Bệnh Khí phế thũng

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Khí phế thũng thuộc nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), gây tổn thương các phế nang, túi khí trong phổi. Bệnh do các nguyên nhân như hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, tiếp xúc hóa chất... gây ra. Tổn thương khí phế thũng gần như không thể phục hồi hoàn toàn, khiến bệnh nhân khó thở nghiêm trọng. Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này đó là dùng thuốc, liệu pháp oxy và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. 

Tổng quan

Khí phế thũng (Emphysema) xảy ra khi phế nang và các tiểu phế quản bị tổn thương. Thuật ngữ này mô tả tình trạng các túi khí trong phổi bị co giãn, thu hẹp, mất đi độ đàn hồi hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Hậu quả làm giảm khả năng hấp thụ oxy và thải khí CO2 của phổi.

Trung bình bộ phổi của con người có khoảng 300 phế nang. Chúng có nhiệm vụ tiếp nhận không khí từ ống phế quản đi vào. Khi hít vào, phế nang căng ra và hút oxy để vận chuyển vào máu. Khi thở ra, phế nang sẽ co lại và thải khí CO2 ra ngoài.

Khí phế thũng là tổn thương phổi mãn tính, ảnh hưởng đến các phế nang và túi khí gây khó thở

Khi bị khí phế thũng, các mô trong phổi gần như bị tổn thương vĩnh viễn. Điều này tạo ra những lỗ hổng khiến không khí mắc kẹt trong phổi, nồng độ oxy trong máu giảm và tăng khí CO2. Những bất thường này có thể khởi phát viêm nhiễm và kích ứng đường thở. Người bệnh thường xuyên cảm thấy khó thở, thở gấp, hụt hơi.

Hút thuốc và tiếp xúc hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm gây nhiễm trùng là những nguyên nhân chính gây khí phế thũng. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính. Nhưng thực tế, dù cùng thuộc nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng bản chất của 2 căn bệnh này hoàn toàn khác nhau.

Phân loại

Bệnh khí phế thũng được chia làm 2 loại chính gồm:

  • Khí phế thũng Centrilobular: Hay còn gọi là khí phế thũng trung tiểu thùy, xảy ra khi các thùy trên của phổi bị tổn thương. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới, chủ yếu liên quan đến thói quen hút thuốc lá.
  • Khí phế thũng Panlobular: Hay bệnh khí phế thũng toàn thùy. Bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ phổi và liên quan đến yếu tố di truyền. Bệnh xảy ra phổ biến ở những người thiếu hụt gen alpha-1-antitrypsin, là một tình trạng di truyền gây ảnh hưởng đến gan, phổi.

Khí phế thũng có 2 dạng chính gồm Centrilobular và Panlobular

Ngoài ra, dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, khí phế thũng được phân chia làm 4 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn 1: Là giai đoạn khí phế thũng nhẹ nhất. Tổn thương phế nang vừa khởi phát và chức năng phổi vẫn hoạt động tốt > 80%.
  • Giai đoạn 2: Là giai đoạn khí phế thũng trung bình. Chức năng phổi hoạt động từ 50 - 70%.
  • Giai đoạn 3: Là giai đoạn khí phế thũng nặng. Chức năng hoạt động của phổi chỉ còn khoảng 30 - 49%.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn khí phế thũng nghiêm trọng nhất. Phổi hoạt động < 30% so với bình thường và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra khí phế thũng, có thể kể đến gồm:

Hút thuốc lá

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý hô hấp nói chung và khí phế thũng nói riêng. Trong khói thuốc lá có chứa lượng lớn độc tố nicotine, phá hỏng các túi khí trong phổi và gây khó thở nặng. Những người càng hút thuốc lâu năm, nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng càng cao.

Hút thuốc lá là con đường nhanh nhất dẫn đến khí phế thũng

Bên cạnh đó, các sản phẩm chứa khói thuốc lá điện tử như vape, pod cũng cí thể gây khí phế thũng. Ngoài ra, hút thuốc thụ động (hít khói thuốc lá) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, nhất là ở trẻ em.

Ô nhiễm không khí

Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai sau hút thuốc lá. Chất lượng không khí không đảm bảo, chứa nhiều nitơ dioxide, ozone hoặc các hạt vật chất khác rất dễ gây kích ứng phổi, tổn thương các phế nang, túi khí và gây khí phế thũng.

Nhóm nguyên nhân này thường tiến triển chậm, tiếp xúc càng lâu với nguồn không khí ô nhiễm, mức độ khí phế thũng càng nặng. Do đó, những người sống trong những khu vực có chỉ số ô nhiễm không khí cao thường có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là những nơi gần khu công nghiệp, thành thị.

Tính chất nghề nghiệp 

Những công việc bắt buộc phải tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, hóa chất như công nhân khai thác mỏ, sản xuất hóa chất tẩy rửa, nông nghiệp... có nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng cao hơn.

Yếu tố di truyền

Thiếu alpha-1 antitrypsin là rối loạn di truyền có liên quan đến khí phế thũng. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất protein alpha-1 antitrypsin khiến phổi dễ bị suy yếu do sự tác động của các yếu tố có hại.

Tỷ lệ khí phế thũng do yếu tố này khá hiếm, bạn có thể mắc căn bệnh này dù chưa bao giờ hút thuốc hoặc tiếp xúc với các chất ô nhiễm.

Một số yếu tố nguy cơ khác

  • Covid-19: Covid-19 là đại dịch lớn gây do virus Sar-CoV2 gây ra. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của người bệnh, trong đó có các mạch máu phổi và phế nang, tăng nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng nặng.
  • Tuổi tác: Bệnh khí phế thũng thường xảy ra ở người lớn tuổi. Dưới sự ảnh hưởng của quá trình lão hóa, khiến phổi mất đi độ đàn hồi tự nhiên, hoạt động kém lâu ngày dẫn đến khí phế thũng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Mỗi bệnh nhân bị khí phế thũng sẽ có những triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng tùy trường hợp. Nhưng về cơ bản, sẽ có các dấu hiệu đặc trưng sau:

Mắc bệnh khí phế thũng gây khó thở, thở khò khè, đau tức ngực và ho dai dẳng

  • Khó thở;
  • Đau tức ngực;
  • Thở khò khè;
  • Hụt hơi, thở gấp;
  • Ho mạn tính, kéo dài > 8 tuần;
  • Mệt mỏi ngay cả khi không thực hiện các hoạt động gắng sức;
  • Sụt cân;
  • Móng tay và môi xanh xao, nhợt nhạt do máu thiếu oxy;
  • Sưng mắt cá chân, bàn chân;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh khí phế thũng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe thể chất, đánh giá triệu chứng lâm sàng trước tiên. Sau đó, yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

Hình ảnh X-quang phổi giúp chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương phổi

  • Xét nghiệm chức năng phổi: Hay còn gọi là phế dung ký. Đây là thiết bị giúp đo nồng độ không khí đi vào và ra khỏi phổi, giúp đo lường chức năng hoạt động của phổi ngay thời điểm hiện tại.
  • Chụp X quang ngực: Kỹ thuật X quang thường được chỉ định áp dụng cho các giai đoạn khí phế thũng vừa và nặng. Cho phép đánh giá mức độ tổn thương phổi có nghiêm trọng hay không.
  • Chụp CT scan: Cho phép quan sát chi tiết hình ảnh phổi, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện và đánh giá tổn thương phổi tốt hơn so với chụp X quang.
  • Đo khí máu động mạch (ABG): Kỹ thuật này giúp đo nồng độ oxy và CO2 trong các động mạch - nơi dẫn máu ra khỏi tim. Nếu có bất thường chứng tỏ các phế nang, túi khí của bạn đang gặp vấn đề.
  • Đo điện tâm đồ (EKG): Giúp kiểm tra và đánh giá chức năng tim, loại trừ các tổn thương tim mạch gây khó thở. Đây là yếu tố quan trọng giúp xác định chẩn đoán khí phế thũng.
  • Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra yếu tố di truyền trong những trường hợp nghi ngờ bệnh nhân bị khí phế thũng do thiếu hụt protein alpha-1 antitrypsin.

Biến chứng và tiên lượng

Khí phế thũng là bệnh lý về phổi phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng tăng cao. Các chuyên gia cho biết, đây là căn bệnh không thể chữa khỏi do các phế nang tổn thương tạo thành những lỗ hổng vĩnh viễn, không thể phục hồi. Việc can thiệp điều trị y tế chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng, duy trì hơi thở ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khí phế thũng có thể gây suy hô hấp bất kỳ lúc nào, đe dọa tính mạng người bệnh

Nếu khí phế thũng không được điều trị sớm, nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Tâm phế mạn;
  • Xẹp phổi;
  • Suy hô hấp mạn tính, gây ngưng thở;
  • Hội chứng bullae khổng lồ gây tràn khí màng phổi;
  • Dễ mắc các bệnh đường hô hấp khác như cúm, cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản;
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc tăng áp động mạch phổi;

Tất cả những hệ lụy nghiêm trọng này đều sẽ tiến triển đến hậu quả tử vong. Đặc biệt với những người chủ quan, không chủ động thăm khám và điều trị sớm.

Một người bị khí phế thũng sẽ có tuổi thọ trung bình ít hơn người khỏe mạnh bình thường khoảng 14 năm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính, tùy từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, thể trạng sức khỏe và mức độ tổn thương.

Điều trị

Khí phế thũng là bệnh phổi mạn tính không có biện pháp chữa chữa trị đặc hiệu. Việc áp dụng phác đồ điều trị y tế chuyên khoa với các biện pháp như uống thuốc, thở oxy hoặc thậm chí phẫu thuật chỉ nhằm mục đích ngăn chặn tiến triển bệnh. Đồng thời, bảo tồn tối đa chức năng của lá phổi khỏe mạnh còn lại.

Tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp điều trị khí phế thũng phù hợp. Chẳng hạn như:

Cai thuốc lá 

Đây là bước điều trị đầu tiên quan trọng đối với những bệnh nhân bị khí phế thũng do hút thuốc lá. Chỉ khi bạn ngưng hút thuốc, lá phổi mới có thể khỏe mạnh, không còn tổn thương và phục hồi chức năng hô hấp.

Dùng thuốc 

Để trị khí phế thũng cần dùng đến rất nhiều loại thuốc khác nhau, chủ yếu nhằm kiểm soát và cải thiện các triệu chứng liên quan. Bao gồm:

Có 2 loại thuốc trị khí phế thũng thường dùng nhất là thuốc giãn phế quản và thuốc Corticosteroid

  • Thuốc giãn phế quản: Loại thuốc này có tác dụng làm thư giãn các nhóm cơ xung quanh đường thở. Chỉ khi chúng được thư giãn, đường hô hấp thông thoáng mới tạo điều kiện cho không khí ra vào phổi một cách dễ dàng. Nhóm thuốc này thường được chỉ định dùng cho hầu hết các bệnh lý về phổi, trong đó có khí phế thũng.
  • Corticosteroid: Tùy từng trường hợp, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc dạng hít hoặc dạng uống. Có tác dụng mở đường thở thông thoáng, cải thiện hô hấp nhanh chóng.
    • Corticosteroid dạng hít: Giúp giảm sưng viêm đường hô hấp và ức chế sản xuất dịch nhầy. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc hàng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
    • Corticosteroid dạng uống: Trường hợp các triệu chứng khí phế thũng bùng phát nghiêm trọng hoặc tái phát sau điều trị, có thể cần dùng đến đơn thuốc Corticosteroid dạng uống.
  • Thuốc kháng sinh: Dùng để điều trị nhiễm trùng phổi, cải thiện triệu chứng khí phế thũng và các bệnh liên quan khác như viêm phế quản, viêm phổi.
  • Thuốc chống viêm: Hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm nhiễm trong đường hô hấp.
  • Thuốc Mucolytics: Có tác dụng làm loãng chất dịch nhầy trong phổi. Điều này giúp bạn dễ dàng tống chúng ra khỏi đường hô hấp để thở dễ dàng hơn.

Điều trị tại nhà

Song song với việc dùng thuốc, người bệnh khí phế thũng cũng cần kết hợp thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà để góp phần cải thiện triệu chứng. Chẳng hạn như:

Các bài tập hít thở sâu đúng kỹ thuật giúp cải thiện đáng kể khả năng hô hấp

  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học hàng ngày, tăng cường rau xanh, củ quả, trái cây tươi, ngũ cốc... Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh.
  • Tập thể dục điều độ mỗi ngày, lưu ý tập vừa sức bằng những bộ môn nhẹ nhàng;
  • Thực hành các bài tập hít thở sâu giúp phục hồi chức năng hô hấp của phổi;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong nhà, nhất là phòng ngủ và nơi làm việc;
  • Che chắn đường hô hấp kỹ lưỡng mỗi khi ra ngoài, tránh khỏi các tác nhân ô nhiễm như không khí, hóa chất;

Liệu pháp oxy

Trường hợp bệnh nhân khó thở tức ngực nặng do oxy trong máu không đủ, liệu pháp oxy thường được chỉ định thực hiện ngay lập tức. Người bệnh có thể nhận oxy từ bên ngoài thông qua mặt nạ thở hoặc đặt ống thông mũi.

Liệu pháp protein

Sau chẩn đoán, những người bị khí phế thũng do thiếu protein alpha-1 antitrypsin có thể được chỉ định truyền bổ sung lượng protein thiếu hụt. Nhằm tăng khả năng bảo vệ phổi, giảm thiểu tổn thương, cải thiện các triệu chứng khí phế thũng hiệu quả.

Phẫu thuật

Để điều trị khí phế thũng nặng, nhất là khi các biện pháp bảo tồn không đáp ứng hiệu quả và xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ sẽ chỉ thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt. Một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến như:

Phẫu thuật điều trị khí phế thũng được chỉ định cho những trường hợp bệnh nặng

  • Phẫu thuật giảm thể tích phổi (LVRS): Được thực hiện bằng cách cắt bỏ  một phần các mô phổi bị tổn thương, sau đó nối các mô còn khỏe mạnh lại với nhau. Điều này giúp làm giảm áp lực lên các cơ hô hấp, phục hồi khả năng co giãn đàn hồi của phổi.
  • Nội soi phế quản: Phương pháp này nhằm giảm thể tích phổi nhờ kỹ thuật nội soi phế quản. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ kết hợp đặt van một chiều vào trong đường thở của bạn. Các van này cho phép không khí lưu thông dễ dàng trong phổi, nhưng không đi vào các lỗ hổng phế nang
  • Cắt bỏ túi khí: Sự phát triển quá mức của các túi khí trong phổi gây chèn ép lên các mô phổi và dần phá hủy chức năng hô hấp. Phẫu thuật cắt bỏ túi khí giúp giải pháp áp lực và bảo toàn chức năng cho các mô phổi khỏe mạnh còn lại.
  • Cấy ghép phổi: Trường hợp bị khí phế thũng nghiêm trọng, toàn bộ lá phổi bị tổn thương và không còn khả năng phục hồi sẽ được cân nhắc đến biện pháp cấy ghép thay phổi mới. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân khí phế thũng được thay phổi rất ít do nguồn phổi khỏe mạnh được hiến tặng rất ít, chi phí đắt đỏ.

Phòng ngừa

Khí phế thũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, khả năng hô hấp và đặc biệt có thể đe dọa tính mạng người bệnh bất kỳ lúc nào. Do đó, để giảm nguy cơ mắc căn bệnh này, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp tích cực sau đây:

Một lối sống khoa học và lành mạnh không độc hại là chìa khóa vàng để có lá phổi khỏe mạnh

  • Cai thuốc lá và tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc với những môi trường ô nhiễm, hóa chất, bụi bặm.
  • Nếu bắt buộc phải làm việc trong những môi trường này, hãy đảm bảo mang đầy đủ đồ bảo hộ như đeo mặt nạ hoặc mặt nạ chống độc.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống phù hợp, vận động rèn luyện thể chất tích cực hàng ngày để bảo vệ lá phổi khỏe mạnh.
  • Chú ý đến chất lượng không khí của môi trường xung quanh để có hướng xử lý phù hợp, bảo vệ đường hô hấp khỏi các tác nhân gây hại.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát, định kỳ kiểm tra đường hô hấp, nhất là đối với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao để kịp thời phát hiện bệnh, điều trị sớm đạt kết quả cao.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh khí phế thũng?

2. Tôi mắc bệnh khí phế thũng dạng nào?

3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không? Có nguy hiểm đến tính mạng không?

4. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị khí phế thũng nặng?

5. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán khí phế thũng?

6. Điều trị bệnh khí phế thũng bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Nếu chỉ dùng thuốc và chăm sóc đường thở có thể khỏi bệnh không?

8. Khi nào tôi cần phẫu thuật điều trị khí phế thũng?

9. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến phương án phẫu thuật?

10. Quá trình điều trị khí phế thũng mất bao lâu? Chi phí bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

Tóm lại, khí phế thũng là căn bệnh phổi mạn tính nguy hiểm do không có cách chữa trị khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, chỉ cần một lối sống lạnh mạnh và bảo vệ đường hô hấp tránh khỏi các tác nhân gây bệnh, các triệu chứng bệnh sẽ dần được cải thiện. Đồng thời, phòng ngừa rủi ro nguy cơ mắc bệnh hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Tràn Dịch Màng Phổi
Tràn dịch màng phổi là một trong những bệnh lý về phổi phổ biến và có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân…
Bệnh Sốt Rét
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng…
Bệnh Nhiễm nấm Aspergillosis
Nhiễm nấm Aspergillosis là căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng…
Bệnh Ho gà
Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp với…
Bệnh Ngộ độc thịt

Ngộ độc thịt là căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, xảy ra do nhiễm độc tố từ vi…

Áp xe phổi Bệnh Áp Xe Phổi

Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng phổi do tác nhân vi khuẩn và ký sinh trùng. Người lớn…

Lao phổi Bệnh Lao Phổi

Lao phổi là thể lao phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân lớn thứ 2 gây tử…

Bệnh Bụi phổi

Bụi phổi xảy ra do liên quan đến điều kiện môi trường sống ô nhiễm và hít phải nhiều bụi…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua