Đau khớp háng sau sinh: Nguyên nhân và cách chữa trị
Đau khớp háng sau sinh là triệu chứng thường gặp ở các mẹ bị tăng cân quá nhiều hoặc mắc các bệnh lý về xương khớp. Các phương pháp chữa trị bảo tồn thường được ưu tiên lựa chọn để khắc phục cơn đau khớp háng cho phụ nữ sau sinh, giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé bú.
Nguyên nhân gây đau khớp háng sau sinh
Đau khớp háng là tình trạng tổn thương, lão hóa của lớp sụn bảo vệ các đầu xương trong khớp háng. Hiện tượng này ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, trong đó phụ nữ sau sinh là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ mắc bệnh khá cao.
Triệu chứng đau khớp háng sau sinh có thể bất nguồn từ những nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Cụ thể như sau:
1. Nguyên nhân sinh lý khiến mẹ sau sinh bị đau khớp háng
Một số yếu tố sinh lý được xác định là nguyên nhân khiến cho phụ nữ sau khi sinh bị đau khớp háng. Bao gồm:
- Ảnh hưởng của quá trình mang thai và sinh đẻ
Dưới tác động của sự thay đổi hormone trong thai kỳ cùng với sự gia tăng kích thước của thai nhi, khung xương chậu ngày càng giãn nở và các dây chằng quanh khớp háng cũng trở nên lỏng lẻo hơn. Điều này làm gia tăng áp lực lên khớp háng và khiến cho khớp bị đau. Cơn đau khớp háng có thể xuất hiện thường xuyên trong những tháng cuối của thai kỳ và kéo dài đến sau sinh.
Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển dạ và sinh con thì khung chậu cũng phải giãn nở hết mức và tử cung thì co bóp mạnh để đẩy em bé ra ngoài. Điều này có thể khiến nhiều phụ nữ sinh thường bị đau khớp háng, đi lại khó khăn sau sinh và cần có nhiều thời gian để khung chậu phục hồi trở lại hình dạng cũ.
- Chấn thương:
Vận động không đúng tư thế, té ngã, tai nạn giao thông, tập luyện thể thao quá sức đều có thể khiến khớp háng của mẹ bỉm bị chấn thương. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây đau khớp háng sau sinh phổ biến.
- Lao động nặng nhọc sau sinh:
Một số phụ nữ ít có thời gian nghỉ ngơi sau sinh và phải sớm quay trở lại với công việc chân tay nặng nhọc, chẳng hạn như mang vác vật nặng. Lúc này, hệ thống gân cơ và dây chằng nâng đỡ khớp háng cùng với khung chậu chưa phục hồi nên dễ gây chấn thương cho khớp. Có không ít mẹ sau sinh bị đau khớp háng do nguyên nhân này.
- Ít vận động:
Trong thời gian ở cữ, hầu hết chị em đều nằm yên nghỉ ngơi trên giường. Việc vận động ít sẽ khiến khí huyết kém lưu thông và ảnh hưởng đến quá trình cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi khớp háng. Điều này làm gia tăng nguy cơ bị đau khớp háng hoặc các vấn đề khác về xương khớp như thoái hóa khớp háng, viêm khớp háng,…
- Thiếu chất dinh dưỡng:
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu hụt các chất dinh dưỡng như vitamin B12, canxi hay vitamin D cũng có thể khiến phái đẹp bị đau khớp háng sau khi sinh.
2. Đau khớp háng sau sinh do bệnh lý
Trường bị đau khớp háng sau sinh kéo dài, các mẹ nên thận trọng bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe. Thường gặp nhất là các bệnh lý về xương khớp như:
- Thoái hóa khớp háng: Khi mắc căn bệnh này, lớp sụn trong khớp bị ăn mòn khiến cho khớp háng bị đau. Kèm theo đó là cảm giác cứng khớp, đi lại, vận động khó khăn hoặc tê bì chi dưới.
- Viêm khớp háng: Khớp háng có thể bị viêm do nhiễm khuẩn hoặc phản ứng viêm phát triển sau khi bị chấn thương. Trường hợp bị viêm khớp háng, quanh khớp có biểu hiện sưng to, nóng đỏ và gây đau nhức khó chịu.
- Viêm dây chằng háng: Khi bị chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc căng cơ quá mức, dây chằng quanh khớp háng có thể bị viêm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tại khớp háng và khiến cho khớp có cảm giác bị đau nhức, thậm chí sưng viêm do nhiễm trùng lan rộng.
- Viêm bao hoạt dịch khớp háng: Bao hoạt dịch nằm bên trong khớp đảm nhận vai trò sản xuất dịch nhầy để bôi trơn khớp háng và làm giảm hiện tượng ma sát khi vận động. Triệu chứng đau khớp háng sau sinh có thể xảy ra rất rõ ràng khi bao hoạt dịch bị viêm.
- Lao khớp háng: Bệnh phát triển thứ phát sau khi cơ thể bị nhiễm vi khuẩn lao. Tác nhân gây bệnh di chuyển xuống khớp háng theo đường máu khiến khớp bị sưng viêm. Ngoài ra, chị em còn gặp một số dấu hiệu khác như sốt, ớn lạnh trong người, buồn nôn, mệt mỏi,…
- Loãng xương: Sau sinh, phụ nữ rất dễ bị thiếu hụt canxi và phosphate dẫn đến bệnh loãng xương, khiến cho xương trở nên giòn, xốp, dễ gãy. Các khớp trên cơ thể cũng thường xuyên bị đau nhức, bao gồm cả khớp háng.
- Hoại tử chỏm xương đùi: Căn bệnh này còn có tên gọi khác là tử vô mạch chỏm xương đùi. Bệnh thường gặp ở những đối tượng có thói quen hút thuốc lá hoặc uống nhiều bia rượu làm ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu nuôi dưỡng khớp. Khi mắc căn bệnh này, chị em có thể bị đau nhức khớp háng sau sinh. Các hoạt động như xoay người, đá chân lên xuống hay đi lại đều trở nên khó khăn và khiến cơn đau tăng nặng.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một căn bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên khớp háng cùng lúc.
- Các bệnh lý khác ngoài khớp: Bên cạnh các vấn đề về xương khớp, phụ nữ còn bị đau khớp háng sau khi sinh do một số bệnh lý khác như sỏi thận, nhiễm trùng âm đạo hay u nang buồng trứng…
Những đối tượng dễ bị đau khớp háng sau sinh
Phụ nữ sau sinh có nguy cơ bị đau khớp háng nhiều hơn nếu có các yếu tố sau:
- Thừa cân: Việc tăng quá nhiều cân khi mang thai và sau sinh sẽ khiến khớp háng chịu nhiều áp lực. Tình trạng thừa cân, béo phì kéo dài sẽ khiến khớp dễ bị tổn thương, đau nhức.
- Có tiền sử bị đau khớp háng hoặc mắc các bệnh lý ở khớp háng trong gia đình
- Từng bị chấn thương khớp háng hoặc đau khớp háng trước đây
- Mang giày cao gót nhiều
- Làm việc nặng hoặc di chuyển nhiều
Đau khớp háng sau sinh có nguy hiểm không?
Tình trạng đau khớp háng kéo dài khiến cho phụ nữ sau sinh gặp nhiều khó khăn hoặc thậm chí là không thể thực hiện các cử động thông thường như đi lại, đứng lên ngồi xuống, đưa chân sang ngang hoặc nhấc chân lên cao. Việc vận động, leo cầu thang hay ngồi xổm… càng khiến cơn đau trở nên dữ dội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày và khiến cho các mẹ hoang mang, lo lắng.
Nghiêm trọng hơn, hiện tượng đau khớp háng sau sinh còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe. Chị em cần điều trị sớm để tránh bị teo cơ, biến dạng khớp, tàn phế và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Chẩn đoán đau khớp háng sau sinh
Chứng đau khớp háng sau sinh do nhiều nguyên nhân gây ra. Chính vì vậy, khi có dấu hiệu này chị em nên tới bệnh viện khám để được chẩn đoán phân biệt, xác định nguồn gốc của cơn đau để có hướng điều trị cho phù hợp.
Các phương pháp đang được thực hiện để chẩn đoán đau khớp háng sau sinh bao gồm:
Kiểm tra thể chất:
- Kiểm tra bên ngoài khớp để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường và điểm đau
- Đánh giá phạm vi chuyển động của khớp háng
- Kiểm tra chức năng đi lại, dáng đi,…
Chụp X-quang:
Hình ảnh X-quang chụp được tại khớp háng sẽ giúp ghi nhận được các thông tin như:
- Tình trạng bào mòn, tổn thương trong sụn khớp
- Hẹp khớp háng
- Dư thừa chất lỏng trong ổ khớp háng
- Gai xương
Xét nghiệm máu:
- Số lượng bạch cầu trong máu tăng có thể cho thấy tình trạng nhiễm trùng trong khớp
- Sự có mặt của một số yếu tố cũng có giá trị trong chẩn đoán hiện tượng đau khớp háng sau sinh do viêm khớp dạng thấp.
Cách chữa đau khớp háng sau sinh
Bị đau khớp háng sau sinh phải làm sao? Đây là thắc mắc được nhiều chị em quan tâm. Việc điều trị đau khớp háng sau sinh sai cách chẳng những không giúp loại bỏ được cơn đau mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Trường hợp bị đau khớp gối ở mức độ nhẹ đến trung bình, phụ nữ sau sinh có thể áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn để khắc phục cơn đau và các nguyên nhân đi kèm. Một số đối tượng bị đau nặng có biến chứng biến dạng khớp hoặc khớp háng bị tổn thương nghiêm trọng thì cần cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật.
1. Các phương pháp điều trị bảo tồn cho chứng đau khớp háng sau sinh
Chữa đau khớp háng sau sinh bằng bảo tồn là những phương pháp trị bệnh không sử dụng đến dao kéo, chẳng hạn như dùng thuốc tây, thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm cân, vật lý trị liệu…
– Thuốc trị đau khớp háng sau sinh:
Để giảm đau khớp háng, phụ nữ sau sinh có thể dùng một số loại thuốc giảm đau kê đơn hoặc không cần bác sĩ kê đơn. Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị nguyên nhân và triệu chứng khác đi kèm. Chẳng hạn như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau, kháng viêm
- Corticosteroid dạng uống, tiêm hoặc bôi ngoài da có tác dụng kháng viêm mạnh
- Thuốc chống thấp khớp tiến triển (DMARDs)
- Thuốc kháng sinh…
Trường hợp còn đang cho con bú, chị em nên thông báo cho bác sĩ để được chỉ định các loại thuốc an toàn, không gây ảnh hưởng đến sữa mẹ. Tránh tự ý mua thuốc về nhà uống bởi một số loại tân dược có thể gây mất sữa hoặc bài tiết vào trong sữa mẹ làm ảnh hưởng không tốt đến bé.
– Thay đổi thói quen sinh hoạt giảm đau khớp háng sau sinh
Duy trì một nếp sống lành mạnh có thể giúp chị em hạn chế được những cơn đau khớp háng sau sinh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh các hoạt động làm gia tăng sức ép lên khớp háng như:
- Bưng bê vật nặng
- Đi lại nhiều
- Ngồi xổm
- Ngồi hoặc đứng yên một chỗ quá lâu
- Leo cầu thang.
Khi ngủ, các mẹ sau sinh bị đau khớp háng nên tránh nằm nghiêng đè sang bên khớp bị đau. Trong những ngày bị đau nặng, chị em nên hạn chế thực hiện các cử động tại khớp. Xoa bóp khu vực bị ảnh hưởng thường xuyên để kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng, tái tạo tổn thương trong khớp.
Vật lý trị liệu:
Các phương pháp vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, siêu âm, chiếu hồng ngoại,… có thể giúp giảm sưng đau khớp háng sau sinh, đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục của khớp.
Giảm cân:
Giảm trọng lượng cơ thể sẽ giúp giải phóng được áp lực lên khớp háng, qua đó giảm đau và làm chậm mức độ tiến triển của các bệnh lý về xương khớp.
Sau sinh, hầu hết phụ nữ đều bị tăng cân và phải mất rất nhiều thời gian để lấy lại vóc dáng. Chị em nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng được thực đơn ăn uống và kế hoạch tập luyện phù hợp, vừa giúp giảm cân một cách an toàn, vừa giúp hỗ trợ giảm đau khớp háng.
Sử dụng các thiết bị hỗ trợ
Nếu bị đau nặng, phụ nữ sau sinh có thể sử dụng gậy, mang đai hoặc nẹp cố định khớp háng để hạn chế lực tác động lên khớp háng mỗi khi vận động. Sử dụng các dụng cụ này cũng giúp tạo điều kiện để tổn thương trong khớp háng nhanh hồi phục.
2. Phẫu thuật chữa đau khớp háng sau sinh
Phẫu thuật được áp dụng cho phụ nữ sau sinh bị đau khớp háng nặng, không đáp ứng được với thuốc và các phương pháp điều trị tự nhiên. Các trường hợp bị biến dạng khớp, hoại tử khớp hoặc xuất hiện nhiều gai xương trong khớp háng cũng có thể được chỉ định mổ.
Để phòng ngừa bị đau khớp háng sau sinh, chị em cần chú ý có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý. Trường hợp có chấn thương hoặc mắc bệnh lý thì nên thăm khám thường xuyên để kiểm soát tốt bệnh và hạn chế các cơn đau ở khớp.
Có thể bạn chưa biết:
- 7 bài thuốc chữa đau khớp háng hiệu quả trong dân gian
- Đau khớp háng khi mang thai tháng cuối có phải dấu hiệu sắp sinh?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!