Bệnh Tràn Dịch Màng Phổi

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Tràn dịch màng phổi là một trong những bệnh lý về phổi phổ biến và có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố bệnh lý tác động, đặc trưng bởi các triệu chứng tiêu cực ở đường hô hấp. Tràn dịch màng phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa cả tính mạng bệnh nhân. 

Tràn dịch màng phổi là tình trạng ứ dịch quá mức bên trong khoang màng phổi gây suy giảm chức năng phổi

Tổng quan

Phổi con người có cấu tạo phức tạp với nhiều bộ phận nhằm đảm nhiệm các chức năng khác nhau. Trong đó, màng phổi là lớp màng bao bọc xung quanh phổi, có cấu tạo 2 lớp gồm lá thành (lớp lót bên trong thành ngực) và lá tạng (lớp màng bọc lá phổi). Khoảng giữa 2 lớp này được gọi là khoang màng phổi khá mỏng và có chứa khoảng 20ml dịch nhằm giúp 2 lá màng phổi trượt lên nhau khi hít thở mà không gây tổn thương.

Tràn dịch màng phổi (Pleural Effusion) là tình trạng lượng dịch trong khoang màng phổi tăng lên bất thường, nhiều hơn 20ml. Dân gian gọi bệnh này là phổi có nước, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, từ người lớn cho đến trẻ em do sự ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, bệnh lý khác nhau.

Phân loại

Tràn dịch màng phổi được phân chia làm 5 dạng chính dựa theo nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh gồm:

  • Tràn dịch màng phổi dịch thấm: Thường là do các bệnh mãn tính gan, thận, tim... dẫn đến sự mất cân bằng áp lực trong mạch máu, tạo điều kiện để dịch thẩm thấu vào trong lồng ngực. Trong trường hợp này, dịch thường là hợp chất được tạo thành từ các thành phần huyết tương;
  • Tràn dịch màng phổi dịch tiết: Gây ra bởi các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn, virus... Tình trạng này gây ra sự rối loạn nghiêm trọng tại chỗ và ảnh hưởng đến quá trình hình thành và hấp thu dịch trong màng phổi;
  • Tràn máu màng phổi: Xảy ra do các chấn thương lồng ngực từ bên ngoài như tai nạn, va đập mạnh...;
  • Tràn dưỡng chấp trong màng phổi (chylothorax): Do sang chấn hệ mạch trong lồng ngực hoặc các chấn thương gây vỡ ống ngực;
  • Tràn dịch màng phổi thanh tơ: Là dạng tràn dịch màng phổi có xuất tiết, kèm theo triệu chứng rỉ dịch viêm;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tràn dịch màng phổi là căn bệnh vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Dịch không thể tự xuất hiện và ứ đọng trong phổi, thường là do ảnh hưởng từ các bệnh lý khác nhau tùy theo từng thể bệnh.

Tràn dịch màng phổi do nhiễm vi khuẩn lao là một trong những nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất

  • Thể tràn dịch màng phổi dịch thấm
  • Tràn dịch màng phổi dịch tiết
    • Bệnh lao màng phổi (do nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium);
    • Nhiễm trùng phổi và màng phổi do các loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng có hại như sán lá phổi, a míp, sán lá gan lớn, Mycoplasma pneumoniae, Hemophilus influenzae, ST. pneumoniae...;
    • Các bệnh lý hệ thống như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, sốt thấp khớp...;
    • Chứng tắc nghẽn động mạch phổi;
    • Bệnh ung thư;
    • Xạ trị hoặc hóa trị điều trị ung thư;
  • Tràn máu màng phổi: Được chẩn đoán có tỷ lệ hemoglobin dịch màng phổi và hemoglobin máu > 0.5. Thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:
    • Chấn thương gây tổn thương lồng ngực;
    • Ung thư màng phổi hoặc các dạng ung thư di căn đến màng phổi như ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng...;
    • Bệnh Rendu Osler;
    • Chứng vỡ phình tách động mạch chủ ngực;
    • Biến chứng từ các thủ thuật thăm dò màng phổi như chọc dò hút dịch hoặc sinh thiết màng phổi;
  • Tràn dưỡng chấp màng phổi:
    • Ung thư phế quản di căn hoặc ung thư hệ lympho;
    • Viêm bạch mạch do giun chỉ hoặc vi khuẩn lao;
    • Biến chứng phẫu thuật lồng ngực tạo lỗ rò ở ống ngực và màng phổi;
    • Chấn thương nặng ở lồng ngực;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi thường có các triệu chứng đặc trưng sau:

Đau tức ngực, khó thở, sốt cao, mệt mỏi... là những triệu chứng điển hình ở bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi

  • Đau tức ngực;
  • Nằm nghiêng bên nào bên đó sẽ đau nhiều hơn;
  • Khó thở, thở gấp, dễ hụt hơi;
  • Ho khan;
  • Sốt cao từ 38,5 độ trở lên;
  • Mệt mỏi, không có sức lực;

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các triệu chứng tràn dịch màng phổi được biểu hiện với mức độ khác nhau. Khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán 

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi ngoài dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng, kiểm tra sức khỏe, khai thác tiền sử bệnh cá nhân, gia đình và thói quen sống, sinh hoạt. Bệnh nhân cũng sẽ được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác để đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân và mức độ bệnh.

Chẩn đoán tràn dịch màng phổi thông qua hình ảnh X quang phổi

  • Chụp X quang phổi: Phát hiện tổn thương và xác định mức độ ứ dịch trong phổi mức độ ít, trung bình hoặc nhiều thông qua hình ảnh phổi mờ đậm, tương đối đồng đều, tim bị chèn ép và đẩy sang phía đối diện;
  • Siêu âm phổi: Phát hiện tràn dịch màng phổi khu trú, ít hoặc bị vách hóa;
  • Chụp CT scan cắt lớp vi tính: Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tân tiến giúp phát hiện chính xác vị trí ứ dịch trong phổi và phát hiện các tổn thương đi kèm;
  • Chọc dò dịch màng phổi: Chọc hút dịch phổi và mang đi xét nghiệm phân tích giúp tìm ra nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi. Các chỉ số xét nghiệm giúp chẩn đoán tràn dịch màng phổi như:
    • Protein;
    • Công thức máu;
    • Rivalta;
    • Cholesterol;
    • Amylase;
    • Triglyceride;
  • Một số xét nghiệm khác: Tùy thuộc vào căn nguyên nghi ngờ gây tràn dịch để áp dụng thực hiện các xét nghiệm khác như:
    • Định lượng hormone tuyến giáp;
    • Đo nồng độ kháng thể kháng nhân;
    • Siêu âm ổ bụng;
    • ...

Ngoài ra, chẩn đoán tràn dịch màng phổi còn được phân biệt với nhiều bệnh lý khác để có hướng điều trị phù hợp như:

  • Viêm phổi;
  • Xẹp phổi;
  • Viêm màng phổi dày dính;
  • Áp xe dưới cơ hoành;
  • Vô sản phổi;

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng 

Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ triệu chứng. Những trường hợp nhẹ được điều trị tích cực ngay từ sớm, bệnh sẽ cải thiện nhanh chóng trong vòng vài tuần, vài tháng. Nhưng cũng có không ít trường hợp bệnh tiến triển nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Hình ảnh bệnh nhân tràn dịch màng phổi gặp biến chứng suy hô hấp nguy hiểm

  • Màng phổi dày dính gây hạn chế khả năng hô hấp;
  • Suy hô hấp;
  • Xẹp phổi;
  • Chèn ép tim, suy tim;

Ngoài ra, chẩn đoán và điều trị tràn dịch màng phổi bằng các thủ thuật y tế cũng có thể để lại nhiều biến chứng khó lường cho sức khỏe như:

  • Nhiễm trùng;
  • Chảy máu;
  • Tràn khí màng phổi;

Tiên lượng

Bản chất của tràn dịch màng phổi là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn từ đơn giản đến phức tạp. Thậm chí có những bệnh đe dọa tính mạng người bệnh nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tiên lượng điều trị và thời gian phục hồi của bệnh còn phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ triệu chứng cũng như thể trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

Tùy từng trường hợp mà bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị ngoại trú hoặc nhập viện nhằm theo dõi sát tiến triển bệnh để có hướng điều trị phù hợp. Điều trị tràn dịch màng phổi không phải trường hợp nào cũng có thể khỏi dứt điểm được, còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh.

Điều trị

Điều trị tràn dịch màng phổi cần tuân thủ các nguyên tắc y khoa nhất định, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn bệnh cụ thể và nguyên nhân gây bệnh.

1. Điều trị nội khoa 

Dựa vào kết quả chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Bước 1: Điều trị triệu chứng 

  • Thở oxy, chọc hút dịch nhiều lần (mỗi lần ≤ 1 lít) nhằm phục hồi chức năng hô hấp ở những bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp kéo dài;
  • Trường hợp có các triệu chứng tái phát thường xuyên do ung thư:
    • Chỉ định dùng povidon iod hoặc bột talc... để gây dính màng phổi;
    • Không gây dính khoang màng phổi khi phổi tràn dịch nhưng không nở hoàn toàn hoặc có kèm theo triệu chứng tràn dịch màng ngoài tim;

Bước 2: Điều trị căn nguyên

Điều trị căn nguyên gây tràn dịch màng phổi thường gồm các thủ thuật can thiệp ngoại khoa sau:

Chọc hút dịch màng phổi

Đây là thủ thuật được áp dụng phổ biến trong điều trị tràn dịch màng phổi

Chọc hút và dẫn lưu dịch ra khỏi màng phổi giúp bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi dễ thở hơn

  • Thủ thuật này được thực hiện nhằm hút dịch ra khỏi khoang ngực, giúp bệnh nhân dễ thở hơn nếu lượng dịch quá nhiều. Bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ tại vị trí cần tiếp cận, sau đó đâm kim trực tiếp vào ngực để hút dịch ra ngoài. Kết hợp bơm rửa thường xuyên mỗi ngày bằng nước muối sinh lý NaCl 0.9%;
  • Tuy nhiên, sau khi hết thuốc tê người bệnh sẽ vẫn thấy khá đau. Trường hợp dịch vẫn tiếp tục được hình thành, bệnh nhân sẽ phải thực hiện chọc hút nhiều lần, dễ gây các biến chứng rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng, xẹp phổi...;

Gây viêm phế mạc

Phương pháp này thường được chỉ định áp dụng sau khi đã hút hết dịch ra khỏi khoang lồng ngực. Được thực hiện bằng cách tiêm thuốc Talc vào vị trí phổi ứ dịch nhằm kết dính 2 lớp màng phổi lại với nhau để ngăn không cho dịch hình thành và ứ đọng tại vị trí này nữa.

Dùng thuốc

Những bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi do nhiễm khuẩn được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh trong vòng 4 - 6 tuần.

Dùng thuốc được chỉ định nhằm loại bỏ các tác nhân gây viêm màng phổi dẫn đến ứ dịch

  • Đối với các loại vi khuẩn gây viêm màng phổi, phối hợp ít nhất 2 kháng, dùng dưới dạng tiêm đường tĩnh mạch với liều cao;
  • Trường hợp chưa xác định được loại vi khuẩn nên dùng trước các loại kháng sinh có tác dụng với phế cầu, vi khuẩn kỵ khí và các trực khuẩn gram âm như:
    • Cephalosporin thế hệ III, liều khuyến cáo 3 - 6g/ ngày;
    • Amoxicillin kết hợp Acid Clavulanic liều 3 - 6g/ ngày;
    • Gentamycin liều 3 - 5mg/ kg/ ngày, dùng dưới dạng tiêm bắp 1 lần hoặc thay thế bằng Amikacin liều 15mg/ kg/ ngày dùng dưới dạng tiêm bắp 1 lần duy nhất;
    • Một số trường hợp có thể dùng Penicillin liều cao khoảng 20 - 50 triệu đơn vị/ ngày tùy theo cân nặng. Nếu dị ứng với Penicillin có thể thay bằng Clindamycin;

Trường hợp nhiễm khuẩn lao cần áp dụng phác đồ chống lao phù hợp sau khi đã chọc hút hết dịch màng phổi. Điển hình như:

  • Streptomycin 15mg/ kg/ ngày;
  • Pyrazinamid 25mg/ kg/ ngày;
  • Rifampicin 10mg/ kg/ ngày;
  • Ethambutol 20mg/ kg/ ngày;
  • INH 5mg/ kg/ ngày;

Một số loại thuốc khác thường được chỉ định cho bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi như:

  • Thuốc lợi tiểu;
  • Thuốc điều trị ung thư;
  • Thuốc chống suy tim;
  • Thuốc trị bệnh suy thận;
  • Thuốc trị xơ gan;
  • ...

Lưu ý quan trọng dành cho bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc điều trị tràn dịch màng phổi đó là tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo về liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng để đạt hiệu quả tối ưu, ngăn ngừa biến chứng.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định để điều trị các dạng tràn dịch màng phổi nghiêm trọng để ngăn chặn tiến triển bệnh và phòng ngừa biến chứng.

Một số phẫu thuật phổ biến thường được thực hiện như:

  • Phẫu thuật bóc màng phổi và loại bỏ ổ cặn trong màng phổi đối với những trường hợp màng phổi bị dày sau khoảng 1 tháng điều trị nội khoa thất bại;
  • Phẫu thuật loại bỏ dị vật nằm trong hoặc cạnh màng phổi gây tổn thương dẫn đến ứ dịch;
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u nang buồng trứng đối với bệnh nhân tràn dịch màng phổi do hội chứng Demon-Meigs;
  • Phẫu thuật thắt ống ngực trong trường hợp chấn thương gây tắc, vỡ ống ngực dạng tràn dưỡng chấp màng phổi;

Phòng ngừa

Bên cạnh điều trị bằng các phương pháp y tế chuyên sâu, bệnh nhân tràn dịch màng phổi cũng cần thực hiện biện pháp chăm sóc tích cực nhằm hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát bệnh hiệu quả.

Chăm sóc điều trị hỗ trợ

Chăm sóc tích cực hậu phẫu tràn dịch màng phổi có ý nghĩa quan trọng quyết định kết quả điều trị

  • Thay đổi cách hít thở, nên ưu tiên thở ra hơi dài nhằm làm tăng áp suất bên trong màng phổi phù hợp giúp làm tiêu dịch.
  • Điều chỉnh tư thế nằm phù hợp để tránh khiến dịch ứ đọng gây dính màng phổi. Trong đó tư thế được các chuyên gia khuyến khích là nằm nghiêng phổi không bị ứ dịch, tay đưa lên cao, hông duỗi thẳng, chèn gối mỏng phía dưới.
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trong tư thế thoải mái nhất sẽ giúp các cơ hô hấp thư giãn, hỗ trợ cải thiện tiêu dịch tràn màng phổi hiệu quả.
  • Ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, ưu tiên thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa,

Chăm sóc phòng ngừa

Để bảo vệ sức khỏe toàn diện và chức năng phổi, cần duy trì lối sống lành mạnh, thông qua các biện pháp sau:

Lối sống khoa học và lành mạnh là giải pháp hàng đầu giúp phòng ngừa tràn dịch màng phổi và bảo tồn chức năng phổi khỏe mạnh

  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất và tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, tránh ăn các loại thực phẩm còn sống, tái.
  • Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng, súc họng thường xuyên để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc những nơi có môi trường ô nhiễm, chứa hóa chất độc hại.
  • Cai thuốc lá, tránh tiếp xúc với những người hoặc môi trường có chứa khói thuốc lá.
  • Giữ khoảng cách an toàn với bệnh nhân mắc bệnh lao hoặc sử dụng thuốc dự phòng trước khi tiếp xúc với bệnh nhân lao.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, cả về ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ nhằm tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể, chống lại bệnh tật.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị tràn dịch màng phổi?

2. Tắm lâu và tắm đêm có phải nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi không?

3. Bệnh tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?

4. Bệnh tràn dịch màng phổi có chữa khỏi dứt điểm được không?

5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán tràn dịch màng phổi?

7. Phương pháp điều trị tràn dịch màng phổi tốt nhất dành tôi là gì?

8. Bị tràn dịch màng phổi uống thuốc nào tốt nhất?

9. Những rủi ro và lợi ích khi điều trị tràn dịch màng phổi là gì?

10. Chế độ ăn uống và sinh hoạt cụ thể dành cho bệnh nhân tràn dịch màng phổi?

11. Quá trình điều trị tràn dịch màng phổi mất bao lâu thì khỏi?

12. Chi phí điều trị tràn dịch màng phổi có tốn kém không? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Tràn dịch màng phổi là bệnh lý về phổi rất nguy hiểm, dễ biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa các hệ lụy khó lường cho sức khỏe. Khuyến Nên ưu tiên điều trị tràn dịch màng phổi ở những bệnh viện và cơ sở y tế chuyên khoa Hô hấp uy tín để đạt kết quả tối ưu.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Sốc phản vệ
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng…
Lao phổi Bệnh Lao Phổi
Lao phổi là thể lao phổ biến nhất trên thế…
Bệnh Sốt Rét
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng…
Hội chứng giảm thông khí trung tâm bẩm sinh
Hội chứng giảm thông khí trung tâm bẩm sinh là…
Bệnh Khí phế thũng

Khí phế thũng thuộc nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), gây tổn thương các phế nang, túi khí…

Bệnh Rò Mao Mạch

Rò mao mạch là một dạng rối loạn nghiêm trọng tại các mao mạch làm tăng huyết áp bất thường…

Bệnh U nang phế quản

U nang thực quản là dạng u nang bẩm sinh bất thường phát triển trong phổi và thường được hình…

Viêm phổi Bệnh Viêm Phổi

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng các nhu mô phổi thường gặp nhất. Đây là nguyên nhân gây suy…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua