Xẹp Đốt Sống

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Xẹp đốt sống xảy ra khi các đốt sống bị xẹp xuống do ảnh hưởng bởi loãng xương và các chấn thương, bệnh lý khác. Bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, nhất là phụ nữ sau mãn kinh. Nếu không điều trị kịp thời, xẹp đốt sống có thể gây hạn chế vận động kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác, thậm chí tử vong. Phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay là tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học qua cuống. 

Tổng quan

Xẹp đốt sống (Collapsed Vertebrae) là tình trạng thân đốt sống bị xẹp xuống và rút ngắn chiều cao. Nguyên nhân hàng đầu gây xẹp đốt sống là loãng xương, sau đó là các bệnh lý khác khác như u huyết quản thân đốt, ung thư di căn cột sống...

Xẹp đốt sống xảy ra khi thân đốt sống bị yếu đi và dễ bị xẹp xuống

Bệnh nhân xẹp đốt sống thường có cảm giác đau nhức dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài. Rất nhiều trường hợp bị hạn chế vận động, gây cản trở vận động, thậm chí liệt tại chỗ. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác như viêm đường tiết niệu, viêm phổi, viêm loét do tỳ đè, đe dọa tính mạng.

Tỷ lệ xẹp đốt sống ngày càng tăng cao tỷ lệ thuận với số lượng người bị loãng xương. Bệnh lý này xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh. Ước tính trên thế giới có khoảng 700.000 bệnh nhân loãng xương mỗi năm. Tại Việt Nam, con số này khoảng 170.000 trường hợp, trong đó phụ nữ bị xẹp đốt sống chiếm > 23% tổng các ca mắc.

Phân loại

Xẹp đốt sống được phân chia làm 2 dạng chính dựa vào vị trí tổn thương. Bao gồm:

  • Xẹp đốt sống ngực: Đây là dạng xẹp đốt sống phổ biến nhất. Vị trí tổn thương bắt đầu từ đốt sống D12, đây là nơi tiếp giáp với đốt sống lưng L1.
  • Xẹp đốt sống lưng: Những trường hợp còn lại là xẹp đốt sống lưng. Đốt sống lưng là nơi chịu nhiều áp lực nhất trên cơ thể, nó nằm giữa xương xương sườn và xương chậu.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây xẹp đốt sống rất đa dạng, bao gồm:

Loãng xương 

Loãng xương (xương xốp) là tình trạng khối lượng xương ngưng phát triển gây thoái hóa cấu trúc xương. Tình tràng này khiến xương ngày càng yếu đi và dễ gãy. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị loãng xương, nhưng phổ biến nhất là phụ nữ lớn tuổi, sau mãn kinh với tỷ lệ mắc cao gấp 4 lần so với nam giới.

Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu gây ra xẹp đốt sống

Khi bị loãng xương, dù người bệnh chỉ thực hiện những cử động nhẹ như ho, hắt, hơi, cúi người nhặt đồ... cũng có thể khiến đốt sống xẹp lún xuống đáng kể. Hầu hết các trường hợp loãng xương gây xẹp đốt sống đều tác động đến mặt trước, tạo thành đốt sống hình nêm và tạo thành tư thế lưng cong bất thường, hay còn gọi là gù cột sống.

Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ loãng xương dẫn đến xẹp đốt sống như:

  • Thiếu canxi và vitamin D;
  • Lười vận động;
  • Dành nhiều thời gian nằm nghỉ trên giường;
  • Hút thuốc lá;
  • Tiền sử gia đình bị loãng xương;
  • Tác dụng phụ của thuốc (thuốc trị hen suyễn, viêm khớp hoặc ung thư);
  • Những người có khung cơ thể quá nhỏ;

Khối u ung thư

Một số bệnh lý ung thư như u huyết quản thân đốt sống, ung thư di căn cột sống... cũng là nguyên nhân góp phần gây xẹp đốt sống. Sự phát triển của các khối u ung thư ác gây phá hủy cấu trúc đốt sống, khiến xương suy yếu dần đi và cuối cùng là xẹp lún, nứt gãy.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác như viêm tủy xương, viêm xương biến dạng Paget hoặc bệnh nội tiết như cường tuyến cận giáp, cường tuyến giáp, bệnh thận mạn... cũng có thể gây ra xẹp đốt sống.

Chấn thương, té ngã 

Các chấn thương do va chạm mạnh, té ngã, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... đều có thể gây ra xẹp đốt sống. Chấn thương càng nặng, tư thế khi bị té xấu, cột sống tiếp đất..., mức độ xẹp đốt sống càng nghiêm trọng.

Một số yếu tố nguy cơ khác

Ngoài các nguyên nhân trên, còn rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gây xẹp đốt sống, gồm:

  • Tuổi tác cao;
  • Tính chất công việc;
  • Tư thế làm việc;
  • Thừa cân béo phì;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng xẹp đốt sống điển hình như:

Cảm giác đau nhức dữ dội và đột ngột là biểu hiện điển hình ở người bị xẹp đốt sống

  • Đau nhức đột ngột;
  • Mức độ đau tăng dần khi vận động hoặc giảm bớt khi nghỉ ngơi;
  • Hạn chế vận động, nhất là các cử động cúi, khom, vặn người;
  • Giảm chiều cao do các đốt sống bị xẹp xuống;
  • Cảm giác tê ngứa vùng lưng, đi lại khó khăn do tổn thương các dây thần kinh;
  • Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang;
  • Cong gù cột sống;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán xẹp đốt sống và tìm ra căn nguyên, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau:

Chẩn đoán xẹp đốt sống thông qua các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT scan, MRI...

  • Chụp X quang: Hình ảnh X quang cột sống hiện thị rõ tổn thương xẹp đốt sống và các chấn thương gãy xương khác.
  • Kiểm tra mật độ xương (DEXA): Sử dụng một loại tia X đặc biệt nhằm đo lượng xương bị mất đi, nhờ đó kiểm tra xem có dấu hiệu của loãng xương hay không.
  • Chụp CT scan: Nhằm kiểm tra kích thước và hình dạng đốt sống, phát hiện tổn thương tại chỗ và ở các vùng lân cận.
  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ MRI tạo ra hình ảnh 3D chi tiết về cấu trúc đốt sống. Quan sát hình ảnh MRI cho phép phát hiện các tổn thương về cột sống, biến dạng, chấn thương, khối u, thoái hóa hoặc tổn thương dây thần kinh, tủy sống dù là nhỏ nhất.

Biến chứng và tiên lượng

Đa số trường hợp bị xẹp đốt sống đều xảy ra ở người cao tuổi hoặc lao động nặng. Bệnh được đánh giá không quá nguy hiểm nếu nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Có không ít trường hợp bị xẹp đốt sống nhẹ, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động kết hợp dùng thuốc là đã có thể tự chữa lành đoạn đốt sống bị gãy xẹp.

Tuy nhiên, những trường hợp xẹp đốt sống nghiêm trọng nhưng người bệnh vẫn chủ quan không điều trị, có thể gây ra các biến chứng như:

  • Giảm chiều cao và tăng nguy cơ phát triển gù cột sống;
  • Gù nặng có thể chèn ép các cơ quan nội tạng như phổi, tim, ruột...;
  • Thay đổi dáng người, gây khó khăn trong việc đi lại, dễ té ngã;
  • Đi lại khó khăn và bị hạn chế các cử động như cúi khom, xoay vặn người;
  • Tổn thương thần kinh do đốt sống bị thu hẹp chèn ép các dây thần kinh, gây đau nhức dữ dội, dẫn đến liệt chi, tàn phế tạm thời hoặc vĩnh viễn;

Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu đau nhức bất thường. Chỉ cần điều trị kịp thời, bệnh sẽ dần thuyên giảm và cải thiện, ngăn ngừa các biến chứng khó lường.

Điều trị

Tùy theo mức độ xẹp đốt sống, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Điều trị nội khoa

Những trường hợp bị xẹp đốt sống mức độ nhẹ, không có biến chứng tổn thương thần kinh kèm theo, thường ưu tiên chỉ định điều trị bằng các phương pháp nội khoa.

Bệnh nhân xẹp đốt sống nên nghỉ ngơi nhiều và dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ

Các biện pháp được áp dụng phổ biến gồm:

  • Nghỉ ngơi: Bệnh nhân cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tạo điều kiện thuận lợi để đốt sống phục hồi, cải thiện triệu chứng.
  • Dùng thuốc: Nhằm cải thiện triệu chứng đau nhức xẹp đốt sống, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một số loại thuốc sau:
    • Thuốc giảm đau;
    • Thuốc chống viêm không steroid;
    • Thuốc giãn cơ;
    • Thuốc chống loãng xương;
    • Thuốc tăng cường xương bisphosphonates;
    • ...
  • Dùng nẹp: Nẹp cố định đốt sống giúp hạn chế chuyển động và giảm áp lực lên cột sống, cải thiện đau nhức hiệu quả.

Điều trị ngoại khoa

Những trường hợp xẹp đốt sống nghiêm trọng, gây biến chứng và không đáp ứng điều trị nội khoa, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật. Có 2 phương pháp can thiệp ngoại khoa điều trị xẹp đốt sống gồm:

Phẫu thuật tạo hình đốt sống là phương pháp điều trị hiệu quả tình trạng xẹp đốt sống

Thủ thuật tạo hình thân đốt sống

Tạo hình thân đốt sống điều trị xẹp đốt sống là phương pháp phẫu thuật đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, biến chứng vẫn có thể xảy ra với tỷ lệ 2 - 10% do loãng xương hoặc liên quan đến các khối u ác tính.

Quy trình thực hiện thủ thuật này thường kéo dài 1 - 2 giờ, tùy vào số lượng đốt sống bị xẹp và cần điều trị. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Dưới hình ảnh X quang, bác sĩ tiến hành tiêm một ống xi măng xương acrylic vào vị trí đốt sống bị xẹp. Sau vài phút, xi măng sẽ dần đông cứng lại và phục hồi độ vững chắc cho các đốt sống.

Phẫu thuật chỉnh lưng gù

Để điều trị lưng gù do xẹp đốt sống, phương pháp điều trị cũng được thực hiện bằng cách tiêm xi măng. Nhưng trước khi thực hiện bước này, bác sĩ sẽ tiến hanh phẫu thuật đặt đầu dò vào các khoang đốt sống bị nứt gãy. Sau đó, khoan xương và chèn bóng vào trong, bong bóng được bơm phồng lên để tạo khoảng trống đủ để bơm xi măng vào.

Phương pháp này giúp phục hồi đường cong tự nhiên cột sống và lấy lại chiều cao ban đầu.

Phòng ngừa

Bệnh xẹp đốt sống gây ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vận động và sức khỏe thể chất chung. Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Lối sống lành mạnh về ăn uống và vận động giúp phòng ngừa xẹp đốt sống hiệu quả

  • Phụ nữ mãn kinh hoặc đã lớn tuổi cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường bổ sung canxi và vitamin D hỗ trợ xương khớp chắc khỏe.
  • Sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc, đặc biệt ngủ đủ nhu cầu của cơ thể để giảm áp lực cho đốt sống, giảm nguy cơ chấn thương.
  • Nói không với rượu bia, thuốc lá và các kích thích khác.
  • Tăng cường bổ sung vitamin tổng hợp, đa dạng các loại như sắt, kẽm, canxi theo nhu cầu cơ thể.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra xương khớp và tầm soát các bệnh lý liên quan, kịp thời điều trị nếu có.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau lung dữ dội khi vận động, giảm chiều cao và hạn chế cử động là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân tại sao tôi bị xẹp đốt sống?

3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

4. Tôi cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán xẹp đốt sống?

5. Bệnh xẹp đốt sống gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?

6. Phương pháp điều trị xẹp đốt sống tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

7. Khi nào tôi nên phẫu thuật điều trị xẹp đốt sống?

8. Mất bao lâu tôi có thể phục hồi vận động bình thường?

9. Chi phí điều trị xẹp đốt sống tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

10. Xẹp đốt sống có tái phát sau điều trị không?

Xẹp đốt sống không chỉ gây đau nhức, hạn chế vận đọng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tăng nguy cơ mắc các biến chứng chèn ép nội tạng hoặc tổn thương thần kinh. Do đó, để bảo tồn đốt sống và duy trì chức năng vận động, hãy thăm khám sớm tại các bệnh viện chuyên khoa. Bạn sẽ được chẩn đoán chuyên sâu và điều trị bằng phương pháp phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng khó lường.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Hội Chứng Tủy Trung Tâm
Hội chứng tủy trung tâm là một trong những dạng tổn thương tủy sống không hoàn toàn thường gặp. Tổn thương chủ yếu xảy ra ở vùng cổ và khá…
Bệnh Gù Cột Sống
Gù cột sống là một trong những biến dạng về…
Gai cột sống Bệnh Gai Cột Sống
Gai cột sống là bệnh lý xương khớp xảy ra…
Bệnh Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những biến…
Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến bàn tay và cổ tay. Bệnh nhân…

Căng Cơ

Căng cơ là một trong những chấn thương mô mềm phổ biến. Xảy ra khi các sợi cơ bị căng…

Bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bởi,…

Hội Chứng Hông Vũ Công

Hội chứng hông vũ công là một dạng rối loạn khớp hông, háng. Đặc trưng với âm thanh lách cách…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua