Bệnh Viêm gan nhiễm độc

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Viêm gan nhiễm độc là một trong những bệnh lý về gan phổ biến. Xảy ra khi gan phải tiếp xúc với các loại hóa chất, độc tố gây hại trong thời gian dài. Tổn thương gan có thể nhẹ hoặc nặng, các biến chứng bệnh sẽ khởi phát sau đó như xơ gan, suy gan, ung thư gan, thậm chí tử vong. Điều trị viêm gan nhiễm độc bằng cách ngừng tiếp xúc với độc tố và can thiệp điều trị y tế, chăm sóc phục hồi chức năng gan.

Viêm gan nhiễm độc xảy ra khi lá gan bị tổn thương do tiếp xúc với các chất độc hại trong thời gian dài

Tổng quan

Viêm gan nhiễm độc (Toxic hepatitis) là tình trạng gan viêm nhiễm do phản ứng với các chất độc hại như thuốc, hóa chất, chất kích thích hoặc uống nhiều rượu. Đây là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, nếu kéo dài có thể dẫn đến suy gan, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đa số trường hợp viêm gan nhiễm độc thường phát triển trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiếp xúc với chất độc hại. Hoặc cũng có nhiều trường hợp phải mất nhiều tháng, nhiều năm mới phát sinh triệu chứng.

Phân loại

Viêm gan nhiễm độc được chia làm 2 dạng cơ bản gồm cấp tính và mạn tính:

  • Viêm gan nhiễm độc cấp tính: Là tình trạng khởi phát các triệu chứng viêm gan đột ngột do tiếp xúc với các chất độc hại. Trong giai đoạn bùng phát cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
  • Viêm gan nhiễm độc mạn tính: Là bệnh lý gan mạn tính do tiếp xúc với các chất độc hại trong thời gian dài. Các triệu chứng tương tự như thể cấp tính nhưng thường tiến triển và khởi phát chậm hơn. Thể bệnh này là nguyên nhân dẫn đến xơ gan và ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời.

Xem thêm: Các Loại Bệnh Về Gan Và Cách Nhận Biết, Xử Lý

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Gan là bộ phận quan trọng đảm nhiệm một số chức năng chính bao gồm: chuyển hóa protein và đường, lọc thải độc tố, hóa chất, lưu trữ vitamin và sản xuất mật. Việc đảm nhiệm quá nhiều chức năng khiến gan dễ gặp phải các tổn thương ngoài ý muốn, và một trong số đó là viêm gan nhiễm độc.

Viêm gan nhiễm độc xảy ra do tiếp xúc và dung nạp lượng lớn hóa chất, thuốc, rượu... Gan hoạt động để loại bỏ và phân hủy các chất độc hại trong máu. Tuy nhiên, quá trình phá hủy các độc tố có thể tạo ra số lượng lớn các chất khác để làm hỏng gan.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây viêm gan nhiễm độc, bao gồm:

Viêm gan có thể xảy ra do nhiều tác nhân như rượu bia, hóa chất hoặc thuốc

  • Rượu bia: Những người sử dụng rượu bia trong nhiều năm có thể gây ra viêm gan do rượu. Nặng hơn có thể dẫn đến xơ gan cổ trướng, suy gan cấp tính và đe dọa tính mạng.
  • Hóa chất: Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại ở nơi làm việc như các loại hóa chất hữu cơ, dung môi hoặc các loại hóa chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm gan nhiễm độc. Tình trạng phơi nhiễm có thể xảy ra do nuốt, hít hoặc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trên da.
  • Viêm gan do thuốc: Có rất nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn có khả năng gây viêm gan nhiễm độc. Chẳng hạn như:
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, diclofenac, naproxen...;
    • Nhóm thuốc giảm đau acetaminophen, aspirin;
    • Thuốc chống động kinh;
    • Thuốc chống trầm cảm;
    • Thuốc kháng virus;
    • Thuốc chống thấp khớp như methotrexate, sulfasalazine;
    • Thuốc Statin điều trị cholesterol cao;
    • Các loại thuốc kết hợp như amoxicillin-clavulanate (Augmentin), phetynoin (Dilantin - Phenytek), azathioprine (Imuran, Azasan), ketoconazole, niacin (Niaspan)...;
    • Các loại vitamin thảo dược bổ sung cũng có thể gây nguy hiểm cho gan;

Yếu tố nguy cơ

Ngoài 3 nhóm nguyên nhân chính trên, còn một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây viêm gan nhiễm độc như:

  • Tiền sử mắc các bệnh về gan, gây rối loạn chức năng gan nghiêm trọng như xơ gan, gan nhiễm mỡ do rượu...;
  • Mắc bệnh viêm gan do nhiễm trùng mãn tính với virus viêm gan như viêm gan B, C;
  • Tuổi tác cao và sự lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến chức năng gan hoạt động chậm lại, khả năng phân hủy các chất suy yếu, lâu ngày dẫn đến tổn thương.
  • Nữ giới có nguy cơ bị viêm gan nhiễm độc cao hơn so với nam giới. Theo nghiên cứu, khả năng chuyển hóa chất độc trong cơ thể nữ giới thường lâu hơn, khiến gan tiếp xúc lâu với các chất độc hại.
  • Thói quen ăn uống các loại thực phẩm không vệ sinh, dư thừa chất béo, chế biến không chín kỹ, có nấm mốc... đều là những yếu tố góp phần khiến lá gan của bạn bị tổn thương, viêm nhiễm, xơ hóa...
  • Di truyền một số đột biến gen nhất định có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và hoạt động của các men gan phân hủy độc tố, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan nhiễm độc.
  • Tính chất công việc phải tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất công nghiệp độc hại cũng khiến bạn dễ mắc phải căn bệnh này.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng viêm gan nhiễm độc có thể biểu hiện khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong trường hợp bệnh khởi phát nhẹ, bệnh không nghiêm trọng và gần như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng, gan tổn thương nặng sẽ gây ra các triệu chứng rõ rệt sau:

Bệnh nhân viêm gan nhiễm độc thường có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, sưng đau bụng, vàng da, nước tiểu sẫm màu...

  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Ăn uống kém;
  • Sốt cao;
  • Vàng da;
  • Đau bụng, sưng vùng bụng bên phải;
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Cổ trướng (là tình trạng chất lỏng tích tụ trong bụng);
  • Nổi mụn, đốm mẩn ngứa và mề đay trên da;
  • Vã mồ hôi đột ngột, là biểu hiện của nóng gan;
  • Các triệu chứng giống cảm cúm như sốt, đau đầu, đau khớp...;
  • Rối loạn chức năng tình dục do rối loạn nội tiết tố;

Chẩn đoán

Viêm gan nhiễm độc được chẩn đoán bằng cách thăm khám lâm sàng, kiểm tra sức khỏe toàn diện và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng liên quan theo sự chỉ định của bác sĩ. Cụ thể gồm:

Xét nghiệm máu là tiêu chuẩn vàng giúp phát hiện các thay đổi chức năng gan và chẩn đoán viêm gan nhiễm độc

  • Khám sức khỏe: Kiểm tra bụng, ngay tại vị trí gan bằng cách sờ, ấn, nắn để tìm các dấu hiệu như sưng, đau khó chịu. Kết hợp khai thác tiền sử bệnh cá nhân, thói quen sinh hoạt, ăn uống, có dùng thuốc hay loại vitamin nào hay không... Hoặc nếu bạn đang làm việc trong môi trường độc hại nhiều hóa chất cũng nên thông báo cho bác sĩ biết.
  • Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm tiêu chuẩn giúp phát hiện các yếu tố bất thường về men gan, đánh giá chức năng gan. Các chỉ số enzyme, men gan và bilirubin trong máu ở người bị viêm gan nhiễm độc cao hơn mức bình thường. Điều này cho thấy gan đang bị tổn thương.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm kiểm tra chỉ số chất kích thích do uống rượu quá mức, góp phần chẩn đoán viêm gan nhiễm độc.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm... giúp đánh giá chính xác vị trí và mức độ của các tổn thương gan.
  • Sinh thiết gan: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách lấy một mẫu mô gan nhỏ để mang đi xét nghiệm kiểm tra và đánh giá mức độ tổn thương gan. Nhờ đó giúp chẩn đoán viêm gan nhiễm độc và loại trừ các vấn đề sức khỏe khác.

Mách bạn: TOP 5 cây thuốc nam trị bệnh gan tốt nhất và cách dùng

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm gan nhiễm độc gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể trạng và cả tính mạng của bệnh nhân. Mức độ viêm gan càng nặng, tỷ lệ tử vong càng cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trước khi đến biến chứng nghiêm trọng này, người bệnh bị viêm gan nhiễm độc cũng có thể bị xơ gan, ung thư gan, suy gan... ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe.

Các chuyên gia cho biết, gan của con người là cơ quan rất kỳ diệu khi có khả năng tự chữa lành bằng cách thay thế các tế bào gan bị tổn thương bằng các tế bào khỏe mạnh. Quá trình này thường mất khoảng vài tuần hoặc vài tháng tùy theo mức độ tổn thương.

Nhiều trường hợp bệnh nhẹ và được điều trị tích cực trong thời gian đầu có thể phục hồi chức năng gan hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Nhưng ngược lại với những bệnh nhân bị viêm gan nhiễm độc nặng, tổn thương nghiêm trọng không thể đảo ngược, bắt buộc phải phẫu thuật ghép gan mới có thể duy trì sự sống.

Điều trị

Để điều trị bệnh viêm gan nhiễm độc hiệu quả, đầu tiên bạn cần tránh tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc, rượu hay bất kỳ tác nhân nào có khả năng gây ra viêm gan nhiễm độc. Điều này giúp gan có thời gian tự chữa lành và phục hồi. Điều này có thể liên quan đến việc tránh thực hiện những hoạt động khiến bạn tiếp xúc với chất độc hoặc thay đổi công việc, ngưng uống rượu hoặc dùng thuốc tùy tiện.

Phẫu thuật ghép gan được chỉ định cho những trường hợp viêm gan nhiễm độc nghiêm trọng

Sau đó, có thể kết hợp thực hiện các biện pháp điều trị y tế sau:

  • Chăm sóc tích cực: Bệnh nhân viêm gan nhiễm độc có các triệu chứng nghiêm trọng bắt buộc phải nhập viện để điều trị hỗ trợ. Bao gồm các bước như truyền dịch qua đường tĩnh mạch, truyền nước và dùng thuốc chống nôn. Đồng thời, theo dõi các hiệu số sinh tồn và đánh giá tổn thương gan.
  • Điều trị bằng thuốc: Không có bất kỳ loại thuốc đặc hiệu nào cho bệnh viêm gan nhiễm độc. Tuy nhiên, trong trường hợp bị nhiễm độc gan do dùng thuốc quá liều, điển hình như acetaminophen, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc acetylcystein để giảm thiểu tối đa các tổn thương gan nặng. Thời điểm dùng thuốc đạt kết quả tốt nhất trong vòng 16 tiếng sau khi dùng thuốc acetaminophen quá liều.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật ghép gan là phương pháp cuối cùng được chỉ định điều trị cho những bệnh nhân viêm gan nhiễm độc nặng. Lá gan bị tổn thương của bạn sẽ được cắt bỏ và thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh được hiến tặng. Tuy đem lại hiệu quả cao nhưng phương pháp này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, chi phí đắt và nguồn gan hiến tặng cũng rất hiếm nên rất ít trường hợp được thực hiện.

Phòng ngừa

Cách phòng ngừa viêm gan nhiễm độc tốt nhất chính là tránh tiếp xúc với bất kỳ loại hóa chất, thuốc hay chất kích thích nào. Việc này có thể được thực hiện hiệu quả thông qua các biện pháp sau:

Lối sống khoa học và lành mạnh, nói không với rượu bia, hóa chất độc hại là giải pháp phòng ngừa viêm gan nhiễm độc tốt nhất

  • Không được tùy ý sử dung bất kỳ loại thuốc nào, dù là thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, khoáng chất. Chỉ được dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn về liều dùng, thời gian dùng phù hợp.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, đặc biệt giàu vitamin A & B1 protein và chất xơ thúc đẩy chức năng gan hoạt động khỏe mạnh, dễ dàng phục hồi trong những thời điểm gan suy yếu.
  • Thiết lập thói quen sống lành mạnh, nói không với rượu bia, sinh hoạt điều độ, vận động tích cực, thể thao khỏe mạnh như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga... nhằm duy trì sức khỏe, thúc đẩy hoạt động thanh lọc và phục hồi chức năng gan.
  • Cân nhắc trong việc chọn lựa công việc, không nên làm việc ở những môi trường chứa chất độc hại nguy hiểm. Hoặc nếu tính chất công việc bắt buộc tiếp xúc, phải trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ theo quy định để giảm nguy cơ viêm gan nhiễm độc.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường về suy giảm chức năng gan hoặc viêm gan nhiễm độc để điều trị kịp thời, phòng ngừa biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm gan nhiễm độc?

2. Loại thuốc tôi đang sử dụng có phải là tác nhân gây ra tổn thương gan hay không?

3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm gan nhiễm độc?

4. Mức độ tổn thương nhiễm độc gan của tôi có nặng không?

5. Tình trạng viêm gan nhiễm độc của tôi là cấp tính hay mãn tính?

6. Bệnh viêm gan nhiễm độc có thể chữa trị khỏi hoàn toàn không?

7. Phương pháp điều trị viêm gan nhiễm độc hiệu quả nhất dành cho trường hợp của tôi?

8. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị viêm gan nhiễm độc?

9. Tình trạng của tôi có cần phải phẫu thuật ghép gan không?

10. Quá trình điều trị viêm gan nhiễm độc mất bao lâu? Chi phí điều trị có tốn kém không? Có dùng BHYT được không?

Viêm gan nhiễm độc có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính, tạm thời hoặc kéo dài không phục hồi. Tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể mà phác đồ điều trị sẽ khác nhau nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Do đó khuyến cáo mỗi người cần lưu ý và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để kịp thời thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Hội chứng nôn chu kỳ
Hội chứng nôn chu kỳ là tình trạng khá hiếm gặp, phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Bệnh lý này gây ra các đợt buồn nôn và nôn…
Bệnh Xơ Gan Mất Bù
Xơ gan mất bù còn được gọi là xơ gan…
Bệnh Nhiễm khuẩn Hp dạ dày
Nhiễm khuẩn Hp dạ dày xảy ra vô cùng phổ…
Bệnh Thoát Vị Đùi
Thoát vị đùi là một trong những dạng thoát vị…
Bệnh Vàng Da Sơ Sinh

Vàng da sơ sinh xảy ra do sự gia tăng bất thường nồng độ bilirubin trong máu. Hầu hết các…

Bệnh Viêm Ruột Do Virus

Viêm ruột do virus là bệnh lý viêm đường tiêu hóa phổ biến, có tỷ lệ mắc cao bên cạnh…

Bệnh Dị Ứng Thực Phẩm

Dị ứng thực phẩm xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ và cả người lớn. Bệnh liên quan đến hiện…

Bệnh Áp Xe Gan do Amip

Áp xe gan do Amip là bệnh lý nhiễm khuẩn gan mật khá phổ biến, có thể xảy ra ở…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua