Ốm nghén nặng

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Ốm nghén nặng là một dạng ốm nghén nghiêm trọng khi mang thai, đặc trưng bởi tần suất buồn nôn và nôn ói nhiều, liên tục. Tình trạng này kéo dài có thể khiến mẹ bầu bị mất nước, mất cân bằng chất điện giải, sụt cân và suy nhược sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tốt nhất cần có biện pháp điều trị và chăm sóc tích cực đối với tình trạng này để giảm thiểu các rủi ro khó lường.

Tổng quan

Ốm nghén nặng (Hyperemesis Gravidarum) là một dạng buồn nôn nhưng có tính chất nghiêm trọng trong thai kỳ. Khác với ốm nghén thông thường, ốm nghén nặng đặc trưng bởi tình trạng nôn mửa nhiều, liên tục gây mất nước, mất chất điện giải và sụt cân nhanh chóng.

Ốm nghén nặng là tình trạng buồn nôn và nôn ói liên tục, nghiêm trọng khi mang thai

Nếu ốm nghén thông thường chỉ nhẹ và thoáng qua trong 3 tháng đầu thai kỳ, dù có cảm giác buồn nôn, nhưng phần lớn thức ăn vẫn giữ được trong dạ dày, thì ốm nghén nặng lại nghiêm trọng hơn, tần suất nhiều lần trong ngày và có thể xuất hiện trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng thường là vào khoảng giữa tuần thứ 4 và 6, tiến triển nặng hơn từ tuần thứ 9 - 13.

Ốm nghén nặng tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, nhưng tốt nhất mẹ bầu vẫn cần phải được truyền chất lỏng qua đường tĩnh mạch để ngăn chặn mất nước.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, ốm nghén nói chung và ốm nghén nặng nói riêng vẫn chưa được xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, nhiều tài liệu y học khẳng định tình trạng này có liên quan mật thiết đến sự rối loạn tăng cao lượng hormone nội tiết quá mức. Cụ thể ở đây là hormone hCG (gonadotropin màng đệm ở người) được tạo ra trong thời kỳ mang thai tăng nhanh với số lượng lớn do nhau thai sản xuất ra.

Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ được cho là có liên quan đến việc khởi phát tình trạng ốm nghén nặng

Nồng độ hCG thường đạt đỉnh cao nhất vào tuần thứ 10, nên từ thời điểm này trở đi mẹ bầu rất dễ gặp tình trạng nôn ói nghiêm trọng. Bên cạnh hCG, một số loại hormone như GDF15 (horrmone ảnh hưởng đến sự thèm ăn và khả năng cảm nhận mùi vị) hoặc hormone nội tiết estrogen và progesterone cũng góp phần vào sự phát triển quá mức của chứng ốm nghén nặng.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ phát triển chứng ốm nghén nặng khi mang thai như:

  • Tiền sử bị ốm nghén nặng trong lần mang thai trước đó;
  • Phụ nữ mang thai đa thai;
  • Có tiền sử bị đau nửa đầu hoặc say tàu xe cũng có nguy cơ cao mắc phải;
  • Phụ nữ thừa cân béo phì trước khi mang thai;
  • Ảnh hưởng của một số bệnh lý như bệnh tuyến giáp, bệnh gan hoặc rối loạn tiêu hóa;
  • Ảnh hưởng từ các vấn đề sức khỏe tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng ốm nghén nặng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, nhưng phổ biến nhất là từ tuần thứ 6 và kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc cho đến lúc sinh. Các triệu chứng ốm nghén nặng thường gặp bao gồm:

Mẹ bầu bị ốm nghén nặng bị nôn ói liên tục, mất nước, mất chất điện giải và sụt cân

  • Buồn nôn và nôn ói nhiều, liên tục;
  • Giảm > 5% cân nặng;
  • Mệt mỏi, suy nhược, da khô, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, nước tiểu sẫm màu... là những dấu hiệu của triệu chứng mất nước;
  • Yếu cơ, chuột rút là những dấu hiệu của triệu chứng mất cân bằng điện giải;
  • Thiếu hụt vitamin, khoáng chất;
  • Tăng tiết nước bọt;
  • Nhịp tim đập nhanh;
  • Táo bón;

Chẩn đoán

Chẩn đoán ốm nghén nặng thường dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng do bệnh nhân cung cấp và kết hợp khám thực thể. Khai thác tiền sử mang thai trước, các loại thuốc, TPCN đang sử dụng, tần suất nôn ói và tình trạng sức khỏe sau khi nôn xong.

Chẩn đoán ốm nghén nặng thông qua thăm khám lâm sàng và kết hợp xét nghiệm máu, nước tiểu khi cần thiết

Để xác nhận chẩn đoán ốm nghén nặng cần có các dấu hiệu mất nước, mất cân bằng chất điện giải như mắt trũng, da khô, khô môi, miệng, tiểu ít, giảm lượng nước tiểu... Ngoài ra, có thể kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng sau nếu cần thiết, bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Giúp kiểm tra nồng độ xeton trong nước tiểu. Kết quả này có thể cho thấy việc cơ thể đang phân hủy chất béo để lấy năng lượng thay vì glucose.
  • Xét nghiệm máu: Nhằm mục đích kiểm tra mức độ mất cân bằng các chất điện giải như chỉ số kali, natri trong máu giảm thấp. Nguyên nhân trong trường hợp này có thể đến từ việc nôn ói quá mức.
  • Siêu âm: Trong một số trường hợp cần thiết có thể tiến hành thực hiện siêu âm, nhằm loại trừ các tình trạng sức khỏe khác cũng gây ra triệu chứng nôn ói tương tự như viêm loét dạ dày hoặc bệnh túi mật.

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của chứng ốm nghén nặng là vô hại với sự phát triển của thai nhi, vì đây chỉ là biểu hiện của việc cơ thể người mẹ đang thay đổi để đáp ứng với việc mang thai. Tuy nhiên, khi ốm nghén nặng và nghiêm trọng, ốm nghén đến mức suy kiệt sức khỏe nhưng vẫn không được xử lý đúng cách có thể gây ra một vài biến chứng sau:

  • Sụt cân nhanh chóng không kiểm soát;
  • Suy giảm chức năng thận và tiểu tiện;
  • Mất khả năng cân bằng khoáng chất, tăng nguy cơ suy nhược cơ thể và phát triển các bệnh như cao huyết áp, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên nguy hiểm cho phụ nữ mang thai;
  • Mẹ bầu bị ốm nghén nặng khiến cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết để thai nhi phát triển, khiến trẻ sinh ra nhẹ cân, thấp còi và chậm phát triển hơn những trẻ em cùng trang lứa;

Tuy nhiên, hầu hết những đợt ốm nghén nặng trong thai kỳ đều sẽ biến mất hẳn sau khi sinh xong mà không để lại bất kỳ dấu hiệu nào. Ngoài ra, nếu được điều trị tích cực ngay từ sớm, mẹ bầu mắc chứng ốm nghén nặng vẫn có thể sinh con khỏe mạnh bình thường.

Do đó, khuyến cáo phụ nữ mang thai khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu ốm nghén nặng cần sớm thông báo cho bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị phù hợp.

Điều trị

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ốm nghén, bác sĩ sẽ hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp và kết hợp chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh.

Điều trị trong trường hợp nhẹ

Đối với những trường hợp nhẹ, việc điều trị có thể bao gồm một số cách đơn giản sau đây:

Điều chỉnh thói quen ăn uống như chia nhỏ bữa ăn, ăn liên tục và nghỉ ngơi nhiều để giảm buồn nôn

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chia nhỏ các bữa ăn, đảm bảo ăn liên tục và ăn ít mỗi lần. Ưu tiên những loại thực phẩm nhạt, khô hoặc ngậm gừng để giảm cảm giác buồn nôn tốt hơn. Tránh ăn thực phẩm chế biến cay nóng, nhiều dầu mỡ.
  • Dùng thuốc chống buồn nôn: : Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng một số loại thuốc chống buồn nôn không cần kê toa để hỗ trợ giảm bớt cảm giác buồn nôn khó chịu. Các loại được khuyến nghị thường là Pyridoxine (vitamin B6) hoặc Doxylamine (Unisom). Trường hợp sử dụng không hiệu quả có thể chuyển sang dùng thuốc kháng histamine thay thế (điển hình là loại diphenhydramine - Benadryl).
  • Hạn chế các tác nhân kích thích cơn buồn nôn: Việc xác định những thứ khiến bạn dễ buồn nôn cũng rất quan trọng. Vì điều này sẽ giúp mẹ bầu chủ động hạn chế việc tiếp xúc với những thứ này, chẳng hạn như mùi thức ăn, mùi tàu xe... để giảm tần suất nôn ói.

Điều trị trong trường hợp nặng

Trường hợp mẹ bầu ốm nghén nặng, nôn ói liên tục với tần suất nhiều, không thể ăn uống bất cứ thứ gì bắt buộc phải nhập viện để theo dõi và điều trị y tế bằng các biện pháp phù hợp. Cụ thể một số biện pháp phổ biến gồm:

Trường hợp ốm nghén nặng hoàn toàn không thể ăn uống phải dùng thuốc kê toa kết hợp truyền nước và nuôi ăn tĩnh mạch

  • Dùng thuốc kê toa: Một số loại thuốc kê toa giúp chống buồn nôn và nôn ói thường được kê toa dùng cho phụ nữ mang thai như promethazine và metoclopramide. Ngoài ra, Ondansetron cũng có thể được cân nhắc sử dụng thay thế để giảm cảm giác buồn nôn, nôn ói, có thể dùng dưới dạng tiêm tiêm/ truyền tĩnh mạch hoặc thuốc nhét đại tràng vì bệnh nhân không thể uống trực tiếp.
  • Truyền nước biển: Việc nôn ói liên tục có thể khiến mẹ bầu bị mất nước và mất các chất điện giải. Lúc này, bắt buộc phải truyền nước để bù đắp lượng nước và chất điện giải thiếu hụt để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
  • Nuôi ăn qua ống: Trường hợp không thể ăn uống trực tiếp, có thể sẽ phải tiến hành đặt ống thông qua mũi hoặc dạ dày để dẫn chất lỏng, chất dinh dưỡng vào trong cơ thể, phòng ngừa suy nhược.
  • Dinh dưỡng tĩnh mạch toàn phần: Những trường hợp ốm nghén nghiêm trọng, hệ thống tiêu hóa không thể làm việc như bình thường sẽ được cân nhắc đến phương pháp dinh dưỡng tĩnh mạch toàn phần. Đặc điểm của phương pháp này là truyền các chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, không đi qua hệ tiêu hóa.

Phòng ngừa

Không có cách nào để chủ động phòng ngừa chứng ốm nghén nặng. Vì điều này còn tùy theo cơ địa của từng người. Tuy nhiên, tốt nhất nếu có kế hoạch mang thai, thì việc chủ động trang bị cho bản thân các kiến thức về ốm nghén nặng hoặc cải thiện cơn buồn nôn luôn là điều cần thiết để giúp mẹ bầu vượt qua thai kỳ một cách khỏe mạnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị ốm nghén nặng khi mang thai trong khi những người khác không bị?

2. Tôi nôn ói liên tục, không thể ăn uống được có gây ảnh hưởng đến thai nhi không?

3. Tình trạng ốm nghén nặng gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và công việc của tôi?

4. Chứng ốm nghén nặng có tự khỏi không? Kéo dài bao lâu?

5. Tôi cần làm những gì để cải thiện cảm giác buồn nôn và nôn ói dữ dội?

6. Bị ốm nghén nặng có nên dùng thuốc chống buồn nôn không?

7. Dùng thuốc có gây tác dụng phụ nào hoặc gây ảnh hưởng đến thai nhi không?

8. Tôi nên ăn uống như thế nào để giảm tần suất ốm nghén nặng?

9. Mất bao lâu thì tình trạng ốm nghén nặng biến mất hẳn?

10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa ốm nghén nặng trong lần mang thai tiếp theo?

Ốm nghén dù nặng hay nhẹ đều là một phần không thể thiếu khi mang thai, là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển tốt. Tuy nhiên, việc nôn ói quá mức và kéo dài được cảnh báo bất thường đối với sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Bởi vừa nôn ói vừa không thể ăn uống khiến mẹ bầu suy nhược và thai nhi thiếu chất. Do đó, hãy thăm khám và nhờ sự tư vấn của bác sĩ để điều chỉnh thói quen ăn uống, dùng thuốc phù hợp và tránh các tác nhân kích thích cơn buồn nôn để cải thiện đáng kể tình trạng này.

Tham khảo thêm

Chia sẻ:
Hội chứng quá kích buồng trứng
Hội chứng quá kích buồng trứng là vấn đề sức khỏe bất thường xảy ra ở phụ nữ đang điều trị sinh sản. Tình trạng này gây ra một loạt…
Hội chứng Lesch-Nyhan
Hội chứng Lesch - Nyhan là một dạng rối loạn…
Bệnh Down
Hội chứng Down là rối loạn di truyền do phát…
Bệnh U nang tuyến Bartholin
U nang tuyến Bartholin là dạng nang âm đạo phổ…
Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ xảy ra rất phổ biến trong thời điểm khoảng 24 - 28 tuần. Nguyên nhân được…

Buồng trứng đa nang Bệnh Buồng Trứng Đa Nang

Đa nang buồng trứng (PCOS) là một tình trạng mãn tính có thể gây rối loạn kinh nguyệt, mụn trứng…

Bệnh Áp Xe Vú

Áp xe vú là khối áp xe da xuất hiện dưới dạng túi chứa dịch mủ và gây đau nhức…

Sa tử cung

Sa tử cung là một trong những dạng sa tạng chậu thường gặp ở phụ nữ. Tình trạng này phổ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua