Viêm Khớp Dạng Thấp
Đặt lịch ngayViêm khớp dạng thấp là một trong những dạng viêm khớp phổ biến có tỷ lệ mắc cao nhất. Đây là dạng viêm khớp tự miễn mãn tính gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận động và tổn thương nhiều bộ phận khác như phổi, da, mắt, mạch máu... Bệnh có các triệu chứng rõ rệt và thường xảy ra trong độ tuổi trung niên.
Tổng quan
Viêm khớp dạng thấp (tên khoa học là RA - Rheumatoid Arthritis) là bệnh lý về khớp có liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể. Là một bệnh tự miễn hệ thống mạn tính, viêm khớp dạng thấp chủ yếu gây ra các tổn thương tại khớp, dưới sự tác động của các cytokine metalloprotease và chemokine.
Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và tấn công các mô trong cơ thể, thường là các mô liên kết. Khác với thoái khóa khớp, viêm khớp dạng thấp gây ra những tổn thương tại niêm mạc khớp gây sưng viêm, đau nhức. Nếu kéo dài không chữa trị có thể khiến xương bị bào mòn, nặng hơn là biến dạng khớp.
Ngoài các tổn thương tại khớp, viêm khớp dạng thấp còn tác động tiêu cực đến nhiều cơ quan như mắt, phổi, tim, não bộ, thần kinh, mạch máu... Tỷ lệ tàn phế, bại liệt vĩnh viễn cao nếu không phát hiện và điều trị sớm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Căn nguyên bệnh sinh
Hiện nay, y học chưa ghi nhận chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp. Nhiều nhà khoa học nhận định rằng đây là một bệnh tự miễn, có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền và nhiễm khuẩn.
Cụ thể, khi bị tấn công bởi các kháng nguyên, cơ thể sẽ ngay lập tức phát sinh chuỗi phản ứng miễn dịch với sự xuất hiện chính của các tế bào lympho T. Các tế bào này tập trung quá mức ở các khớp và giải phóng cytokine II-6, IL-1, TNF-α... Chúng tác động xấu đến các tế bào nội mô mạch máu, đại thực bào, màng hoạt dịch, tế bào lympho B...
Tế bào lympho B sản sinh globumin miễn dịch, lắng đọng ở màng hoạt dịch gây tổn thương khớp. Ngoài ra, các cytokine còn có khả năng hoạt hóa đại thực bào kích thích màng hoạt dịch, nguyên bào xơ, tế bào sụn... Sự giải phóng hàng loạt các loại enzyme tại khớp như stromelysin, collagenase, elastase... gây bào mòn, phá hủy, đau nhức và biến dạng xương khớp.
Yếu tố nguy cơ: Độ tuổi mắc bệnh phổ biến nhất từ 40 - 60 tuổi; Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới gấp 2 - 3 lần; Di truyền, tiền sử gia đình; Nghiện thuốc lá; Thừa cân béo phì; Tiếp xúc với hóa chất; Do thời tiết lạnh ẩm kéo dài...
Xem thêm: Cách phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout chuẩn
Triệu chứng và chẩn đoán
1. Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp tiến tiển qua 4 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: Tổn thương vừa khởi phát, thỉnh thoảng xuất hiện triệu chứng sưng, đau, cứng khớp.
- Giai đoạn 2: Màng hoạt dịch và sụn khớp tổn thương nặng hơn, người bệnh đau nhiều khi cử động.
- Giai đoạn 3: Các cơn đau tăng nặng, không còn khu trú mà lan rộng xung quanh.
- Giai đoạn 4: Các khớp tổn thương nghiêm trọng, khiến người bệnh gần như không có khả năng cử động.
2. Triệu chứng
Tùy theo từng giai đoạn viêm khớp dạng thấp mà các triệu chứng, biểu hiện bệnh khác nhau. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện ở các khớp như bàn tay, cổ tay, ngón tay (thường là ngón số 2 và 3) mắt cá chân, bàn chân, cổ chân, khớp háng, gối,...
- Triệu chứng tại khớp: Đau nhức, cứng khớp vào buổi sáng (hiện tượng gelling), kéo dài lúc âm ỉ lúc dữ dội; đau đối xứng chỉ cần đau 1 bên thì bên còn lại cũng sẽ đau tương tự; Nóng đỏ, sưng tấy vùng da tại khớp viêm, sờ vào thấy ấm do tích tụ dịch khớp;
- Triệu chứng toàn thân: Từ đau nhức tại khớp lan sang đau nhức toàn thân, đau ngay cả khi không vận động; Tê bì chân tay; Sốt nhẹ, mệt mỏi, mất ngủ, suy nhược cơ thể;
- Triệu chứng ngoài da: Xuất hiện hạt thấp dưới da, có kích thước từ vài mm và tối đa 2cm, tại các vị trí như khuỷa tay, vùng chẩm, kẽ ngón tay, ngón chân, gân Achilles...; Gây tổn thương mắt, viêm khô kết mạc, trường hợp nặng gây viêm hoặc nhuyễn củng mạc;
- Các dấu hiệu cận lâm sàng khác: Thiếu máu, tổn thương thần kinh trung ương và ngoại biên, xuất hiện các yếu tố dạng thấp, kháng thể kháng CCP, tăng tốc độ lắng máu và CRP, chỉ số protein C phản ứng tăng cao.
3. Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, bác sĩ thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
- Có ít nhất 3 trong 14 khớp sau bị viêm: ngón tay, bàn tay, cổ tay, khuỷa tay, cổ chân, ngón chân, gối...;
- Trong tất cả các khớp viêm có ít nhất 1 khớp tại các vị trí sau: ngón tay, bàn ngón tay, cổ tay;
- Thời gian viêm khớp kéo dài ít nhất trên 6 tuần; hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng kéo dài trên 1 tiếng;
- Các tổn thương khớp có tính chất đối xứng; xuất hiện các hạt dưới da dạng u cục;
- Kết quả X quang xương cổ tay cho thấy tổn thương bào mòn, khô chất khoáng đầu xương;
- Có yếu tố dạng thấp huyết thanh dương tính khi thực hiện các xét nghiệm thăm dò;
Kết hợp một số xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm máu, xét nghiệm yếu tố thấp khớp FR... để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như: Thoái hóa khớp, thấp khớp cấp, bệnh gout, xơ cứng bì toàn thể, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp liên quan đến bệnh viêm gan C, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, bệnh Sarcoidosis, bệnh Whipple, viêm khớp do tinh thể, viêm khớp phản ứng...
Tham khảo thêm: Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp hiện nay
Biến chứng
Viêm khớp dạng thấp là bệnh cơ khớp tự miễn khá phức tạp. Không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như:
- Biến chứng tại khớp: Tình trạng gân gấp trượt khỏi khớp cổ tay gây biến dạng lệch trục ngón tay; Hội chứng ống cổ tay; Sưng bắp chưng và đau do xuất hiện khối tĩnh mạch sâu; Biến dạng ngón tay cổ cò; Biến dạng Boutonnière;
- Biến chứng tại phổi: Tổn thương phổi làm xuất hiện các nốt dạng thấp ở nhu mô, viêm phế quản, chứng xơ phổi kẽ lan tỏa, tắc nghẽn đường hô hấp, nặng hơn có thể gây viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi;
- Nguy cơ tại tim mạch: Gây tổn thương tim mạch với các chứng như rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, viêm màng tim, viêm van tim, viêm mạch...;
- Biến chứng toàn thân: Viêm mạch máu, các bệnh lý về tim mạch, biến chứng tổn thương phổi mạn tính, tổn thương hệ thần kinh, các bệnh lý về thận...
Điều trị
Mục tiêu điều trị viêm khớp dạng thấp chủ yếu là kiểm soát triệu chứng, giảm đau, giảm thiểu tổn thương và ngăn ngừa biến chứng.
1. Điều trị bằng thuốc
Các thuốc trị viêm khớp dạng thấp thường dùng gồm:
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm DMARDs: gồm 2 loại DMARDs kinh điển và DMARDs sinh học;
- Thuốc chống viêm không steroid NSAIDs: gồm 2 nhóm ức chế chọn lọc và ức chế không chọn lọc;
- Thuốc chống viêm steroid dạng uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch để ngăn chặn phản ứng viêm;
Dựa vào mức độ bệnh, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc, liều lượng phù hợp để giảm tác dụng phụ.
Gợi ý: Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp mới và tốt nhất
2. Phẫu thuật
Chỉ định áp dụng cho các trường hợp viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng.
- Phẫu thuật nội soi rửa khớp;
- Phẫu thuật chỉnh hình khớp;
- Phẫu thuật thay khớp nhân tạo;
- Phẫu thuật chỉnh sửa gân;
- Phẫu thuật chỉnh trục;
3. Điều trị không dùng thuốc
Một số phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp khác hỗ trợ cải thiện triệu chứng, phục hồi chức năng khớp như:
- Vật lý trị liệu bằng bài tập hoặc thiết bị, máy móc
- Massage, xoa bóp
- Chườm nóng, chườm lạnh
- Tắm suối khoáng
Kết hợp điều trị dự phòng các bệnh khác như loãng xương, dạ dày, thoái hóa khớp... do dùng thuốc kéo dài theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng tránh
Chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây để phòng ngừa sớm bệnh viêm khớp dạng thấp nói riêng và các bệnh lý về xương khớp nói chung.
Từ bỏ thói quen bẻ khớp ngón tay, vặn cổ tay...
Tập luyện tích cực, vừa sức bằng các bài tập phù hợp tăng cường sức khỏe thể chất, nâng cao miễn dịch.
Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng và tốt cho hệ xương khớp.
Nói không với các chất kích thích.
Nghỉ ngơi, thư giãn thần kinh, tránh làm việc quá sức, tránh ngồi nhiều đứng lâu.
Duy trì cân nặng phù hợp.
Thăm khám tổng quát để phát hiện sớm và điều trị các bất thường về sức khỏe xương khớp.
Câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tại sao tôi bị viêm khớp dạng thấp?
2. Mức độ nghiêm trọng của bệnh?
3. Tôi phải theo dõi thêm những triệu chứng nào để biết chính xác là viêm khớp dạng thấp?
4. Tình trạng bệnh của tôi cần thực hiện xét nghiệm nào?
5. Phác đồ điều trị cụ thể cho tôi là gì?
6. Các phương pháp điều trị nào tốt cho tình trạng bệnh của tôi?
7. Mất bao lâu tôi mới có thể cử động và sinh hoạt trở lại bình thường?
8. Tôi bị viêm khớp dạng thấp có cần phẫu thuật không? Nếu tôi không phẫu thuật thì sao?
Viêm khớp dạng thấp có tiên lượng cao và đáp ứng điều trị tốt nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh. Do đó đừng chủ quan trong lối sống sinh hoạt và thăm khám chuyên khoa để ngăn tiến triển, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh viêm khớp dạng thấp chữa ở đâu tốt nhất hiện nay?
- Người viêm khớp dạng thấp nên ăn gì, kiêng gì tốt?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!