Bệnh Thần kinh đái tháo đường

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Thần kinh đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể như bàn tay, bàn chân, cẳng chân, cánh tay... Bệnh liên quan đến việc nồng độ đường trong máu tăng quá mức và tuần hoàn máu kém. Bệnh tuy ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và khả năng cử động, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. 

Thần kinh đái tháo đường là một dạng tổn thương thần kinh ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường

Tổng quan

Thần kinh đái tháo đường (Diabetic neuropathy) là một dạng biến chứng của bệnh tiểu đường. Tình trạng này xảy ra khi lượng glucose trong máu cao tác động mạnh đến các dây thần kinh trong khắp cơ thể. Nhưng chủ yếu là ở các dây thần kinh ở chân và bàn chân.

Bệnh thần kinh này là dạng bệnh thần kinh ngoại vi phổ biến nhất. Tùy vào từng vị trí dây thần kinh bị tổn thương mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau, chẳng hạn như tê bì, ngứa ran, nóng rát, đau nhức... Trong trường hợp nghiêm trọng, dạng thần kinh đái tháo đường này có thể gây ra bệnh yếu cơ, gặp khó khăn khi đi lại và khả năng kiểm soát các chức năng cơ thể khác như tiêu hóa, bàng quang, đổ mồ hôi...

Phân loại

Bệnh thần kinh đái tháo đường có khả năng làm hỏng các dây thần kinh khác nhau trên khắp cơ thể. Bệnh lý này được chia làm nhiều loại bao gồm:

  • Bệnh thần kinh tự chủ: Đặc trưng với những tổn thương dây thần kinh kiểm soát các cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn như nhịp tim, tiêu hóa, tiểu tiện, đổ mồ hôi...
  • Bệnh đơn dây thần kinh: Đặc trưng bởi tình trạng tổn thương một dây thần kinh, thường là ở bàn tay hoặc chân.
  • Bệnh thần kinh ngoại vi: Chủ yếu gây ảnh hưởng đến dây thần kinh bàn chân, bàn tay.
  • Bệnh thần kinh gần: Tổn thương chủ yếu đến vùng đùi, hông, mông, vai... Dạng này khá hiếm gặp và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.

Một số dạng bệnh lý thần kinh khác, ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Bệnh thần kinh đùi;
  • Bệnh khớp thần kinh hoặc khớp Charcot;
  • Bệnh thần kinh sọ não;
  • Bệnh lý đơn nhân chèn ép;
  • Bệnh lý rễ thần kinh ngực hoặc thắt lưng;
  • Bệnh thần kinh tự chủ tim mạch;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh thần kinh đái tháo đường đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia bác sĩ đã khẳng định rằng ở người mắc bệnh, lượng đường trong máu tăng cao liên tục suốt một thời gian dài và gây tổn thương các dây thần kinh trong cơ thể. Đây chính là cơ chế khởi phát tổn thương thần kinh.

Lượng đường trong máu tăng cao là nguyên nhân khiến các dây thần kinh trong bị tổn thương theo thời gian

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát chứng thần kinh đái tháo đường. Bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều độc tố và làm hỏng các mạch máu cung cấp oxy, dưỡng chất đến các dây thần kinh. Hậu quả làm tổn thương hệ thống dây thần kinh.
  • Cao huyết áp: Chỉ số huyết áp tăng cao quá mức có thể làm hư hỏng các mạch máu cung cấp oxy và dưỡng chất cho các dây thần kinh.
  • Cholesterol cao: Những bệnh nhân có nồng độ cholesterol gây ra sự tích tụ các mảng bám trong mạch máu. Điều này gây cản trở quá trình lưu thông máu đến các dây thần kinh và tổn thương nghiêm trọng.
  • Nghiện rượu: Những người uống rượu quá mức có thể làm tổn thương các dây thần kinh trong cơ thể, làm tăng nguy cơ khởi phát thần kinh đái tháo đường.
  • Bệnh thận: Ảnh hưởng của bệnh thận yếu, suy thận khiến cơ thể tích tụ độc tố trong thời gian dài, hậu quả gây tổn thương các dây thần kinh.
  • Yếu tố di truyền: Một số người có đặc điểm di truyền có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thần kinh nói chung và thần kinh đái tháo đường nói riêng.
  • Thiếu hụt vitamin: Tình trạng thiếu hụt vitamin, điển hình là B12 cũng có thể khiến các dây thần kinh trong cơ thể bị tổn thương theo thời gian.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tổn thương thần kinh do đái tháo đường thường tiến triển trong thời gian dài. Và thường phải mất nhiều năm mới phát sinh triệu chứng. Tùy theo từng dạng bệnh thần kinh đái tháo đường, mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau:

Các triệu chứng thần kinh đái tháo đường điển hình là tê yếu, ngứa ran, nóng rát, đau nhức tay, chân

Bệnh thần kinh ngoại biên

Điển hình gồm các triệu chứng tổn thương dây thần kinh ngoại vi, phổ biến nhất là ở chân và bàn chân:

  • Tê bì, ngứa ran;
  • Nóng rát, đau nhức;
  • Mất cảm giác chân hoặc tay;
  • Mất thăng bằng, dễ té ngã;
  • Mất khả năng cảm nhận nhiệt độ nóng, lạnh, cảm giác đau khi bị chấn thương;

Bệnh thần kinh tự trị

Dưới sự ảnh hưởng của các tổn thương dây thần kinh tự chủ, bệnh nhân cũng có thể gây ra một số triệu chứng đặc trưng sau:

  • Triệu chứng tiêu hóa: Đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, nôn ói, táo bón, tiêu chảy, chán ăn, khó nuốt...;
  • Triệu chứng huyết áp:
    • Tụt đường huyết đột ngột không rõ nguyên nhân và không nhận biết được;
    • Nhịp tim tăng nhanh;
    • Chóng mặt, choáng váng khi đứng lên khi đang ngồi;
  • Các triệu chứng khác:
    • Mất kiểm soát bàng quang gây tiểu không tự chủ, không thể tiểu hết...;
    • Suy giảm khả năng kiểm soát chức năng tình dục;
    • Rối loạn cảm xúc;

Triệu chứng bệnh thần kinh gần

  • Đau nhức một bên đùi, hông, mông;
  • Tê bì, yếu cơ chân;

Triệu chứng bệnh thần kinh khu trú

  • Đau mắt;
  • Chứng nhìn đôi;
  • Liệt một bên mặt;
  • Đau nhức khu trú vùng lưng hoặc châns;
  • Đau bụng, đau ngực;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán thần kinh đái tháo đường, thường kết hợp giữa thăm khám lâm sàng, và xem xét tiền sử bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tiến hành khai thác các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải, có các dấu hiệu tê bì, ngừa ran hoặc đau nhức ở vùng nào hay không. Đồng thời, kết hợp khám thần kinh để phát hiện và kiểm tra các dấu hiệu tổn thương thần kinh.

Chẩn đoán thần kinh đái tháo đường thông qua thăm khám sức khỏe kết hợp đo điện cơ

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm giúp chẩn đoán xác nhận thần kinh đái tháo đường. Một số xét nghiệm được thực hiện phổ biến gồm:

  • Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Xét nghiệm này được thực hiện nhằm đo tốc độ tín hiệu điện truyền qua dây thần kinh. Điều này giúp xác định và đánh giá có bất kỳ tổn thương thần kinh nào hay không.
  • Đo điện cơ (EMG): Được thực hiện nhằm đo hoạt động điện của cơ nhằm xác định xem có xảy ra bất kỳ tổn thương cơ nào hay không.
  • Thử nghiệm cảm giác định lượng: Phương pháp này được thực hiện nhằm đo lường khả năng cảm nhận cảm giác, chẳng hạn như nhiệt độ, xúc giác, độ rung, đau nhức... Từ đó giúp xác định liệu bệnh nhân có đang bị mất cảm giác dây thần kinh hay không.
  • Thử nghiệm tự trị: Thử nghiệm này có khả năng đo lường chức năng của hệ thống thần kinh tự trị, đánh giá hoạt động của các cơ quan không chủ ý như huyết áp, nhịp tim, tiêu hóa... Nhờ đó giúp xác định xem có bất kỳ tổn thương thiệt hại nào xảy ra ở hệ thống này hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh thần kinh đái tháo đường tiến triển chậm nhưng khi bộc phát ở giai đoạn nặng lại rất nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như:

Thần kinh đái tháo đường tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại gây nhiều vấn đề về sức khỏe và cuộc sống

  • Tụt đường huyết: Những người mắc bệnh thần kinh tự trị thường xuyên phải đối mặt với tình trạng hạ đường huyết xuống mức thấp < 70mg/dL - 3.9 mmol/L. Điều nguy hiểm ở đây là bệnh nhân không hề nhận biết được điều này, dù các triệu chứng biểu hiện rõ ràng như đổ mồ hôi, tim đập nhanh, run tay, chân...
  • Tổn thương chân: Bệnh nhân tiểu đường cần tập trung điều trị các tổn thương ở chân càng sớm càng tốt. Vì nồng độ đường huyết cao gây tổn thương thần kinh hoặc làm trầm trọng hơn các vấn đề như động mạch ngoại biên. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây hoại tử và phải cắt cụt chi, dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Mất khả năng kiểm soát bàng quang do tổn thương dây thần kinh khiến bệnh nhân không thể tự chủ trong việc tiểu tiện, hoặc tiểu không sạch nước tiểu hoàn toàn. Tình trạng này kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ trong bàng quang và thận, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Một số biến chứng khác:
    • Giảm huyết áp, dễ hoa mắt, chóng mặt và mất an toàn khi tham gia giao thông hoặc làm việc;
    • Rối loạn chức năng tình dục ở cả nam và nữ giới;
    • Các vấn đề rối loạn tiêu hóa;
    • Mất khả năng kiểm soát tuyến mồ hôi;

Có thể thấy, hầu hết các biến chứng của bệnh tuy ít đe dọa đến tính mạng nhưng lại phát sinh ra rất nhiều phiền toái ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và cuộc sống hàng ngày. Các chuyên gia cho biết, tổn thương thần kinh đái tháo đường rất khó có thể điều trị phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân vẫn có thể có được một cuộc sống khỏe mạnh, chất lượng cao.

Do đó, sau khi bệnh thần kinh đái tháo đường được chẩn đoán xác nhận. Bác sĩ sẽ trao đổi chi tiết với bệnh nhân để xây dựng phác đồ điều trị. Phác đồ này sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tổn thương thần kinh. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối những chỉ định của bác sĩ, phối hợp chăm sóc sức khỏe tích cực để đạt kết quả điều trị tốt nhất.

Điều trị

Mục tiêu điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường khác nhau tùy theo từng giai đoạn bệnh. Giai đoạn đầu chủ yếu nhằm kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện triệu chứng và ngăn chặn tiến triển bệnh. Ở giai đoạn nặng tập trung xử lý, giảm nhẹ biến chứng thần kinh nặng hơn và chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu phục hồi khả năng sinh hoạt.

Để làm chậm tiến triển bệnh thần kinh đái tháo đường, cần đảm bảo giữ cho lượng đường trong máu luôn ở ngưỡng phù hợp. Chỉ số này sẽ được cá nhân hóa tùy theo từng trường hợp cụ thể. Theo Hiệp hội Tiểu Đường Hoa Kỳ (ADA), mức đường huyết khuyến nghị cho bệnh nhân mắc bệnh thần kinh đái tháo đường là:

  • Khoảng 80 - 130 mg/dL (khoảng 4.4 - 7.2 mmol/L) trước ăn;
  • < 180 mg/dL (khoảng 10 mmol/L) sau ăn 2 giờ;

Ngoài ra, tùy theo độ tuổi và tiền sử bệnh cá nhân cũng góp phần quyết định mức đường huyết phù hợp:

  • Khoảng 80 - 120 mg/dL (khoảng 4.4 - 6.7 mmol/L) đối với bệnh nhân từ 59 tuổi trở xuống và không mắc các bệnh lý khác;
  • Khoảng 100 - 140 mg/dL (khoảng 5.6 - 7.8 mmol/L) đối với bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên và có tiền sử các bệnh khác như thận, tim, phổi;

Dưới đây là một số phương pháp điều trị tốt đối với bệnh thần kinh đái tháo đường:

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc chủ yếu nhằm kiểm soát các triệu chứng liên quan đến bệnh thần kinh đái tháo đường. Một số thuốc thường dùng là:

Một số thuốc điều trị thần kinh đái tháo đường hiệu quả như thuốc chống co giật, chống trầm cảm, giảm đau...

  • Thuốc chống co giật: Hoặc có thể thay thế bằng thuốc kháng cholinergic có tác dụng cải thiện chứng tiểu không tự chủ.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có khả năng giảm đau thần kinh hiệu quả. Trong đó, có 2 loại dùng phổ biến nhất là:
    • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, phù hợp với những bệnh nhân đau nhẹ hoặc hoặc trung bình. Điển hình như amitriptyline, desipramine (Norpramin), nortriptyline (Pamelor). Tuy hiệu quả nhưng thuốc có thể gây tác dụng phụ như táo bón, khô miệng, buồn ngủ, giảm tập trung...;
    • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) cũng giúp hỗ trợ giảm đau thần kinh hiệu quả, nhưng ít tác dụng phụ hơn. Các loại được khuyến cáo sử dụng như duloxetine (Drizalma Sprinkle, Cymbalta) hoặc venlafaxine (Effexor XR). Sử dụng nhóm thuốc này có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, buồn ngủ, táo bón, chán ăn...;
  • Thuốc động kinh: Một số trường hợp có thể dùng kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm với thuốc động kinh hoặc thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị. Các loại có thể dùng như acetaminiphen, ibuprofen, miếng dán chứa lidocain...

Vật lý trị liệu

Đây là phương pháp đơn giản mà hiệu quả trong việc giúp cải thiện sức mạnh, khả năng linh hoạt của cơ bắp. Bệnh nhân kiên trì vật lý trị liệu giúp dần dần phục hồ khả năng đi lại, giữ thăng bằng, giảm nguy cơ té ngã hoặc chấn thương.

Kết hợp vật lý trị liệu đều đặn giúp cải thiện triệu chứng và phục hồi khả năng vận động

Ngoài ra, tập luyện tích cực trong giai đoạn phục hồi còn giúp phục hồi dáng đi, đứng, ngồi, nằm, nâng cao thể trạng, giảm thiểu tổn thương đến chân và ngăn chặn các biến chứng viêm loét, dễ chấn thương.

Các thủ thuật y tế khác

Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân nên áp dụng một số thủ thuật y tế hỗ trợ cải thiện triệu chứng hiệu quả. Chẳng hạn như:

  • Kích thích dây thần kinh bằng điện xuyên da (TENS): Đây là liệu pháp sử dụng nguồn xung điện mạnh có khả năng kích thích dây thần kinh để giúp giảm đau, cải thiện sức mạnh cơ bắp.
  • Siêu âm trị liệu: Đây cũng là một dạng vật lý trị liệu nhưng có sử dụng thiết bị siêu âm phát ra nguồn sóng âm tần số cao có khả năng tác động và kích thích đến các mô bên dưới da. Kiên trì thực hiện có thể giúp phục hồi cảm giác ở bàn chân, tay và hỗ trợ giảm đau.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp cần thiết, tổn thương thần kinh do đái tháo đường quá nghiêm trọng có thể được chỉ định phẫu thuật để giải phóng áp lực lên dây thần kinh. Từ đó hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi tổn thương, ngăn ngừa biến chứng và kiểm soát triệu chứng.

Ngoài các biện pháp điều trị y tế trên, bệnh nhân hoặc thân nhân có thể tích cực thực hiện các cách chăm sóc đơn giản dưới đây để cải thiện triệu chứng thần kinh đái tháo đường. Bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên, vừa giúp cải thiện tuần hoàn vừa nâng cao thể trạng, hệ miễn dịch và giảm nguy cơ té ngã, chấn thương;
  • Xoa bóp mỗi ngày để thư giãn cơ bắp và giảm đau các cơ thần kinh;
  • Tắm nước ấm, chườm ấm vào vị trí đau nhức cũng giúp cải thiện cơn đau;
  • Châm cứu giúp cải thiện tuần hoàn và hỗ trợ giảm đau;

Phòng ngừa

Các chuyên gia khẳng định, kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn ngừa tiểu đường là cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng thần kinh ngoài ý muốn. Để làm được điều này, mỗi người chúng ta cần ý thức trong việc quản lý chặt chẽ lượng đường trong máu thông qua chế độ ăn uống, tập luyện thể chất, nghỉ ngơi điều độ và  cai thuốc lá, rượu.

Kiểm soát lượng đường trong máu và chăm sóc, bảo vệ đôi bàn chân giúp giảm nguy cơ phát triển biến chứng thần kinh đái tháo đường

Đồng thời, kết hợp thực hiện các biện pháp chăm sóc tốt cho đôi chân của mình để giảm thiểu tối đa nguy cơ phát sinh các biến chứng loét bàn chân. Chẳng hạn như:

  • Thường xuyên kiểm tra bàn chân và từng chi tiết nhỏ như da chân, móng chân để xem có vết thương, xước, chai sạn, nóng đỏ, đau rát nào hay không. Đây là bước quan trọng vì nếu phát hiện bất thường bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra ngay.
  • Tạo thói quen giữ vệ sinh bàn chân sạch sẽ kỹ lưỡng bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn. Sau đó, thấm khô và bôi kem dưỡng ẩm nếu da quá khô.
  • Thường xuyên cắt móng chân và da thừa. Tuyệt đối không cắt phạm vào da và khóe móng để giảm thiểu các tổn thương ngoài ý muốn.
  • Luôn mang vớ khi giày hoặc ngay cả khi đi dép để giữ ấm, làm sạch và bảo vệ đôi bàn chân. Đảm bảo vớ sạch, khô ráo và làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau nhức, nóng rát, ngứa ran, tê bì và mất cảm giác bàn chân, bàn tay có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh?

3. Lý do tại sao tôi mắc bệnh thần kinh đái tháo đường?

4. Thần kinh đái tháo đường có phải biến chứng của bệnh tiểu đường không?

5. Bệnh thần kinh đái tháo đường có nguy hiểm đến tính mạng không?

6. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

7. Phác đồ điều trị thần kinh đái tháo đường dành riêng cho tôi?

8. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị thần kinh đái tháo đường?

9. Thời gian điều trị bệnh bao lâu thì khỏi? Chi phí điều trị tốn bao nhiêu?

10. Tôi nên làm gì để phòng ngừa các biến chứng thần kinh đái tháo đường tái phát trong tương lai?

Thần kinh đái tháo đường là một biến chứng khá nghiêm trọng, có thể gây hoại tử các chi, phải cắt cụt và tàn phế vĩnh viễn. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh thần kinh đái tháo đường khá tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiện nay, sự phát triển của y học hiện đại giúp cho quá trình điều trị bệnh trở nên đơn giản hơn, thông qua các biện pháp như thuốc men kết hợp vật lý trị liệu phục.

Tham khảo thêm

Chia sẻ:
Hẹp Động Mạch Cảnh
Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi các mảng bám xơ vữa tích tụ trong lòng động mạch cảnh gây tắc nghẽn dòng máu đến não. Tình trạng này có…
Dị Dạng Mạch Máu Não
Dị dạng mạch máu não là một nhóm các dị…
Bệnh Bại Não
Bại não là tập hợp một nhóm các rối loạn…
Bệnh Amip Ăn Não
Amip ăn não là bệnh lý nhiễm trùng hệ thần…
Áp Xe Não Do Amip

Áp xe não do amip là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do amip Entamoeba histolytica gây ra. Sự xuất…

Bệnh Đau Dây Thần Kinh Chẩm

Đau dây thần kinh chẩm là một trong những bệnh lý nội thần kinh phổ biến, xảy ra do dây…

Bệnh Áp Xe Não

Áp xe não là tình trạng tích tụ mủ trong các mô và khoang não do nhiễm trùng khu trú…

Bệnh Teo Dây Thần Kinh Thị Giác

Teo dây thần kinh thị giác là bệnh lý xảy ra tại dây thần kinh sọ số II. Đặc trưng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua