Bệnh Chốc mép

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Chốc mép xảy ra khi vùng khóe miệng bị khô nứt nẻ và đau rát. Đây là vấn đề da liễu rất phổ biến có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Chốc mép có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu không điều trị tích cực. Đa số trường hợp mắc bệnh có thể tự khỏi sau 1 - 2 tuần, kết hợp dùng thuốc bôi hoặc thuốc uống và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Tổng quan

Chốc mép (Angular cheilitis) hay viêm môi bong vảy, viêm môi góc cạnh là tình trạng khô nứt nẻ, đau rát và viêm ở 1 hoặc cả 2 bên khóe miệng. Hình thành các vết loét nứt nẻ, đau rát. Mặc dù gây khó chịu nhưng bệnh thường không nghiêm trọng. Bệnh được gây ra do sự tích tụ nước bọt chứa vi khuẩn và các vi sinh vật có hại khác ở khóe miệng, dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp.

Chốc mép là tình trạng một hoặc hai bên khóe miệng bị khô ráp, nứt nẻ và đau rát do viêm nhiễm

Đa số các trường hợp đều không lây nhiễm. Tuy nhiên, vì có nhiều điểm tương đồng với các triệu chứng lâm sàng của vết loét do virus herpes hoặc các bệnh lý truyền nhiễm khác, nên rất nhiều người nhầm lẫn bệnh có khả năng lây lan.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh chốc mép, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Đặc biệt là trẻ sơ sinh có thói quen mút ngón tay, chảy nước dãi, những người có làn da khô hoặc người lớn tuổi đeo răng giả, làn da chảy xệ. Theo thống kê, trẻ em có xu hướng bị chốc mép cao và thường xuyên hơn người lớn. Tỷ lệ mắc ở trẻ nhỏ là từ 0.2 - 15.1%, còn ở người lớn là 0.7 - 3.8%.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Sự tích tụ của nước bọt ở khóe miệng, khiến khu vực này ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, nấm phát triển. Viêm nhiễm dài ngày đến khi nước bọt bay hơi hết khiến vùng da ở 2 bên mép miệng khô lại và dẫn đến chốc mép.

Người bệnh thường có xu hướng liếm môi để làm ẩm và giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, thói quen này lại càng khiến mức độ viêm, loét ở khóe miệng ngày càng nghiêm trọng.

Chốc mép xảy ra do nước bọt tích tụ ở 2 bên khóe miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm phát triển

Một số nguyên nhân khiến khóe miệng khô ráp, nứt nẻ và gây chốc mép như:

  • Chảy nước dãi nhiều, nhất là trong lúc ngủ;
  • Đeo răng giả không phù hợp;
  • Viêm da dị ứng hoặc chàm da;
  • Răng mọc lệch lạc;
  • Trẻ mút ngón tay cái hoặc núm vú giả thường xuyên;
  • Dị ứng da;
  • Đeo khẩu trang;

Yếu tố nguy cơ 

Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ bị chốc mép, không phân biệt giới tính, độ tuổi, sắc tộc, chủng tộc. Có rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơn gây chốc mép, bao gồm:

  • Mắc các bệnh gây rối loạn hệ thống miễn dịch (điển hình như HIV);
  • Nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với mầm bệnh như vi khuẩn Candida albicans hoặc Staphylococcus;
  • Bệnh ban đỏ đa dạng hoặc lupus ban đỏ;
  • Các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh viêm ruột (IBD), bệnh Crohn;
  • Sụt cân nhanh chóng;
  • Hội chứng Down hoặc suy giáp bẩm sinh khiến da khô ráp, nhăn nheo, chảy xệ;
  • Bệnh viêm hệ thống Sarcoidosis;
  • Sụt cân đột ngột;
  • Hút thuốc lá;
  • Thiếu hụt vitamin B, protein và sắt;
  • Căng thẳng quá mức;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như Tetracycline, paroxetine hoặc metronidazole;

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng điển hình của bệnh chốc mép như:

Chốc mép gây khô da môi, khóe miệng nứt nẻ gây đau rát, bong tróc vảy...

  • Da khô, nứt nẻ;
  • Sưng đỏ;
  • Bong tróc vảy;
  • Phồng rộp;
  • Chảy máu;
  • Đau rát khi cử động miệng, nhất là khi ăn, nói chuyện;

Chẩn đoán 

Bệnh chốc mép tương đối dễ chẩn đoán, bác sĩ thường chỉ đánh giá các triệu chứng lâm sàng, kết hợp kiểm tra thể chất, sức khỏe và điều tra tiền sử bệnh cá nhân. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng nặng, nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy mẫu nước bọt để làm kiểm tra xác định chủng virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh.

Ngoài ra, một số ít trường hợp có thể xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ thiếu hụt dinh dưỡng và dấu hiệu của các bệnh lý khác.

Biến chứng và tiên lượng

Chốc mép là tình trạng không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi hoặc phục hồi nhanh chóng nếu được trị đúng cách. Đa số các trường hợp mắc phải thường biến mất sau 1 - 2 tuần. Biến chứng duy nhất của bệnh đó là để lại vết sẹo hoặc khiến vùng da bị tổn thương ngày càng mỏng và yếu hơn, nhất là khi không được điều trị.

Tổn thương chốc mép để lại vết sẹo gây mất thẩm mỹ

Trong giai đoạn đầu khởi phát, chốc mép thường không lây nhiễm khi tiếp xúc, vì bản chất của bệnh không phải do vi sinh vật cụ thể nào gây ra. Nhưng đến khi phát sinh nhiễm trùng tại chỗ, các vết nứt kẽ khóe miệng tồn tại vi khuẩn, virus, nấm..., sẽ rất dễ lây cho người khác thông qua tiếp xúc gần.

Ngoài ra, bệnh chốc mép có tính chất tái phát dai dẳng, thường xuyên quay trở lại sau điều trị dẫn đến mãn tính. Do đó, rất nhiều trường hợp phải chung sống với bệnh cả đời và tìm cách khắc phục nó tại nhiều thời điểm khác nhau. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Điều trị

Tùy theo nguyên nhân gây chốc mép, bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách điều trị và chăm sóc cải thiện triệu chứng phù hợp. Một số phương pháp điều trị chốc mép hiệu quả gồm:

Điều trị bằng thuốc 

Mục tiêu của việc dùng thuốc là loại bỏ nhiễm trùng, giữ cho vùng da khóe miệng luôn khô ráo và sạch sẽ. Tùy theo tác nhân gây nhiễm trùng là vi khuẩn, virus hay nấm, ký sinh trùng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp.

Các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống chống nấm, vi khuẩn... giúp loại bỏ nhiễm trùng hiệu quả và nhanh chóng

Chẳng hạn như:

  • Thuốc chống nấm: Thường được điều chế dưới dạng thuốc bôi, dùng trực tiếp lên vùng da nhiễm nấm. Các loại phổ biến như:
    • Ketoconazole (Extina);
    • Nystatin (Mycostatin);
    • Miconazole (Micatin, Lotrimin AF, Monistat Derm);
    • Clotrimazol (Lotrimin);
  • Thuốc kháng sinh: Dùng để điều trị loại bỏ vi khuẩn, cải thiện tình trạng chốc mép hiệu quả. Có 2 loại thường dùng nhất là Mupirocin (Bactroban) và axit fusidic (Fucithalmic hoặc Fucidin);

Điều trị hỗ trợ và chăm sóc tích cực

Để cải thiện tình trạng chốc mép nhanh hơn, người bệnh cần áp dụng thêm các biện pháp tích cực sau:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu sắt, protein, vitamin B để bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt.
  • Súc miệng thường xuyên hoặc nhai kẹo cao su có chứa hoạt chất xylitol giúp giảm khô miệng.
  • Bôi vaselin liên tục để làm ẩm vùng da khóe miệng, cải thiện triệu chứng khô môi, nứt nẻ, chảy máu.
  • Chườm đá lạnh vào vùng mép môi để giảm cảm giác đau rát, khó chịu.
  • Trường hợp bị chốc mép do các vấn đề nha khoa, có thể điều trị bằng cách điều chỉnh răng lệch lạc hoặc chỉnh hàm, khớp cắn bằng cách niềng răng hoặc đeo khí cụ duy trì.

Phòng ngừa

Bạn không thể phòng ngừa hoàn toàn bệnh chốc mép, thay vào đó chỉ có thể giảm nguy cơ mắc phải bằng các biện pháp tích cực sau đây:

Giữ ẩm môi thường xuyên bằng cách bôi vaselin phòng ngừa chốc mép

  • Tránh sử dụng chung các đồ vật ăn uống hoặc hôn người đang bị bệnh;
  • Tuyệt đối không sử dụng những thứ gây ảnh hưởng đến vùng da khóe miệng như nước hoa, son môi hoặc son dưỡng chứa hóa chất, hương liệu mạnh, kim loại nha khoa...
  • Nếu có cơ địa khô môi, thường xuyên sử dụng thuốc mỡ chứa oxit kẽm hoặc bôi vaseline để giữ độ ẩm cho da.
  • Không nên liếm môi.
  • Không hút thuốc lá và sử dụng các sản phẩm chứa khói thuốc lá như vape, pod...
  • Tránh tiếp xúc với gió lạnh, buốt rét hoặc ánh nắng mặt trời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên bị đau rát, khô ráp, nứt nẻ vùng khóe miệng là bệnh gì?

2. Tôi cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Tại sao tôi bị chốc mép?

4. Tôi có đang mắc bệnh lý mãn tính nào có liên quan đến chốc mép không?

5. Tình trạng chốc mép của tôi có nghiêm trọng không?

6. Tôi nên điều trị chốc mép bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Bệnh chốc mép có tự khỏi nếu không điều trị không?

8. Bệnh chốc mép có lây không?

9. Tôi nên dùng thuốc bôi hay thuốc uống để điều trị chốc mép?

10. Bệnh có tái phát sau điều trị không?

Chốc mép là bệnh da liễu rất phổ biến và không nghiêm trọng. Bản chất của tình trạng này là sự viêm nhiễm, tổn thương vùng da khóe miệng và có thể dễ dàng kiểm soát. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp chốc mép là dấu hiệu của các bệnh lý mãn tính nguy hiểm. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nên thăm khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Nấm nách
Nấm nách là một bệnh nhiễm trùng do nấm khá phổ biến, xảy ra ở vùng da nách, bên dưới cánh tay. Đây là căn bệnh vô cùng phổ biến,…
Bệnh hắc lào Bệnh Hắc Lào
Hắc lào là bệnh da liễu phổ biến, xảy ra…
Bệnh Hạ cam
Hạ cam là một trong những căn bệnh lây truyền…
Hội chứng loét sinh dục
Hội chứng loét sinh dục là bệnh thầm kín khá…
Chấy Rận (chí rận)

Chấy rận xuất hiện rất phổ biến ở da đầu và nhiều vùng lông khắp cơ thể. Chúng sinh sôi…

Bệnh Behcet

Bệnh Behcet là chứng rối loạn tự miễn dịch hiếm gặp gây viêm ở nhiều cơ quan, bộ phận của…

Bệnh Bạch Tạng

Bạch tạng là bệnh lý giảm sắc tố do di truyền gen lặn. Bệnh nhân bạch tạng thường có màu…

Bệnh Ngón tay trắng

Ngón tay trắng là bệnh nhiễm virus herpes simplex gây ra, ảnh hưởng đến ngón tay, ngón chân. Tình trạng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua