Rối loạn thần kinh thực vật

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Rối loạn thần kinh thực vật xảy ra do ảnh hưởng từ các bệnh lý thần kinh hoặc chấn thương, nhiễm trùng... Bệnh nhân thường có các triệu chứng đặc trưng ở cơ quan bị ảnh hưởng như thần kinh, tim, tiêu hóa, da, mắt, tuyến mồ hôi, đường tiết niệu, sinh sản... Điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh lý thần kinh phổ biến có thể xảy ra ở bất kỳ ai

Tổng quan

Rối loạn thần kinh thực vật (Autonomic Dysfunction) hay hệ thống thần kinh tự chủ. Đây là một dạng rối loạn thần kinh xảy ra có liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể như nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, tiêu hóa, hô hấp, cảm giác... Hệ thống thần kinh thực vật hoạt động một cách tự nhiên, tự chủ kể cả khi ngủ hoặc thức.

Hệ thống này được chia làm 3 nhánh gồm: hệ thống giao cảm, hệ thống đối giao cảm và hệ thống thần kinh ruột. Mỗi phần đều có khả năng hoạt động tự chủ kiểm soát một số cơ quan nhất định. Chẳng hạn như hệ thống giao cảm kiểm soát nhịp tim, bàng quang, đồng tử, hệ thống đối giao cảm kiểm soát các chức năng bảo tồn thể lực, hệ thống thần kinh ruột kiểm soát đường tiêu hóa .

Rối loạn thần kinh thực vật xảy ra khi các nhánh trong hệ thống này hoạt động không đồng bộ

Sự rối loạn của hệ thống thần kinh thực vật khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng liên quan như thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, khó thở, ù tai, huyết áp cao, tim đập nhanh, vã mồ hôi, thay đổi thân nhiệt... Tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng đáng kể đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Hầu hết các trường hợp chỉ kéo dài tạm thời và phục hồi tốt khi được điều trị tích cực. Còn một số trường hợp khác khi triệu chứng phát triển mạn tính, dần dần phát triển nặng hơn theo thời gian và đe dọa mạng sống của người bệnh.

Phân loại

Rối loạn thần kinh thực vật là tình trạng hệ thống giao cảm và đối giao cảm hoạt động không đồng bộ. Nó có thể xảy ra đơn lẻ hoặc kèm theo các bệnh lý khác như ung thư, Parkinson, tiểu đường hoặc các bệnh lý tự miễn.

Hạ huyết áp tư thế đứng là dạng rối loạn thần kinh thực vật phổ biến nhiều người gặp phải

Dựa vào yếu tố này, bệnh rối loạn thần kinh thực vật được phân chia làm nhiều dạng khác nhau gồm:

  • Hạ huyết áp tư thế đứng (Orthostatic Hypotension): Tình trạng này xảy ra khi bạn ngồi xuống đứng dậy đột ngột gây giảm thấp huyết áp. Điều này khiến nguồn máu đến não giảm đáng kể, thậm chí gây ngất xỉu. Tình trạng này thường liên quan đến bệnh thần kinh do tiểu đường type 2 gây ra.
  • Hạ huyết áp sau ăn (Postprandial Hypotension): Khó tiêu hóa thức ăn có thể là nguyên nhân gây hạ huyết áp sau ăn, kèm theo hoa mắt, chóng mặt và ngất xỉu vài phút cho đến vài tiếng. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở người > 60 tuổi hoặc người đang mắc các dạng rối loạn khác của hệ thống thần kinh thực vật.
  • Liệt thần kinh tự động cấp tính: Hay còn được gọi là rối loạn phản xạ thần kinh tự động. Xảy ra do chấn thương tủy sống vùng lưng gây tăng cao huyết áp đột ngột và giảm thấp nhịp tim xuống mức nguy hiểm. Thể bệnh này thường xảy ra ở người lớn tuổi do dễ bị té ngã gãy xương, đột quỵ...
  • Suy giảm xạ áp suất hướng tâm (Afferent Baroreflex Failure): Thể bệnh này khá hiếm gặp. Cũng gây ra rối loạn nhịp tim và thay đổi huyết áp nghiêm trọng.
  • Suy thần kinh tự chủ đơn thuần (Pure Autonomic Failure): Tình trạng này đặc trưng bởi sự thoái hóa của hệ thống thần kinh, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự trị ngoại vi. Kéo theo giảm huyết áp tư thế đứng.
  • Teo đa hệ thống (Multiple System Atrophy): Đây là tình trạng thoái hóa thần kinh tiến triển gây ảnh hưởng đến khả năng chuyển động, giữ thăng bằng và phối hợp. Dạng rối loạn này khá hiếm gặp, thường ảnh hưởng đến những người > 50 tuổi và có tiến triển khá nhanh chóng trong vòng 5 - 10 năm. Dạng này được chia làm 2 loại nhỏ là tiểu não và Parkinson.
  • Ngất do tổn thương dây thần kinh X: Đây là hậu quả của tình trạng dòng máu lưu thông đến não bị ngưng lại đột ngột. Nó thường khởi phát do nhiều yếu tố như đứng, ngồi quá lâu, mất nước hoặc căng thẳng.
  • Rối loạn tự chủ gia đình (Familial Dysautonomia): Đây là một dạng di truyền khá hiếm gặp gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống thần kinh tự trị và cảm giác. Người bệnh thường có chỉ số huyết áp không ổn định, nhiệt độ cơ thể lúc cao, lúc thấp và giảm mức độ nhạy cảm với cơn đau, nhiệt độ... Có thể phát triển kèm theo các vấn đề hô hấp mãn tính hoặc suy giảm thị lực do các dây thần kinh hô hấp và mắt bị tổn thương.
  • Hội chứng Holmes-Adie: Hội chứng này đặc trưng bởi các tổn thương về dây thần kinh cơ mắt, gây suy giảm thị lực. Biểu hiện dễ nhìn thấy nhất là một bên đồng tử sẽ lớn hơn bên còn lại và nhạy cảm hơn với ánh sáng. Tình trạng này gây tổn thương các tế bào thần kinh do nhiễm siêu vi, có thể biến chứng mất phản xạ gân sâu hoàn toàn, gây mất thị lực vĩnh viễn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Chẳng hạn như:

Tiểu đường, suy giảm trí tuệ, đa xơ cứng... là các bệnh lý mạn tính gây ra rối loạn thần kinh thực vật

  • Bệnh tiểu đường type 2: Những người mắc bệnh lý này nhưng không can thiệp điều trị kịp thời sẽ dần làm tổn thương hệ thống thần kinh thực vật theo thời gian. Chẳng hạn như khi bị hạ huyết áp tư thế đứng, huyết áp sẽ giảm thấp. Điều này dưới sự ảnh hưởng của chỉ số đường huyết cao càng làm tăng nặng phản xạ tăng huyết áp khi đứng.
  • Nhiễm trùng: Các loại virus như HIV hoặc vi khuẩn gây bệnh Lyme, bệnh Chagas hoặc rất nhiều dạng nhiễm trùng khác gây ngộ độc đều góp phần gây tổn thương thần kinh thực vật, khởi phát thành bệnh.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây bệnh rối loạn thần kinh thực vật như thuốc hóa trị, thuốc huyết áp, thuốc chống trầm cảm... Chúng có thể gây ra các bệnh lý thần kinh tự chủ, thay đổi nhịp tim, huyết áp hoặc mất khả năng kiểm soát hệ thống tiêu hóa.
  • Bệnh Amyloidosis: Căn bệnh này xảy ra khi gan của bạn tạo ra các protein transthyretin (TTR) bị lỗi và tích tụ trong buồng tim bơm máu. Tình trạng này khiến tim khó hoạt động bơm máu hơn và có thể dẫn đến suy tim. Điều này có thể gây ra tổn thương hệ thần kinh lâu dài.
  • Yếu tố di truyền/ bẩm sinh: Các điều kiện di truyền từ bố mẹ sang con cái có thể gây ra rối loạn bẩm sinh hệ thống thần kinh thực vật. Tức là trẻ vừ sinh ra đã mắc bệnh. Bệnh lý phổ biến nhất là bệnh Hisrchsprung.
  • Dấu hiệu bệnh lý: Trong một số trường hợp, rối loạn thần kinh thực vật có thể là dấu hiệu khởi phát của rất nhiều bệnh lý. Chẳng hạn như bệnh Raynaud, bệnh cứng bì hoặc chứng đỏ đau đầu chi, hội chứng Guillain - Barre, bệnh Sjogren, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Parkinson...
  • Hóa chất: Việc thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như chì, thủy ngân... có thể làm tổn thương dây thần kinh tự chủ. Ngoài ra, những người lạm dụng rượu bia, ma túy cũng có thể gây tổn thương hệ thống thần kinh thực vật.
  • Chấn thương: Các chấn thương từ dù nhẹ hay nặng cũng đều có thể gây tổn thương hệ thần kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nguyên nhân này xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi, dễ té ngã hoặc gặp các rủi ro về tai nạn, nhất là trong trường hợp mất khả năng nhận thức.
  • Khối u: Sự phát triển và tăng trưởng của các khối u tuy lành tính nhưng có thể phá vỡ hệ thống thần kinh thực vật trong não bạn.
  • Stress, căng thẳng: Những cảm xúc mệt mỏi, lo âu, căng thẳng kéo dài vô tình tạo áp lực lớn lên não bộ. Điều này kích thích cơ thể sản sinh adrenalin và cortisone vào máu, hậu quả gây rối loạn thần kinh thực vật.
  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có tốc độ lão hóa cơ thể nhanh chóng, kéo theo sự suy yếu của bất kỳ cơ quan nào, bao gồm cả hệ thống thần kinh thực vật, dãn đến các rối loạn bất thường.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí cơ quan bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Chẳng hạn như:

Rối loạn thần kinh thực vật gây ra các triệu chứng đa dạng trên toàn hệ thống như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu...

  • Ảnh hưởng thần kinh: Gây đau đầu, mệt mỏi, giảm sút trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chú ý, run tay chân, lo âu...;
  • Ảnh hưởng tim mạch: Làm tăng huyết áp, gây hồi hộp, đau tức ngực, tim đập nhanh, khó thở, thở nhanh, thở gấp, dễ đuối sức khi thực hiện các hoạt động thể lực...
  • Ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi: Ra nhiều mồ hôi toàn thân, chân tay lạnh, thường xuyên ẩm ướt;
  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Gây tiêu chảy, táo bón, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, ợ chua, ợ nóng, nôn ói...;
  • Ảnh hưởng đến đường tiết niệu: Mất kiểm soát bàng quang, tiểu tiện không tự chủ, tiểu rát, buốt, tiểu rắt, tiểu khó, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu...;
  • Ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản: Giảm ham muốn, khô âm đạo, quan hệ đau rát, rối loạn kinh nguyệt, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương dương..;
  • Ảnh hưởng đến cơ xương: Chân tay tê bì, buồn bực, suy yếu lực, đau nhức xương khớp;
  • Ảnh hưởng thị lực: Nhìn mờ, suy giảm thị lực hoặc nặng hơn khiến đồng tử mất phản xạ nhanh với ánh sáng;
  • Một số triệu chứng khác: Da khô, móng tay giòn, tóc dễ gãy, da dẻ xanh xao, nhợt nhạt, tay chân tê bì, giảm sự nhạy cảm với nhiệt độ nóng lạnh...;

Chẩn đoán

Bước đầu tiên khi thăm khám lâm sàng là thu thập và đánh giá các triệu chứng do người bệnh cung cấp. Sau đó, để xác nhận chẩn đoán là rối loạn thần kinh thực vật, tìm ra căn nguyên và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

Chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật thông qua các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu;
  • Đo điện tâm đồ (EKG/ ECG);
  • Đo điện não đồ (EEG);
  • Đo điện cơ đồ (EMG);
  • Các xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI, chụp CT scan, X quang, siêu âm...;
  • Xét nghiệm di truyền;

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bởi bệnh tác động đến rất nhiều cơ quan và nội tạng trong cơ thể cùng lúc. Hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh đều ở mức độ nhẹ, tiên lượng tốt và có thể kiểm soát hiệu quả sau 3 - 4 tuần.

Tuy nhiên, với những trường hợp bị rối loạn thần kinh thực vật nghiêm trọng, có thể tiến triển nặng và phát sinh nhiều biến chứng khó lường, thậm chí đe dọa đến tính mạn nếu không điều trị kịp thời.

Rối loạn thần kinh thực vật làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương và nhiều hệ lụy khó lường khác

Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Việc can thiệp y tế chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng và bảo tồn các chức năng quan trọng của cơ thể, có liên quan đến tim, tiêu hóa, bài tiết, sinh sản... Do đó, khuyến cáo những người phát hiện các dấu hiệu bất thường về bệnh rối loạn thần kinh thực vật, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và chỉ định điều trị phù hợp.

Điều trị

Có 2 biện pháp điều trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật là dùng thuốc và kết hợp điều chỉnh lối sống, sinh hoạt sao cho phù hợp với tình trạng bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điều trị bằng thuốc

Tùy theo nguyên nhân cơ bản và mức độ tổn thương hệ thần kinh thực vật, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp nhằm kiểm soát triệu chứng. Chẳng hạn như:

Thuốc huyết áp là loại thuốc không thể thiếu trong toa thuốc điều trị rối loạn thần kinh thực vật

Thuốc huyết áp

Thường được chỉ định dùng cho những trường hợp bị rối loạn thần kinh thực vật tư thế đứng. Nhằm mục đích cải thiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu và giảm nguy cơ té ngã bất ngờ. Hầu hết các loại thuốc huyết áp đều được cho phép sử dụng lâu dài.

Có 2 nhóm thuốc huyết áp chính gồm:

  • Mineralocorticoid (Fludrocortisone): Có tác dụng tăng khả năng giữ nước, muối và tăng huyết áp cho những người bị rối loạn thần kinh thực vật. Liều dùng khuyến cáo 1 lần/ ngày. Tuy nhiên, cần chú ý một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như đau đầu, giảm kali, tăng huyết áp quá mức và các vấn đề về thận.
  • Thuốc chủ vận: Thường dùng là nhóm chất chủ vận alpha midodrines và axit amin tổng hợp droxidopa. Có tác dụng làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn, khoảng 2 - 6 tiếng sau khi uống. Nhóm thuốc này thường chỉ định cho bệnh nhân bị hạ huyết áp thể đứng.

Bác sĩ lưu ý bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi bị căng thẳng hoặc bị hạ huyết áp trong tư thế đứng. Sau khi uống thuốc, không nên nằm xuống ngay để tránh gây tăng huyết áp quá mức.

Thuốc điều trị Parkinson

Trường hợp bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật có những dấu hiệu của bệnh Parkinson sẽ được chỉ định dùng chính thuốc Parkinson để điều trị. Loại thuốc được dùng chính đó là Levodopa kết hợp với Carbidopa, nhằm kiểm soát triệu chứng cứng khớp, run tay chân, mất thăng bằng và khả năng phối hợp.

Thuốc được khuyến cáo có thể dùng hàng ngày. Tuy nhiên, cần tuân thủ liều dùng để tránh gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn ói và tình trạng kháng thuốc sau thời gian dài sử dụng liều cao.

Một số loại thuốc khác

Tùy theo từng triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc phù hợp. Chẳng hạn như:

  • Thuốc nhuận tràng giảm táo bón;
  • Thuốc kháng sinh chống tiêu chảy;
  • Thuốc làm trống dạ dày Metoclopramide (Reglan);
  • Thuốc an thần nhẹ;
  • Thuốc canxi, vitamin nhóm B (đặc biệt là B6);

Điều chỉnh lối sống, sinh hoạt

Để kiểm soát các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, đặc biệt là ở những người bị hạ huyết áp quá thấp, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp cải thiện tích cực dưới đây:

Ăn uống, vận động và nghỉ ngơi đúng cách giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng hạ huyết áp

Đối với tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng

Một số mẹo đơn giản giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, tăng huyết áp mà không cần dùng đến thuốc như:

  • Ngồi trong tư thế bắt chéo chân, nắm tay hoặc siết chặt mông;
  • Uống nước đầy đủ, khoảng 6 - 8 ly/ ngày (tương đương khoảng 2 lít nước);
  • Thêm muối vào thức ăn hàng ngày để giúp cơ thể giữ nước, tránh gây tụt huyết áp đột ngột. Tuy nhiên cần lưu ý không dùng quá nhiều muối;
  • Tập thể dục hàng ngày để giúp cơ bắp hoạt động khỏe mạnh, ưu tiên các bộ môn giúp rèn luyện sức mạnh, tăng đề kháng như bơi lội, đi bộ, đạp xe...;

Đối với hạ huyết áp sau ăn

Các cách đơn giản sau giúp cải thiện triệu chứng hạ huyết áp sau khi ăn:

  • Uống một ly nước nhỏ trước khi ăn 15 phút;
  • Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ;
  • Tránh ăn quá nhiều cùng lúc;
  • Hạn chế dung nạp các loại thực phẩm giàu carbohydrate như gạo, bánh mì trắng, bánh quy, bánh nướng, sô cô la, thức uống có đường...;
  • Ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm tiêu hóa chậm như đậu, hạt, ngũ cốc để ngăn ngừa tụt huyết áp sau bữa ăn;
  • Huyết áp thường thấp nhất từ 30 - 60 phút sau bữa ăn, do đó hãy ngồi hoặc nằm xuống sau khi ăn để huyết áp tăng lên lại ổn định;
  • Tránh uống rượu, bia khi trong bữa ăn để tránh làm hạ huyết áp;

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật gây hạ huyết áp cũng có thể áp dụng các mẹo chung sau:

  • Mang vớ nén nhằm tạo áp lực lên chân, giảm đường kính của tĩnh mạch và tăng lưu lượng máu ở chân;
  • Đeo đai nịt bụng giúp giảm tích tụ máu ở bụng và cải thiện triệu chứng hạ huyết áp khi đứng;
  • Kê gối ngủ cao để giảm nguy cơ hạ huyết áp vào ban đêm và sáng khi thức dậy, hỗ trợ giữ nước trong lúc ngủ;

Ngoài 2 biện pháp điều trị nội khoa kể trên, một số ít trường hợp bị rối loạn thần kinh thực vật được chỉ định can thiệp phẫu thuật khi cần thiết. Chỉ định này thường áp dụng cho bệnh nhân bị tăng tiết mồ hôi quá nhiều, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hạch giao cảm ở ngực nhằm hạn chế tối đa các rối loạn thần kinh thực vật xảy ra.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa các tổn thương do bệnh rối loạn thần kinh thực vật gây ra, cách tốt nhất là thực hiện các biện pháp bảo vệ không làm ảnh hưởng đến hệ thống này. Bao gồm các biện pháp tích cực sau:

Lối sống lành mạnh không bệnh tật, không chấn thương giúp phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật hiệu quả

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu. Đặc biệt là vitamin B12 tốt cho hệ thống thần kinh thực vật.
  • Nói không với rượu, bia, thuốc lá và từ bỏ thói quen dùng thuốc tùy tiện để tránh gây tổn thương hệ thống thần kinh thực vật.
  • Vận động tích cực, hoạt động thể chất và duy trì cân nặng phù hợp. Thói quen này còn giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2, giảm nguy cơ gây tổn thương tủy sống và phá hỏng các dây thần kinh tự chủ.
  • Bảo vệ vùng đầu bằng các thiết bị an toàn, nhất là khi chơi thể thao, hoạt động giải trí hoặc làm việc, tham gia giao thông để hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương.
  • Kiểm soát các bệnh lý mạn tính và tình trạng sức khỏe bất thường có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh thực vật. Chẳng hạn như các bệnh tự miễn, tiểu đường, huyết áp...

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi có những biểu hiện bất thường về huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu khi đứng dậy là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là gì?

3. Nguyên nhân vì sao tôi mắc bệnh rối loạn thần kinh thực vật?

4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật?

6. Phương pháp điều trị rối loạn thần kinh thực vật tốt nhất dành cho tôi?

7. Dùng thuốc tăng huyết áp lâu dài có gây tác dụng phụ nào không?

8. Tôi cần làm và tránh làm gì trong quá trình điều trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật?

9. Quá trình điều trị rối loạn thần kinh thực vật mất bao lâu thì khỏi hẳn?

10. Bệnh có thể tái phát sau điều trị không? Tôi có cần tái khám lại hay không?

Rối loạn thần kinh thực vật dù nhẹ hoặc nặng đều gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và đời sống sinh hoạt của bệnh nhân. Thậm chí đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, khuyến cáo người bệnh nên chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là căn bệnh suy giảm trí nhớ và các kỹ năng trí tuệ. Bệnh chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân trên 65 tuổi và thường không có…
Bệnh Liệt dây thần kinh số 7
Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng bất…
Bệnh Moyamonya
Bệnh Moyamonya là một trong những dạng tắc nghẽn mạch…
Hội chứng Cotard
Hội chứng Cotard là một dạng rối loạn tâm thần…
Hội chứng Tourette

Hội chứng Tourette là một dạng rối loạn thần kinh khởi phát ở trẻ em. Đặc trưng với các triệu…

Viêm Đa Rễ Dây Thần Kinh

Viêm đa rễ thần kinh là trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp. Bệnh thường xảy ra sau đợt…

Bệnh Xuất huyết não

Xuất huyết não là tai biến mạch máu não nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh nhân thường…

Bệnh U nang màng nhện

U nang màng nhện là một trong những dạng u nang não phổ biến. Chúng thường khởi phát do bẩm…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua