ảnh hưởng tới xương. Từ đó làm suy yếu các vùng xương dễ bị tổn thương khi có va chạm.
Trường hợp khối u là ác tính thì đó chính là ung thư xương. Lúc này nếu không sớm kiểm soát kịp thời thì bệnh có khả năng di căn ra khắp cơ thể. Đồng thời làm tổn thương các mô xương bình thường.
1. Các loại u xương lành tính
Các loại u xương lành tính thường gặp có thể bao gồm:
– Nang xương:
Nang xương được cho là một khối u xương lành tính. Hình ảnh X-quang của nó là một hình khuyết sáng có bờ đồng đều, mỏng và liên tục. Có nhiều loại nang xương bao gồm:
- Nang đơn độc: Thường xuất hiện ở các đầu xương. Vùng xương có nang sẽ dễ bị rạn nứt hay gãy. Tuy nhiên không bao giờ có phản ứng màng xương. Và thường chỉ xuất hiện 1 nang duy nhất.
- Nang răng: Hình nang thường do u men răng khu trú tại chân răng hay xung quanh chân răng.
- Nang ký sinh trùng: Phần nhiều là do sán chó Echinococus. Hình ảnh X-quang tương tự như nang đơn độc nhưng nhìn thấy ở nhiều nơi trong xương.
– U xương lành tính:
Thường thấy ở các xương sọ, mặt hoặc chi. Nguyên nhân thường là do gãy xương, viêm xương hay rối loạn phát triển xương. Một số đặc điểm cụ thể như sau:
- Chỗ xương có u thường rộng ra và dày lên. Có độ cản quang đồng đều tương tự như vùng xương lân cận.
- Khối xương mọc thêm cũng sẽ thấy rõ thớ xương. Đồng thời được bao bọc bởi vỏ xương có đường viền rõ nét và liên tục.
– U sụn:
U sụn thường tiềm tàng và đơn độc. Đôi khi được phát hiện khi xương bị gãy. Khối u thường hay xuất hiện ở đốt ngón tay/ ngón chân và ở xương dài. Số ít trường hợp xuất hiện ở nhiều nơi.
Vì tổ chức sụn không cản quang nên u sụn thường biểu hiện bằng vùng không cản quang tròn hoặc bầu dục ở trung tâm. Có thể đồng đều hoặc lấm tấm những hình vôi hóa nhỏ và có bờ viền rõ với hình vỏ xương mỏng. Thường xương sẽ có hình bột, đôi khi khối u sụn có vách ngăn thành ô nhỏ giống như trong kén xương.
– U tế bào khổng lồ:
Loại u xương lành tính này thường chỉ gặp ở những người trưởng thành. Khối u đa phần xuất hiện ở vùng đầu xương dài với các đặc điểm trên hình ảnh X-quang như sau:
- Khối u nhìn giống như hình nang lớn với nhiều vách ngăn thành nhiều hốc. Trông giống như bọt xà phòng.
- Đầu xương bị tổn thương sẽ phồng to ra. Vỏ xương mỏng nhưng có đường viền liên tục, đều và rõ nét. Không thấy xuất hiện hình viêm màng xương.
- Khi u tế bào khổng lồ có dấu hiệu ác tính hóa thì sẽ thấy vỏ xương bị phá hủy. Khối u sẽ ăn lan sang cả phần mềm. Đồng thời có thể lan tỏa sang cả các vùng xương lân cận.
2. Các loại u xương ác tính
Một số loại u xương ác tính thường gặp có thể bao gồm:
– Saccome tạo xương:
Là khối u ác tính của xương thường hay gặp sau u tủy. Saccome tạo xương được chia thành 2 thể bao gồm:
+ Saccome không cốt hóa (thể tiêu hủy):
U làm tiêu hủy xương tạo nên các hình khuyết tròn hoặc bầu dục trong vùng đầu xương. Tình trạng tiêu hủy lan rất nhanh sang xương xốp và phần mềm. Đầu xương trống rỗng và rất dễ gãy, phần vỏ xương có thể bị phá hủy.
Nhiều trường hợp, vùng ngoại vi có thể có hình cựa gà. Vùng trung tâm tổn thương có thể xuất hiện 1 vài bè xương phát triển thẳng góc với phần trục lớn của xương. Các biểu hiện bao gồm vỡ vỏ xương, xâm lấn phần mềm. Chúng thường liên quan tới các nguyên nhân ác tính.
+ Saccome cốt hóa:
Đây là thể hay gặp nhất, saccome cốt hóa có thể được chia ra thành 2 phân thể nhỏ hơn. Bao gồm:
- Thể đặc xương: Hình ảnh tổn thương mờ đậm. Tuy nhiên đôi khi có rải rác vài chỗ sáng với đường viền mờ và không rõ nét. U phát triển nhanh khiến xương phình to. Đồng thời mất đi kiến trúc xương bình thường. Đường viền của phần vỏ xương nham nhở và không đều. Hình khối u khá giống với cái súp lơ ăn vào phần mềm.
- Thể màng xương: Trong giai đoạn đầu sẽ chỉ thấy hình gợn bên trong ở vỏ xương. Màng xương có dấu hiệu bong ra. Dần dần vỏ xương sẽ bị phá hủy theo chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời sẽ có nhiều phản ứng ở màng xương tạo nên các vết đậm từ xương mọc ra tua tủa. Những gai nhọn mọc thẳng góc với thân xương. Tổ chức u có xu hướng lan rộng ra phần mềm. Chúng tạo nên các hình mờ rải rác trên phim X-quang.
– Saccome sụn:
Dạng Saccome sụn nguyên phát thường xuất hiện ở các xương dài hay khung chậu. Còn dạng thứ phát thường do thoái hóa của u sụn hoặc u xương sụn. Saccome sụn thứ phát có xu hướng phát triển tương đối chậm.
Hình ảnh X-quang cho thấy khối u là hình không cản quang. Có lấm tấm các hình vôi hóa nhỏ. Ranh giới khối u không rõ ràng và thường xâm lấn ra xung quanh.
– Saccome Ewing:
Đây là trường hợp ung thư nguyên phát thường gặp nhất ở đối tượng trẻ em. Saccome Ewing có xu hướng di căn nhanh vào cột sống, xương sọ, xương dài, xương chậu và phổi.
Hình ảnh X-quang trong giai đoạn đầu có xuất hiện các vệt sáng từ trong ống tủy đi ra. Các vệt sáng này sẽ lan ra cả thân xương và các tổ chức đặc của xương.
Trường hợp khối u tiến triển nhanh thì hình ống tủy sẽ rất rộng. Xương mất đi nhiều chất vôi, đường viền của xương sẽ không còn rõ nữa. Lúc này rất dễ dẫn tới gãy xương bệnh lý.
Trong một số trường hợp Saccome Ewing có hình phản ứng màng xương bồi đắp song song với phần trục xương. Có hình như vỏ hành và thể hiện từng đợt tiến triển liên tiếp.
– Ung thư tế bào tuỷ (bệnh Kahler):
Ung thư tế bào tủy chính là khối u ác tính phát sinh từ tủy xương. Hình ảnh X-quang là những hình khuyết sáng tròn hay bầu dục. Nhìn vào trông như những lỗ đột vào xương, kích thước không có sự đồng đều. Nhỏ thì bằng đầu đinh ghim còn lớn thì bằng quả mơ.
Phần xương xung quanh có hình khuyết bị mất chất vôi. Xương có thể bị phình to ra. Tuy nhiên không xuất hiện phản ứng mọc thêm xương.
– Ung thư xương thứ phát:
Các chuyên gia cho biết, tất cả các loại ung thư đều có khả năng di căn vào xương. Một số ung thư hay di căn vào xương như: Tiền liệt tuyến, vú, ung thư tử cung, trực tràng, phế quản, đại tràng sigma, thận, tuyến giáp, u nốt ruồi, thực quản…
Ung thư xương thứ phát được chia làm 3 thể bao gồm:
+ Thể tiêu xương:
- Hình hốc khuyết xương có giới hạn không rõ ràng. Có thể hình tròn hoặc bầu dục. Kích thước dao động từ 1 đến vài cm. Không xuất hiện tình trạng mất chất vôi quanh hình khuyết xương.
- Xóa đi 1 đoạn xương như: Ngành ngồi háng, cuốn sống, mái che lỗ xương cùng…
- Có thể gây ra tình trạng gãy xương bệnh lý như gãy xương tự nhiên của 1 xương dài hay 1 đốt sống.
+ Thể tạo xương:
- Tổn thương ở thể này là những đám mờ tròn có ranh giới không rõ. Khi tổn thương bé và nhiều sẽ làm xương có hình thái như bông.
- Đôi khi xuất hiện hình ảnh đốt sống đậm đặc.
+ Thể hỗn hợp:
Ung thư xương thứ phát thể hỗn hợp sẽ có sự phối hợp của cả tiêu xương và đặc xương. Đây là một hình thái không hiếm gặp.
Nguyên nhân gây u xương
Nguyên nhân của sự xuất hiện các khối u xương hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định u xương có thể liên quan tới một số yếu tố như:
- Yếu tố di truyền
- Điều trị bức xạ
- Chấn thương ở xương
- Các loại thuốc chống ung thư
Tình trạng do điều trị bức xạ (nhất là bức xạ với liều lượng cao) và các loại thuốc chống ung thư thường xảy ra phổ biến ở trẻ em.
Các khối u thường có xu hướng xuất hiện khi các bộ phận của cơ thể đang có sự phát triển nhanh chóng. Những người đã từng bị gãy xương và được sửa chữa bằng cấy ghép kim loại cũng sẽ có nhiều khả năng bị u xương sau này.
Triệu chứng tiềm ẩn của các khối u xương
Những khối u xương lành tính có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Chúng chỉ có thể được phát hiện cho tới khi chụp quét hình ảnh dành cho một số xét nghiệm y tế khác.
Còn với các khối u ác tính thì đau âm ỉ trong xương là triệu chứng phổ biến nhất. Cơn đau bắt đầu không thường xuyên nhưng sau đó sẽ trở nên nghiêm trọng và liên tục hơn. Chúng có thể đánh thức giấc ngủ của bạn.
Đôi khi vị trí của khối u có thể sưng lên và gây đau dữ dội. Nhất là khi chúng gây ảnh hưởng và làm gãy xương vốn đã suy yếu. Một số trường hợp người bệnh có thể không bị đau nhưng sẽ cảm thấy một khối mô mới trên các bộ phận của cơ thể. Ngoài ra, các khối u cũng có thể gây sốt, đổ mồ hôi ban đêm…
Chẩn đoán u xương như thế nào?
Một số tình trạng khác như gãy xương hay nhiễm trùng có thể gây ra triệu chứng giống với khối u xương. Để chắc chắn rằng bạn có u xương thì bác sĩ có thể yêu cầu nhiều xét nghiệm khác nhau.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng tại khu vực nghi ngờ là có khối u xuất hiện. Họ sẽ kiểm tra độ mềm của xương cũng như kiểm tra phạm vi chuyển động của người bệnh. Bác sĩ cũng có thể hỏi về tiền sử bệnh của chính người bệnh và người thân trong gia đình.
Ngoài ra, một số xét nghiệm cận lâm sàng sau có thể được chỉ định:
1. Xét nghiệm máu và nước tiểu
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện cả xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Các chất lỏng này sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích. Lượng protein khác nhau có thể giúp chỉ ra sự hiện diện của khối u hay các vấn đề y tế khác.
Một thử nghiệm alkaline phosphatase cũng có thể được bác sĩ thực hiện để chẩn đoán khối u xương. Trường hợp mô xương tích cực tình thành các tế bào thì một lượng lớn enzyme này sẽ xuất hiện trong máu. Tuy nhiên thử nghiệm này sẽ đáng tin cậy hơn ở những người đã ngừng phát triển.
2. Kiểm tra hình ảnh
Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chụp X-quang để xác định chính xác kích thước và vị trí của khối u. Tùy thuộc vào kết quả X-quang mà các xét nghiệm hình ảnh khác có thể cần thiết:
- CT Scan
- Cộng hưởng từ MRI
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
- Chụp arteriogram
3. Sinh thiết
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết. Thử nghiệm này được thực hiện bằng cách lấy một mẫu mô tạo nên khối u và đem đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm dưới kính hiển vi. Hoàn thành sinh thiết xương là yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán xác định tình trạng bệnh.
Các phương pháp điều trị u xương phổ biến hiện nay
Điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào khối u xương là lành tính hay ác tính. Cụ thể như sau:
1. Điều trị đối với các khối u lành tính
Trường hợp khối u xương là lành tính thì có thể cần điều trị hoặc không. Đôi khi bác sĩ chỉ yêu cầu theo dõi các khối u xương lành tính để xem chúng có sự thay đổi theo thời gian hay không. Điều này đòi hỏi người bệnh cần thăm khám định kỳ để chụp X-quang.
Các khối u xương có thể phát triển, giữ nguyên hay từ từ biến mất. Trẻ em bị u xương lành tính thì các khối u sẽ có khả năng biến mất cao khi trưởng thành.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh cần thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ khối u lành tính. Nhất là trong các trường hợp khối u có thể lây lan hay biến đối thành các khối u ác tính. Hoặc các khối u xương lành tính tiềm ẩn nguy cơ gây gãy xương.
2. Điều trị đối với các khối u ác tính
Trường hợp khối u ác tính thì cần đặc biệt chú ý nghiêm túc theo dõi và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên quá lo lắng bởi các phương pháp điều trị u xương ác tính hiện nay vẫn đang được phát triển và hoàn thiện.
Việc điều trị còn phục thuộc vào loại ung thư xương có lây lan hay không. Nếu các tế bào ung thư chỉ giới hạn trong khối u và khu vực xung quanh thì đây được gọi là giai đoạn khu trú. Còn nếu các tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể thì việc chữa khỏi ung thư sẽ trở nên khó khăn hơn.
Điều trị u xương ác tính có thể bao gồm:
– Phẫu thuật:
Đa phần các trường hợp ung thư xương được điều trị bằng phẫu thuật. Trong phẫu thuật, toàn bộ khối u ác tính sẽ được loại bỏ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra cẩn thận các rìa của khối u để đảm bảo không để sót tế bào ung thư sau phẫu thuật.
Trường hợp khối u xương ác tính xuất hiện ở cánh tay hay chân thì bác sĩ có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật cứu cánh tay. Tức là khi các tế bào ung thư được loại bỏ thì các cơ, gân, mạch máu và dây thần kinh sẽ không còn. Bác sĩ sẽ thay thế xương ung thư bằng 1 bộ cấy ghép kim loại.
– Xạ trị:
Xạ trị thường được điều trị kết hợp với phẫu thuật. Tia X liều cao sẽ được sử dụng nhằm thu nhỏ kích thước khối u trước khi phẫu thuật. Đồng thời giúp tiêu diệt các tế bào ung thư. Ngoài ra, xạ trị còn có thể hỗ trợ làm giảm đau và làm giảm nguy cơ gãy xương.
– Hóa trị liệu:
Trường hợp bác sĩ nghi ngờ rằng tế bào ung thư có khả năng lây lan hoặc xác định được nó đã lây lan thì người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng hóa trị. Liệu pháp này sử dụng các loại thuốc chống ung thư để tiêu diệt các tế bào ung thư xương đang phát triển nhanh chóng.
Hóa trị có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm:
- Buồn nôn
- Mệt mỏi quá mức
- Rụng tóc
- Cáu gắt
– Liệu pháp áp lạnh:
Liệu pháp áp lạnh cũng là một giải pháp điều trị có thể được chỉ định đối với u xương ác tính. Phương pháp này tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách dùng nitơ hóa lỏng để làm đông lạnh chúng. Một ống rỗng sẽ được đưa vào khối u và khí nitơ hóa lỏng sẽ được bơm vào. Trong một số trường hợp, liệu pháp áp lạnh sẽ được chỉ định để điều trị khối u xương thay vì phẫu thuật thông thường.
3. Phục hồi sau điều trị khối u xương
Bác sĩ sẽ luôn yêu cầu người bệnh phải thăm khám định kỳ trong thời gian hồi phục sau điều trị khối u xương. Việc chụp X-quang và xét nghiệm máu sẽ rất cần thiết để đảm bảo rằng toàn bộ khối u đã biến mất và không tái phát trở lại.
Người bệnh có thể cần làm các xét nghiệm theo dõi với tần suất vài tháng 1 lần. Thời gian phục hồi hết bao lâu còn phụ thuộc vào loại u xương, độ lớn và vị trí của khối u.
Khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ có sự xuất hiện của khối u xương thì bạn nên chủ động thăm khám ngay. Bác sĩ sẽ làm giải phẫu bệnh để xác định bản chất của khối u. Từ đó có giải pháp điều trị kịp thời và đúng cách.
Có thể bạn quan tâm:
- Loạn sản xơ xương: Cách điều trị và thông tin cần biết
- Ung thư xương là gì? Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!