Bệnh Áp xe gan

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Áp xe gan là một trong những dạng áp xe nội tạng phổ biến tại Việt Nam, nơi có kiểu khí hậu nhiệt đới đặc trưng. Bệnh nhân áp xe gan thường ở giai đoạn nhiễm trùng nặng do vi khuẩn hoặc amip, khiến lá gan tổn thương nghiêm trọng, mưng mủ. Bệnh lý này có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. 

Tổng quan

Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhiệm hơn 500 chức năng riêng biệt nhằm duy trì hoạt động sống của con người. Một số nhiệm vụ chính như chuyển hóa dinh dưỡng, lọc thải độc tố, tích trữ năng lượng, sản xuất mật, tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể...

Áp xe gan là bệnh lý nhiễm trùng gan ít phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm nếu gặp phải

Áp xe gan (Liver Abscess) là tình trạng các tổ chức mô gan bị phá hủy, tổn thương và hình thành ổ mủ. Các tổn thương này hình cầu, có vỏ bọc bên ngoài, với nhiều kích thước to nhỏ khác nhau, nằm rải rác hoặc tập trung một chỗ. Áp xe gan có thể xảy ra do nhiều tác nhân như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và đặc biệt là do amip.

Áp xe gan thường là biến chứng của các bệnh lý nhiễm trùng ổ bụng, vi khuẩn di chuyển theo đường máu, qua các tĩnh mạch tuần hoàn cửa đến gan hoặc khởi phát sau các chấn thương gan. Bệnh thường xảy ra ở những người lớn tuổi (50 - 60 tuổi), mắc bệnh lý nền, bệnh ác tính, các bệnh gây suy giảm miễn dịch.

Phân loại

Có 2 dạng áp xe gan phổ biến nhất là: áp xe gan do nhiễm khuẩn và áp xe gan do amip. Trong đó:

  • Áp xe gan nhiễm khuẩn: Tác nhân gây nhiễm trùng gan chính là vi khuẩn. Các loại vi khuẩn thường gặp là Streptocoque, Staphilocoque, Escherichia coli, Klebsialla pneumoniae, Bacteroides, Enterrococci, trực khuẩn đường ruột Salmonella hoặc một số loại vi khuẩn kỵ khí... Chúng xâm nhập vào cơ thể thông qua nhiều con đường như đường mật, tĩnh mạch gánh, bạch mạch, động mạch gan... và khu trú tại gan, hình thánh áp xe.
  • Áp xe gan do amip: Là dạng áp xe phổ biến nhất tại các nước đang phát triển, chiếm tỷ lệ (3 - 9%). Đây là một dạng nhiễm trùng do động vật nguyên sinh Entamoeba histolytica gây nên. Loại ký sinh này có khả năng gây bệnh lỵ vàn viêm đại tràng amip. Đối tượng dễ mắc phải áp xe gan do amip là nam giới trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi. Con đường lây nhiễm chủ yếu của amip là đường phân miệng, đến niêm mạc ruột và di chuyển vào tĩnh mạch cửa.

Ngoài ra, nếu dựa vào vị trí hình thành, áp xe gan được chia làm 3 dạng nhỏ gồm:

  • Áp xe ở thùy phải của gan (chiếm 50% trường hợp bệnh);
  • Áp xe ở thùy trái của gan;
  • Áp xe ở thùy đuôi của gan;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo thống kê, có khoảng 50% trường hợp vi khuẩn phát triển gây áp xe gan là do bị ảnh hưởng từ bệnh hẹp đường mật, sỏi đường mật dạng bẩm sinh hoặc ác tính. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác dẫn đến áp xe gan như:

Nhiễm trùng đường tiêu hóa do vỡ ruột thừa là nguyên nhân hàng đầu gây ra áp xe gan

Nguyên nhân

  • Biến chứng vỡ ruột thừa tạo điều kiện cho vi khuẩn phóng thích vào đường tiêu hóa, hình thành ổ áp xe;
  • Ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy;
  • Nhiễm trùng máu;
  • Viêm ruột, viêm túi thừa đại tràng hoặc biến chứng thủng ruột;
  • Chấn thương gan hoặc tổn thương sau phẫu thuật;
  • Viêm túi mật;
  • Nhiễm máu tại động mạch gan hoặc động mạch cửa;

Yếu tố nguy cơ 

  • Đối với áp xe gan sinh mủ: Thường khởi phát do ảnh hưởng từ các bệnh như:
    • Đái tháo đường (tỷ lệ mắc bệnh áp xe gan ở nhóm đối tượng này cao gấp 3.6 lần so với người bình thường);
    • Bệnh Crohn;
    • Nhiễm trùng hệ tiêu hóa;
    • Nhiễm trùng ổ bụng;
    • Nội soi ống dẫn lưu mật;
    • Tiền sử phẫu thuật ổ bụng...;
  • Đối với áp xe gan do amip: Các yếu tố nguy cơ thường gặp như:
    • Tuổi cao, lão hóa nhanh;
    • Mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV/ AIDS, điều trị ung thư, phẫu thuật cấy ghép nội tạng, lạm dụng thuốc Corticoisteroid...;
    • Nghiện đồ có cồn, đặc biệt là rượu bia;
    • Ăn uống thiếu chất, dinh dưỡng kém;
    • Đi du lịch đến những nơi có nguy cơ nhiễm trùng amip cao;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng của áp xe gan thường khá mờ nhạt, không biểu hiện rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như nhiễm trùng hoặc viêm túi mật. Bao gồm các dấu hiệu cơ bản sau:

Các triệu chứng của áp xe gan thường gặp là đau bụng trên bên phải, nôn ói, sốt cao, khó thở...

  • Cơ thể đột nhiện mệt mỏi, ớn lạnh, sợ gió, khó chịu toàn thân, nặng hơn là rơi vào hôn mê;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Sốt cao, rét run, đổ nhiều mồ hôi vào đêm gây ảnh hưởng giấc ngủ;
  • Ho, tức ngực, khó thở;
  • Đau vai phải;
  • Đau tức vùng gan dưới sườn phải, có thể lan sang khu vực thượng vị hoặc toàn bộ ổ bụng trong trường hợp khối áp xe phát triển to cấp tính;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Tiêu chảy, phân có màu bạc;

Đây là những triệu chứng lâm sàng thường gặp, tuy nhiên nếu gặp các triệu chứng nguy hiểm bất thường dưới đây, hãy gặp bác sĩ ngay để được xử lý kịp thời:

  • Tim đập nhanh, co giật, nôn mửa kéo dài;
  • Sốt cao trên 38 độ liên tục trong nhiều giờ liền;
  • Khó thở, thở khò khè, nghẹt thở;
  • Thay đổi tâm lý, hành vi như lú lẫn, mất ý thức, mê sảng, hoang tưởng, ảo giác hoặc rơi vào hôn mê;

Chẩn đoán

Để tìm ra nguyên nhân gây áp xe gan và đánh giá mức độ tổn thương, tạo điều kiện để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện một số biện pháp xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu là phương pháp chẩn đoán áp xe gan được áp dụng phổ biến

  • Xét nghiệm: Được thực hiện nhằm đánh giá mức độ tổn thương gan thông qua các chỉ số quan trọng như C - protein hoạt tính, phosphatase kiềm, tốc độ lắng hồng cầu và tiến hành cấy máu nhằm loại trừ các yếu tố nhiễm khuẩn huyết...
    • Xét nghiệm máu;
    • Xét nghiệm phân;
    • Xét nghiệm men gan;
    • Xét nghiệm chức năng gan;
    • Xét nghiệm huyết thanh để tìm Echinococcus;
    • ...
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Đây là thủ thuật phổ biến áp dụng cho những trường hợp cần chẩn đoán các bệnh lý về gan, tuyến tụy, túi mật và hệ thống ống dẫn mật. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng được sử dụng kết hợp điều trị các bệnh về gan, mật và tụy, cho phép quan sát rõ về vị trí, xác định nguyên nhân gây tắc nghẽn, cho phép bệnh nhân đặt stent hoặc cân nhắc khi thực hiện dẫn lưu ổ áp xe.
  • Chẩn đoán hình ảnh:
    • Siêu âm ổ bụng;
    • Chụp X quang ngực;
    • Chụp CT scan cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ MRI;

Biến chứng và tiên lượng

Áp xe gan là bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Áp xe gan nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng

  • Nhiễm trùng ổ bụng: Đây là biến chứng y khoa nguy hiểm cần được cấp cứu khẩn, tiến hành phẫu thuật xử lý loại bỏ ổ nhiễm trùng, vệ sinh dẫn lưu mủ để tránh nguy cơ bị sốc nhiễm khuẩn gây tử vong. Biến chứng này có các biểu hiện như sốt cao, đau bụng dữ dội, chướng bụng, cứng bụng...
  • Làm vỡ ống tiêu hóa: Khối áp xe vỡ ra, dịch mủ tràn vào ống tiêu hóa như đại tràng, dạ dày, ruột non... gây vỡ ống tiêu hóa cục bộ hoặc toàn bộ. Tình trạng này gây xuất huyết trong, được biểu hiện thông qua đại tiện ra máu, lẫn mủ, nôn ra máu, đau bụng dữ dội... Một số trường hợp nguy hiểm hơn ổ áp xe vỡ ra tràn vào cơ thành bụng và gây áp xe tại bộ phận này.
  • Nhiễm trùng màng tim: Ổ áp xe gan nằm ở bên trái, khi vỡ ra có thể tràn vào màng tim và gây nhiễm trùng. Các biểu hiện thường gặp nhất là nhịp tim yếu, khó thở, môi, da tím tái, vã mồ hôi... Bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời có nguy cơ tử vong cao.
  • Các biến chứng khác:
    • Tràn dịch màng phổi;
    • Nhiễm trùng huyết;
    • Viêm phúc mạc;
    • Viêm nội tâm mạc (thường là van tim và niêm mạc tim);
    • Nhiễm trùng lây lan toàn thân;
    • Phù thũng toàn thân do dịch mủ tích tụ trong ngực;

Ngoài ra, sau thủ thuật dẫn lưu ổ áp xe cũng có thể xuất hiện một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Các tổn thương thực thể trong ổ bụng;
  • Viêm tụy cấp;
  • Suy gan, suy thận;
  • Áp xe dưới cơ hoành;
  • Huyết khối tĩnh mạch gan;
  • Nhiễm trùng, biến chứng áp xe gan tái phát;
  • Xuất hiện các đường rò dẫn đến các cơ quan xung quanh như màng phổi, phổi...;
  • Viêm nội nhãn cầu trong trường hợp áp xe gan do nhiễm Klebsiella pneumoniae ở bệnh nhân bị tiểu đường;

Áp xe gan là bệnh có khả năng lây nhiễm, nhưng thường chỉ qua con đường phân miệng, bệnh không có khả năng lây nhiễm qua đường không khí hoặc giao tiếp, tiếp xúc gần với người bệnh. Dạng bệnh này khá hiếm gặp nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu không điều trị thời nếu vô tình mắc phải.

Điều trị

Áp xe gan được điều trị bằng 2 phương pháp chính là kháng sinh đồ và thủ thuật dẫn lưu ổ áp xe

1. Điều trị bằng thuốc 

Loại thuốc trị áp xe gan được dùng để điều trị chính là thuốc kháng sinh. Thuốc được chỉ định dùng cho những trường hợp mức độ viêm nhiễm nhẹ và trung bình, Ngoài ra, sau thủ thuật dẫn lưu ổ áp xe hoặc sau phẫu thuật cũng được chỉ định dùng kháng sinh để ngăn ngừa biến chứng.

Điều trị áp xe gan bằng kháng sinh đồ nhằm tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng gây viêm nhiễm

Đa phần các trường hợp áp xe gan đều được chỉ định dùng kết hợp nhiều loại kháng sinh với nhau, chẳng hạn như:

  • Thuốc Cephalosporin kết hợp Metronidazole;
  • Chất ức chế Beta - lactam beta - lactammase kết hợp với Metronidazole;
  • Penicillin kết hợp với Metronidazole và Aminoglycoside;
  • Trường hợp dị ứng với Cephalosporin hoặc Penicillin có thể kết hợp với Fluoroquinolon hoặc Carbapenem;

Dùng thuốc cần lưu ý tuân thủ liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu và giảm thiểu tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Can thiệp ngoại khoa 

Dùng thuốc tuy giúp tiêu diệt vi khuẩn và cải thiện triệu chứng nhưng chỉ có tác dụng tạm thời, ổ áp xe gan vẫn có thể sớm tái phát trở lại. Do đó, thủ thuật dẫn lưu ổ mủ là phương pháp cần thiết được chỉ định thực hiện càng sớm càng tốt. Thủ thuật này thường được thực hiện kết hợp với chụp CT scan hoặc siêu âm.

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được đặt ống thông dẫn lưu qua da, tiếp cận khối áp xe gan có kích thước > 5cm. Hoặc tiến hành chọc hút ổ áp xe bằng kim đối với những ổ có kích thước < 5cm. Đồng thời, kết hợp thu thập mẫu mô tế bào tại vị trí gan tổn thương, có áp xe để tiến hành sinh thiết, phân tích xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Dẫn lưu ổ áp xe là thủ thuật hiệu quả giúp loại bỏ ổ mủ ngăn ngừa biến chứng

Ngoài ra, những trường hợp bị áp xe gan nghiêm trọng, gây biến chứng vỡ áp xe, viêm phúc mạc, kích thước khối áp xe lớn, thành dày và không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc đã dẫn lưu ổ mủ nhiều lần nhưng không khỏi hẳn sẽ được chỉ định phẫu thuật. Thông thường, phương pháp phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất là nội soi, tiếp cận ổ áp xe thông qua phúc mạc hoặc màng cứng sau.

Phòng ngừa

Để bảo vệ sức khỏe, bảo tồn chức năng gan khỏe mạnh, mỗi người cần tự nâng cao ý thức trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng bằng các biện pháp sau:

Ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm kỹ lưỡng là những giải pháp phòng ngừa áp xe gan tốt nhất

  • Duy trì thói quen ăn chín uống sôi, tránh ăn thực phẩm chín tái, không ăn rau sống chưa được rửa kỹ, không uống nước lã từ sông, suối, ao, hồ, chum, vại...;
  • Bất kỳ loại thực phẩm nào trước khi đưa vào cơ thể cũng đều phải rửa sạch sẽ, ngâm nước muối, chế biến sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên sử dụng thực phẩm organic, không sử dụng phân bón tươi, thuốc trừ sâu...;
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
  • Khi phát hiện tình trạng nhiễm trùng tại bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, hãy thăm khám và điều trị triệt để ngay để tránh gây biến chứng lây lan, tái phát áp xe gan;

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi bị áp xe gan?

2. Áp xe gan có phải bệnh nguy hiểm không? Các biến chứng dễ xảy ra?

3. Xét nghiệm áp xe gan tôi cần thực hiện để chẩn đoán bệnh?

4. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi nặng hay nhẹ?

5. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp áp xe gan của tôi?

6. Điều trị áp xe gan bằng thuốc kháng sinh có hiệu quả không? Có gây tác dụng phụ không?

7. Thời gian điều trị áp xe gan mất bao lâu thì khỏi dứt điểm?

8. Phẫu thuật áp xe gan khi nào cần thực hiện?

9. Chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe trong quá trình điều trị áp xe gan?

10. Sau điều trị, áp xe gan có tái phát trở lại không?

Áp xe gan là bệnh lý nhiễm trùng ít phổ biến, nhưng nếu chẳng may gặp phải sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường, kể cả tính mạng. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh khá tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hãy chủ động thăm khám chuyên khoa sớm để được chẩn đoán và chỉ định điều trị bằng phác đồ phù hợp.

Xem thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Viêm Tuỵ Cấp
Viêm tụy cấp là một dạng rối loạn nghiêm trọng cần cấp cứu nội khoa. Chủ yếu do rượu bia, sỏi mật, thuốc... Bệnh lý này có tỷ lệ biến…
Hội chứng Lynch
Lynch là một dạng rối loạn di truyền có liên…
Xuất huyết dạ dày Bệnh Xuất Huyết Dạ Dày
Xuất huyết dạ dày là một dạng rối loạn tiêu…
Bệnh Viêm tuyến nước bọt
Viêm tuyến nước bọt xảy ra khi một hoặc nhiều…
Bệnh Áp Xe Hậu Môn

Áp xe hậu môn là tình trạng nhiễm trùng tại các tuyến hậu môn, hình thành khối cứng chứa mủ,…

Bệnh Táo Bón

Táo bón là một trong những triệu chứng phổ biến ở đường tiêu hóa, xảy ra ở mọi đối tượng,…

Bệnh Viêm Gan C

Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do virus HCV gây ra. Hầu hết người bệnh thường không biết bản…

Bệnh Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là dạng ung thư phổ biến xảy ra bên trong niêm mạc dạ dày. Đây là…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua