Các loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa, giảm đau tốt
Trong điều trị đau thần kinh tọa, các bác sĩ thường sử dụng nhiều loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ và thuốc chống trầm cảm 3 vòng… Việc lựa chọn loại thuốc phù hợp phụ thuộc vào mức độ cơn đau, tình hình sức khỏe cụ thể và khả năng chịu đựng của mỗi bệnh nhân.
Các loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa phổ biến
Các loại thuốc chữa đau dây thần kinh tọa được sử dụng phổ biến, bao gồm:
1. Nhóm thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là nhóm thuốc điều trị ưu tiên đối với bệnh đau thần kinh tọa. Bác sĩ thường dựa vào mức độ cơn đau để chỉ định loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc giảm đau thường được dùng:
- Paracetamol: thuốc giảm đau an toàn cho đa số bệnh nhân, hoạt động bằng cách ức chế cyclooxygenase trong não, hiệu quả cho đau nhẹ đến trung bình nhưng cần thận trọng với bệnh nhân suy gan và suy thận.
- Opioids: mạnh hơn Paracetamol và có khả năng gây nghiện, được dùng khi đau nặng và các thuốc khác không hiệu quả, nhưng không phù hợp cho phụ nữ có thai, người rượu bia hoặc dùng IMAO.
Tham khảo: Đau dây thần kinh tọa: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
2. Thuốc chống viêm non-steroid
Thuốc chống viêm non-steroid (NSAID) giúp giảm đau và viêm bằng cách ức chế các enzyme COX, giảm sản xuất prostaglandin gây viêm. Dùng khi Paracetamol không hiệu quả, nhưng cần thận trọng với người bị viêm loét dạ dày tá tràng, mắc các bệnh lý về tim mạch và suy giảm chức năng thận. Các loại NSAID phổ biến bao gồm Diclofenac, Naproxen, và Ibuprofen.
Ngoài viên dạng uống, bạn có thể dùng NSAID ở dạng thuốc bôi hoặc miếng dán ngoài da để hạn chế tác dụng phụ lên cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn máu và thận.
3. Thuốc corticosteroid
Corticosteroid ở dạng tổng hợp có hoạt động tương tự hormone cortisone tự nhiên, giúp giảm viêm và đau trong điều trị dây thần kinh tọa, có hiệu quả cao hơn NSAID trong việc kiểm soát viêm và cơn đau nặng.
Thuốc được sử dụng dưới dạng uống như Prednisolon hoặc tiêm, nhưng cần lưu ý tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, suy thận, tăng nguy cơ đột quỵ và loãng xương. Corticosteroid thường chỉ dùng trong thời gian ngắn và dưới sự giám sát của bác sĩ.
4. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, ban đầu dùng để điều trị trầm cảm, cũng có hiệu quả trong việc giảm đau thần kinh tọa bằng cách điều chỉnh nồng độ chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và noradrenalin trong não, giúp giảm cảm giác đau.
Các loại thuốc như Amoxapine và Amitriptyline thường được bác sĩ kê đơn cho đau thần kinh tọa. Mặc dù hiệu quả, chúng có thể gây ra tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt và thay đổi nhịp tim.
Xem ngay: Sữa tỏi chữa đau thần kinh tọa – Bài thuốc hay từ dân gian
5. Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ là một trong những loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa khá phổ biến, hoạt động bằng cách thư giãn cơ và giảm co thắt cơ bắp, từ đó cải thiện cảm giác đau.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc này có thể dẫn đến tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ và khô miệng, đặc biệt khi kết hợp với rượu. Không nên sử dụng cho bệnh nhân thận hoặc đang dùng thuốc ức chế hệ thần kinh.
6. Thuốc chống động kinh
Thuốc chống động kinh (thuốc chống co giật) thường được chỉ định trong điều trị bệnh đau dây thần kinh tam thoa, bệnh động kinh, dự phòng bệnh hưng – trầm cảm và điều trị đau dây thần kinh tọa.
Thuốc chống động kinh hoạt động bằng cách chặn synap nhằm giảm các chất dẫn truyền đi qua cơ quan này. Các loại thuốc chống co giật thường được dùng trong điều trị đau thần kinh tọa, bao gồm Pregabalin, Gabapentin…
Dùng nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng ngoại ý về thần kinh trung ương như ngủ gà, mệt mỏi, mất điều hòa, chóng mặt… Ngoài ra thuốc cũng có thể gây nổi ban, ngứa, nhức đầu, buồn nôn, khô miệng và chán ăn.
Những lưu ý khi dùng thuốc trị đau thần kinh tọa
Sử dụng thuốc sẽ làm giảm cơn đau và cải thiện các triệu chứng do đau dây thần kinh tọa gây ra. Tuy nhiên dùng thuốc không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ và các tình huống rủi ro.
Vì vậy khi dùng thuốc điều trị đau thần kinh tọa, bạn nên chú ý những thông tin sau:
- Không tùy tiện sử dụng thuốc, hãy gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định loại thuốc thích hợp.
- Sử dụng thuốc theo liều lượng và tần suất được chỉ định. Tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc thời gian.
- Nếu nhận thấy không có đáp ứng, bạn nên thông báo với bác sĩ để được hiệu chỉnh liều lượng hoặc thay thế bằng loại thuốc khác.
- Nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe để được cân nhắc trước khi chỉ định thuốc.
- Trong trường hợp nhận thấy tác dụng phụ của thuốc, nên liên hệ với bác sĩ để tìm hướng giải quyết.
- Thuốc chỉ giúp giảm triệu chứng, vì vậy hãy áp dụng vật lý trị liệu và duy trì lối sống lành mạnh để đạt hiệu quả chữa trị tốt nhất.
- Nên phối hợp giữa việc dùng thuốc với các biện pháp giảm đau tại nhà như chườm lạnh, chườm nóng, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc… nhằm hạn chế nguy cơ phụ thuộc thuốc.
Bài viết đã tổng hợp một số loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa phổ biến nhất. Để được chỉ định loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh, bạn nên chủ động liên hệ và tìm gặp bác sĩ chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!