Bệnh Lao Thanh Quản

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Lao thanh quản là dạng lao ngoài phổi thứ phát thường xảy ra sau khi điều trị lao phổi hoặc lao hạch bạch huyết. Vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là tác nhân chính gây lao thanh quản, đặc trưng với các triệu chứng như khàn tiếng, ho, khó thở, khạc đờm ra máu... Lao thanh quản là bệnh có thể điều trị được nếu áp dụng đúng phác đồ thuốc chống lao. 

Tổng quan

Lao thanh quản (Laryngeal Tuberculosis) xảy ra do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis xâm nhập và trú ngụ trong niêm mạc dây thanh quản gây viêm nhiễm. Đây là bệnh lý lao ngoài phổi thứ phát sau lao phổi hoặc lao hạch. Đặc biệt, bệnh có mối liên hệ mật thiết với lao phổi, do vi khuẩn lao từ phổi lây lan sang thanh quản thông qua dịch mủ khi khạc đờm.

Ngoài ra, vi khuẩn lao còn có khả năng gây viêm nhiễm thanh quản do nhiễm trùng lây lan thông qua đường máu và bạch huyết. Đa phần trường hợp phát hiện lao thanh quản thường ở thể đơn độc, không có tổn thương kèm theo ở các cơ quan khác hoặc một số ít trường hợp vi khuẩn lao phối hợp với lao khí phế quản.

Lao thanh quản là bệnh lý truyền nhiễm thuộc nhóm lao ngoài phổi khá hiếm gặp

Tại Việt Nam, các bệnh về lao rất phổ biến và có tỷ lệ mắc cao. Trong đó, phổ biến nhất là lao phổi, riêng về lao thanh quản thường ít xảy ra, được xếp thứ tự 4 - 5 trong danh sách nhóm các bệnh lao ngoài phổi. Lao thanh quản có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt nguy hiểm và để lại nhiều di chứng vĩnh viễn về giọng nói, việc thở và nuốt.

Phân loại

# Dựa vào biểu hiện và đặc tính của tổn thương, lao thanh quản có rất nhiều thể khác nhau như:

Lao thanh quản được phân chia làm nhiều loại dựa vào nguyên nhân và đặc điểm tổn thương niêm mạc thanh quản

  • Thể thâm nhiễm: Tình trạng dày sần từng đoạn hoặc toàn bộ niêm mạc dây thanh quản;
  • Thể thâm nhiễm phù nề: Là tình trạng niêm mạc thanh quản sưng viêm, phù nề, dày lên và mọng đỏ, nắp thanh quản không có khả năng di chuyển, dây thanh âm phù to gây hẹp thanh môn, ảnh hưởng giọng nói;
  • Thể thâm nhiễm sùi: Tổn thương lao thanh quản có các ổ thâm nhiễm với sự xuất hiện của các nụ sùi;
  • Thể thâm nhiễm loét: Các nốt lao sần trong thanh quản vỡ ra, hình thành các vết loét nông hoặc sâu dày đặc trên nền niêm mạc thâm nhiễm dày sần;
  • Thể u lao: Nổi các khối u tròn, bóng, nhẵn hoặc sần sùi trong thanh quản;
  • Thể lao kê: Xuất hiện các nốt sần nhỏ, màu xám trắng đều nhau, nằm rải rác trên nền niêm mạc thanh quản dày, sưng đỏ;

# Dựa vào nguyên nhân, con đường lây nhiễm và tiến triển bệnh, lao thanh quản được phân chia làm 2 nhóm cơ bản gồm:

  • Lao thanh quản nguyên phát: Là tình trạng trực khuẩn lao xâm nhập và tấn công gây viêm trực tiếp đến dây thanh quản, không kèm theo các tổn thương viêm nhiễm ở các vị trí lân cận khác. Dạng lao thanh quản này cũng do chính chủng Mycobacterium tuberculosis gây ra. Sau đó, tình trạng nhiễm trùng mới dần lây lan sang các cơ quan khác. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh lao thanh quản nguyên phát là rất hiếm.
  • Lao thanh quản thứ phát: Hầu hết những trường hợp mắc bệnh lao ngoài phổi đều thuộc nhóm thứ phát, trong đó có cả lao thanh quản. Trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis sẽ xâm nhập và tấn công vào phổi đầu tiên. Theo thời gian, ổ viêm ngày càng phát triển và lây lan sang các cơ quan lân cận khác thông qua đường hô hấp, đường máu hoặc bạch huyết. Ngoài lao thanh quản, nhóm lao thứ phát còn nhiều bệnh lý như lao cột sống, lao xương, lao màng bụng, lao màng não, lao màng bụng, lao hạch...;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis là tác nhân chính khởi phát bệnh lao thanh quản. Đây là loại vi khuẩn ái khí hoàn toàn, thường phát triển chậm, trong vòng 20 - 24 tiếng mới sinh sản một lần, đặc tính kháng cồn, kháng toan. Nó có khả năng xâm nhập vào trong cơ thể thông qua con đường hô hấp, sau đó lây lan sang các cơ quan khác thông qua đường máu và bạch huyết, di chuyển đến thanh quản và gây nhiễm trùng tại đây kèm theo các biến chứng nặng.

Trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân chính gây bệnh lao thanh quản

Ngoài ra, lao thanh quản có khả năng lây nhiễm qua nhanh chóng thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch đờm của người bệnh.

Yếu tố nguy cơ 

Những yếu tố rủi ro và đối tượng có nguy cơ cao bị lao thanh quản gồm:

  • Người không tiêm phòng ngừa bệnh lao;
  • Người đang bị nhiễm virus, mắc bệnh quai bị, sởi... cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lao ở thanh quản;
  • Người có hệ miễn dịch yếu kém và tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm lao;
  • Môi trường sống ô nhiễm, chứa nhiều khói bụi, hóa chất độc hại...;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, suy gan, suy thận, ung thư, lao phổi hoặc nhiễm trùng máu...;
  • Nghiện hút thuốc lá và rượu bia trong nhiều năm;
  • Lạm dụng các loại thuốc gây ức chế, suy giảm miễn dịch...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tương tự như lao phổi, các triệu chứng lao thanh quản trong giai đoạn đầu thường không đặc hiệu nên rất khó nhận biết sớm. Tùy theo mức độ tổn thương, viêm nhiễm mà triệu chứng lao thanh quản sẽ được biểu hiện khác nhau trên lâm sàng:

Khàn tiếng, ho, cảm giác nuốt vướng, khó thở... là những triệu chứng đặc trưng ở những bệnh nhân lao thanh quản

Triệu chứng cơ năng

  • Khàn tiếng nhẹ trong giai đoạn đầu và tăng dần mức độ đến khi khàn tiếng nặng, đục giọng và mất tiếng hoàn toàn ở giai đoạn nặng;
  • Cảm giác nuốt vướng khi ăn uống do phần phễu và mép sau của thanh quản bị tổn thương, viêm dẫn đến phù nề;
  • Kèm theo cảm giác đau nhói khi cổ họng khi nuốt, mức độ đau ngày càng tăng nặng tùy theo mức độ viêm nhiễm;
  • Khó thở từng cơn, thở kèm theo tiếng rít do biến chứng tổn thương phổi, kèm theo ho khan dai dẳng không dứt;

Triệu chứng thực thể

Ngoài các triệu chứng cơ năng do bệnh nhân cung cấp, bác sĩ cũng sẽ đánh giá các triệu chứng thực thể để chẩn đoán mức độ lao thanh quản.

  • Giai đoạn đầu: Niêm mạc dây thanh quản sưng phù, có màu đỏ hồng. Một dây sẽ có xu hướng thuyên giảm và trở về trạng thái bình thường, dây còn lại bắt đầu tiến triển viêm sung huyết nhẹ, gây khàn tiếng mức độ nhẹ và không thường xuyên;
  • Giai đoạn giữa: Ổ vi khuẩn lao ngày càng phát triển khiến dây thanh quản viêm nhiễm và tổn thương nặng hơn. Đặc trưng bởi tình trạng phù nề, lở loét, sản sinh lượng lớn dịch đờm và có xu hướng hoại tử nếu không điều trị kịp thời;
  • Giai đoạn cuối: Đây cũng là giai đoạn nặng nhất của lao thanh quản, khi các ổ khuẩn không còn khu trú mà lây lan, tấn công sang rất nhiều cơ quan khác, làm suy giảm chức năng, biến chứng hoại tử nghiêm trọng;

Chẩn đoán 

Sau thăm khám lâm sàng đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để tìm ra nguyên nhân gây lao thanh quản. Việc thu thập đầy đủ các cơ sở dữ liệu thông tin nhằm phục vụ công tác điều trị đúng hướng, đạt kết quả tối ưu.

Soi phế quản là tiêu chuẩn vàng được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh lao thanh quản

Một số xét nghiệm cận lâm sàng thường được thực hiện như:

  • Soi phế quản;
  • Sinh thiết mẫu mô tế bào dây thanh quản hoặc phổi bị tổn thương;
  • Chụp X quang phổi;
  • Kỹ thuật soi dịch đờm trực tiếp để tìm kiếm AFB;
  • Phản ứng Mantoux;
  • Phản ứng tổng hợp chuỗi PCR (Polymerase Chain Reaction);
  • Kỹ thuật MGIT (Mycobacteria Growth Indicator Tubes);
  • Xét nghiệm công thức máu, đo nồng độ đường trong máu...;

Kết hợp chẩn đoán phân biệt lao thanh quản với các bệnh lý có triệu chứng và tiến triển tương tự như:

  • Viêm thanh quản xuất tiết;
  • Viêm thanh quản mạn tính;
  • Ung thư thanh quản;
  • Nấm thanh quản;
  • Bạch sản thanh quản;
  • Papilom thanh quản;
  • ...

Biến chứng và tiên lượng

Lao thanh quản là bệnh truyền nhiễm xảy ra do vi khuẩn lao có hại xâm nhập vào trong cơ thể. Với sự phát triển của y học với khoa học kỹ thuật tân tiến, bệnh lao nói chung và lao thanh quản nói riêng đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị lao bằng thuốc. Do đó, nếu chẳng may mắc bệnh nhiễm trùng lao, hãy chủ động thăm khám sớm để được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định phác đồ chống lao phù hợp.

Ngược lại, những người bị lao thanh quản nhưng chủ quan, lơ là không thăm khám, không điều trị, ổ nhiễm trùng lao ban đầu chỉ khu trú 1 chỗ sẽ có nguy cơ lan rộng khắp toàn thân và gây nhiều hệ lụy, biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe, suy giảm chất lượng cuộc sống. Thậm chí đe dọa tính mạng đối với những trường hợp có biến chứng nhiễm trùng huyết, suy hô hấp cấp...

Những bệnh nhân có bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, nhiễm HIV/ AIDS hoặc đang trong đợt tấn công của viêm phổi, ung thư, Covid - 19... thường có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Do đó, phát hiện và điều trị lao thanh quản sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc loại bỏ nhiễm trùng, ngăn chặn biến chứng, dự phòng phát và bảo tồn chức năng dây thanh quản cùng nhiều cơ quan khác trong/ ngoài hệ hô hấp.

Tìm hiểu: Các dấu hiệu ung thư thanh quản giai đoạn đầu cần phát hiện sớm

Điều trị

Sau thăm khám và có kết quả chẩn đoán chính xác về nguyên nhân, mức độ bệnh lao thanh quản, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị riêng dành cho từng trường hợp cụ thể. Hiện nay, điều trị bệnh lao nói chung và lao thanh quản nói riêng thường áp dụng các biện pháp sau:

1. Điều trị bằng thuốc 

Thuốc chống lao là kết quả của quá trình nghiên cứu và thử nghiệm dài lâu, đánh dấu bước đột phá mới của y học trong điều trị bệnh lao nói chung. Nguyên tắc điều trị lao thanh quản được chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì. Trong đó, giai đoạn tấn công kéo dài trong vòng 2 - 4 tháng và giai đoạn duy trì kéo dài trong vòng 4 - 6 tháng.

Bệnh lao thanh quản được điều trị hiệu quả bằng phác đồ thuốc chống lao theo chỉ định của Bộ Y tế

Các loại thuốc chống lao có chất lượng được sử dụng phổ biến như:

  • Isoniazid (H);
  • Pyrazinamid (Z);
  • Ethambutol (E);
  • Streptomycin (S);

Hiện nay còn cập nhật thêm 2 loại thuốc chống lao mới nhóm thuốc chống lao hàng 1 gồm Rifabutin (Rfb) và Rifapentine (Rpt), nhóm thuốc chống lao hàng 2 gồm nhóm Fluoroquinolones, nhóm thuốc tiêm (Kanamycin (Km), Capreomycin (Cm), Amikacin (Am)), nhóm thuốc uống (Ethionamide (Eto); Prothionamide (Pto); Cycloserine (Cs); Para-aminosalicylate sodium (PAS-Na), Terizidone (Trd); Para-aminosalicylic acid (PAS)), nhóm thuốc 5 (gồm Delamanid (Dlm), Clofazimine (Cfz), Bedaquiline (Bdq), Meropenem (Mpm)...)

Theo cập nhật phác đồ trị lao năm 2015 của Bộ Y tế, các phác đồ dùng thuốc chống lao cơ bản gồm:

  • Phác đồ IA - 2RHZE(S)/4RHE: Thường dùng cho người trưởng thành mới mắc bệnh lao lần đầu.
    • Giai đoạn tấn công: 2 tháng;
    • Giai đoạn duy trì: 4 tháng;
  • Phác đồ IB - 2RHZE/4RH: Dùng cho trường hợp mắc lao mới ở trẻ em.
    • Giai đoạn tấn công: 2 tháng;
    • Giai đoạn duy trì: 4 tháng;
  • Phác đồ II - 2SRHZE/1RHZE/5RHE hoặc 2SRHZE/1RHZE/5R3H3E3: Điều trị lao thất bại, tái phát có tiền sử điều trị bằng phác đồ khác hoặc không rõ tiền sử điều trị.
    • Giai đoạn tấn công: 3 tháng;
    • Giai đoạn duy trì: 5 tháng;

Lưu ý quan trọng khi dùng thuốc chống lao:

  • Tuân thủ phác đồ phối hợp thuốc chống lao theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tối ưu;
  • Dùng thuốc đúng liều, không tự ý tăng hoặc giảm liều, vì tăng liều rất dễ biến chứng tác dụng phụ, giảm liều sẽ làm giảm tác dụng;
  • Sử dụng thuốc đều đặn, đúng giờ quy định mỗi ngày để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất;
  • Kiểm soát việc dùng thuốc và theo dõi tiến triển bệnh thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng để có những điều chỉnh phù hợp hơn;

2. Điều trị hỗ trợ 

Song song với việc dùng thuốc, bệnh nhân lao thanh quản cần có chế độ chăm sóc tích cực để hỗ trợ cải thiện triệu chứng, phục hồi sức khỏe và rút ngắn thời gian điều trị nhanh chóng hơn.

Giữ vệ sinh vùng tai mũi họng thường xuyên hỗ trợ cải thiện triệu chứng lao thanh quản

  • Vệ sinh thường xuyên vùng tai mũi họng, hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, giảm nguy cơ lây lan;
  • Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm lành mạnh, giúp tăng cường sức đề kháng, duy trì năng lượng cho người bệnh sinh hoạt tốt hơn;
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm không dinh dưỡng, chứa các chất độc hại như rượu bia, các chất kích thích khác để tránh khiến bệnh ngày càng nặng hơn;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để cải thiện triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn;
  • Trong suốt quá trình điều trị lao thanh quản, bệnh nhân không nên nói quá nhiều, la hét lớn gây ảnh hưởng đến vòm họng và vùng thanh quản;
  • Trường hợp lao thanh quản nặng có thể sẽ được chỉ định mở khí quản để cải thiện hô hấp;

Phòng ngừa

Bệnh lao thanh quản có thể điều trị được, tuy nhiên quá trình điều trị khá phức tạp và kéo dài, sức khỏe bị ảnh hưởng đáng kể và tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc. Do đó, hãy chủ động điều chỉnh lối sống lành mạnh để phòng ngừa lao thanh quản nói riêng và các bệnh lao phổi, lao ngoài phổi nói chung.

Trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin BCG phòng ngừa bệnh lao ngay từ sớm

  • Cách ly nguồn lây bệnh lao an toàn, nhất là bệnh nhân mắc lao phải ở phòng riêng, thoáng khí, sạch sẽ và sinh hoạt riêng cho đến khi điều trị khỏi hẳn để tránh lây nhiễm cho những người khỏe mạnh trong gia đình.
  • Người khỏe mạnh không nên tiếp xúc gần mà không đeo khẩu trang và tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.
  • Nâng cao sức đề kháng của bản thân bằng một lối sống lành mạnh và khoa học trong ăn uống, vận động, nghỉ ngơi...
  • Tiêm phòng vắc xin chống lao (BCG) cho trẻ sơ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
  • Đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức phòng chống lao và xây dựng cơ sở y tế chuyên điều trị bệnh lao ở những vùng có tỷ lệ mắc cao.
  • Khuyến cáo những nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm lao cao nên thực hiện tầm soát định kỳ hoặc điều trị dự phòng bệnh lao trong vòng 6 tháng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh lao thanh quản là gì?

2. Lao thanh quản có những triệu chứng đặc hiệu nào mà tôi cần theo dõi thêm tại nhà?

3. Bệnh lao thanh quản có nguy hiểm không? Tôi có thể gặp biến chứng gì?

4. Tiên lượng mức độ bệnh lao thanh quản của tôi tốt hay xấu?

5. Bệnh lao thanh quản có lây nhiễm không?

6. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán lao thanh quản?

7. Dùng thuốc chống lao lâu dài có gây tác dụng phụ không? Tôi cần làm gì để xử lý?

8. Bệnh lao thanh quản có lây không? Tôi cần làm những gì để tránh lây bệnh cho người khác?

9. Quá trình điều trị lao thanh quản mất bao lâu? Sau điều trị có cần tái khám lại không và khi nào tái khám?

10. Điều trị lao thanh quản nói riêng và bệnh lao nói chung chi phí bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Lao thanh quản là bệnh lý lao ngoài phổi có khả năng lây nhiễm cao, thông qua tiếp xúc trưc tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, hãy chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe nếu nghi ngờ mắc bệnh và chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán kết quả chính xác, tư vấn điều trị bằng phác đồ phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng khó điều trị.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Viêm Màng Nhĩ Bọng Nước
Viêm màng nhĩ bọng nước là một dạng nhiễm trùng tai phổ biến. Đặc trưng của bệnh là những nốt mụn nước nhỏ hình thành trên màng nhĩ. Bệnh thường…
Hen suyễn Bệnh Hen Suyễn
Hen suyễn là bệnh mạn tính về đường hô hấp,…
Bệnh viêm thanh quản
Bệnh viêm thanh quản là một trong những vấn đề…
Viêm đường hô hấp dưới Bệnh Viêm Đường Hô Hấp Dưới
Viêm đường hô hấp dưới là nhóm các bệnh lý…
Bệnh viêm họng

Bệnh viêm họng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Người bị viêm họng gặp phải những…

Polyp dây thanh quản Bệnh Polyp Dây Thanh Quản

Polyp dây thanh quản là bệnh lý tai mũi họng thường gặp. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến giọng…

Bệnh ho Bệnh Ho

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Nhưng ho quá nhiều có thể là dấu hiệu của cảm…

Bệnh Bạch Hầu Thanh Quản

Bạch hầu thanh quản có thể xảy ra do nhiễm vi khuẩn bạch hầu tại thanh quản hoặc thông qua…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua