Bệnh Sâu răng

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Sâu răng là hậu quả của việc nhiễm trùng do vi khuẩn, được hình thành từ các mảng bám và axit trên răng. Bất kỳ ai cũng có thể bị sâu răng, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Sâu răng không phải vấn đề quá nghiêm trọng, thường ít gây biến chứng và có thể điều trị được thông qua các biện pháp nha khoa như liệu pháp clorua, trám răng hoặc nhổ thay răng mới.

Sâu răng xảy ra khi các tổ chức răng bị phá hủy và tạo thành các lỗ sâu lớn nhỏ trên bề mặt răng

Tổng quan

Sâu răng (Tooth Decay/ Dental Caries/ Cavities) là tình trạng lớp men răng bị phá hủy, sau đó tấn công vào các lớp bên trong răng và hình thành lỗ sâu. Hiện tượng này thường được gây ra bởi sự tích tụ mảng bám trên răng, tạo ra axit ăn mòn men răng.

Bất kỳ ai cũng có thể bị sâu răng, đặc biệt phổ biến hơn ở trẻ em. Bởi trẻ em chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, chải răng không đúng cách và thường xuyên tiêu thụ đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường. Người lớn cũng rất dễ bị sâu răng do thói quen ăn uống, dùng chất kích thích hoặc bị tụt nướu, tổn thương chân răng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sâu răng xảy ra do sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng, thông qua tích tụ các mảng bám đồ ăn, thức uống. Các yếu tố gồm vi khuẩn (thường là Streptococcus Mutans), axit và nước bọt trộn lẫn với nhau để hình thành mảng bám bao phủ trên răng. Nếu vệ sinh kém, đánh răng không đúng cách khiến axit trong mảng bám hòa tan vào men răng, hình thành lỗ sâu.

Thói quen ăn uống nhiều bánh kẹo ngọt chứa đường và tinh bột làm tăng nguy cơ sâu răng

Cụ thể một số yếu tố nguy cơ gây sâu răng như:

  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống nhiều tinh bột, đường thường có nguy cơ gây sâu răng cao hơn. Đây là những chất được vi khuẩn sử dụng để tạo ra axit làm mòn men răng.
  • Tần suất ăn uống: Thói quen ăn uống ngày đêm, khiến răng không có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi. Đồng thời, khi răng thường xuyên tiếp xúc với axit làm tăng nguy cơ mất các khoáng chất, dễ gây sâu răng.
  • Thiếu dưỡng chất: Ăn uống thiếu chất, đặc biệt thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho răng
  • Vị trí của răng: Những răng nằm ở vị trí sâu bên trong hàm thường khó vệ sinh nên dễ bị sâu răng hơn các răng còn lại.
  • Vệ sinh răng miệng kém: Lười đánh răng, không súc miệng và dùng chỉ nha khoa là những yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển, hình thành mảng bám, axit mài mòn men răng theo thời gian.
  • Khô miệng: Uống ít nước hoặc ảnh hưởng bởi các bệnh lý khiến khoang miệng thiếu nước bọt gây khô miệng. Tình trạng này làm tăng nguy cơ sâu răng do vi khuẩn dễ dàng phát triển.
  • Trẻ bú đêm: Cho trẻ bú thường xuyên vào ban đêm, kể cả sữa bình hoặc sữa mẹ đều làm tăng nguy cơ gây sâu răng.
  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi nguy cơ sâu răng càng cao do men răng bị mài mòn và tiếp xúc nhiều với vi khuẩn.
  • Không đủ florua: Florua là khoán chất quan trọng giúp chống lại axit, bảo vệ men răng khỏi các tác nhân gây hại. Nếu thiếu hụt florua, răng dễ bị phá hủy và gây sâu.
  • Ợ nóng: Những người thường xuyên ợ nóng hoặc bị trào ngược dạ dày thực quản khiến axit trào ngược lên miệng, tiếp xúc với khoang miệng và tác động làm mòn men răng. Tình trạng này kéo dài khiến men răng càng yếu đi và dẫn đến sâu răng.
  • Trám răng hư: Vết trám răng sơ sài hoặc chất trám cũ, bị hỏng tạo điều kiện cho vi khuẩn rò rỉ vào các vết nứt xung quanh đó và gây ra sâu răng.

Triệu chứng và chẩn đoán

Sâu răng phát triển trong giai đoạn đầu, tấn công men răng thường không gây ra triệu chứng, không đau nhức. Chỉ đến khi sâu răng xâm lấn đến lớp ngà răng và tủy răng mới phát sinh triệu chứng.

Sưng nướu, đau răng là 2 triệu chứng điển hình nhất gây sâu răng

Các triệu chứng sâu răng điển hình bao gồm:

  • Đau răng;
  • Hôi miệng, có vị khó chịu trong miệng;
  • Chảy máu nướu răng;
  • Sưng mặt;
  • Nhạy cảm với đồ ăn, thức uống nóng hoặc lạnh;

Có 5 giai đoạn sâu răng, mỗi giai đoạn sẽ có các biểu hiện khác nhau, bao gồm:

  • Giai đoạn khử khoáng: Xuất hiện các đốm nhỏ màu trắng đục trên bề mặt răng. Đây là quá trình phân hủy các khoáng chất trong men răng.
  • Giai đoạn sâu men răng: Tổn thương sâu tấn công phá hủy lớp men răng tạo thành những đốm trắng rõ ràng hoặc chuyển sang màu nâu nhạt.
  • Giai đoạn sâu ngà răng: Các mảng bám và vi khuẩn tiếp tục tấn công đến lớp ngà răng. Quá trình sâu ngà răng diễn ra nhanh hơn so với men răng vì lớp này tương đối mềm. Bạn sẽ có cảm giác ê buốt, hơi đau nhức và xuất hiện các đốm màu nâu đậm trên răng.
  • Giai đoạn sâu tủy răng: Tủy răng là lớp trong cùng của răng, chứa các mạch máu, dây thần kinh và mô liên kết nhằm vận chuyển dưỡng chất để nuôi răng cứng chắc, khỏe. Khi sâu ăn đến tủy, sẽ gây đau dữ dội, sưng nướu và xuất hiện các đốm đen trên răng.
  • Giai đoạn áp xe răng: Sâu răng hoàn toàn và kéo dài nhưng không được điều trị có thể gây ra nhiễm trùng. Hậu quả hình thành túi mủ trên chân răng (còn gọi là bệnh áp xe quanh chóp), gây đau nhức mặt, lan vào hàm kèm theo sưng mặt, sưng hạch bạch huyết ở cổ. Nếu không được kiểm soát tích cực, áp xe răng có thể lan sang các mô lân cận và nhiều vùng khác trên cơ thể. Trường hợp nặng hơn vi khuẩn có thể lây lan vào máu và não gây nhiễm trùng huyết hoặc viêm não nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

Chẩn đoán

Sâu răng thường được phát hiện thông qua các dấu hiệu thực thể hoặc khám răng định kỳ. Khám răng nhằm tìm kiếm các dấu hiệu đốm nâu, đen trên răng hoặc các vùng răng ê buốt, đau nhức, cho thấy men răng yếu. Chụp X quang định kỳ giúp phát hiện các lỗ răng sâu li ti trước khi tiến triển đến giai đoạn phân rã.

Khám răng toàn diện kiểm tra răng giúp phát hiện các lỗ răng hiệu quả

Một số trường hợp các dấu hiệu sâu răng tiến triển nặng có thể được chỉ định chụp X quang nha khoa nhằm để đánh giá mức độ sâu hoặc phục vụ cho quá trình nhổ răng. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện kỹ thuật chụp X quang phù hợp, bao gồm:

  • Chụp X quang cắn;
  • Chụp X quang quanh chóp;
  • Chụp X quang khớp cắn;
  • Chụp X quang panorex;

Biến chứng và tiên lượng

Sâu răng dù nhỏ hay lớn đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính thẩm mỹ của hàm răng. Lỗ sâu càng lớn, ăn sâu vào các lớp bên trong, nguy cơ nhiễm trùng, hình thành áp xe càng cao. Ở giai đoạn này, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời và đúng cách, bạn có thể bị mất răng vĩnh viễn.

Nhiều trường hợp còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu, viêm não cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm, vì đa số những người bị sâu răng khi đau nhức nhiều, ảnh hưởng ăn uống đều thăm khám và điều trị bằng các biện pháp nha khoa phù hợp.

Do đó, điều trị sâu răng sớm là chìa khóa quan trọng giúp cải thiện sức khỏe răng miệng và duy trì sự ổn định dài lâu. Đặc biệt, điều trị sớm khi lỗ sâu nhỏ tiết kiệm tối đa chi phí, vì các thủ thuật như nhổ, mổ áp xe hoặc thay răng luôn tốn kém hơn rất nhiều so với trám răng sâu.

Điều trị

Tùy theo mức độ sâu răng nặng hay nhẹ, nhu cầu mong muốn và điều kiện kinh tế của gia đình, bác sĩ sẽ tư vấn áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.

Trám răng là phương pháp điều trị sâu răng được áp dụng phổ biến nhất hiện nay

Một số phương pháp điều trị sâu răng hiệu quả hiện nay bao gồm:

Liệu pháp Florua

Fluor là khoáng chất cần thiết cho sự cứng chắc của men răng. Đối với những trường hợp phát hiện sâu răng nhẹ, xuất hiện các lỗ sâu li ti thường được chỉ định áp dụng phương pháp này để sửa chữa và ngăn chặn tiến triển sâu răng.

Liệu pháp này được thực hiện bằng cách bôi trực tiếp Fluor lên răng. Chất Fluor thường được sản xuất dưới dạng gel, dung dịch, bọt hoặc véc-ni. Quá trình bôi Flour này chỉ mất vì phút để cải thiện tình trạng răng. Với những người có nguy cơ sâu răng cao, đây chỉ là phương pháp tạm thời nên muốn đạt hiệu quả cao phải tuân thủ lịch điều trị Flour định kỳ.

Trám răng

Đối với những lỗ sâu to hơn, thường phải tiến hành trám để phục hình răng, thực hiện tốt chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ. Vật liệu trám được đặt vào trong lỗ sâu và tạo hình sao cho tự nhiên. Có nhiều loại vật liệu trám khác nhau như nhựa composite, amalgam, sứ... Hoặc kết hợp từ nhiều vật liệu khác như trám bạc có chứa thủy ngân.

Chữa tủy răng 

Điều trị tủy nhằm giảm đau và loại bỏ vi khuẩn, ức chế sự phát triển của sâu răng. Trong quá trình điều trị tủy, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các tủy bị hoại tử, sau đó lấp đầy ống tủy và buồng tủy bằng vật liệu trám gutta-percha, tạo hình ống tủy trong răng. Sau điều trị, một số trường hợp phải sử dụng mão răng để củng cố và tăng độ bền cho răng.

Nhổ răng và thay thế răng mới

Trường hợp răng sâu bị hư hại hoàn toàn và không còn khả năng phục hồi được nữa, bác sĩ sẽ tiến hành nhổ bỏ và thay thế bằng răng giả. Tùy điều kiện kinh tế, bạn có thể chọn đeo hàm giả, làm cầu răng hoặc cấy ghép để phục hình răng vĩnh viễn đã nhổ bỏ.

Phòng ngừa

Sâu răng rất dễ xảy ra chỉ trong thời gian ngắn. Bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng và cả sức khỏe thể chất. Một số biện pháp tích cực giúp phòng ngừa sâu răng bao gồm:

Đánh răng và súc miệng thường xuyên, kỹ càng giúp loại bỏ mảng bám, phòng ngừa sâu răng

  • Chải răng ít nhất 2 lần/ ngày, ưu tiên sử dụng kem đánh răng có chứa flouride và các loại bàn chải lông mềm.
  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm xỉa để loại bỏ mảng bám, làm sạch sẽ răng sau khi ăn.
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý ngay sau khi ăn.
  • Cắt giảm bớt lượng thực phẩm chứa nhiều tinh bột, nhiều đường và uống nhiều nước trong chế độ ăn uống hàng ngày.
  • Hạn chế ăn vặt, thức ăn nhanh, đồ ăn, đồ uống đóng hộp, bánh kẹo ngọt để giảm nguy cơ sâu răng.
  • Hạn chế sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá để tránh gây khô miệng, giảm nguy cơ mài mòn men răng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị sâu răng?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị sâu răng là gì?

3. Tình trạng sâu răng của tôi có nặng không?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán sâu răng?

5. Điều trị sâu răng bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Trám răng bằng vật liệu nào tốt nhất?

7. Chi phí điều trị sâu răng bao nhiêu?

8. Tôi nên ăn uống như thế nào khi đang điều trị sâu răng?

9. Bị sâu răng có tái phát sau điều trị không?

10. Tôi có cần khám răng định kỳ kiểm tra sâu răng không?

Sâu răng gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và thẩm mỹ. Thời gian sâu răng càng lâu, mức độ sâu càng nặng, nguy cơ mất răng vĩnh viễn và gặp các biến chứng khác càng cao. Do đó, để bảo tồn hàm răng khỏe mạnh, cứng chắc và đều đẹp, hãy sớm thăm khám để điều trị hoặc khám răng định kỳ 1 năm 2 lần để sớm phát hiện và có hướng điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Bạch Sản
Bạch sản là một dạng sang thương đặc trưng với các màng trắng dày ở lưỡi và miệng. Bệnh có thể lành tính hoặc ác tính hóa chuyển sang ung…
Nghiến răng
Nghiến răng là vấn đề sức khỏe răng miệng nhiều…
Lệch khớp cắn
Lệch khớp cắn xảy ra khi răng hàm trên và…
Bệnh Ung thư niêm mạc miệng
Ung thư niêm mạc miệng là một trong những dạng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua