Bệnh Suy Tuyến Yên

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Suy tuyến yên là một dạng rối loạn hiếm gặp gây giảm sản xuất các loại hormone do tuyến yên sản xuất. Triệu chứng suy tuyến yên rất đa dạng, tùy theo loại hormone thiếu hụt. Bạn có thể mắc bệnh bẩm sinh hoặc bị ảnh hưởng bởi các tác nhân làm tổn thương tuyến yên, vùng dưới đồi. Phương pháp điều trị suy tuyến yên phổ biến nhất là liệu pháp hormone thay thế. 

Tổng quan

Tuyến yên là tuyến nội tiết nhỏ có kích thước bằng hạt đậu nằm gần đáy não. Nó có nhiệm vụ chính là tổng hợp và sản sinh ra các loại hormone quan trọng nhằm tham gia điều chỉnh các chức năng trong cơ thể. Tuyến yên có cấu tạo từ 2 thùy gồm thùy trước và thùy sau, mỗi thùy đảm nhiệm những chức năng khác nhau. Bao gồm các loại phổ biến như:

  • Hormone vỏ thượng thận (ACTH hoặc corticotropin);
  • Hormone kích thích nang trứng FSH;
  • Hormone tăng trưởng GH;
  • Hormone tạo hoàng thể LH;
  • Hormone kích thích tuyến giáp TSH;
  • Hormone Prolactin PLR;

Ngoài ra, hormone chống bài niệu ADH hoặc vasopressin cùng oxytocin cũng là những hormone do tuyến yên lưu trữ và giải phóng, nhưng được sản xuất bởi vùng dưới đồi.

Suy tuyến yên là tình trạng thiếu hụt một vài hoặc toàn bộ các loại hormone do tuyến yên đảm nhiệm sản xuất

Suy tuyến yên (Hypopituitarism) là tình trạng thiếu hụt một nhiều loại hormone do tuyến yên sản xuất ra. Hậu quả gây ảnh hưởng đáng kể đến quá trinh trao đổi chất, phát triển, tăng trưởng và sinh sản. Hiện tượng suy tuyến yên có thể xảy ra do các rối loạn hoặc tổn thương tuyến yên, vùng dưới đồi.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh suy tuyến yên, từ trẻ em cho đến người lớn. Tình trạng này khá hiếm gặp, thống kê chỉ có khoảng 10 - 40 ca mắc mới trong 1 triệu dân số mỗi năm.

Phân loại

Dựa vào số lượng hormone thiếu hụt do suy tuyến yên, bệnh được phân chia làm 3 loại chính gồm:

Suy tuyến yên được chia làm nhiều dạng dựa vào số lượng hormone tuyến yên bị thiếu hụt nhiều hay ít

  • Suy tuyến yên đơn độc: Là tình trạng chỉ có duy nhất 1 hormone tuyến yên bị suy giảm và thiếu hụt;
  • Suy tuyến yên nhiều loại: Có hơn 2 hormone trong tổng số các hormone do tuyến yên sản xuất ra bị thiếu hụt;
  • Suy tuyến yên toàn phát (Panhypopituitarism): Là tình trạng tất cả các loại hormone tuyến yên đều bị ảnh hưởng và thiếu hụt;

Ngoài ra, dựa vào nguyên nhân và cơ chế bị ảnh hưởng, suy tuyến yên được chia làm 3 dạng chính gồm:

  • Suy tuyến yên nguyên phát: Bệnh khởi phát do các rối loạn, tổn thương xảy ra tại tuyến yên của bạn.
  • Suy tuyến yên thứ phát: Các hormon tuyến yên suy giảm do rối loạn hoặc tổn thương vùng dưới đồi. Theo cấu trúc giải phẫu, tuyến yên được kết nối với vùng dưới đồi thông qua cuống tuyến yên. Đây là nơi truyền tín hiệu đến tuyến yên để giải phóng các hormone cần thiết cho cơ thể. Do đó, nếu vùng dưới đồi gặp vấn đề, tuyến yên cũng sẽ suy giảm theo.
  • Suy tuyến yên vô căn: Là những trường hợp suy tuyến yên nhưng không xác định được nguyên nhân.

Tham khảo thêm: Viêm tuyến nước bọt nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏi?

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tuyến yên là một phần quan trọng trong hệ thống nội tiết, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ tổn thương hoặc rối loạn ảnh hưởng đến vùng này, đều có thể gây ra suy tuyến yên. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

Suy tuyến yên có thể do di truyền hoặc mắc phải bởi các tác nhân như khối u, nhiễm trùng, thâm nhiễm, đột quỵ...

  • U tuyến yên/ u não: Sự tồn tại của các khối u rong hố yên dù tạm thời hay vĩnh viễn đều gây chèn ép quá mức đến các tế bào tuyến yên. Một số dạng u phổ biến như u tuyến (adenoma), u tế bào lympho do viêm tuyến yên thâm nhiễm (lymphocytic hypophysitis), khối u nang, khối u ung thư di căn...
  • Phẫu thuật: Những trường hợp đã từng phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến yên adenoma có thể vô tình gây suy tuyến yên.
  • Tiếp xúc tia xạ: Việc sử dụng tia xạ gamma hoặc tia proton trong liệu pháp xạ trị ngăn ngừa khối u tuyến tái phát sau phẫu thuật cũng có tỷ lệ tái phát suy tuyến yên khá cao.
  • Chứng nhồi máu trong tuyến yên: Hay còn được gọi là hội chứng Sheehan là tình trạng ra máu sau sinh liên tục trong vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh nhân có các dấu hiệu của suy tuyến yên như sút cân, lơ mơ, mệt mỏi, chán ăn, không có sữa... Nguyên nhân là do thiếu hụt các hormone GN, prolactin, TSH, ACTH, gonadotropin...
  • Chứng ngập máu tuyến yên (pituitary apoplexy): Đây là hiện tượng chảy máu đột ngột trong tuyến yên. Tình trạng này xảy ra do xuất hiện các khối u tuyến adenoma, gây đau đầu dữ dội, chứng song thị do dây thần kinh vận nhãn bị chèn ép quá mức và kèm theo các biểu hiện suy tuyến yên. Loại hormone suy giảm nhiều nhất là ACTH gây giảm cortisol dẫn đến hạ huyết áp nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Tình trạng này còn xảy ra kèm theo với bệnh tiểu đường, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm...
  • Các bệnh vùng dưới đồi (Hypothalamic disease): Tùy theo vị trí vùng dưới đồi bị ảnh hưởng sẽ gây rối loạn sản sinh một số loại hormone tương ứng, số lượng nhiều hoặc ít. Loại hormone dễ bị ảnh hưởng và thiếu hụt nhất là vasopressin làm tăng nguy cơ gây bệnh đái tháo nhạt và các biểu hiện thần kinh.
  • Chứng hố yên rỗng: Là tình trạng hố yến có kích thước to nhưng không thể lấp đầy toàn bộ tuyến yên và gây suy tuyến yên. Có 2 dạng hố yên rộng chính gồm thứ phát và bẩm sinh. Bệnh nhân suy tuyến yên do hố yên rỗng thường thiếu hụt hoành yên.
  • Chấn thương sọ não: Xảy ra do các chấn thương, tác động mạnh vào vùng đầu do tai nạn giao thông, va chạm mạnh khi chơi thể thao... Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn thương tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.
  • Một số vấn đề sức khỏe khác: Ngoài các nguyên nhân trên, suy tuyến yên cũng có thể xảy ra dưới sự ảnh hưởng của các vấn đề khác như:
    • Chứng Hemochromatosis di truyền: Xảy ra do dư thừa chất sắt trong máu và gây phá hủy tuyến yên;
    • Viêm màng não do vi khuẩn: Suy tuyến yên do viêm màng não vi khuẩn khá hiếm gặp và được xem như một biến chứng khó lường của bệnh;
    • Đột biến gen: Một số đột biến gen khá hiếm gặp cũng có thể làm tăng nguy cơ suy tuyến yên. Phần lớn các trường hợp là đột biến kiểu gen lặn trên nhiễm sắc thể thường, khiến phôi thai thừa hưởng gen đột biến và gây thiếu hụt tuyến yên. Một số hội chứng di truyền có liên quan đến tuyến yên như:
      • Hội chứng Kallman: ảnh hưởng sản xuất hormone giới tính;
      • Hội chứng Bardet - Biedl: tác động tiêu cực đến nhiều cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể;
      • Hội chứng Prader - Willi: trẻ có nguy cơ béo phì, chậm phát triển chiều cao, tầm vóc nhỏ nhắn và thiểu năng trí tuệ;
    • Các tác nhân khác: Thường xảy ra trong thai kỳ do mẹ bầu thiếu máu, mất máu nghiêm trọng, sinh non, nhau bong non...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy thuộc vào loại hormone thiếu hụt, số lượng thiếu hụt nhiều hay ít, nguyên nhân, tuổi tác, giới tính, từng trường hợp suy tuyến yên sẽ có các triệu chứng và biểu hiện khác nhau. Cụ thể như sau:

Các triệu chứng suy tuyến yên biểu hiện khác nhau tùy theo loại hormone, nguyên nhân, tuổi tác và giới tính

# Triệu chứng thiếu hormone tăng trưởng GH

  • Ở trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ:
    • Hạ đường huyết;
    • Bé trai sau sinh thường có kích thước dương vật nhỏ bất thường;
    • Chậm phát triển chiều cao;
    • Kém phát triển tình dục trong độ tuổi dậy thì;
  • Ở người lớn:
    • Mệt mỏi, suy nhược;
    • Giảm hứng thú chuyện tình dục;
    • Chán nản, buồn bã và không có cảm giác hạnh phúc;
    • Tăng kích thước vòng bụng do tăng lượng mỡ thừa trong cơ thể;
    • Nhạy cảm với nhiệt độ nóng và lạnh;
    • Giảm khả năng chịu đựng, yếu sức mạnh khi tập thể dục;
    • Giảm khối lượng cơ bắp;

# Triệu chứng thiếu hormone kích thích tuyến giáp TSH

  • Đối với trẻ sơ sinh:
    • Thân nhiệt giảm;
    • Giảm trương lực cơ;
    • Bụng trẻ phình to bất thường;
    • Giọng khàn đặc;
  • Đối với trẻ em & người lớn:
    • Dễ mệt mỏi;
    • Yếu cơ;
    • Tăng cân;
    • Táo bón;
    • Da khô, tóc mỏng;
    • Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh;
    • Rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ không đều, ngắt quãng hoặc kéo dài hơn bình thường;
    • Trầm cảm;

# Triệu chứng thiếu hormone kích thích nang trứng FSH và hormone tạo hoàng thể LH

FSH và LH được gọi chung là gonadotropin, có nhiệm vụ quan trọng đối với hệ thống sinh sản ở cả nam và nữ giới.

  • Đối với trẻ sơ sinh: kích thước dương vật nhỏ, tinh hoàn ẩn đối với trẻ nam;
  • Đối với trẻ lớn:
    • Nữ dậy thì không phát triển ngực;
    • Nam dậy thì không phát triển tinh hoàn;
    • Không có các yếu tố tăng trưởng đột phá trong giai đoạn dậy thì;
  • Đối với người trưởng thành:
    • Nam giới: mệt mỏi, mất hứng thú trong chuyện tình dục, rối loạn cương dương, vô sinh, cơ thể ít lông...;
    • Nữ giới: mệt mỏi, ham muốn tình dục thấp, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, rụng lông mu, bốc hỏa, ít sữa sau sinh...;

# Triệu chứng thiếu hụt nội tiết tố vỏ thượng thận ACTH hoặc corticotropin

  • Đối với trẻ sơ sinh:
    • Tụt đường huyết;
    • Chậm phát triển cân nặng;
    • Vàng da;
    • Co giật;
  • Đối với trẻ em & người lớn:

# Triệu chứng thiếu hormone melanocyte (MSH)

  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Khát nước;
  • Đói liên tục;
  • Tăng cân;
  • Đau nhức cơ thể;
  • Khó ngủ;
  • Thiếu hụt sắc tố da;
  • Có nguy cơ bị bạch tạng;

# Triệu chứng thiếu hormone prolactin: Suy tuyến yên thiếu hụt hormone prolactin gây thiếu hụt sữa mẹ sau sinh.

# Triệu chứng thiếu oxytocin

Chủ yếu xảy ra ở phụ nữ sau sinh, biểu hiện với các biểu hiện tinh thần:

  • Không có sữa sau sinh;
  • Khó chăm con do không có sự kết nối với em bé;
  • Tâm lý bất ổn, khó tương tác với người khác;

# Triệu chứng thiếu hormone chống bài niệu ADH hoặc vasopressin/ arginine vasopressin

  • Đối với trẻ sơ sinh:
    • Nôn mửa;
    • Sụt cân;
    • Táo bón;
    • Sốt cao;
    • Quấy khóc không rõ nguyên nhân;
    • Tã ướt thường xuyên;
  • Đối với trẻ em:
    • Trẻ hay tè dầm, khó sửa đổi;
    • Dễ mệt mỏi;
  • Đối với người lớn:
    • Tăng tần suất tiểu tiện;
    • Luôn cảm thấy khát nước;
    • Rối loạn và mất cân bằng các chất điện giải;

Chẩn đoán

Nếu chỉ dựa vào các biểu hiện lâm sàng kể trên, sẽ rất khó đưa ra chẩn đoán về bệnh suy tuyến yên. Do đó, bác sĩ thường chỉ định áp dụng các biện pháp xét nghiệm cận lâm sàng dưới đây:

Xét nghiệm máu giúp kiểm tra chính xác loại và số lượng hormone thiếu hụt

  • Xét nghiệm máu: Mẫu máu được thu thập cho phép đo lượng hormone tuyến yên. Có 2 kỹ thuật xét nghiệm sau:
    • Xét nghiệm cơ bản: Giúp phát hiện sự thiếu hụt các loại hormone như LH, FSH, TSH và prolactin chỉ trong một mẫu máu duy nhất;
    • Xét nghiệm động: Xét nghiệm này thường dùng để đo nồng độ hormone sau khi tiêm một loại thuốc kích thích hormone vào máu. Các loại hormone được đánh giá theo cách này thường là GH, ADH và ACTH;
  • Kiểm tra hình ảnh: Đối với những trường hợp nghi ngờ suy tuyến yên do có khối u não, u tuyến yên, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng 2 kỹ thuật hình ảnh sau:
    • Chụp cắt lớp vi tính CT scan: Hình ảnh các khối u tuyến yên được thể hiện rõ nét nhờ kỹ thuật kết hợp giữa tia X với máy tính để tạo ra lát cắt 3 chiều;
    • Chụp cộng hưởng từ MRI: Sử dụng nguồn sóng vô tuyến cường độ cao, từ tính mạnh để tạo ra những hình ảnh chi tiết về mô mềm ở tuyến yên;
  • Xét nghiệm di truyền: Dựa vào kết quả điều tra tiền sử bệnh gia đình có người từng mắc bệnh suy tuyến yên hoặc các hội chứng di truyền liên quan khác, xét nghiệm di truyền là biện pháp chẩn đoán cần thiết.

Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt suy tuyến yên với các bệnh lý khác gây biểu hiện thiếu hụt nội tiết tố tương tự, bao gồm:

  • Bệnh Addison rối loạn tuyến thượng thận;
  • Chứng suy giáp nguyên phát;
  • Suy buồng trứng nguyên phát;
  • Suy tuyến sinh dục nguyên phát;
  • Hội chứng tự miễn đa tuyến;

Tham khảo thêm: Sau Đốt Lộ Tuyến Cổ Tử Cung Có Biểu Hiện Gì? Cần Cảnh Giác

Biến chứng và tiên lượng

Tuyến yên đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể và sức khỏe con người. Suy tuyến yên khởi phát gây ra hàng loạt các triệu chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển từ từ trong thời gian dài.

Không những vậy, suy tuyến yên còn làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh lý nghiêm trọng như chậm tăng trưởng, các bệnh tuyến giáp, vô sinh - hiếm muộn... làm giảm chất lượng cuộc sống. Thậm chí, trong nhiều trường hợp suy tuyến yên toàn phát nghiêm trọng, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong. Đặc biệt là những bệnh nhân suy cấp do khối u phát triển lớn.

Suy tuyến yên gây nhiều biến chứng khó lường nếu không điều trị kịp thời

Do đó, cần hết sức cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa với bệnh suy tuyến yên. Tiên lượng bệnh suy tuyến yên thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như: tuổi tác, nguyên nhân, số lượng hormone thiếu hụt và phương pháp điều trị.

Trong hầu hết các trường hợp suy tuyến yên, bệnh nhan cần phải theo dõi bệnh sát sao, điều trị kiểm soát triệu chứng càng sớm càng tốt. Có như vậy, những tổn thương suy tuyến yên dù kéo dài nhưng cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe và tính mạng của bạn.

Điều trị

Điều trị suy tuyến yên còn tùy thuộc vào nguyên nhân, dạng và số lượng hormone bị thiếu hụt. Do đó, phác đồ điều trị thường cá nhân hóa cho từng trường hợp bệnh cụ thể.

Dưới đây là các biện pháp điều trị suy tuyến yên phổ biến:

Liệu pháp hormone thay thế

Đây là phương pháp điều trị suy tuyến yên được áp dụng phổ biến nhất. Liệu pháp này nhằm phục hồi lượng hormone tuyến yên thiếu hụt, cân bằng nồng độ ở ngưỡng ổn định.

Tuy đem lại hiệu quả cao, nhưng phương pháp này có nhược điểm là bệnh nhân phải sử dụng suốt đời, ngoại trừ những trường hợp có thể điều trị được căn nguyên dứt điểm.

Điều trị suy tuyến yên bằng liệu pháp hormone thay thế suốt đời nhằm bổ sung số lượng hormone bị thiếu hụt

Một số loại thuốc thay thế hormone được sử dụng phổ biến như:

  • Corticosteroid: Điển hình như prednisone hoặc hydrocortisone. Có tác dụng thay thế các kích thích tố của tuyến thượng thận không được tuyến yên giải phóng, do thiếu hụt hormone adernocorticotropic ACTH;
  • Levothyroxine: Chẳng hạn như Synthroid, Levoxyl..., có tác dụng thay thế nồng độ hormone tuyến giáp bị thiếu hụt do suy tuyến yên làm giảm sản xuất hormone TSH;
  • Desmopressin (DDAVP): Đây là loại thuốc có thể thay thế cho hormone ADH, nhằm giảm mức độ mất nước, rối loạn các chất điện giải do đi tiểu thường xuyên. Loại thuốc này thường dùng dưới dạng viên uống, xịt mũi hoặc tiêm tĩnh mạch;
  • Thuốc kích thích hormone sinh dục: Bao gồm thuốc bổ sung hormone testosterone đối với nam giới và estrogen/ estrogen + progesteron ở nữ giới. Trong đó, testosterone thường được dùng qua da thông qua gel bôi, miếng dán hoặc thuốc tiêm. Còn thuốc thay thế hormone nữ được dùng dưới dạng viên uống là chính hoặc miếng dán hỗ trợ;
  • Thuốc thay thế hormone tăng trưởng GH: Loại dùng nhiều nhất là somatropin, dùng dạng tiêm dưới da. Có tác dụng kích thích tuyến yên sản xuất hormone tăng trưởng nhiều hơn, bù đắp lượng thiếu hụt, cải thiện các yếu tố tăng trưởng và cải thiện triệu chứng bệnh;
  • Chế phẩm HCG chứa LH & FSH: Hay còn được gọi là gonadotropins, được chỉ định dùng cho những người bị suy tuyến yên làm ảnh hưởng khả năng sinh sản. Thuốc được dùng dưới dạng tiêm giúp kích thích sản xuất tinh trùng cho nam và kích thích rụng trứng cho nữ.

Trong suốt quá trình điều trị suy tuyến yên bằng liệu pháp hormone thay thế, bệnh nhân cần liên tục làm kiểm tra, xét nghiệm và theo dõi nồng độ hormone trong cơ thể. Kết hợp chụp CT hoặc MRI để theo dõi tiến triển phục hồi của tuyến yên. Qua đó, điều chỉnh các biện pháp điều trị cho phù hợp.

Phẫu thuật/ Xạ trị

Những trường hợp suy tuyến yên do có khối u tuyến yên hoặc u não đang phát triển mạnh mẽ sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ. Sau đó, kết hợp xạ trị nhằm tiêu diệt các mảnh khối u còn sót lại.

Phòng ngừa

Các chuyên gia cho rằng, trong hầu hết các trường hợp, bạn không thể phòng ngừa tình trạng suy tuyến yên. Tuy nhiên, bạn có thể giảm các nguy cơ rủi ro mắc phải bằng cách chăm sóc sản khoa đúng cách. Theo dõi và thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt trong những giai đoạn bất ổn như nhiễm trùng, căng thẳng.. để giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh suy tuyến yên bẩm sinh.

Hoặc phát hiện bệnh sớm trong giai đoạn đầu để xử lý dứt điểm. Chủ động thăm khám sớm ngay khi chưa có triệu chứng, thông báo cho bác sĩ về tiền sử phẫu thuật/ xạ trị não, tuyến yên, chấn thương sọ não hoặc não úng thủy... Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám, chẩn đoán và xây dựng kế hoạch theo dõi, điều trị phù hợp.

Tham khảo thêm: Biến chứng viêm tuyến nước bọt có nguy hiểm không?

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi bị suy tuyến yên?

2. Tôi bị suy tuyến yên dạng nào?

3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán suy tuyến yên?

4. Tiên lượng mức độ nghiêm trọng về bệnh suy tuyến yên trong trường hợp của tôi?

5. Điều trị suy tuyến yên bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Tôi có phải dùng thuốc thay thế hormone điều trị suy tuyến yên suốt đời hay không?

7. Dùng thuốc lâu dài có gây tác dụng phụ không? Tôi cần làm gì để xử lý?

8. Khi nào tôi cần phẫu thuật và xạ trị suy tuyến yên?

9. Bệnh suy tuyến yên có gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

10. Chi phí điều trị suy tuyến yên bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT được không?

Suy tuyến yên rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên những ảnh hưởng của bệnh lại cực kỳ nghiêm trọng, tổn hại sức khỏe, thậm chí tử vong. Do đó, khuyến cáo mỗi người cần chú ý cảnh giác, theo dõi các biểu hiện bất thường của cơ thể và chủ động thăm khám ngay để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm
Đổ mồ hôi trộm là tình trạng hay xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Thời điểm ra mồ hôi trộm nhiều nhất là vào ban đêm, chủ…
Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát)
Bệnh Addison là bệnh lý khá hiếm gặp. Xảy ra…
Bệnh Cường Kinh
Cường kinh là một trong những rối loạn kinh nguyệt…
Bệnh Hạ Canxi Máu
Hạ canxi máu xảy ra khi mức canxi trong máu…
Biến chứng do hội chứng cushing Hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing được mô tả là tình trạng cơ thể dư thừa hormone cortisol trong thời gian dài. Điều…

Bệnh Bướu Cổ

Bướu cổ là một dạng tổn thương tuyến giáp, xảy ra khi tuyến này phát triển lớn hơn bình thường.…

Bệnh Rối Loạn Nội Tiết Tố

Rối loạn nội tiết tố là tình trạng mất cân bằng hormone xảy ra ở cả nam và nữ giới,…

Giãn Ống Dẫn Sữa

Giãn ống dẫn sữa là mối lo ngại của không ít chị em phụ nữ bước vào độ tuổi mãn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua