Bệnh Viêm tụy tự miễn

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Viêm tụy tự miễn là một dạng bệnh rối loạn tự miễn hiếm gặp. Người mắc phải bệnh lý này thường có các triệu chứng khác nhau tùy theo từng loại viêm tụy tự miễn dạng 1 hoặc dạng 2. Điều trị viêm tụy tự miễn càng sớm tỷ lệ chữa khỏi càng cao và ngăn chặn được các biến chứng khó lường. Phương pháp điều trị chính đối với hầu hết các trường hợp viêm tụy tự miễn là dùng thuốc Corticosteroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch.

Viêm tụy tự miễn là tình trạng viêm mạn tính có liên quan đến rối loạn hệ thống miễn dịch

Tổng quan

Viêm tụy tự miễn (Autoimmune pancreatitis) thuộc nhóm bệnh rối loạn tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động nhầm lẫn, tấn công ngược các tế bào tuyến tụy khỏe mạnh. Tình trạng này có thể gây viêm, hình thành sẹo và tổn thương tuyến tụy cùng hàng loạt biến chứng khó lường.

Bệnh xảy ra chủ yếu ở những người uống nhiều rượu hoặc rối loạn sử dụng rượu, suy dinh dưỡng... Tỷ lệ mắc bệnh viêm tụy tự miễn rất hiếm, dưới 1/100.000 người, chiếm khoảng 2% trong tổng số các trường hợp viêm tụy mãn tính.

Phân loại

Viêm tụy tự miễn là một dạng viêm mãn tính có liên quan đến sự hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch. Bệnh được phân chia làm 2 loại chính bao gồm:

  • Viêm tụy tự miễn type 1: Đây là dạng viêm tụy tự miễn thường gặp nhất và thường liên quan đến các bệnh rối loạn tự miễn dịch khác như lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp. Bệnh xảy ra khi nồng độ kháng thể IgG4 (immunoglobulin G4 - một loại protein kháng thể tạo ra các tế bào miễn dịch) tăng cao quá mức và kích hoạt viêm. Bệnh viêm tụy tự miễn loại 1 không chỉ ảnh hưởng đến tuyến tụy mà còn gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác như gan, phổi, ống dẫn mật, ống thận, tuyến nước bọt, tuyến giáp...
  • Viêm tụy tự miễn type 2: Dạng này ít phổ biến hơn và chỉ ảnh hưởng đến tuyến tụy. Bệnh xảy ra khi các tế bào bạch cầu hay còn gọi là bạch cầu trung tính phá hỏng các tế bào khỏe mạnh trong tuyến tụy và ống dẫn tụy. Cơ chế phát bệnh thường ít liên quan đến các bệnh tự miễn dịch khác nhưng lại liên quan đến bệnh viêm ruột (IBD).

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm tụy tự miễn cho đến nay vẫn còn đang được nghiên cứu. Nhưng xét về bản chất thì căn bệnh này cũng giống nhiều bệnh lý rối loạn tự miễn dịch khác, khởi phát khi các tế bào của hệ thống miễn dịch tấn công đến các tế bào tuyến tụy khỏe mạnh.

Bệnh thường phát triển chủ yếu ở người lớn tuổi từ 50 - 60 tuổi hoặc một số ít trường hợp bộc phát sớm hơn. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bệnh viêm tụy tự miễn có thể phát triển do phản ứng miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc virus.

Nam giới trên 60 tuổi và có tiền sử mắc bệnh viêm ruột là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tụy tự miễn

Ngoài ra, những người có tiền sử hoặc tiềm ẩn các tác nhân mắc các rối loạn tự miễn dịch khác cũng có nguy cơ cao đối mặt với sự phát triển của viêm tụy tự miễn. Có thể kể đến như:

  • Bệnh viêm ruột (điển hình như viêm loét đại tràng);
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto (gây suy giáp hoặc giảm nồng độ hormone tuyến giáp);
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Bệnh viêm đường mật nguyên phát;
  • Hội chứng Sjogren;
  • Bệnh xơ hóa sau phúc mạc;
  • Bệnh Sacoit;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng viêm tụy tự miễn trong giai đoạn đầu thường khó phát hiện vì đây là giai đoạn tiến triển chậm và âm thầm. Nhưng khi đến giai đoạn tiến triển, các ống tuyến tụy bị tác động, phá hỏng và thu hẹp lại có thể ngăn cản sự giải phóng của các enzyme.

Bệnh nhân viêm tụy tự miễn thường gặp phải các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, vàng da, sụt cân, mệt mỏi...

Đây cũng là giai đoạn bệnh phát sinh các triệu chứng bất thường do tắc nghẽn ống tụy, bao gồm:

  • Đau bụng;
  • Cảm giác đầy bụng;
  • Đau vùng lưng giữa;
  • Sụt cân;
  • Vàng da;
  • Buồn nôn, nôn ói nhiều;
  • Tiêu chảy;

Tùy từng dạng viêm tụy tự miễn mà các triệu chứng có thể xảy ra từng loại với mức độ khác nhau. Chẳng hạn như loại 1 đặc trưng bởi triệu chứng sụt cân, đau bụng và vàng da. Xảy ra khi gan không thể xử lý hết bilirubin, một loại chất thải được tạo ra do sự phân hủy của các tế bào hồng cầu khiến nước tiểu sẫm màu và màu phân nhạt. Loại 2 cũng gây các triệu chứng tương tự, nhưng không có vàng da.

Chẩn đoán

Bước đầu trong quá trình chẩn đoán là đánh giá các triệu chứng lâm sàng do bệnh nhân cung cấp và do bác sĩ thăm khám. Sau đó, dựa vào những dấu hiệu bệnh có thể chỉ định thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác nhận viêm tụy tự miễn và loại trừ bệnh ung thư tuyến tụy.

Xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh kết hợp sinh thiết tuyến tụy là các phương pháp chẩn đoán chính xác bệnh viêm tụy tự miễn

Cụ thể một số xét nghiệm thường được áp dụng như:

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện nồng độ IgG4 trong máu cao bất thường. Đồng thời, dựa vào kết quả xét nghiệm máu còn giúp đánh giá chức năng gan và kiểm tra nồng độ một số các tế bào máu khác.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Dựa vào các kỹ thuật công nghệ hiện đại, hình ảnh tuyến tụy được mô phỏng chi tiết nhằm kiểm tra kích thước, phát hiện các dấu hiệu của sẹo và tình trạng thu hẹp ống dẫn. Các xét nghiệm thường dùng như chụp CT scan hoặc MRI.
  • Sinh thiết: Trong một số trường hợp cần thiết có thể thực hiện sinh thiết, lấy một mẫu mô tụy để kiểm tra dưới kính hiển vi. Thủ thuật này thường được thực hiện kết hợp với phương pháp nội soi xâm lấn tối thiểu hay còn gọi là siêu âm nội soi (EUS).
  • Nghiệm pháp Corticosteroid: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sử dụng một liều steroid vừa đủ, sau đó tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết nhằm đánh giá xem nồng độ IgG4 trong máu có giảm hay không hoặc kết quả của các xét nghiệm hình ảnh có thay đổi hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh viêm tụy tự miễn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chẳng hạn như:

  • Bệnh tiểu đường (do tuyến tụy hoạt động kém không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết);
  • Biến chứng hẹp và tắc nghẽn ống tụy, ống mật;
  • Suy tụy;
  • Canxi hóa tuyến tụy, hình thành sỏi tụy;

Bệnh nhân viêm tụy tự miễn có thể gặp nhiều biến chứng khó lường cho sức khỏe nếu không điều trị kịp thời

Ngoài ra, viêm tụy tự miễn mạn tính không chỉ ảnh hưởng đến tuyến tụy, mà nhiều cơ quan khác như thận, tim, phổi, ống dẫn mật, tuyến nước bọt, tuyến lệ, tuyến giáp... cũng bị ảnh hưởng theo, kéo theo hàng loạt các biến chứng khó lường cho sức khỏe.

Bệnh viêm tụy tự miễn rất khó điều trị khỏi dứt điểm. Đặc biệt là những người bị viêm tụy tự miễn loại 1 rất dễ tái phát, nhất là trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi chẩn đoán. Tiên lượng tuổi thọ của bệnh nhân viêm tụy tự miễn thường không bị ảnh hưởng, tuy nhiên trong trường hợp phát triển các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Điều trị

Hướng điều trị bệnh viêm tụy tự miễn chủ yếu tập trung vào kết hợp giữa dùng thuốc và điều chỉnh lối sống để kiểm soát triệu chứng, phòng ngừa biến chứng. Một số trường hợp cần thiết có thể kết hợp can thiệp ngoại khoa để khắc phục tình trạng hẹp hoặc xử lý sẹo gây tắc nghẽn ống tụy, ống mật.

Dùng thuốc

Hầu hết các trường hợp viêm tụy tự miễn đều đáp ứng tốt với dùng thuốc để điều trị bệnh. Tùy mức độ bệnh của từng người, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp nhất. Một số loại thuốc thường dùng như:

Dùng thuốc Steroid đáp ứng tốt với hầu hết các trường hợp bị viêm tụy tự miễn

  • Thuốc Steroid: Được sử dụng nhằm cải thiện các triệu chứng viêm tụy tự miễn, giảm viêm và hỗ trợ ổn định hệ thống miễn dịch. Các loại thường dùng nhất là Prednisone hoặc Prednisolone. Ban đầu có thể dùng liều cao sau đó giảm dần để giảm thiểu nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.
  • Thuốc miễn dịch: Vừa có khả năng ức chế vừa giúp điều hòa hoạt động của hệ thống miễn dịch. Loại thuốc này đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân bị viêm tụy tự miễn tái phát, cần duy trì điều trị trong thời gian dài. Ngoài ra, việc sử dụng kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch còn giúp giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc Corticosteroid. Một số loại được dùng phổ biến gồm mercaptopurine (Purinethol, Purixan), mycophenolate (CellCept), rituximab (Rituxan), azathioprine (Imuran, Azasan)...

Trong quá trình dùng thuốc điều trị, bệnh nhân viêm tụy tự miễn cần chủ động thay đổi lối sống và sinh hoạt, bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống ít chất béo, cai rượu và các chất kích thích khác, nghỉ ngơi nhiều, vận động điều độ... để đạt hiệu quả tốt nhất.

Thủ thuật đặt Stent

Phương pháp này có thể được chỉ định thực hiện trước khi dùng thuốc. Mục đích của việc đặt Stent vào ống mật nhằm dẫn lưu các chất dịch ứ, giải phóng lượng bilirubin giúp cải thiện triệu chứng vàng da tắc mật. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ nên không thể thay thế hoàn toàn cho việc dùng thuốc được.

Trong quá trình và sau điều trị viêm tụy tự miễn bằng các phương pháp trên, bệnh nhân luôn phải được theo dõi sát sao. Mục đích nhằm đánh giá kết quả điều trị và đặc biệt là kiểm tra tiến triển bệnh đến các cơ quan khác. Kể cả trong trường hợp các triệu chứng viêm tụy tự miễn đã có phần thuyên giảm và cải thiện, vẫn phải tiếp tục theo dõi cho đến khi các dấu hiệu biến mất hoàn toàn thì ngưng.

Phòng ngừa

Viêm tụy tự miễn là một dạng viêm mạn tính được cho là có liên quan đến phản ứng miễn dịch bất thường. Mà nguyên nhân chính xác khởi phát phản ứng này lại chưa được xác định rõ. Hoặc trong một số tài liệu có nhắc đến các yếu tố như di truyền, môi trường... góp phần vào sự phát triển của tình trạng này.

Lối sống khoa học và lành mạnh giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển viêm tụy tự miễn

Qua đó, có thể thấy cơ chế chính xác khởi phát thành bệnh viêm tụy tự miễn là không rõ ràng. Do đó, con người rất khó có thể chủ động phòng tránh được căn bệnh này. Nhưng thông qua lối sống sinh hoạt khoa học hàng ngày, nguy cơ phát triển bệnh có thể giảm xuống đáng kể. Chẳng hạn như:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể khỏe mạnh, duy trì hệ miễn dịch ổn định.
  • Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt khoa học, đúng giờ giấc, nghỉ ngơi nhiều và thư giãn thân thể, đầu óc, tránh stress...
  • Tập thể dục điều độ hàng ngày, chú ý tập vừa sức và nhẹ nhàng để tránh gây mất sức, nâng cao thể trạng và cải thiện hệ miễn dịch.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát hoặc định kỳ thăm khám kiểm tra chức năng tụy nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao phát bệnh. Việc kịp thời phát hiện bệnh và điều trị nhanh chóng cũng là một cách phòng ngừa biến chứng hiệu quả.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên có cảm giác đau bụng, sụt cân, vàng da, nôn ói... có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm tụy tự miễn?

3. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh viêm tụy tự miễn?

4. Tình trạng bệnh của tôi tiến triển đến giai đoạn nào rồi? Có nguy hiểm không?

5. Tiên lượng sức khỏe và tính mạng của tôi khi mắc phải căn bệnh này?

6. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho tình trạng bệnh viêm tụy tự miễn của tôi?

7. Tôi có phải điều trị bệnh suốt đời không? Quá trình điều trị mất bao lâu thì khỏi?

8. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị viêm tụy tự miễn?

9. Chi phí điều trị bệnh viêm tụy tự miễn có tốn kém không? Có dùng thẻ BHYT được không?

10. Bệnh viêm tụy tự miễn có tái phát trở lại không? Lúc này tôi cần làm gì để xử lý?

Viêm tụy tự miễn là bệnh lý tự miễn hiếm gặp nhưng lại khó chẩn đoán và điều trị hơn những căn bệnh khác. Bệnh có tính chất dễ tái phát nên quá trình điều trị thường mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, chỉ cần kiên trì dùng thuốc theo toa bác sĩ và kết hợp điều chỉnh thói quen sinh hoạt, các triệu chứng viêm tụy tự miễn sẽ được kiểm soát, phòng ngừa các biến chứng khó lường về sau.

Tham khảo thêm

Chia sẻ:
Bệnh Tả
Bệnh tả là một trong những bệnh lý truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở ruột non do vi khuẩn V. Cholerae. Bệnh có khả năng lây lan và bùng…
Bệnh Xơ Gan Mất Bù
Xơ gan mất bù còn được gọi là xơ gan…
Bệnh Áp Xe Hậu Môn
Áp xe hậu môn là tình trạng nhiễm trùng tại…
Bệnh Trĩ Ngoại
Bệnh trĩ ngoại là tình trạng các tĩnh mạch ở…
Bệnh Lỵ

Bệnh lỵ là một dạng nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính, xảy ra phổ biến ở cả trẻ em lẫn…

Bệnh Tiểu Đường

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính phổ biến có tỷ lệ mắc cao hiện nay. Bệnh có thể kiểm…

Bệnh Áp xe gan

Áp xe gan là một trong những dạng áp xe nội tạng phổ biến tại Việt Nam, nơi có kiểu…

Bệnh Đa polyp tuyến gia đình

Đa polyp tuyến gia đình là hội chứng di truyền xảy ra khi bên trong đại trực tràng xuất hiện…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua