Bệnh U nang tuyến Bartholin

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

U nang tuyến Bartholin là dạng nang âm đạo phổ biến. Bệnh đặc trưng với những túi nang nhỏ phát triển ở hai bên cửa âm đạo, gây khó chịu và đau nhức mỗi khi quan hệ tình dục hoặc tiểu tiện. Thật may mắn khi tình trạng này có thể kiểm soát và điều trị được thông qua các biện pháp điều trị y tế cải thiện triệu chứng hoặc phẫu thuật loại bỏ u nang. 

Tổng quan

U nang tuyến Bartholin (Bartholin Cyst) đặc trưng bởi khối u chứa đầy chất lỏng nằm ở mỗi bên môi âm hộ gần cửa âm đạo. Chúng được gọi là u tuyến Bartholin, được đặt tên theo 2 tuyến nhỏ tạo ra chất nhờn bôi trơn âm đạo.

U nang tuyến Bartholin là các túi nang chứa chất dịch lỏng phát triển ở gần lỗ âm đạo

Các u nang tuyến Bartholin thường được hình thành khi lỗ mở của tuyến tắc nghẽn khiến chất lỏng không thể thoát ra ngoài.  Chúng thường có kích thước nhỏ, chỉ sưng phù mà không gây đau và có dấu hiệu phát sinh nhiễm trùng, gây khó chịu khi quan hệ tình dục, tiểu rát.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là đối tượng có nguy cơ phát triển u nang tuyến Bartholin phổ biến nhất. Thường là trong độ tuổi từ 20 - 29 tuổi. Tỷ lệ phát triển u nang tuyến Bartholin càng giảm xuống khi đã mãn kinh.

Phân loại

U nang tuyến Bartholin được phân chia làm 2 loại gồm:

  • U nang đơn giản: Đặc trưng bởi những khối u nang nhỏ, không gây đau và có xu hướng tự thuyên giảm hoặc biến mất sau một thời gian.
  • U nang phức tạp: Đây là những khối u nang có kích thước lớn, sưng phù, gây khó chịu và cần phải can thiệp điều trị y tế khi cần thiết.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Tuyến Bartholin là một phần quan trọng của hệ thống sinh sản của nữ giới, chịu trách nhiệm sản xuất chất lỏng bôi trơn để giữ ẩm cho âm đạo. Nếu ống dẫn lưu trong tuyến này bị tắc nghẽn, chất nhầy được sản sinh sẽ tích tụ lại và tạo thành khối u nang.

Tình trạng tắc nghẽn tuyến Bartholin là nguyên nhân chính hình thành các u nang tuyến Bartholin

Có nhiều nguyên nhân khởi phát u nang tuyến Bartholin như:

  • Tổn thương, kích ứng da vùng âm hộ, âm đạo;
  • Chấn thương cơ quan sinh dục ngoài;
  • Nhiễm trùng (thường là do vi khuẩn Escherichia coli);
  • Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) như bệnh Chlamydia, bệnh lậu... do quan hệ tình dục không an toàn;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng u nang tuyến Bartholin thường biểu hiện khác nhau tùy theo tính chất phát triển của u nang, kích thước hoặc có nhiễm trùng hay không. Hầu hết những khối u nang tuyến Bartholin có kích thước nhỏ thường hiếm khi gây ra triệu chứng. Bệnh nhân thường sẽ chỉ cảm nhận được sự hiện diện của khối u ở cửa âm đạo, tuy không đau nhưng gây cộm khó chịu.

Các u nang tuyến Bartholin có thể gây đau nhức và khó chịu khi tiểu, quan hệ tình dục hoặc đi lại

Ngược lại, với những khối u có kích thước lớn hơn 1cm sẽ gây ra triệu chứng rõ rệt, nhất là khi chúng bị nhiễm trùng. Bao gồm:

  • Đau rát, khó chịu khi quan hệ tình dục, ngồi ghế, đi bộ hoặc dùng tampon;
  • Sưng đau, nóng đỏ âm đạo;
  • Sốt cao, ớn lạnh;
  • Đau nhức toàn thân;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán u nang tuyến Bartholin, bệnh nhân sẽ được thăm khám sức khỏe toàn diện, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để loại trừ các vấn đề bệnh lý khác.

Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp MRI giúp xác nhận chẩn đoán u nang tuyến Bartholin

Các bước chẩn đoán u nang tuyến Bartholin chính xác gồm:

  • Khám sức khỏe: Đây là bước khám sức khỏe toàn diện, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng chậu, đánh giá triệu chứng lâm sàng. Kết hợp khai thác tiền sử y tế và lấy mẫu dịch tiết từ âm đạo để phục vụ công tác chẩn đoán ở các xét nghiệm sau.
  • Siêu âm: Hình ảnh siêu âm có khả năng giúp kiểm tra kích thước và xác định vị trí của khối u nang. Kỹ thuật này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các khối u nang cùng các mô xung quanh.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số kỹ thuật hình ảnh hiện đại hơn như chụp CT hoặc MRI giúp bác sĩ dễ dàng quan sát hình ảnh chi tiết về các khối u nang cùng những mô xung quanh.
  • Sinh thiết: Trong một số trường hợp cần thiết, sinh thiết được chỉ định nhằm loại trừ khả năng khối u nang tiến triển ung thư.

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của u nang tuyến Bartholin thường là những u vô hại, không đe dọa đến tính mạng. Nhưng chúng có thể gây cảm giác khó chịu, đau rát khi chúng càng phát triển về mặt kích thước hoặc nhiễm trùng. Do đó, nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Sự phát triển của các khối u nang tuyến Bartholin có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

  • Đau rát, khó chịu khi quan hệ tình dục gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và đời sống tình dục;
  • Làm tăng nguy cơ phát triển các khối áp xe nang tuyến, thậm chí ung thư tuyến... ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng;
  • Tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn gây hại cho cơ quan sinh dục, tăng nguy cơ vô sinhhiếm muộn;
  • Tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến Bartholin;
  • Riêng phụ nữ mang thai bị u nang tuyến Bartholin, khi sinh con có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi như:
    • Nhiễm trùng ối;
    • Nhiễm trùng sau sinh;
    • Trẻ sinh ra nhẹ cân và chậm phát triển;
    • ...

Do đó, để giảm nguy cơ phát sinh các biến chứng khó lường này, hãy chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở âm đạo để kịp thời chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị u nang tuyến Bartholin là chữa bệnh đúng cách và đúng thời điểm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.

Dùng thuốc

Để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng u nang tuyến Bartholin, bác sĩ có thể kê toa sử dụng các loại thuốc sau:

Dùng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh theo toa của bác sĩ để cải thiện triệu chứng sưng đau, nhiễm trùng

  • Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC): Được sử dụng nhằm cải thiện sự khó chịu và viêm nhiễm do sự phát triển của u nang tuyến Bartholin. Các loại thường được sử dụng như acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil)...
  • Thuốc kháng sinh: Trường hợp u nang tuyến Bartholin phát triển quá mức gây viêm nhiễm, thậm chí hình thành áp xe, bệnh nhân thường phải dùng thuốc kháng sinh dạng uống như azithromycin (Zithromax), Ceftriaxone (Rocephin), Ciprofloxacin (Cipro)... để loại bỏ yếu tố nhiễm trùng.

Can thiệp phẫu thuật

Trường hợp khối u nang tuyến Bartholin phát triển nghiêm trọng và không có dấu hiệu thuyên giảm sau điều trị nội khoa, bác sĩ có thể được đề nghị điều trị bằng các phương pháp y tế hiệu quả hơn. Cụ thể nhằm mục đích phẫu thuật loại bỏ u nang:

Can thiệp phẫu thuật dẫn lưu dịch mủ hoặc cắt bỏ u nang để kiểm soát tiến triển bệnh

  • Chọc hút bằng kim: Đây là thủ thuật điều trị u nang tuyến Bartholin giúp loại bỏ dịch, cải thiện nhiễm trùng và triệu chứng tạm thời. Được thực hiện bằng cách dùng kim tiêm chọc thẳng vào u nang và hút hết dịch mủ ra ngoài.
  • Phẫu thuật dẫn lưu: Nếu khối u nang có kích thước lớn và bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ yêu cầu can thiệp rạch phẫu thuật để đặt ống thông dẫn lưu dịch ra khỏi nang. Quá trình dẫn lưu dịch thường kéo dài vài tuần cho đến khi hết dịch hoàn toàn.
  • Phẫu thuật mở Marsupialization: Đây là phẫu thuật mở kết hợp dẫn lưu. Được thực hiện bằng cách tạo một vết rạch nhỏ trên u nang và khâu các cạnh của vết rạch vào da. Lợi ích của việc này là tạo ra túi nhỏ cho phép u nang chảy ra và hạn chế tái phát.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến Bartholin: Một số ít trường hợp u nang tuyến Bartholin nghiêm trọng, không đáp ứng tất cả những phương pháp điều trị trên, bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ để xử lý các biến chứng liên quan và ngăn chặn rủi ro.

Chăm sóc tích cực

Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân cũng có thể tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để cải thiện triệu chứng u nang tuyến Bartholin:

  • Chườm ấm: Bạn có thể sử dụng túi chườm chứa nước nóng để chườm trực tiếp lên vùng âm đạo sưng đau để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng.
  • Tắm ngồi: Bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân có u nang tuyến Bartholin nên chọn phương pháp tắm ngồi trong bồn thay vì tắm đứng như bình thường. Ưu tiên tắm nước ấm để cải thiện cơn đau nhức và khó chịu. Sau khi ngâm mình khoảng 10 - 15 phút, hãy bước ra khỏi bồn tắm và lau khô nhẹ nhàng bộ phận sinh dục.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa u nang tuyến Bartholin, chị em phụ nữ có thể thực hiện các biện pháp tích cực sau đây:

Chị em phụ nữ cần giữ vùng kín sạch sẽ và khô ráo để giảm nguy cơ phát triển u nang tuyến Bartholin

  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ và khô ráo, bằng cách rửa xà phòng dịu nhẹ, nước ấm và thấm khô bằng khăn sạch.
  • Tuyệt đối không nên thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo để tránh làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật, giảm nguy cơ nhiễm trùng và phát triển u nang.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc và vệ sinh vùng kín có mùi hương thơm nồng, tạo bọt nhiều để giảm nguy cơ kích ứng tuyến Bartholin.
  • Mặc quần áo rộng rãi, nhất là quần lót có size vừa vặn, chất liệu mềm mại, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt để tránh gây kích ứng vùng kín.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ nhiễm trùng và mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục để tránh hình thành u nang.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị sưng âm đạo, đau rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục?

2. Nguyên nhân khiến cơ thể tôi phát triển u nang tuyến Bartholin?

3. Bệnh u nang tuyến Bartholin có nguy hiểm không?

4. Tôi cần làm thêm những xét nghiệm nào để chẩn đoán u nang tuyến Bartholin?

5. Phương pháp điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

6. Trường hợp u nang tuyến Bartholin của tôi có cần phải phẫu thuật không?

7. U nang tuyến Bartholin có gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi không?

8. Tôi cần làm gì để chăm sóc và cải thiện triệu chứng u nang tuyến Bartholin?

9. Quá trình điều trị u nang tuyến Bartholin mất bao lâu thì khỏi?

10. U nang tuyến Bartholin có tái phát sau điều trị không?

U nang tuyến Bartholin là vấn đề bất thường ở cơ quan sinh dục của phụ nữ và gây đau nhức, khó chịu. Bệnh lý này xảy ra do liên quan đến nhiều tác nhân như chấn thương hoặc nhiễm trùng cơ quan sinh dục. Tuy những khối u nang tuyến Bartholin gây khó chịu nhưng thường không nghiêm trọng, có thể điều trị và phòng ngừa hiệu quả nhờ các biện pháp tích cực theo chỉ định của bác sĩ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chia sẻ:
Hội chứng siêu nữ (hội chứng 3X)
Hội chứng siêu nữ là bệnh lý di truyền chỉ xảy ra ở bé gái. Bất thường được hình thành khi bộ gen trong cơ thể trẻ bị dư 1…
Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung là dạng ung thư…
Ung thư cổ tử cung Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh…
Hội Chứng Móng Và Xương Bánh Chè
Hội chứng móng và xương bánh chè là bệnh lý…
Bệnh Viêm Buồng Trứng

Viêm buồng trứng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại buồng trứng. Bệnh xảy ra do có liên quan…

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ xảy ra rất phổ biến trong thời điểm khoảng 24 - 28 tuần. Nguyên nhân được…

Hội chứng Lesch-Nyhan

Hội chứng Lesch - Nyhan là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp. Xảy ra do sự thiếu hụt…

Hội Chứng Seckel (người tí hon)

Hội chứng Seckel là dị tật bẩm sinh hiếm gặp do rối loạn di truyền gây ra. Thống kê chỉ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua