Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Trên

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Đỗ Thanh Hà

Trưởng khoa Phụ Sản

Viêm đường hô hấp trên là tập hợp các bệnh tại đường hô hấp phía trên như hầu, mũi, thanh quản và xoang. Bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ em và cả người lớn, đặc trưng bởi các triệu chứng đường hô hấp như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, khó nuốt... Bệnh thường nặng hơn khi thời tiết chuyển lạnh và có thể chuyển sang mãn tính gây nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. 

Tổng quan

Đường hô hấp trên được xem là đường dẫn khí phía trên dây thanh âm hoặc thanh môn. Vùng này bao gồm các bộ phận mũi, xoang, hầu và thanh quản.

Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là các bệnh truyền nhiễm xảy ra tại hầu, mũi, xoang và thanh quản

Viêm đường hô hấp trên (Upper respiratory tract infection - URI) là tên gọi chung để chỉ các bệnh truyền nhiễm xảy ra tại đường hô hấp phía trên. Một số bệnh thường gặp như:

  • Viêm họng
  • Viêm thanh quản
  • Viêm amidan
  • Viêm tai giữa
  • Viêm xoang
  • Một số loại cảm cúm hoặc cảm lạnh thông thường

Bệnh có mối liên quan mật thiết đến sự tấn công xâm nhập trực tiếp của các vi sinh vật có hại vào niêm mạc đường hô hấp. Chúng bám vào niêm mạc mũi trước, sau đó di chuyển sang vòm họng, vòm họng sau. Phản ứng viêm gây giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch và dẫn đến tắc nghẽn xoang mũi, chảy nước mũi, dịch nhầy, kèm theo hắt hơi liên tục.

So với viêm đường hô hấp dưới, viêm đường hô hấp trên là nhóm bệnh phổ biến hơn, có tỷ lệ và tần suất mắc cao. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh, từ trẻ nhỏ đến người lớn đang bị suy giảm miễn dịch hoặc khi nhiệt độ xuống thấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công vào đường hô hấp và gây bệnh.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là tình trạng các niêm mạc bị kích ứng và sưng viêm quá mức, thường xảy ra do nhiễm virus và vi khuẩn. Trong đó, loại virus phổ biến nhất là rhovirus, adenovirus, virus cúm, enterovirus, virus hợp bào hô hấp... Còn vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên phổ biến nhất là A. pyogenes (1 loại vi khuẩn liên cầu nhóm A gây viêm họng).

Viêm đường hô hấp trên
Virus, vi khuẩn là tác nhân hàng đầu gây ra các bệnh viêm đường hô hấp trên

Ngoài ra, một số yếu tố rủi ro khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên gồm:

  • Tiếp xúc gần với người bệnh, nhất là trẻ em khi đi nhà trẻ hoặc đến trường tiếp xúc với bạn bị bệnh;
  • Chạm vào bề mặt chứa tác nhân gây hoặc bắt tay với người bệnh, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng;
  • Người bệnh hắt hơi hoặc ho không che miệng làm vi sinh vật phát ra trong không khí hoặc dùng tay che miệng nhưng không rửa ngay sau đó;
  • Những người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng hoặc bệnh hen suyễn có nguy cơ cao mắc phải các bệnh viêm đường hô hấp trên;
  • Nghiện hút thuốc lá;
  • Người mắc các vấn đề gây suy giảm miễn dịch như lạm dụng thuốc Corrticosteroid, xơ nang, HIV, phẫu thuật cấy ghép tạng hoặc sau khi cắt lá lách...;
  • Bất thường bẩm sinh hoặc bất thường giải phẫu làm dị dạng khuôn mặt, bị polyp mũi....;

Triệu chứng và chẩn đoán

Một số triệu chứng đặc trưng của viêm đường hô hấp trên bao gồm:

Viêm đường hô hấp trên
Ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt xì, đau họng, đau đầu... là những triệu chứng đặc trưng của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên

  • Ho
  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Đau họng
  • Sưng hạch bạch huyết 2 bên cổ
  • Đau đầu
  • Hắt xì liên tục
  • Sốt nhẹ
  • Đau cơ, nặng mặt
  • Mệt mỏi, khó chịu

Các triệu chứng chung của viêm đường hô hấp trên thường bùng phát đột ngột, bắt đầu trong vòng 1 - 3 ngày sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và kéo dài trong vòng 7 - 10 ngày, nặng hơn khoảng 3 tuần.

Để chẩn đoán và xác định dạng bệnh viêm đường hô hấp trên, bác sĩ sẽ tiến hành quan sát, soi tai mũi họng, kiểm tra lồng ngực, đánh giá hơi thở... Hầu hết trường hợp bệnh không quá nặng, chỉ cần bước thăm khám lâm sàng đã đủ để chẩn đoán bệnh mà không cần thêm bất kỳ xét nghiệm nào khác.

Tuy nhiên, trong trường hợp nghi ngờ viêm đường hô hấp trên có dấu hiệu nhiễm trùng phổi hoặc các dạng nhiễm trùng khác, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như:

  • Chụp X quang phổi;
  • Chụp CT phổi;
  • Xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi (PFT) để đo mức độ trao đổi khí của phổi;
  • Ngoáy họng, ngoáy mũi để lấy mẫu dịch dịch đờm mang đi xét nghiệm, kiểm tra;

Biến chứng và tiên lượng

Viêm đường hô hấp trên là nhóm các bệnh lý truyền nhiễm phổ biến, bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác thông qua các giọt bắn hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp da kề da. Đa số các các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên đều ở mức độ nhẹ và không quá nguy hiểm, có thể thuyên giảm và khỏi hẳn sau 1 - 2 tuần.

Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất người bệnh

Trong quá trình này, bệnh nhân chỉ cần tuân thủ dùng thuốc và chăm sóc sức khỏe tích cực, giảm thiểu sự ảnh hưởng của triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng lây lan đến các cơ quan khác (chẳng hạn như viêm phế quản hoặc viêm phổi), áp xe sau thành họng, áp xe quanh amidan, viêm màng não, viêm xương chũm cấp nguy hiểm gây áp xe não, viêm xương, liệt mặt ngoại biên...

Điều trị

Điều trị các bệnh viêm đường hô hấp trên chủ yếu dựa theo nguyên tắc tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Tùy đặc điểm của từng loại vi khuẩn, virus mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phác đồ điều trị phù hợp.

1. Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc trị viêm đường hô hấp trên chủ yếu được áp dụng khi xảy ra các đợt bùng phát cấp, đột ngột và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đa phần các bệnh viêm đường hô hấp trên chủ yếu là do nhiễm virus nhưng vẫn sẽ được chỉ định áp dụng phác đồ kháng sinh để kiểm soát bệnh.

Viêm đường hô hấp trên
Thuốc trị viêm đường hô hấp trên được bác sĩ kê toa tùy vào mức độ nhiễm trùng và triệu chứng kèm theo

Cụ thể một số trường hợp cần điều trị viêm đường hô hấp trên như sau:

  • Cảm lạnh: Đây là dạng viêm đường hô hấp trên phổ biến nhất. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng mức độ nhẹ như ho, hắt hơi, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi... Giai đoạn này thường không nhất thiết phải dùng kháng sinh.
  • Cúm: Thường xảy ra do nhiễm virus cúm A hoặc B. Liệu pháp kháng virus được áp dụng gồm: thuốc ức chế neuraminidase oseltamivir (Tamiflu) và zanamivir (Relenza), dùng trong vòng 48 tiếng kể từ thời điểm bùng phát triệu chứng.
  • Viêm mũi cấp:
    • Nếu chưa có dấu hiệu bội nhiễm chỉ cần điều trị triệu chứng bằng cách: hút dịch mũi và rửa mũi bằng nước muối sinh lý, làm sạch đường thở;
    • Nhỏ dung dịch Phenylephrine 0.25% giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi;
    • Kết hợp dùng thuốc giảm ho;
  • Viêm xoang cấp: Đặc trưng bởi triệu chứng tắc nghẽn mũi, chảy dịch mũi trước hoặc sau, ho, gây đau cơ mặt và suy giảm khứu giác. Viêm xoang cấp xảy ra < 4 tuần, bán cấp từ 4 - 12 tuần và mãn tính > 12 tuần. Chỉ những trường hợp viêm xoang cấp nghiêm trọng do tính chất vi khuẩn phức tạp mới bắt buộc dùng kháng sinh theo chỉ định.
    • Dùng Paracetamol liều 10 - 15mg/ kg giúp giảm đau đầu;
    • Dùng thuốc co mạch Phenylphedrine 0.25% giảm nghẹt mũi;
    • Dùng kháng sinh: Amoxicilin liều 80 - 100mg/ ngày. Hoặc thay thế bằng Cefaclor hoặc Cefuroxim trong vòng 3 tuần. Trường hợp dị ứng có thể thay bằng Azithromycin, Erythromycin, Clarithromycin...;
  • Viêm tai giữa: Xảy ra do các loại virus chính là S. pneumoniase, H. enzae, M. catarrhalis hoặc liên cầu khuẩn nhóm B, vi khuẩn gram âm hoặc Chlamydia trachomatis. Dạng bệnh này cần áp dụng kháng sinh đồ ngay:
    • Giai đoạn đầu dùng Amoxicillin liều khuyến cáo từ 80 - 90mg/ kg/ ngày;
    • Trường hợp không đáp ứng liều kháng sinh ban đầu (trong vòng 48 - 72 tiến), sẽ được chỉ định kết hợp Amoxicilin với Clavulanate (Augmentin) để tăng hiệu quả;
  • Viêm họng/ viêm amidan: Đây là những bệnh lý nhiễm trùng phổ biến do tác nhân virus, loại được tìm thấy nhiều nhất chính là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Dùng kháng sinh trong trường hợp này nhằm ngăn ngừa nguy cơ biến chứng sốt thấp khớp.
    • Trường hợp do liên cầu khuẩn: dùng Amoxicilin liều 50 - 70mg/ kg/ ngày, uống 3 - 4 lần/ ngày và liên tục trong 7 - 10 ngày. Nếu dị ứng với Amoxicilin có thể thay bằng Erythromycin 30 - 50mg/ kg/ ngày, dùng 2 - 3 lần/ ngày và dùng trong vòng 7 ngày;
    • Trường hợp do bạch hầu: dùng kháng sinh G 300.000  - 500.000 UI/ kg/ ngày dưới dạng tiêm tĩnh mạch liên tục trong vòng 7 - 10 ngày. Sau đó, nếu không cải thiện có thể thay thế bằng Cefarlor hoặc Cefuroxim;

Việc sử dụng thuốc giảm triệu chứng hoặc thuốc kháng sinh, chống viêm cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không tự ý dùng thuốc theo cảm tính, thay đổi liều dùng hoặc lạm dụng trong thời gian dài để tránh gây ra những hậu quả khó lường.

2. Điều trị không dùng thuốc 

Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, chống viêm gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp trên nên ưu tiên hoặc kết hợp song song với các biện pháp điều trị tại nhà, chăm sóc tích cực nhằm hỗ trợ đẩy lùi bệnh nhanh chóng.

Viêm đường hô hấp trên
Chăm sóc tích cực tại nhà giúp khỏi bệnh nhanh hơn, ngăn ngừa biến chứng

 

  • Súc họng, rửa mũi thường xuyên bằng nước sinh lý;
  • Uống nước ấm bù nước, dịch thất thoát do sốt, nôn ói, hơi thở;
  • Ăn những món mềm, lỏng, dễ tiêu hóa để cung cấp dinh dưỡng, năng lượng;
  • Giữ ấm cơ thể, hạn chế bật quạt hoặc điều hòa;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi nhưng cũng phải vận động tích cực để tăng cường sức đề kháng, vượt qua bệnh nhanh hơn;
  • Trường hợp có biến chứng nhiễm trùng áp xe có thể tiến hành các thủ thuật chích rạch, chọc hút để dẫn lưu mủ;

Phòng ngừa

Môi trường xung quanh luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm đường hô hấp trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống nếu mắc bệnh thường xuyên. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh nên được thực hiện một cách tích cực để duy trì sức khỏe ổn định.

Viêm đường hô hấp trên
Tiêm phòng vắc xin cho trẻ là cách tốt nhất giúp phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên

  • Khi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ lạnh phải chú ý giữ ấm toàn thân, nhất là vùng mũi họng bằng khăn quàng, khẩu trang...
  • Giữ vệ sinh thân thể kỹ lưỡng, tắm nước ấm, súc họng, rửa mũi, đánh răng thường xuyên, nhất là sau khi đi từ ngoài về để loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
  • Vệ sinh, giặt giũ và thay mới các vật dụng trong nhà định kỳ nhiều lần trong tháng.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nói chung để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Uống nước ấm, sữa ấm và các loại nước ép trái cây tươi chứa nhiều vitamin C tốt cho đề kháng.
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe, chế biến những món chín nhừ, mềm, dễ tiêu và nêm ít gia vị.
  • Tránh sử dụng than, củi, rơm đốt để sưởi ấm, hãy sử dụng máy sưởi chuyên dụng và máy lọc không khí để loại bỏ các tác nhân gây bệnh trong không khí.
  • Tập thể dục điều độ, vừa sức, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, không thức khuya, cai thuốc lá... nhằm tăng cường sức đề kháng tự nhiên phòng ngừa mọi bệnh tật.
  • Tiêm phòng vắc xin cúm, phế cầu... theo khuyến cáo của Bộ y tế.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Viêm đường hô hấp trên gồm những bệnh nào?

2. Các bệnh viêm đường hô hấp trên có nguy hiểm không?

3. Tại sao tôi bị viêm đường hô hấp trên?

4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán loại bệnh viêm đường hô hấp trên?

5. Tôi cần theo dõi các triệu chứng nào để nhận biết viêm đường hô hấp trên?

6. Tiên lượng điều trị đối với tình trạng bệnh của tôi?

7. Phương pháp điều trị viêm đường hô hấp trên tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

8. Có phải tất cả những trường hợp bệnh viêm đường hô hấp trên đều dùng kháng sinh không?

9. Nếu dùng thuốc kéo dài có gây tác dụng phụ không? Cách xử lý cụ thể?

10. Quá trình điều trị các bệnh viêm đường hô hấp trên mất bao lâu?

11. Bệnh có tái phát trở lại sau khi điều trị hay không?

Các bệnh viêm đường hô hấp trên rất dễ xảy ra khi gặp điều kiện thuận lợi. Tuy không quá nguy hiểm và có thể điều trị được nhưng những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe là rất khó lường. Do đó, bản thân mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bản thân ngay từ sớm.

Xem thêm:

Ngày đăng 10:08 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 10:31 - 30/05/2024
Chia sẻ:
Bệnh viêm VA
Viêm VA là một trong số các vấn đề hô hấp thường gặp hiện nay. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp. Nếu bệnh kéo dài…
Viêm mũi dị ứng Bệnh Viêm Mũi Dị Ứng
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý hô hấp phổ…
Bệnh Quai Bị
Quai bị là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, có…
Bệnh Viêm Màng Nhĩ
Viêm màng nhĩ là bệnh nhiễm trùng phổ biến, thường…
Mất Thính Lực (điếc tai)

Mất thính lực hay điếc tai có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ đến…

Bệnh viêm họng mãn tính

Bệnh viêm họng mãn tính xảy ra khi nhiễm trùng họng cấp không được điều trị. Tình trạng này khiến…

Lưỡi Bản Đồ

Lưỡi bản đồ là một dạng viêm lưỡi lành tính. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh,…

Bệnh Zona Tai

Zona tai là một dạng tổn thương thần kinh do virus herpes zoster gây ra. Bệnh khởi phát từ nhiễm…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Đỗ Thanh Hà

Trưởng khoa Phụ Sản

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua