Các loại thuốc tây trị đau nhức xương khớp & tác dụng phụ
Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc kháng viêm chứa corticoid,… là các nhóm thuốc tây trị đau nhức xương khớp được sử dụng phổ biến. Ngoài tác dụng giảm cơn đau và cải thiện hiện tượng viêm sưng, các loại thuốc này còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng.
Thuốc tây trị đau nhức xương khớp & Tác dụng phụ khi dùng
Đau nhức xương khớp là triệu chứng xảy ra do chấn thương hoặc các bệnh lý như đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, thoái hóa khớp gối,…
Hầu hết những trường hợp bị đau nhức xương khớp đều được chỉ định thuốc tây nhằm cải thiện cơn đau, giảm sưng viêm và làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Tuy nhiên bác sĩ sẽ cân nhắc về nguyên nhân và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân để chỉ định loại thuốc thích hợp.
Dưới đây là một số loại thuốc tây trị đau nhức xương khớp phổ biến và các tác dụng phụ có thể phát sinh trong quá trình sử dụng.
1. Thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất trong quá trình điều trị đau nhức xương khớp. Loại thuốc này gây ức chế cyclooxygenase, từ đó làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin (chất trung gian gây viêm) ở hệ thần kinh trung ương. Với cơ chế này, Paracetamol có khả năng cải thiện cơn đau từ nhẹ đến trung bình.
Paracetamol được đánh giá là thuốc giảm đau có độ an toàn khá cao và được chỉ định trong nhiều trường hợp đau nhức xương khớp như đau do bong gân, đau do chấn thương và đau do các bệnh lý xương khớp mãn tính.
– Chống chỉ định:
- Bệnh nhân quá mẫn với Paracetamol
- Người bị thiếu máu nhiều lần
- Người có vấn đề về tim, thận, gan và phổi
- Bệnh nhân thiếu hụt men glucose-6-phosphat dehydrogenase
– Tác dụng phụ:
- Ban đỏ
- Nồi mề đay
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Độc tính thận (trong trường hợp lạm dụng dài ngày)
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Với những trường hợp không có đáp ứng với Paracetamol, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Diclofenac, Aspirin, Naproxen,…).
NSAID hoạt động bằng cách ức chế cyclooxygenase toàn thân, từ đó làm giảm viêm và cải thiện cơn đau. So với Paracetamol, NSAID có tác dụng giảm đau mạnh hơn. Ngoài ra nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm, hạ sốt (nhẹ) và chống ngưng tập tiểu cầu.
Tuy nhiên do NSAID ức chế cyclooxygenase toàn thân nên có thể gây tác hại lên hệ tiêu hóa, thận và tim mạch. Nếu bị đau dạ dày, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định thuốc ức chế COX-2 (một nhóm thuốc nhỏ thuộc NSAID).
Khác với NSAID, thuốc ức chế chọn lọn COX-2 chỉ tác động đến men cyclooxygenase tại cơ quan bị sưng viêm và không ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp prostaglandin tại dạ dày hay thận. Một số thuốc ức chế chọn lọc COX-2 được sử dụng phổ biến, bao gồm: Celecoxib, Ketorolac, Rofecoxib, Meloxicam, Parecoxib,…
– Chống chỉ định:
- Mẫn cảm với thành phần trong thuốc
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ
- Phụ nữ đang cho con bú
- Viêm loét dạ dày tiến triển
- Có tiền sử xuất huyết dạ dày
- Suy thận và suy gan nặng
- Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi
– Tác dụng không mong muốn:
- Buồn nôn, nôn mửa
- Ăn không tiêu
- Đau thượng vị
- Phát sinh cơn hen
- Xuất huyết tiêu hóa (tiêu chảy kèm máu, nôn ra máu, phân đen)
- Tiêu chảy
3. Thuốc giãn cơ vân
Thuốc giãn cơ vân là nhóm thuốc có tác dụng thư giãn cơ nhằm hạn chế tình trạng co cứng và co thắt cơ đột ngột – một trong những nguyên nhân làm phát sinh triệu chứng đau nhức. Khác với Paracetamol và NSAID, thuốc giãn cơ vân chỉ được sử dụng trong điều trị cơn đau mãn tính do thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống,…
Thông thường thuốc giãn cơ vân được sử dụng phối hợp với thuốc chống viêm liều thấp nhằm tăng tác dụng giảm đau và hạn chế các tác dụng phụ khi lạm dụng NSAID dài ngày.
– Chống chỉ định:
- Mẫn cảm với thành phần trong thuốc
- Bệnh nhân có rối loạn di truyền men pseudocholinesterase trong máu
- Bệnh nhân đang bị bỏng
- Tổn thương thủng mắt
- Glocom góc đóng cấp
- Có bệnh lý cơ kết hợp với men creatinin phosphokinase tăng cao
- Gia đình có tiền sử đốt cao ác tính
– Tác dụng phụ:
- Loạn nhịp tim
- Đau cơ
- Tăng áp lực trong dạ dày
- Tăng kali huyết
- Tăng áp lực nội sọ
- Tạo yếu tố thuận lợi nhằm phát sinh bệnh sốt ác tính
Một số loại thuốc giãn cơ thường được sử dụng, bao gồm Alprazolam, Lorazepam, Clonazepam, Diazepam, Dantrolene,…
4. Thuốc giảm đau gây nghiện (Opioids)
Thuốc giảm đau gây nghiện thường được sử dụng trong điều trị cơn đau mãn tính. Nhóm thuốc này được chỉ định trong trường hợp cơn đau không có đáp ứng với Paracetamol hay NSAID. Opioids hoạt động bằng cách ức chế thụ thể opioid ở hệ thần kinh trung ương nhằm giảm đau, cải thiện cơn ho và chống tiêu chảy.
Tuy nhiên Opioids có thể gây nghiện nếu sử dụng trong thời gian dài. Thực tế cho thấy, dùng nhóm thuốc này có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc và đòi hỏi phải tăng liều dùng. Một số thuốc giảm đau gây nghiện thường được sử dụng, bao gồm: Morphine, Pethidin, Codein,…
– Chống chỉ định:
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
- Người quá mẫn với thành phần trong thuốc
- Bệnh nhân có vấn đề về gan
- Người bị suy hô hấp
– Tác dụng ngoại ý:
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Buồn nôn, nôn mửa
- Mạch nhanh, chậm bất thường
- Hạ huyết áp thế đứng
- Bí tiểu, tiểu tiện ít
- Táo bón
- Có cảm giác lạ
5. Thuốc chống viêm corticoid
Tương tự như thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc chống viêm chứa corticoid chỉ được sử dụng trong điều trị viêm khớp mãn tính.
Corticoid hoạt động tương tự như hormone cortisone được tuyến thượng thận sản sinh. Hoạt chất này gây ức chế miễn dịch và ngăn chặn phản ứng viêm ở khu vực xương khớp bị tổn thương, từ đó giúp kháng viêm, giảm sưng và cải thiện cơn đau hiệu quả.
Corticoid có tác dụng chống viêm và chống dị ứng mạnh, được sử dụng khi triệu chứng không có đáp ứng với các loại thuốc khác. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ có mức độ nghiêm trọng, vì vậy bác sĩ thường sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định.
– Chống chỉ định:
- Quá mẫn với corticoid
- Nhiễm nấm toàn thân
- Nhiễm lậu cầu nhưng chưa được kiểm soát bằng kháng sinh
- Nhiễm khuẩn lao
- Nhiễm virus tại chỗ
- Khớp bị hủy hoại nghiêm trọng
- Phụ nữ mang thai
- Người bị loãng xương
– Tác dụng không mong muốn:
- Rối loạn điện giải (phù nề, tăng huyết áp, giữ natri, hạ kali huyết)
- Hội chứng Cushing
- Teo tuyến thượng thận
- Mất ngủ
- Teo da
- Ban đỏ
- Viêm loét dạ dày tá tràng
- Rậm lông
- Rối loạn kinh nguyệt
- Tăng nguy cơ loãng xương
Một số thuốc chống viêm chứa corticoid thường được sử dụng, bao gồm: Dexamethasone, Betamethasone,…
6. Thuốc chống thoái hóa xương
Ngoài những loại thuốc tây trị đau nhức xương khớp tức thời, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc làm chậm quá trình thoái hóa xương như: Chondroitin, Glucosamine, Collagen type 2,… Các hoạt chất này có tác dụng kích thích tế bào ở khớp và sụn tăng trưởng, đồng thời ức chế các enzyme gây hư hại khớp như phospholipase A2, gốc tự do, collagenase.
Nhóm thuốc này không có tác dụng giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên bằng cách làm chậm quá trình thoái hóa khớp, tăng dịch nhầy và tái tạo mô sụn bị tổn thương, nhóm thuốc này có thể ngăn chặn tiến triển của bệnh và giảm thiểu mức độ, tần suất phát sinh cơn đau trong tương lai.
– Chống chỉ định:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Người dưới 18 tuổi
- Người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Người có tiền sử dị ứng với vỏ và xương động vật nên thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này.
– Tác dụng phụ:
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
7. Thuốc giảm đau sử dụng tại chỗ
Thuốc giảm đau sử dụng tại chỗ thường được bào chế ở dạng miếng dán hoặc thuốc bôi ngoài. So với các loại thuốc tây trị đau nhức xương khớp đường uống, thuốc sử dụng tại chỗ có độ an toàn cao và ít gây tác hại lên gan, thận,…
Tuy nhiên nhóm thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp cơn đau nhẹ và khu trú tại một khu vực nhỏ. Với những bệnh nhân đau mãn tính do thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp,… thuốc giảm đau tại chỗ thường không có đáp ứng tốt. Các loại thuốc giảm đau tại chỗ thường dùng, bao gồm: Lidocaine, Methyl salicylate, Menthol,…
– Chống chỉ định:
- Bệnh nhân mẫn cảm với thành phần trong thuốc
- Vùng khớp đau nhức có vết thương hở
– Tác dụng phụ:
- Da đỏ
- Rát
- Châm chích
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc tây trị đau nhức xương khớp phối hợp, ví dụ (Paracetamol + Opioids), (Paracetamol + NSAID),…
Cách sử dụng thuốc tây trị đau nhức xương khớp an toàn
Thuốc tây trị đau nhức xương khớp có phạm vi chỉ định rộng, bao gồm cơn đau, viêm cấp và các triệu chứng mãn tính khác. Tuy nhiên sử dụng nhóm thuốc này có thể làm phát sinh các tác dụng không mong muốn.
Để giảm thiểu rủi ro khi dùng thuốc, bạn cần lưu ý những thông tin sau:
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa – đặc biệt là thuốc dạng uống.
- Tuân thủ liều lượng và tần suất sử dụng được chỉ định. Tuyệt đối không tự ý hiệu chỉnh liều dùng. Trong trường hợp không nhận thấy đáp ứng, nên thông báo với bác sĩ để được tăng liều hoặc chỉ định nhóm thuốc khác.
- Không tự ý phối hợp các loại thuốc với nhau (ngay cả thuốc Đông Y và viên uống bổ sung). Nếu có ý định sử dụng kết hợp, nên trao đổi với bác sĩ để dự phòng tương tác thuốc.
- Tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và chất kích thích trong thời gian dùng thuốc. Thói quen này không chỉ kích thích phản ứng viêm và cơn đau ở khớp mà còn tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng.
- Nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc và tình trạng sức khỏe để được chỉ định loại thuốc thích hợp. Bởi một số loại thuốc tây trị đau nhức xương khớp có thể khiến bệnh tình chuyển biến theo chiều hướng xấu.
- Trong trường hợp phát sinh phản ứng dị ứng (nổi mề đay, phát ban da, sưng cổ họng, sụp mí mắt, ngứa họng), nên ngưng thuốc và thông báo với bác sĩ trong thời gian sớm nhất.
ĐẶC BIỆT LƯU Ý: Hầu hết các loại thuốc tây chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng, trị bệnh phần ngọn lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như: đau dạ dày, hại gan thận,… khi sử dụng trong thời gian dài. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc.
Bài viết đã tổng hợp các loại thuốc tây trị đau nhức xương khớp phổ biến và hướng dẫn một số lưu ý giúp bạn giảm thiểu rủi ro khi sử dụng. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bên cũng nên xây dựng cho mình một lối sống khoa học để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
- Các cây thuốc Nam chữa bệnh xương khớp [Giảm đau nhanh]
- Thuốc xương khớp Hàn Quốc và những lưu ý khi sử dụng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!