Bệnh Áp Xe Vú
Áp xe vú là khối áp xe da xuất hiện dưới dạng túi chứa dịch mủ và gây đau nhức dữ dội kèm theo các triệu chứng toàn thân khác ở chị em phụ nữ. Nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến áp xe vú hoặc tắc tia sữa sau sinh. Điều trị áp xe vú chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật dẫn lưu mủ và dùng thuốc loại bỏ nhiễm trùng.
Tổng quan
Áp xe vú (Breast Abscesses) là tình trạng tổn thương đặc trưng với các ổ mủ ở vú do viêm nhiễm hoặc phụ nữ sau sinh bị tắc tia sữa nhưng không được điều trị đúng cách. Khối áp xe vú thường được gây ra do nhiễm trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể dễ dàng thông qua các các vết nứt, rách trên quầng vú hoặc lây lan nhiễm trùng từ cơ quan khác đến vú thông qua đường máu hoặc bạch huyết.
Áp xe vú có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, ở cả nam và nữ. Nhưng phổ biến nhất là ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ sau sinh và đang trong thời kỳ cho con bú bị tắc tia sữa. Bệnh nhân áp xe vú thường có các dấu hiệu đặc trưng của nhiễm trùng như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ và cảm giác đau nhức dữ dội ở vú hoặc khi cử động 2 vai, 2 cánh tay.
Vị trí ổ áp xe có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như trước tuyến, trong tuyến hoặc sau tuyến. Đồng thời, để hình thành khối áp xe vú phải trải qua 2 giai đoạn là giai đoạn viêm và giai đoạn hình thành áp xe tiến triển hoại tử.
Phân loại
Tình trạng áp xe vú được phân chia làm 2 dạng chính dựa theo nguyên nhân gồm nguyên phát và thứ phát.
- Áp xe vú nguyên phát: Thường xảy ra ở các nhóm đối tượng sau:
- Phụ nữ sau sinh trong giai đoạn còn tiết sữa cho con bú và ngoài giai đoạn tiết sữa;
- Phụ nữ trẻ tuổi, nghiện chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá;
- Người lớn tuổi có các bệnh lý nền như suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, viêm khớp mạn tính;
- Áp xe vú thứ phát: Thường xảy ra sau đợt nhiễm trùng tại vùng da dưới vú do chứng viêm tuyến bã hoặc xạ trị điều trị ung thư.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Bản chất của áp xe vú là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào các mô vú. Phụ nữ bị nhiễm trùng mô vú thông quá núm vú, làm cho ống dẫn sữa nhiễm khuẩn, gây tắc viêm tuyến sữa. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những bệnh nhân áp xe vú có mối liên hệ mật thiết với 2 loại vi khuẩn chính là Staphylococcus aureus và Streptococcus.
Ngoài ra, một số tác nhân vi khuẩn khác làm tăng nguy cơ gây áp xe vú như:
- Vi khuẩn kỵ khí gây tắc nghẽn ống dẫn núm vú;
- Trực khuẩn thương hàn tồn tại trong các vết sẹo bên trong mô vú;
- Lậu cầu, phế cầu..;
Yếu tố nguy cơ
Chứng áp xe vú thường xuất hiện ở những đối tượng nguy cơ sau:
- Phụ nữ sau sinh, đang cho con bú nhưng cho con bú không đúng cách. Có thể do:
- Biến chứng tắc ống dẫn sữa;
- Núm vú bị trầy xước do bị trẻ cắn;
- Trẻ bú nhiều khiến sữa không tích tụ đủ trong vú;
- Mặc áo ngực quá chật;
- Cho trẻ bú ít, sữa tích tụ nhiều quá trong mức;
- Phụ nữ sau sinh có sức đề kháng suy giảm do bệnh tật, ngủ ít, thức khuya nhiều, ăn uống thiếu chất, làm việc quá sức, lao động vất vả...;
- Phụ nữ trẻ tuổi nhưng có thói quen nghiện hút thuốc lá;
- Phụ nữ lớn tuổi bị áp xe vú do ảnh hưởng từ các bệnh lý như viêm khớp mạn tính, tiểu đường hoặc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các dấu hiệu áp xe vú nặng hay nhẹ, nhiều hay ít phụ thuộc vào vị trí khởi phát và từng giai đoạn bệnh. Một số dấu hiệu đặc trưng của áp xe vú như:
- Sốt cao khoảng 40 độ C kèm theo rét run, ớn lạnh;
- Vú sưng nóng đỏ, sờ có cảm giác ấm nóng, có nhân mềm là các ổ chứa dịch;
- Rỉ dịch mủ trắng từ đầu núm vú kèm theo tiết sữa nhưng có mùi tanh hôi trẻ không bú được;
- Đau dữ dội từ sâu bên trong vú và tăng dần cơn đau khi ấn tay trực tiếp hoặc xung quanh vùng áp xe, khi cử động cánh tay hoặc 2 vai, khi cho con bú;
- Các triệu chứng toàn thân khác như ăn uống kém, mệt mỏi, mất ngủ, suy nhược cơ thể...;
Chẩn đoán
Đánh giá các triệu chứng lâm sàng vừa kể trên là bước đầu tiên quan trọng để chẩn đoán áp vú. Bác sĩ sẽ tiến hành ấn hạch nách, sờ nắn và quan sát, vắt sữa từ ngực thấy có màu vàng do lẫn mủ. Đồng thời, kết hợp thực hiện một số kỹ thuật y tế sau để chẩn đoán áp xe vú:
- Siêu âm vú thấy chứa nhiều ổ chứa dịch;
- Xét nghiệm công thức máu thấy tăng lượng bạch cầu trung tính;
- Xét nghiệm CRP dương tính;
- Chọc dò dịch mủ để xét nghiệm tế bào;
- Nuôi cấy vi khuẩn để xác định chủng vi khuẩn và làm kháng sinh đồ;
Ngoài ra, kết hợp chẩn đoán phân biệt các triệu chứng áp xe vú với các bệnh lý có biểu hiện tương tự như viêm tuyến vú phụ hoặc ung thư vú thông qua sinh thiết tế bào học.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết các trường hợp áp xe vú đều không quá nghiêm trọng và có thể khỏi hẳn mà không để lại bất kỳ di chứng nào nếu được điều trị đúng cách. Trường hợp chủ quan không điều trị, khối áp xe trong vú ngày càng tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Vỡ khối áp xe gây nhiễm trùng lan rộng;
- Hoại tử vú;
- Chứng xơ tuyến vú mạn tính do dùng kháng sinh quá mức trong điều trị áp xe vú kéo dài;
- Đột biến mô tế bào vú tiến triển ung thư hóa ở cả 2 vú;
- Các biến chứng sức khỏe khác như:
- Hội chứng nhiễm độc, nhiễm khuẩn huyết nặng;
- Suy kiệt sức khỏe;
- Tụt huyết áp;
- Suy thận;
- Hoại tử các chi;
Tình trạng áp xe vú rất phổ biến và không quá khó để điều trị. Khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám sớm để chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc hoặc áp dụng các biện pháp điều trị dân gian như đắp lá hay nặn mủ để tránh khiến bệnh ngày càng nặng hơn, biến chứng nhiễm trùng huyết nguy hiểm và khó chữa.
Điều trị
Áp xe vú là một trong những biến chứng nghiêm trọng do viêm tuyến vú, hình thành các khối áp xe chứa dịch mủ. Điều trị áp xe vú bắt buộc phải chích rạch dẫn lưu mủ và dùng kháng sinh. Tùy vào vị trí áp xe vú, bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật điều trị phù hợp.
Dùng thuốc
Nguyên tắc chung trong điều trị áp xe vú là loại bỏ nhiễm trùng và làm sạch bầu vú. Bước đầu trong phác đồ điều trị này là dùng thuốc. Các loại thuốc thường dùng là:
- Thuốc kháng sinh;
- Thuốc chống viêm;
- Thuốc giảm đau;
- Thuốc chống phù nề;
- Thuốc hỗ trợ phục hồi các mô vú bị tổn thương;
Việc sử dụng các loại thuốc nào, liều dùng như thế nào sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa sau thăm khám, chẩn đoán. Bệnh nhân cần tuân thủ mọi chỉ định để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Dẫn lưu mủ
Trường hợp khối áp xe vú căng cứng, kết quả siêu âm cho thấy có nhiều ổ áp xe chứa dịch mủ lớn nhỏ bắt buộc phải thực hiện rạch da để dẫn lưu dịch mủ ra khỏi bầu vú. Phương pháp này có thể được chỉ định trước khi điều trị nội khoa để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tùy vào vị trí ổ áp xe mà bác sĩ sẽ thực hiện các bước chích rạch và tháo mủ phù hợp. Cụ thể như sau:
- Trường hợp 1: Khối áp xe dưới da ở vị trí nông, thường là ở quầng vú sẽ được chích nhọt trực tiếp và loại bỏ mủ;
- Trường hợp 2: Khối áp xe thể tuyến sẽ phải tiến hành gây tê hoặc gây mê tại chỗ, sau đó chích vào vị trí thấp nhất tại khu vực áp xe. Rạch một đường dài khoảng 7 - 10cm, cách xa núm vú khoảng 2-3cm, bác sĩ sẽ dùng tay để đưa vào bên trong ổ mủ, loại bỏ các vách xơ và tháo mủ. Sau khi tháo mủ, đặt ống dẫn lưu vào bên trong để dẫn mủ ra ngoài, kết hợp bơm dung dịch sát trùng để rửa ổ áp xe hàng ngày. Bệnh nhân cần dùng kháng sinh hàng ngày để chống nhiễm trùng.
- Trường hợp 3: Khối áp xe vú nằm sau tuyến sẽ được chích rạch và tháo mủ theo đường vòng cung bờ dưới ở ngoài tuyến vú. Tương tự cách trên, bệnh nhân sẽ được đặt ống dẫn lưu để truyền dịch sát khuẩn vào bên trong rửa ổ áp xe.
Hầu hết các trường hợp sau chích rạch và tháo mủ đều sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ được chỉ định kết hợp dùng thuốc giảm đau và kháng sinh dạng uống hoặc tiêm trong vòng 5 - 7 ngày liên tục để ngăn chặn tai biến nhiễm trùng, tạo điều kiện cho vết mổ lành lại nhanh chóng.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa áp xe vú, chị em phụ nữ có thể thực hiện các biện pháp tích cực sau:
- Phụ nữ sau sinh cần tuân thủ các kiến thức quan trọng khi cho con bú như bú đúng tư thế, bú cả 2 bên và tần suất đủ không quá nhiều cũng không quá ít.
- Hướng dẫn trẻ bú đúng cách, mút nhẹ nhàng để tránh trầy xước quầng vú, rạn nứt đầu ti và gây tắc sữa, áp xe vú.
- Thường xuyên massage bầu vú để kích thích ống dẫn sữa tăng tiết sữa để cho con bú.
- Giữ vệ sinh núm vú sạch sẽ hàng ngày trước và sau khi cho con bú.
- Nếu phát hiện có các dấu hiệu tắc tia sữa cần tiến hành chườm nóng, masase bằng tay, chiếu đèn hồng ngoại hoặc mua bình hút sữa chạy bằng máy để thông tia sữa, giảm nguy cơ gây áp xe vú.
- Có thói quen sinh hoạt khoa học, ăn uống đủ chất, tích cực rèn luyện thể chất và điều trị kiểm soát các vấn đề sức khỏe mạn tính giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng áp xe vú.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân tại sao tôi bị áp xe vú?
2. Bị áp xe vú có ảnh hưởng đến chất lượng sữa không?
3. Tiên lượng tình trạng áp xe vú của tôi có nguy hiểm không?
4. Bị áp xe vú có tự khỏi không? Nếu không điều trị có sao không?
5. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán áp xe vú?
6. Tôi nên điều trị áp xe vú bằng thuốc kháng sinh hay chích rạch dẫn lưu mủ?
7. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến biện pháp điều trị được chỉ định?
8. Quá trình điều trị áp xe vú mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?
9. Điều trị áp xe vú có cần nhập viện không?
10. Chi phí thực hiện thủ thuật dẫn lưu ổ áp xe vú bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?
Áp xe vú là vấn đề bệnh lý rất nguy hiểm và cần được xử lý điều trị ngay lập tức để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Do đó, hãy chủ động thăm khám ngay khi phát hiện bầu ngực của mình có bất thường, chạm vào thấy đau nhức, căng tức và xuất hiện cục hạch. Điều trị y tế đối với áp xe vú càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao, ít tốn thời gian, công sức và tiền bạc, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bệnh Áp Xe Phổi Có Nguy Hiểm Không? Cách Xử Lý
- Bệnh Áp Xe Gan: Nguyên Nhân Và Cách Điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!