Đau khớp gối ở tuổi 30 – Nên chữa ngay khi thấy dấu hiệu
Đau khớp gối là vấn đề xương khớp rất dễ gặp ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng này có thể bị kích hoạt ở đối tượng người trẻ, trong đó có những người ở độ tuổi 30. Tình trạng đau khớp gối ở tuổi 30 cần chữa ngay khi thấy dấu hiệu để tránh những vấn đề xấu phát sinh.
Tìm hiểu hiện trạng đau khớp gối ở tuổi 30
Thống kê cho thấy, hiện nay có rất nhiều người đang phải sống chung với tình trạng đau khớp gối kéo dài khi chỉ mới 30 tuổi. Vấn đề này ảnh hưởng đến cả công việc lẫn cuộc sống của người bệnh.
Sau đây là một số kiến thức cần biết về hiện trạng này:
1. Nguyên nhân
Thông thường, chứng đau khớp gối sẽ xuất hiện ở những người lớn tuổi cùng với quá trình lão hóa. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều người ở độ tuổi 30 cũng gặp phải hiện trạng này do một số nguyên nhân sau đây:
Chấn thương
Chấn thương là một vấn đề rất dễ gặp phải trong cuộc sống. Bạn có thể bị chấn thương do tham gia giao thông, lao động hay thậm chí là vui chơi thể thao. Nếu gặp chấn thương ở vùng đầu gối thì rất dễ để lại di chứng đau khớp gối, ngay cả khi vấn đề chấn thương đã được khắc phục ngay sau đó.
Khớp gối sau chấn thương thường suy yếu, không còn giữ nguyên được hiện trạng vận động ban đầu. Mặt khác, ở độ tuổi 30 bạn lại thường xuyên phải vận động mạnh hay làm việc nặng. Đây là nguyên nhân có thể kích hoạt cơn đau khớp gối xuất hiện.
Làm việc, sinh hoạt sai tư thế
Thường xuyên duy trì những tư thế xấu trong công việc cũng như sinh hoạt được cho là nguyên nhân có thể khiến khớp gối bị đau nhức khi chỉ mới ở độ tuổi 30. Tình trạng này rất dễ bắt gặp ở những người làm công việc văn phòng hay công nhân làm việc theo kiểu băng chuyền.
Đứng quá lâu một chỗ hay ngồi bắt chéo chân lên nhau trong thời gian dài là những tư thế rất dễ khiến khớp gối phải chịu nhiều áp lực. Điều này làm cho dịch nhầy bảo vệ khớp có xu hướng giảm dần dẫn đến khớp gối dễ bị thoái hóa. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng đau nhức phát sinh.
Ngoài ra, những người phải làm công việc nặng nhọc hay thường xuyên mang vác nặng cũng sẽ dễ gặp tình trạng đau khớp gối.
Thừa cân
Thừa cân, béo phì là một trong những vấn đề sức khỏe có thể gặp phải ở bất cứ đối tượng nào, trong đó có những người ở độ tuổi 30. Tình trạng này đã gây ra rất nhiều áp lực cho khớp gối cũng như cột sống.
Phải chịu nhiều áp lực dồn nén rất dễ khiến khớp gối suy yếu. Từ đó dẫn đến tình trạng đau nhức xuất hiện thường xuyên, nhất là khi vận động hay di chuyển nhiều.
Chế độ dinh dưỡng
Đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sức khỏe xương khớp. Nếu không bổ sung đầy đủ làm lượng dinh dưỡng mà cơ thể cần, nhất là canxi và vitamin D thì rất dễ khiến xương khớp suy yếu. Bởi lúc này sụn khớp sẽ không được cung cấp dưỡng chất để tái tạo, rất dễ dẫn đến suy thoái.
Vấn đề dinh dưỡng không đảm bảo chính là một trong những nguyên nhân khiến những người chỉ mới 30 tuổi đã thường xuyên bị đau khớp gối.
Các bệnh xương khớp
Nếu đang sống chung với các bệnh lý về cơ xương khớp, bạn cũng sẽ dễ dàng mắc phải tình trạng đau khớp gối khi chỉ mới 30 tuổi. Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng đau khớp gối:
- Thoái hóa khớp gối
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh gout
- Viêm khớp gối
- Viêm bao hoạt dịch
- Viêm gân bánh chè
2. Triệu chứng
Tùy thuộc vào nguyên nhân kích hoạt mà bạn có thể gặp phải các triệu chứng khác nhau khi bị đau khớp gối ở tuổi 30. Tình trạng đau nhức có thể sẽ đi kèm với các dấu hiệu khác.
Sau đây là một số triệu chứng có thể bắt gặp cùng với sự kích hoạt của những cơn đau:
- Khớp gối có biểu hiện sưng
- Tình trạng đau nhức có thể lan tỏa trên diện rộng
- Cứng khớp gối, nhất là khoảng 30 phút sau khi thức giấc
- Đau dữ dội hơn khi vận động mạnh hoặc di chuyển nhiều
3. Tác động
Đau khớp gối ở tuổi 30 thường dễ phát sinh những vấn đề rủi ro, nhất là khi không sớm được khắc phục. Bạn có thể sẽ gặp phải các vấn đề như:
- Khó cử động khớp
- Chức năng vận động bị hạn chế từ từ
- Ảnh hưởng đến công việc
- Chất lượng cuộc sống giảm sút
- Dễ bị stress, mệt mỏi
Cách chữa đau khớp gối ở tuổi 30
Tình trạng đau khớp gối ở tuổi 30 nếu sớm thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân thì việc điều trị sẽ không quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu chủ quan để tình trạng đau nhức kéo dài có thể khiến các vấn đề nghiêm trọng phát sinh, cản trở quá trình trị liệu.
1. Sử dụng thuốc
Việc sử dụng thuốc sẽ là phương án hàng đầu được bác sĩ yêu cầu trong khắc phục tình trạng đau khớp gối ở tuổi 30. Mục tiêu chính của việc dùng thuốc là tập trung vào cải thiện triệu chứng để giúp người bệnh vận động được dễ dàng hơn.
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Tramadol…
- Thuốc kháng viêm không steroid: Diclofenac, Aspirin, Ibuprofen…
- Thuốc dùng tại chỗ: Có thể ở dạng xịt, kem bôi da, gel hay miếng dán…
Khi các loại thuốc uống hay thuốc điều trị tại chỗ không thể đáp ứng được triệu chứng mà người bệnh gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định thuốc tiêm. Corticoid là loại thuốc tiêm được dùng phổ biến nhất, dùng để tiêm trực tiếp vào khớp gối.
Dù là thuốc uống, thuốc dùng tại chỗ hay thuốc tiêm thì bạn cũng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Cần dùng thuốc theo đúng kế hoạch. Không tự ý ngưng thuốc, đổi liều khi bác sĩ chưa yêu cầu.
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp thường được áp dụng song song với việc dùng thuộc nhằm mục đích nâng cao tác dụng điều trị. Khi bị đau khớp gối ở tuổi 30, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn thực hiện một số liệu pháp như:
- Vận động trị liệu: Thông thường là những bài tập tác dụng trực tiếp lên khớp gối như co gấp gối, ép gối lên ngực, nâng chân. Ngoài ra, một số bộ môn vận động như bơi lội, đi bộ, yoga… để hỗ trợ cũng sẽ được khuyến khích.
- Nhiệt trị liệu: Có thể là tác dụng nhiệt nóng hay lạnh tùy thuộc vào triệu chứng mà bạn gặp phải.
- Xoa bóp bấm huyệt: Dùng lực từ bàn và ngón tay để tác động vào khớp gối. Liệu pháp này giúp gân cơ được giãn ra và cải thiện tuần hoàn máu.
- Châm cứu: Cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn. Chỉ khi tác động đúng huyệt vị mới có thể đem lại kết quả khả quan.
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định các liệu pháp khác như: siêu âm, sóng ngắn, điện trị liệu, chiếu đèn hồng ngoại… Vật lý trị liệu thường có tác dụng cải thiện nhanh chóng chức năng vận động khi khớp gối đang bị đau nhức.
3. Can thiệp ngoại khoa
Phương án phẫu thuật sẽ được bác sĩ chỉ định khi có sự cộng hưởng của các vấn đề sau:
- Tình trạng đau nhức khớp gối xuất hiện thường xuyên với cường độ quá mạnh
- Chức năng vận động của người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng
- Các phương pháp điều trị bảo tồn không còn mang lại kết quả
Đối với những người đang ở độ tuổi 30, phẫu thuật thường được chỉ định để sửa chữa khớp gối bị tổn thương. Bác sĩ sẽ lấy phần sụn bị hư hại ra ngoài và thêm sụn lành lấy từ các vị trí khác vào khớp gối.
Riêng đối với việc thay khớp gối nhân tạo cho đối tượng người bệnh 30 tuổi thường rất hạn chế. Chỉ thực hiện trong những trường hợp thật sự cần thiết. Bởi tuổi thọ của khớp nhân tạo thường chỉ kéo dài khoảng 15 – 20 năm. Chính vì thế người bệnh sẽ đứng trước nguy cơ phải phẫu thuật nhiều lần. Điều này tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm phát sinh.
Ngăn ngừa tình trạng đau khớp gối ở tuổi 30
Để phòng tránh nguy cơ gặp phải tình trạng đau nhức khớp gối ở tuổi 30, bạn cần thực hiện tốt một số khuyến nghị sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu dưỡng chất cơ thể cần. Đặc biệt nhất là vitamin D và canxi để chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe xương khớp. Tránh ăn uống thất thường. Nên hạn chế thức ăn nhanh, đồ hộp, nước ngọt, rượu bia.
- Kiểm soát tốt cân nặng. Nếu bạn đang gặp cấn đề thừa cân, nên liên hệ với bác sĩ để thiết lập các phương án giảm cân khoa học.
- Điều chỉnh tư thế làm việc và sinh hoạt, tránh duy trì các tư thế xấu.
- Xây dựng chế độ luyện tập để tăng cường đề kháng và sức khỏe xương khớp. Mỗi ngày nên dành ít nhất khoảng 30 phút cho việc rèn luyện thân thể. Chú ý lựa chọn các bài tập và bộ môn phù hợp với thể trạng.
- Cẩn trọng trong vận động, tham gia giao thông hay vui chơi thể thao. Điều này sẽ hạn chế được phần nào nguy cơ gặp phải chấn thương.
Đau nhức khớp gối ở tuổi 30 là vấn đề bạn chớ nên xem thường. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý xương khớp nghiêm trọng cần sớm phát hiện và điều trị. Nên sớm thăm khám để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Xem thêm:
- Nhức mỏi khớp gối (đầu gối) – Vì sao ngày càng nhiều người bị?
- Đau khớp gối sau khi chơi thể thao và cách xử lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!