Viêm Màng Ối

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Viêm màng ối là biến chứng sản khoa khá hiếm gặp. Nó thường là kết quả của tình trạng nhiễm trùng lây lan từ đường sinh dục. Nếu không điều trị kịp thời, viêm màng ối có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non. Điều trị viêm màng ối chủ yếu bằng kháng sinh nhằm ngăn ngừa biến chứng. 

Viêm màng ối là tình trạng lớp màng túi ối bao quanh thai nhi bị nhiễm khuẩn

Tổng quan

Viêm màng ối (Chorioamnionitis) là tình trạng các mô màng đệm túi ối bị nhiễm trùng, thường là do vi khuẩn gây ra. Tình trạng này còn kéo theo nhiễm trùng ối, nước ối hoặc nhau thai. Hầu hết các trường hợp bị viêm màng ối đều là kết quả của nhiễm trùng lây lan qua đường sinh dục.

Đây là biến chứng sản khoa khá hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 1 - 5% ca sinh đủ tháng và khoảng 40 - 70% là sinh non. Viêm màng ối nếu không được điều trị sớm, có thể gây ra hàng loạt các biến chứng nhiễm trùng nghiêm trọng ở cả mẹ và thai nhi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Vi khuẩn là tác nhân hàng đầu gây viêm màng ối. Có rất đa dạng các chủng vi khuẩn gây bệnh, chẳng hạn như chủng vi khuẩn đường tiêu hóa, đường tiết niệu hoặc xâm nhập từ bên ngoài cơ thể. Ổ vi khuẩn phát triển nhanh chóng ở hậu môn hoặc âm đạo của người mẹ, sau đó xâm nhập và lan vào trong tử cung.

Một số loại vi khuẩn được ghi nhận có khả năng gây viêm màng ối như:

  • Escherichia Coli;
  • Liên cầu khuẩn nhóm B;
  • Mycoplasma hominis;
  • Ureaplasma;

Yếu tố nguy cơ 

Nguy cơ viêm màng ối thường cao ở những phụ nữ mang thai gặp các vấn đề sức khỏe sau:

Vỡ ối sớm > 24h trước khi sinh là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm màng ối

  • Khám âm đạo nhiều lần;
  • Vỡ ối sớm hơn 24h trước khi sinh;
  • Thời gian chuyển dạ quá lâu;
  • Thủ thuật chọc ối;
  • Mẹ bầu mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục;
  • Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng khi chuyển dạ;
  • Mẹ bị suy giảm miễn dịch hoặc dùng chất kích thích trong thai kỳ;
  • Mẹ bầu có cổ tử cung ngắn;
  • Tiền sử viêm màng ối trong lần mang thai trước;
  • Mang thai lần đầu;
  • Lao động quá sức khi mang thai;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Nếu mẹ bầu bị viêm màng ối sớm trong thai kỳ, thường không có triệu chứng rõ rệt. Nhưng đa số trường hợp bị viêm màng ối đều vào những tháng cuối thai kỳ, nên các triệu chứng thường dễ nhận biết hơn, bao gồm:

Bị viêm màng ối khiến mẹ bầu sốt cao, tim đập nhanh và tiết dịch âm đạo bất thường

  • Sốt cao kéo dài > 38 độ C;
  • Tim đập nhanh > 100 nhịp/ phút đối với sản phụ;
  • Tim thai nhanh > 160 nhịp/ phút;
  • Đổ nhiều mồ hôi;
  • Âm đạo tiết khí hư có mùi hôi và màu sắc bất thường;
  • Tử cung mềm và đau;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm màng ối, bác sĩ thường khám sức khỏe tổng quát và đánh giá các triệu chứng bất thường. Đồng thời, kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • Siêu âm đánh giá sức khỏe và sự phát triển của thai nhi;
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu nhằm kiểm tra nhiễm trùng, đo số lượng bạch cầu;
  • Nuôi cấy dịch âm đạo hoặc xét nghiệm mẫu nước ối xác định chủng vi khuẩn gây viêm màng ối;

Biến chứng và tiên lượng

Viêm màng ối gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Một số biến chứng thường gặp như:

Viêm màng ối không điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi

Đối với mẹ bầu

  • Hình thành cục máu đông ở chân hoặc toàn bộ cơ thể;
  • Viêm nội mạc tử cung;
  • Vết loét vùng chậu;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Xuất huyết sau sinh;
  • Sốc nhiễm trùng;

Đối với thai nhi

  • Nhiễm trùng huyết;
  • Suy giảm chức năng não;
  • Viêm não;
  • Bệnh nhuyễn bạch cầu quanh não thất;
  • Viêm phổi;
  • Loạn sản phế quản phổi;
  • Bại não;
  • Co giật;

Tiên lượng viêm màng ối khá xấu nếu nhiễm trùng lan rộng trước khi được chẩn đoán và điều trị. Biến chứng nghiêm trọng nhất là thai chết lưu hoặc tử vong ngay sau sinh.

Do đó, để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm trên, tốt nhất thai phụ khám thai định kỳ hoặc chủ động thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường để kịp thời chẩn đoán và điều trị, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị

Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị viêm màng ối hiệu quả nhất. Mục tiêu dùng kháng sinh sớm nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh.

Thuốc có thể được chỉ định dùng ngay sau chẩn đoán và tiếp tục kéo dài sau sinh cho đến khi hết nhiễm trùng hoàn toàn. Trẻ sơ sinh chào đời cũng được tiêm truyền kháng sinh trực tiếp để điều trị dự phòng nhiễm trùng.

Hầu hết các trường hợp bị viêm màng ối đều đáp ứng tốt với kháng sinh đồ

Tùy từng trường hợp viêm màng ối nặng hoặc nhẹ và mức độ đáp ứng điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định dùng dạng uống hoặc truyền tĩnh mạch. Phác đồ kháng sinh điều trị viêm màng ối thông thường gồm các loại sau:

  • Penicillin G;
  • Ampicillin;
  • Gentamicin;
  • Clindamycin hoặc Metronidazole;
  • Vancomycin (dành cho bệnh nhân dị ứng với Penicillin);

Sản phụ bị viêm màng ối có thể điều trị nội trú hoặc ngoại trú tùy theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

Ngoài ra, thai phụ cũng cần được chăm sóc tích cực thông qua nghỉ ngơi, vệ sinh, giữ ấm và theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn của mẹ và thai nhi. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, tiên lượng xấu, bác sĩ sẽ chỉ định chuẩn bị sẵn kế hoạch mổ lấy thai và hồi sức toàn diện cho trẻ sơ sinh.

Phòng ngừa

Mang thai là giai đoạn nhạy cảm, dễ mắc nhiều bệnh lý trong thai kỳ, trong đó có viêm màng ối. Để giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này, bác sĩ thường chỉ định sử dụng kháng sinh trong trường hợp vỡ ối sớm và hạn chế số lần khám âm đạo sau khi vỡ ối.

Đặc biệt, trong những tháng cuối thai kỳ, cần xét nghiệm kiểm tra nhiễm trùng âm đạo và sàng lọc các chủng vi khuẩn có hại theo chỉ định của bác sĩ.

Khám thai định kỳ giúp phát hiện sớm dấu hiệu viêm màng ối và điều trị kịp thời

Ngoài ra, mẹ bầu cần chú ý tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch khỏe mạnh để giảm nguy cơ bị viêm màng ối:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và ưu tiên sử dụng thực phẩm sạch.
  • Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt khoa học, dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức.
  • Tránh stress, căng thẳng.
  • Vận động, tập luyện thể chất nhẹ nhàng mỗi ngày để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi mang thai bị sốt cao, đau bụng và tiết dịch âm đạo bất thường là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Các xét nghiệm thai kỳ nào giúp chẩn đoán chính xác tình trạng tôi đang mắc phải?

3. Bệnh viêm màng ối có nguy hiểm không?

4. Ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe của tôi và thai nhi như thế nào?

5. Bị viêm màng ối có khiến tôi sinh non không?

6. Tôi nên điều trị viêm màng ối bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Dùng thuốc kháng sinh trong thai kỳ có gây tác dụng phụ nào không?

8. Tôi cần làm gì để tránh tái nhiễm trùng màng ối sau điều trị?

Viêm màng ối ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bởi vậy, mỗi thai phụ cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân để thông báo ngay cho bác sĩ. Đồng thời, tuân thủ lịch khám thai định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu viêm màng ối bất thường và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Hội Chứng HELLP
Hội chứng HELLP là biến chứng thai kỳ khá hiếm gặp, đặc trưng với các dấu hiệu về tình trạng tán huyết, men gan cao và số lượng tiểu cầu…
Hội chứng Apert
Hội chứng Apert là một dạng rối loạn di truyền…
Hội chứng Swyer
Hội chứng Swyer là một bệnh hiếm gặp ở phụ…
Bệnh Viêm Buồng Trứng
Viêm buồng trứng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra…
Ung thư cổ tử cung Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, gây ra…

U xơ tử cung Bệnh U Xơ Tử Cung

U xơ tử cung là bệnh lý phụ khoa khá phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi từ 35…

U nang buồng trứng Bệnh U Nang Buồng Trứng

U nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa phổ biến và hầu hết đều lành tính, ít nguy hiểm.…

Sa tử cung

Sa tử cung là một trong những dạng sa tạng chậu thường gặp ở phụ nữ. Tình trạng này phổ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua