Bệnh Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là một dạng rối loạn viêm mãn tính của thực quản. Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Đặc trưng của bệnh là các triệu chứng về viêm nhiễm gây khó nuốt, ợ nóng, đau tức ngực khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến hẹp thực quản. Các chọn lựa điều trị hiệu quả nhất đối với tình trạng này là dùng thuốc kết hợp điều chỉnh ăn uống.
Tổng quan
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (Esimophilic esophagitis) xảy ra khi thực quản bị viêm mãn tính, đặc trưng bởi sự xuất hiện của số lượng lớn bạch cầu ái toan, một loại tế bào bạch cầu đặc biệt tồn tại trong các mô thực quản. Điều này dẫn đến tổn thương và viêm nhiễm, gây đau nhức, sưng viêm, khó nuốt và nhiều triệu chứng tiêu hóa khác.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, từ trẻ em cho đến người lớn. Nhưng phổ biến nhất là những người da trắng, nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới. Ước tính số người bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan không quá nhiều, chỉ khoảng 1/10.000 dân số.
Phân loại
Bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan được phân chia làm 2 nhóm chính gồm nguyên phát và thứ phát. Cụ thể như sau:
- Thể nguyên phát: Là tình trạng viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan xảy ra khi không tìm ra bất kỳ nguyên nhân nào. Phổ biến ở nam hơn nữ, chủ yếu trong độ tuổi từ 20 - 50 tuổi.
- Thể thứ phát: Thường xảy ra do một vấn đề sức khỏe cụ thể nào đó như rối loạn tự miễn dịch, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, bệnh Celiac hoặc dị ứng thực phẩm. Thể này phổ biến hơn thể nguyên phát, ảnh hưởng đến mọi đối tượng, mọi độ tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở những người đã từng có tiền sử dị ứng hoặc rối loạn tự miễn dịch.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, dù y học đã rất phát triển nhưng nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nghiên cứu và khẳng định rằng căn bệnh này có mối liên quan mật thiết với hệ thống miễn dịch.
Cụ thể, đây là một dạng rối loạn qua trung gian miễn dịch, tức là hệ thống miễn dịch của chúng ta hoạt động bất thường, tự tấn công đến các mô tế bào thực quản, gây tổn thương và viêm nhiễm.
Ngoài ra, còn một số yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Di truyền học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh lý này. Nhiều nghiên cứu di truyền đã cho kết quả bệnh có xu hướng di truyền giữa các thành viên có cùng huyết thống trong gia đình. Tuy nhiên, loại gen cụ thể gây bệnh vẫn chưa được xác định.
- Yếu tố môi trường: Các yếu tố bất thường từ môi trường cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của bệnh lý này. Chẳng hạn như thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng như bụi bặm, phấn hoa, hóa chất... quá mức. Dẫn đến kích hoạt phản ứng miễn dịch trong thực quản, khởi phát tổn thương, sưng viêm.
- Dị ứng thực phẩm: Ngoài các yếu tố trên, dị ứng thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn kích hoạt sự phát triển của bệnh. Một số loại thực phẩm dị ứng được nhắc đến nhiều nhất như trứng, sữa, đậu nành, đậu phộng, lúa mì, hải sản... Khi ăn phải những loại thực phẩm này, chúng sẽ vô tình kích hoạt hệ thống miễn dịch hoạt động nhằm phản ứng lại dị ứng, bằng cách sản sinh ra số lượng lớn bạch cầu ái toan. Hậu quả là gây tổn thương, viêm nhiễm tại thực quản.
- Các dị ứng khác: Ngoài ra, còn rất nhiều dạng dị ứng khác cũng góp phần gây ra bệnh lý này. Chẳng hạn như có khoảng 50% người bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan cũng đồng thời bị dị ứng theo mùa hoặc hen suyễn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy theo đối tượng mắc bệnh là người lớn hay trẻ em mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau. Một số triệu chứng bệnh thường gặp như:
Triệu chứng ở người lớn
- Đau họng, khó nuốt;
- Nghẹn thức ăn;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Ợ nóng;
- Đau tức ngực;
- Đau bụng trên;
- Axit trào ngược lên khoang miệng;
Triệu chứng ở trẻ em
- Nôn trớ;
- Khó bú, khó ăn;
- Đau bụng;
- Dễ nghẹn;
- Chậm phát triển;
- Không đáp ứng tốt khi dùng thuốc trào ngược dạ dày;
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan bước đầu thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân cung cấp. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ khai thác thêm một số thông tin về tiền sử dị ứng, thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày để khoanh vùng các yếu tố nguy cơ.
Sau đó, bệnh nhân phải thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để tìm ra các dấu hiệu đặc trưng giúp chẩn đoán viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan chính xác. Bao gồm:
- Nội soi đường tiêu hóa trên: Được thực hiện bằng cách luồn ống nội soi mỏng, mềm và linh hoạt có gắn camera vào miệng để tiếp cận đến thực quản. Hình ảnh nội soi sẽ hiển thị bên ngoài giúp bác sĩ kiểm tra thực quản và phát hiện tổn thương. Trong quá trình nội soi, sẽ đồng thời lấy mẫu mô nhỏ tại vị trí viêm để làm xét nghiệm sinh thiết.
- Sinh thiết: Đây là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán tình trạng sức khỏe này. Nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy mẫu mô từ thực quản tại nhiều vị trí khác nhau. Sau đó mang đi làm xét nghiệm phân tích trong phòng thí nghiệm, soi trực tiếp dưới kính hiển vi. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh này là phải có sự hiện diện của ít nhất 15 bạch cầu ái toan trên trường năng lượng cao (HPF) trong 1 mẫu sinh thiết.
- Các xét nghiệm khác: Ngoài nội soi và sinh thiết, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác như:
- Chụp X quang kết hợp nuốt bari;
- Đo điện tích trở kháng;
- Xét nghiệm pH thực quản và đo nồng độ axit của thực quản;
- Xét nghiệm máu;
- Xét nghiệm dị ứng;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan được đánh giá là căn bệnh không quá nguy hiểm và có thể kiểm soát tốt ngay từ thời điểm ban đầu. Bệnh không có khả năng phát triển thành ung thư thực quản hay làm giảm tuổi thọ của người bệnh. Tuy nhiên, tình trạng viêm thực quản mạn tính nếu không điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến biến chứng hẹp thực quản và nhiều hệ lụy khó lường khác.
Ngoài ra, sự phát triển của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan còn làm tăng nặng các triệu chứng dị ứng và nhiều tình trạng sức khỏe khác như chàm, hen suyễn, viêm mũi dị ứng...
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bất cứ khi nào phát hiện những dấu hiệu bất thường kể trên, hãy chủ động đến bệnh viện để thăm khám. Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn.
Điều trị
Tùy tưng đối tượng mắc bệnh và mức độ viêm thực quản có nặng hay không mà bác sĩ sẽ tư vấn các chỉ định điều trị y tế tốt nhất. Đối với người lớn, bước đầu thường tập trung điều trị nội khoa để kiểm soát triệu chứng. Nhưng với trẻ em thường ưu tiên điều chỉnh chế độ ăn uống trước khi dùng thuốc.
Chế độ ăn uống
Những trường hợp viêm thực quản không quá nặng, bác sĩ thường hướng dẫn bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống trước tiên để cải thiện triệu chứng. Nhất là trong những trường hợp đã xác định được loại thực phẩm dị ứng, hãy loại bỏ chúng khỏi thực đơn hàng ngày và thay thế bằng các loại khác phù hợp hơn.
Ngoài ra, để cải thiện các triệu chứng liên quan và giảm bớt sự khó chịu, hãy thử điều chỉnh các biện pháp sau:
- Chia nhỏ bữa ăn: Tiến hành chia nhỏ các bữa ăn, mỗi lần ăn một ít và ăn nhiều lần, có thể từ 5 - 6 lần/ ngày. Điều này giúp làm giảm lượng thức ăn trong thực quản và cải thiện đáng kể các triệu chứng khó nuốt, trào ngược...
- Tránh ăn sát giờ đi ngủ: Thường là trong vòng 3 giờ khi đến gần giờ ngủ, bạn không nên ăn thêm bất kỳ thứ gì. Điều này sẽ giúp giảm lượng axit trong dạ dày, tránh làm cho các triệu chứng viêm thực quản trở nên nặng hơn.
- Nâng cao đầu khi ngủ: Thói quen nâng cao đầu khi ngủ từ 15 - 20cm, giúp giảm triệu chứng trào ngược axit dạ dày và nhiều dấu hiệu khác.
- Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên: Một số loại trà thảo mộc như trà gừng, hoa cúc... có đặc tính chống viêm, xoa dịu thực quản. Chú ý uống nhiều nước lọc hàng ngày.
Dùng thuốc
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng thuốc để kiểm soát triệu chứng. Một số loại thuốc điều trị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan thường dùng như:
- Thuốc ức chế bơm proton: Đây là loại thuốc kháng axit dạng viên uống, thường được kê đơn nhằm giảm triệu chứng trào ngược.
- Thuốc Steroid: Chẳng hạn như fluticasone và budesonide được điều chế dạng xịt hoặc dạng viên uống giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm. Tuy nhiên. Tuy nhiên, cần chú ý tác dụng phụ của tình trạng này, chẳng hạn như nhiễm trùng nấm Candida thực quản và ở miệng.
- Dupixent: Loại điển hình là Dupilumab, đây là loại thuốc đầu tiên và duy nhất được FDA phê duyệt sử dụng để điều trị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan cho cả người lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Thuốc được điều chế dưới dạng tiêm để đưa các kháng thể đơn dòng vào cơ thể mỗi tuần một lần. Chúng hoạt động bằng cách giảm tình trạng viêm ở thực quản và cải thiện khả năng nuốt.
Thủ thuật y tế khác
Với những người bị viêm mãn tính lâu dài gây hẹp thực quản, bác sĩ thường khuyến nghị áp dụng thủ thuật nong thực quản. Đây là một thủ thuật được thực hiện bằng cách đưa một quả bóng hoặc các thiết bị khác vào trong thực quản, sau đó phổi căng phồng nó lên để nới giãn thành thực quản.
Tuy nhiên, cần hết sức cân nhắc vì thủ thuật này có thể gây ra các rủi ro khó lường như chảy máu hoặc thủng thực quản.
Phòng ngừa
Bạn có thể ngăn chặn hoặc phòng ngừa bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan tái phát bằng các biện pháp sau:
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm gồm đồ ăn, thức uống dễ gây dị ứng hoặc gây cảm giác ợ nóng khó chịu.
- Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, ưu tiên sử dụng nhóm thực phẩm lành tính như rau xanh, củ quả, trái cây, các loại ngũ cốc hỗ trợ ổn định hệ thống miễn dịch.
- Nâng cao đầu giường khi ngủ để giảm thiểu các triệu chứng trào ngược.
- Những người có tiền sử dị ứng và hen suyễn nên chủ động thăm khám sớm, điều trị dự phòng trước để ngăn ngừa phát bệnh.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi thường xuyên có cảm giác khó nuốt, nghẹn khi ăn, đau tức ngực, ợ nóng... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Tại sao tôi mắc bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan?
3. Bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có nguy hiểm không?
4. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán chính xác bệnh lý này?
5. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với tình trạng bệnh của tôi?
6. Quá trình điều trị mất bao lâu thì khỏi?
7. Tôi nên và không nên làm gì trong suốt quá trình điều trị bệnh?
8. Chi phí điều trị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan rất dễ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng hoặc bị rối loạn miễn dịch. Mặc dù không có cách chữa trị dứt điểm, nhưng một số biện pháp điều trị tích cực như dùng thuốc hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống giúp cải thiện khá tốt các triệu chứng bệnh. Do đó, khuyến cáo những người đang gặp phải những triệu chứng này, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và xác định liệu trình điều trị tốt nhất.
Xem thêm:
- Cảm giác nghẹn ở thực quản là bị gì, nguy hiểm không?
- Barrett thực quản là bệnh gì? Hình ảnh, dấu hiệu và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!