Bệnh Cường Giáp

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Cường giáp là một dạng rối loạn miễn dịch gây tăng sinh hormone tuyến giáp quá mức cần thiết. Phát hiện và điều trị cường giáp càng trễ càng làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan khác nhau như tim, mắt, da... Chữa trị cường giáp hiện nay không còn quá phức tạp, tùy từng trường hợp sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng giáp, thuốc viên phóng xạ hoặc phẫu thuật.

Bệnh cường giáp có mối liên quan mật thiết với hệ thống miễn dịch có thể xảy ra ở mọi đối tượng

Tổng quan

Tuyến giáp là tuyến hình bướm, kích thước nhỏ nằm ở phía trước cổ họng. Đây là tuyến nội tiết có nhiệm vụ sản sinh ra các loại hormone tham gia tổng hợp và điều chỉnh nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất ở tim mạch, sinh dục, sinh sản, hô hấp, xương khớp... và vận hành chức năng não bộ.

Cường giáp (Hyperthyroidism) là tình trạng chức năng tuyến giáp hoạt động quá mức, tăng tổng hợp và giải phóng hormone thyroxine, nhiều hơn nhu cầu mà cơ thể cần. Bệnh cường giáp có 2 loại chính gồm bệnh Basedown (dạng bướu cổ lồi mắt) và bướu cổ đa nhân nhiễm độc.

Cường giáp là tình trạng chức năng tuyến giáp hoạt động và sản sinh lượng hormone quá mức cần thiết trong máu

Bệnh lý này đặc trưng với các triệu chứng của tình trạng rối loạn chuyển hóa gây kích thích ăn uống nhưng lại sụt cân, rối loạn nhịp tim, thay đổi tính tình, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, da khô ráp, giảm ham muốn tình dục, vã mồ hôi, stress, căng thẳng...

Bệnh cường giáp có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 20 - 40 tuổi. Theo thống kê, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 - 10 lần nam giới.

Phân loại

Bệnh cường giáp được phân chia làm nhiều dạng dựa vào nguyên nhân:

Bệnh cường giáp có nhiều dạng khác nhau cả về nguyên nhân lẫn tính chất triệu chứng

  • Nhóm cường giáp do tăng mức kích thích 
    • Bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Grave);
    • Chứng u quái giáp buồng trứng (Struma ovarii) hoặc chửa trứng (Choriocarcinoma - một dạng carcinoma đệm nuôi);
    • Do Adenom thùy trước tuyến yên sản sinh quá nhiều THS;
    • Ung thư tuyến giáp;
  • Nhóm cường giáp tự chủ
    • Tuyến yên bị ức chế sự hoạt động;
    • Hội chứng Iod - Basedow;
    • Có bướu tuyến giáp đơn nhân hoặc đa nhân có dấu hiệu cường giáp;
    • Ảnh hưởng từ các dạng viêm gồm viêm tuyến giáp thầm lặng, viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp sau sinh, viêm tuyến giáp gây đau...;
    • Đã từng sử dụng hormone tuyến giáp hoặc amiodaron;

Tìm hiểu: Bệnh Bướu Cổ: Tổng quan, nguyên nhân, điều trị & phòng ngừa

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Hiểu được cơ chế hoạt động bình thường của tuyến giáp sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện sự vấn đề bất thường của nó. Tuyến giáp có nhiệm vụ tổng hợp 2 loại hormone quan trọng là thyroxine (T4) và Triiodothyronine (T3). Chỉ cần 2 chỉ số T3 và T4 trong máu ổn định ở ngưỡng cho phép, các chức năng như chuyển hóa, kiểm soát nhịp tim, nhiệt độ, điều chỉnh canxi máu... sẽ diễn ra bình thường.

Ngược lại, hormone kích thích (THS) sẽ giảm xuống do lượng T3 - T4 trong máu quá cao sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe. Có nhiều nguyên nhân khiến hormone T3 và T4 tuyến giáp tăng quá mức như:

Bệnh Basedow (Graves) là bệnh lý tự miễn hàng đầu gây bệnh cường giáp

  • Bệnh Basedow (bệnh Graves): Là bệnh lý tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch bị rối loạn, kích thích tuyến giáp sản sinh lượng hormone không cần thiết. Bệnh nhân Basedow thường bị các kháng thể tấn công nhầm lẫn vào tuyến giáp và các mô ở phía sau mắt, da, chân...;
  • Viêm tuyến giáp: Tuyến giáp cũng là một trong những bộ phận rất dễ bị viêm không rõ nguyên do. Tình trạng viêm quá mức gây dư thừa hormone và được phóng thích vào máu, gây đau tuyến giáp;
  • U bướu tuyến giáp: Cường giáp được xem là hậu quả của các khối u bướu ở tuyến giáp với đa dạng loại như bướu cổ đa nhân độc hại, u tuyến độc, chứng Plummer...;
  • Ung thư tuyến giáp: Ngoài các khối u bướu độc, ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy do tổn thương hoặc đột biến gen RET cũng có thể dẫn đến cường giáp. Đặc biệt, bệnh lý này có khả năng di truyền từ bố mẹ sang con nên nếu đã từng bị ung thư tuyến giáp sẽ có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này;
  • Nhiễm độc giáp thai kỳ: Chủ yếu xảy ra trong 4 tháng đầu thai kỳ do chỉ số hCG quá cao, dẫn đến hoạt hóa receptor gây nhiễm độc giáp. Do đó, phụ nữ mang thai nghén nặng hoặc có tiền sử gia đình đã từng có người mắc bệnh tuyến giáp tự miễn dịch cần thực hiện đo hCG và xét nghiệm chức năng tuyến giáp để đánh giá nguy cơ, tiến hành điều trị kịp thời.

Yếu tố nguy cơ 

  • Di truyền bệnh Graves từ bố mẹ;
  • Lạm dụng các loại thuốc gây rối loạn hormone, nhất là những loại thuốc giảm cân;
  • Nhiễm virus, nhiễm trùng không đặc hiệu;
  • Ăn nhiều muối gây dư thừa iod gây kích thích tố tuyến giáp;
  • Nhiễm phóng xạ;
  • Stress, căng thẳng quá mức hoặc có chấn thương tâm lý;
  • Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh;
  • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân cường giáp trong giai đoạn đầu thường ít có biểu hiện lâm sàng, chỉ có các dấu hiệu của rối loạn chuyển hóa không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Bao gồm:

Sụt cân, tim đập nhanh, mất ngủ, đổ mồ hôi, da mỏng, tinh thần bất ổn... là những triệu chứng cường giáp thường gặp

  • Mệt mỏi, căng thẳng, tim đập nhanh;
  • Sụt cân đột ngột và trầm trọng, có nhiều trường hợp sụt 10kg trong thời gian ngắn;
  • Hay xuất hiện cảm giác rung giật bất ngờ không tự chủ, biểu hiện rung tay, các ngón tay;
  • Khó thở, thở ngắn, thở gấp;
  • Vã mồ hôi, cảm giác nóng bức, khó chịu;
  • Suy giảm thị giác, mờ đục, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Phì đại tuyến giáp;

Chẩn đoán 

Vì những triệu chứng bệnh cường giáp thường ít đặc hiệu nên nếu chỉ dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng sẽ rất khó đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Thay vào đó, cần phối hợp với nhiều kỹ thuật chẩn đoán khác để xác định bệnh. Cụ thể như sau:

Xét nghiệm máu giúp đo lường các chỉ số về hormone và kháng thể để chẩn đoán cường giáp

  • Khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh: Gồm các bước sau:
    • Thu thập các triệu chứng lâm sàng do bệnh nhân cung cấp;
    • Quan sát và đánh giá bệnh bằng các bài test phản xạ hoạt động của ngón tay khi rung nhẹ hoặc đưa hai tay ra phía trước, test phản xạ mắt và kiểm tra nền da, khả năng nuốt...;
  • Xét nghiệm máu: Là một trong những xét nghiệm bắt buộc cần thực hiện để chẩn đoán bệnh cường giáp. Vì các chỉ số đo lường nồng độ THS và thyroxine trong máu cao hoặc thấp sẽ thể hiện việc chức năng tuyến giáp có đang hoạt động bình thường hay không. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp đo nồng độ các kháng thể tự miễn như men peroxidase hoặc receptor THS;
  • Các xét nghiệm xác định nguyên nhân gây cường giáp: Để xác định nguyên nhân gây cường giáp, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện kết hợp các kỹ thật sau:
    • Nghiệm pháp phóng xạ i ốt: I ốt phóng xạ (radioiodine) giúp kiểm tra nồng độ i ốt trong tuyến giáp được hấp thu tại từng thời điểm cụ thể như sau 2 - 6 - 24 giờ để có kết quả đánh giá chính xác nhất;
    • Chụp X quang, siêu âm hoặc chụp CT scan cắt lớp vi tính tuyến giáp để xác định vị trí khối u, kích thước hoặc khả năng hoạt động của tuyến giáp;
    • Chụp Throid scan bằng cách truyền chất radioiodine trực tiếp vào tĩnh mạch cổ tay hoặc gần vị trí cổ tay để phát hiện các chất phóng xạ tại tuyến giáp;

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh cường giáp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Không điều trị cường giáp sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan như tim, da, xương, mắt...

  • Lên cơn cường giáp cấp: Hay còn được gọi là cơn bão tuyến giáp. Bệnh nhân lên cơn cường giáp cấp với các triệu chứng đột ngột gây sốt cao, tim đập nhanh, mất ý thức, hôn mê cực kỳ nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay để kiểm soát bệnh và bảo toàn tính mạng.
  • Suy giảm chức năng tim mạch: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cường giáp. Bao gồm các biểu hiện như rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, suy tim, hội chứng suy vành... rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
  • Các tổn thương về mắt: Hầu hết những bệnh nhân cường giáp đều gặp phải các tổn thương ở mắt như sưng đau, nóng đỏ, mờ đục, nhạy cảm với ánh sáng, chứng song thị (nhìn đôi)...
  • Tổn thương xương: Rối loạn cường giáp mức độ nặng có thể khiến xương trở nên suy yếu, giòn, dễ gãy hơn bình thường, tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Do lượng lớn hormone tuyến giáp làm cản trở quá trình hấp thu và sử dụng canxi vào xương của cơ thể.
  • Tổn thương da: Một số trường hợp hiếm khác, bệnh nhân cường giáp gặp các tổn thương về da như đau, sưng đỏ, nổi mẩn, thường là ở các vị trí như bàn chân, xương chày. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những người mắc hội chứng Graves.
  • Ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và thai nhi:
    • Thiếu máu;
    • Tăng huyết áp thai kỳ;
    • Tăng nguy cơ tiền sản giật, bong nhau non và băng huyết sau sinh;
    • Hội chứng Myxedema do suy giáp nặng;
    • Nguy cơ sảy thai, thai nhi sinh ra nhẹ cân, chết lưu, suy tim sung huyết bẩm sinh...;
    • Trẻ chậm phát triển trí tuệ, chỉ số IQ thấp...;
  • Một số biến chứng khác:
    • Rối loạn chức năng tuyến thượng thận;
    • Hội chứng cường sản tuyến ức và hệ thống lympho ở lách hoặc hạch;
    • Viêm khớp quanh vai;
    • Bạch biến ở da;
    • Nữ giới bị teo buồng trứng, tử cung hoặc tuyến sữa;
    • Nam giới bị chứng vú toa, tiết sữa, giảm ham muốn tình dục;

Có thể thấy, bệnh cường giáp là một trong những tình trạng sức khỏe nguy hiểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất của người bệnh ở nhiều khía cạnh. Hầu hết các trường hợp bị cường giáp đều không quá nghiêm trọng và đáp ứng điều trị bằng các biện pháp tích cực trong giai đoạn sớm.

Điều trị

Điều trị bệnh cường giáp có 3 phương pháp chính là dùng thuốc, liệu pháp phóng xạ và can thiệp ngoại khoa. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát sự hoạt động của tuyến giáp, ổn định lượng hormone tuyến giáp ở mức bình thường và giảm thiểu thấp nhất nguy cơ biến chứng.

Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

1. Điều trị nội khoa 

Một số loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh cường giáp như:

Dùng thuốc kháng giáp và thuốc chẹn beta có tác dụng cải thiện các triệu chứng bệnh cường giáp rõ rệt

  • Thuốc kháng giáp:
    • Có tác dụng cải thiện các triệu chứng bệnh cường giáp hiệu quả nhờ khả năng ức chế sự sản sinh quá mức các kích thích tố. Các loại phổ biến như Methimazole (Tapazole) hoặc Propylthiouracil, liều dùng khuyến cáo tùy theo chỉ định của bác sĩ;
    • Thuốc thường phát huy tác dụng trong vòng 6 - 12 tuần, nhưng thường phải dùng > 1 năm hoặc lâu hơn để đạt kết quả tối ưu;
    • Tuy nhiên, cần lưu ý dùng thuốc đúng chỉ định, tránh lạm dụng quá liều để ngăn ngừa các tác dụng phụ khó lường, điển hình là tổn thương gan;
  • Nhóm thuốc chẹn beta (beta blockers):
    • Đây là nhóm thuốc được dùng phổ biến trong điều trị tăng huyết áp. Đối với bệnh nhân cường giáp, sử dụng nhóm thuốc này nhằm hỗ trợ kiểm soát nhịp tim, cải thiện triệu chứng đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim;
    • Tuy nhiên, dùng nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, chóng mặt...;

2. Liệu pháp phóng xạ 

Những trường hợp bệnh nhân không thể sử dụng thuốc kháng giáp để điều trị bệnh do tiến triển bệnh đã ở mức nghiêm trọng, chứng bệnh tái đi tái lại thường xuyên sẽ được chỉ định áp dụng liệu pháp phóng xạ.

Phương pháp này được thực hiện bằng cách uống iod phóng xạ với liều chỉ định nhằm phá hủy các tế bào tuyến giáp, ức chế sự tổng hợp hormone quá mức cần thiết và cải thiện triệu chứng bệnh. Thuốc i ốt phóng xạ thường được điều chế dưới dạng viên nang nhỏ dùng 1 lần, khi vào cơ thể chúng được cơ thể hấp thu vào máu nhanh chóng và phát huy tác dụng. Loại thường dùng nhất là Radioactive Iodine.

Cách điều trị này tuy được đánh giá cao về tác dụng, an toàn và không gây nhiều tác dụng phụ như khi dùng thuốc, nhưng nếu lạm dụng trong thời gian dài cũng có thể gây suy chức năng tuyến giáp trong tương lai. Chống chỉ định áp dụng biện pháp này với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Vì i ốt phóng xạ có thể truyền từ mẹ sang thai nhi thông qua dây rốn hoặc từ mẹ sang con thông qua sữa mẹ.

3. Phẫu thuật ngoại khoa 

Phẫu thuật tuyến giáp là phương pháp cuối cùng được chỉ định trong điều trị bệnh cường giáp do bệnh ở giai đoạn nặng, không phù đáp ứng các biện pháp điều trị nội khoa. Tùy mức độ và tính chất tổn thương tuyến giáp mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật phẫu thuật phù hợp, có thể cắt bỏ 1 phần hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

Phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp giúp điều trị triệt để nguyên nhân gây gây tăng sinh hormone tuyến giáp

Đối với phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp có thể gây ra một số rủi ro khó lường như tổn thương tuyến cận giáp, dây thanh âm... gây suy giảm chức năng sản sinh hormone của tuyến giáp. Đồng thời, sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải dùng nhóm thuốc Levothyroxine (Synthroid, Levoxyl...) cả đời để điều trị tái phát với khả năng ổn định lượng hormone tuyến giáp. Trường hợp tuyến cận giáp cũng bị cắt bỏ sẽ phải dùng thêm thuốc ổn định canxi huyết.

Ngoài phẫu thuật tuyến giáp thông thường, bệnh nhân cường giáp có biến chứng cũng sẽ phải điều trị tích cực để giảm thiểu rủi ro và nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Chẳng hạn như với biến chứng tổn thương mắt do bệnh Graves sẽ phải tiến hành phẫu thuật giải nén hốc mắt (Orbital) hoặc phẫu thuật cơ mắt. Kết hợp sử dụng gel bôi chứa hydrocortisone hoặc acetonide triamcinolone, nước mắt nhân tạo và thuốc giảm sưng đau sau nhãn cầu để cải thiện triệu chứng.

4. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân cường giáp

Nhằm hỗ trợ quá trình điều trị bệnh cường giáp đạt kết quả tốt nhất, bệnh nhân cần thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các loại thực phẩm có lợi và hạn chế các thực phẩm không cần thiết, chứa nhiều i ốt.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp hỗ trợ điều trị bệnh cường giáp hiệu quả

Nên ăn

  • Tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, ưu tiên các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và chia các bữa chính thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày;
  • Thực phẩm giàu calo, đạm và uống nhiều nước;
  • Tăng cường nhóm thực phẩm giàu kali và phốt pho như nước dừa, chuối, thực phẩm chứa nhiều chất goitrogenic như củ cải, bắp cải, cải lá xoăn, bông cải xanh...;
  • Thực phẩm giàu canxi và kẽm như rau dền, rau chân vịt, cải chíp, kiwi, chuối, thịt nạc...;
  • Các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E như cam, đu đủ, cà rốt, ráo, xoài... nhằm cải thiện rõ rệt các triệu chứng cường giáp;

Không nên ăn

  • Thực phẩm chứa nhiều i ốt như rong biển, tảo biển, hải sản...;
  • Các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá và gia vị cay nóng, thức ăn chế biến nhiều dầu mỡ;
  • Các loại thịt đỏ chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao. Vì chúng càng làm tăng nguy cơ khởi phát tiểu đường, béo phì, tim mạch, không tốt cho bệnh nhân cường giáp;
  • Đường và sữa tươi nguyên kem là những thứ không tốt cho tuyến giáp và cả hệ tiêu hóa;

Phòng ngừa

Có thể thấy những ảnh hưởng của bệnh cường giáp đến sức khỏe thể chất, đời sống sinh hoạt và tinh thần là rất đáng lo ngại. Do đó, để phòng ngừa cường giáp, mỗi người cần ý thức và tích cực trong lối sống, sinh hoạt bằng các biện pháp sau:

Duy trì thực hiện lối sống lành mạnh mỗi ngày bằng những thói quen tích cực về ăn uống tập luyện giúp phòng ngừa bệnh cường giáp

  • Bổ sung đủ lượng i ốt cần thiết cho cơ thể, không thừa không thiếu để tránh các bệnh lý về tuyến giáp, trong đó có cường giáp.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết thuộc 4 nhóm chính là đạm, béo, đường bột và vitamin, khoáng chất, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh.
  • Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh để cơ thể khỏe mạnh bằng cách tập thể dục thể thao điều độ mỗi ngày, duy trì cân nặng phù hợp, ngủ đủ giấc, tránh stress, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc...
  • Khám sức khỏe tổng quát ít nhất 6 - 12 tháng/ lần và tầm soát định kỳ, sàng lọc các bệnh về tuyến giáp, nhất là với những người nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao do tiền sử gia đình.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh cường giáp?

2. Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?

3. Tiên lượng mức độ, nguy cơ và tỷ lệ thành công khi điều trị cường giáp trong trường hợp của tôi?

4. Bệnh cường giáp có điều trị khỏi dứt điểm được không?

5. Điều gì xảy ra nếu tôi không điều trị bệnh cường giáp sớm?

6. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh cường giáp?

7. Điều trị cường giáp bằng phương pháp nào tốt nhất đối với trường hợp của tôi?

8. Bị cường giáp khi nào cần phẫu thuật?

9. Dùng thuốc kháng giáp lâu ngày có gây tác dụng phụ không? Tối cần làm gì để phát hiện và xử lý tác dụng phụ?

10. Điều trị bệnh cường giáp mất bao lâu thì khỏi hẳn?

11. Chi phí có tốn kém không? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

12. Chế độ ăn uống và chăm sóc mà tôi cần thực hiện trong quá trình điều trị bệnh cường giáp là gì?

Cường giáp là bệnh lý đáng lo ngại do có liên quan đến tình trạng rối loạn miễn dịch. Khuyến cáo bệnh nhân khi nghi ngờ cường giáp cần sớm thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp, ngăn ngừa tối đa nguy cơ phát sinh biến chứng khó lường cho sức khỏe. Đồng thời, nâng cao ý thức trong việc thực hiện lối sống khoa học để tránh mắc bệnh.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Cường Kinh
Cường kinh là một trong những rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở nữ giới, phổ biến không kém chứng rong kinh. Bản chất của cường kinh là sự rối…
Bệnh Hạ Canxi Máu
Hạ canxi máu xảy ra khi mức canxi trong máu…
Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát)
Bệnh Addison là bệnh lý khá hiếm gặp. Xảy ra…
Biến chứng do hội chứng cushing Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing được mô tả là tình trạng cơ…
Giãn Ống Dẫn Sữa

Giãn ống dẫn sữa là mối lo ngại của không ít chị em phụ nữ bước vào độ tuổi mãn…

Bệnh Suy Tuyến Yên

Suy tuyến yên là một dạng rối loạn hiếm gặp gây giảm sản xuất các loại hormone do tuyến yên…

Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm

Đổ mồ hôi trộm là tình trạng hay xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Thời điểm ra…

Bệnh U Tuyến Yên

U tuyến yên là khối u lành tính (không phải ung thư). Tuy không có khả năng lây lan nhưng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua