Hội chứng Boerhaave
Hội chứng Boerhaave là tình trạng vỡ tự phát của thực quản do chịu áp lực và căng thẳng quá mức. Tuy hiếm gặp nhưng yếu tố khởi phát nó lại rất phổ biến đó là nôn ói quá mức do uống nhiều rượu. Khi thực quản bị rách và không điều trị kịp thời, độc tố có thể rò rỉ ra ngoài và gây nhiễm trùng cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Điều trị cấp cứu là bước quan trọng cần được thực hiện ngay lúc này, nếu không có thể dẫn đến tử vong bất kỳ lúc nào.
Tổng quan
Hội chứng Boerhaave (Boerhaave's Syndrome) là tình trạng rách vỡ thực quản do nôn ói nghiêm trọng và lặp đi lặp lại. Tình trạng này có thể xảy ra trong lòng hoặc ngoài lòng thực quản. Vết rách xuất hiện trong lòng thực quản là do hiện tượng thay đổi áp suất đột ngột hay còn gọi là vỡ tự phát. Khác với vỡ thực quản do chấn chấn thương trực tiếp từ bên ngoài.
Nhiều người thường nhầm lẫn hội chứng Boerhaave với hội chứng Mallory Weiss do đều là rách bên trong thực quản. Tuy nhiên, xét về đặc điểm thì đây là 2 căn bệnh khác nhau, rách do Mallory Weiss xảy ra ở lớp lót thực quản, còn rách Boerhaave gây vỡ toàn bộ thành thực quản.
Theo thống kê, tỷ lệ rách vỡ thực quản do hội chứng Boerhaave rất hiếm, chỉ khoảng 0.0003% trong tổng dân số thế giới. Các chuyên gia cảnh báo đây là bệnh lý nghiêm trọng nhất trong tổng số các ca tổn thương thực quản, tỷ lệ tử vong cao khoảng 30% nếu không điều trị kịp thời.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính gây ra hội chứng Boerhaave là nôn ói dữ dội lặp đi lặp lại. Điều này thường xảy ra do các yếu tố sau:
- Uống nhiều rượu;
- Mắc chứng cuồng ăn;
- Rối loạn ăn uống;
- Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác như:
- Sinh con
- Co giật
- Nâng tạ quá sức
- Ăn phải thứ gì đó gây bào mòn niêm mạc thực quản;
- Các dạng rối loạn thực quản tiềm ẩn như viêm thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, Barret thực quản...;
Khi xuất hiện những yếu tố này, sự tích tụ áp lực bên trong thực quản tạo hoặc áp suất âm bên ngoài thực quản khi cơ vòng thực quản trên không giãn ra để đáp ứng với áp lực.
Thông thường, khi có áp lực các tín hiệu thần kinh sẽ kích hoạt cơ vòng thực quản trên giãn ra để giải phóng áp lực. Nhưng đối với bệnh nhân mắc hội chứng Boerhaave, khả năng phối hợp thần kinh hoạt động bất thường vì một số lý do gây ra hiện tượng rách vỡ thực quản.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân mắc hội chứng Boerhaave thường tiến triển khác nhau qua từng giai đoạn.
Giai đoạn khởi phát
- Buồn nôn, nhợn ói;
- Nôn ói dữ dội;
- Đau tức ngực;
- Khó thở, thở gấp;
- Đau hoặc ho khan khi nuốt;
- Sưng bụng, cứng bụng;
- Đau thượng vị;
- Nhịp tim nhanh;
- Sưng các mô khoang ngực do tích tụ chất lỏng hoặc không khí;
- Các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, mệt mỏi, kiệt sức;
Giai đoạn tiến triển
Từ những biểu hiện lâm sàng bình thường, chỉ trong khoảng thời gian ngắn bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng sốc và bước đến gần giai đoạn cận tử nhưng không tìm ra nguyên nhân chính xác.
Chẩn đoán
Hội chứng Boerhaave khó chẩn đoán hơn so với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Việc chẩn đoán càng chậm trễ càng làm tăng mức độ nguy hiểm cho bệnh nhân do điều trị muộn. Chẩn đoán hội chứng Boerhaave thường dựa trên đánh giá tam chứng cổ điển gồm nôn mửa dữ dội - đau ngực đột ngột - sưng khoang ngực. Đây là những dấu hiệu cảnh báo có thể có sự hiện diện của vết vỡ rách thực quản.
Tuy nhiên, do không phải trường hợp nào cũng có đầy đủ các triệu chứng trên hoặc xuất hiện các dấu hiệu khác như đau các vùng khác ít phổ biến như cổ hoặc xương đòn. Trong trường hợp này, bắt buộc phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác.
- Chụp X quang: Chụp X quang thực quản kết hợp dùng thuốc cản quang là kỹ thuật chẩn đoán phổ biến nhất. Hình ảnh X quang giúp phát hiện các dấu hiệu rò, thủng hoặc rách vỡ thực quản. Tính chính xác của phương pháp này khoảng 90, nhưng cũng có khoảng 66% trường hợp cho kết quả âm tính giả.
- Chụp CT scan: Chụp CT scan ngực cũng có thể được chỉ định khi bệnh nhân không phù hợp chụp X quang hoặc tình trạng bệnh nặng. Kỹ thuật này thường kết hợp với chất cản quang đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Hình ảnh CT scan còn giúp đánh giá mức độ nhiễm trùng viêm trung thất, tìm kiếm các dấu hiệu tổn thương khác bên trong và ngoài thực quản.
- Nội soi thực quản: Một số trường hợp cũng được chỉ định nội soi để chẩn đoán hội chứng Boerhaave. Được thực hiện bằng cách đưa một ống mềm có gắn camera nhỏ vào trong ống thực quản để tìm kiếm các dấu hiệu vỡ rách.
Biến chứng và tiên lượng
Rách vỡ thực quản do hội chứng Boerhaave được cảnh báo là bệnh lý nghiêm trọng nhất trong tất cả những dạng tổn thương thực quản. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra tử vong với tỷ lệ lên đế 30% hoặc gây một số biến chứng sau:
- Sưng viêm khoang ngực (viêm trung thất);
- Hình thành và tích tụ dịch mủ hoặc không khí trong phổi gây tràn dịch màng phổi, khởi phát hội chứng suy hô hấp cấp tính;
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, gây sốc và dẫn đến tử vong;
Tiên lượng hội chứng Boerhaave có thể tốt nếu được điều trị sớm và tích cực. Mục đích điều trị nhằm ngăn chặn tiến triển bệnh nặng, phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng và giảm nguy cơ tử vong. Nếu được điều trị tích cực trong vòng 24 tiếng đầu tiên, tỷ lệ sống sót là 75%. Sau 24 tiếng nguy cơ tử vong khoảng 50% và sau 48 tiếng là 90%.
Với những trường hợp điều trị thành công, tổn thương rách thực quản do hội chứng Boerhaave có thể được chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nào. Tuy nhiên, bệnh nhân phải mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi sức khỏe trở lại như bình thường.
Điều trị
Ngay khi hội chứng Boerhaave được chẩn đoán, việc điều trị phải được bắt đầu ngay lập tức. Mục tiêu ban đầu là kiểm soát các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Bước này cần bao gồm các biện pháp y tế sau:
- Truyền dịch tĩnh mạch để bù chất lỏng, giảm nguy cơ mất nước;
- Dùng thuốc kháng sinh dạng tiêm kiểm soát nhiễm trùng;
- Nuôi ăn bằng cách đặt ống hoặc truyền tĩnh mạch duy trì dinh dưỡng cho bệnh nhân;
Sau đó, tiến hành điều trị chuyên sâu để xử lý tổn thương rách vỡ thực quản. Tùy theo tình trạng bệnh, có thể tiến hành điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Boerhaave đều được chỉ định phẫu thuật.
Mục tiêu của phẫu thuật nhằm sửa chữa chỗ vỡ thực quản và ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng. Bác sĩ có thể chỉ định dẫn lưu và loại bỏ các mô chết bị nhiễm trùng hoặc hoại tử trước. Sau đó, tùy mức độ tổn thương nặng hay nhẹ, có thể sẽ phải tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản. Trường hợp cắt bỏ toàn bộ, sau khoảng 6 tuần có thể thay thế thực quản nhân tạo.
Phẫu thuật thực quản nói chung hoặc các đại phẫu chuyên sâu tiêu hóa, cần ưu tiên chọn những bệnh viện lớn và chuyên gia có kinh nghiệm để đạt kết quả cao, hạn chế tối đa rủi ro. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đưa vào phòng chăm sóc tích cực (ICU) để theo dõi, sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng và thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau.
Phòng ngừa
Việc ngăn ngừa hội chứng Boerhaave rất khó vì nó thường xảy ra do các yếu tố tự phát như nôn mửa quá mức. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để giảm nguy cơ phát triển tình trạng này. Chẳng hạn như:
- Không nên uống quá nhiều rượu cùng lúc để tránh gây nôn ói.
- Tránh ăn quá nhiều để giảm thiểu áp lực cho hệ tiêu hóa, hạn chế tình trạng ói mửa.
- Nói không với thuốc lá và các chất kích thích có hại khác.
- Điều trị dứt điểm ngay các dấu hiệu bất thường của tình trạng trào ngược dạ dày thực quản hoặc một số rối loạn tiêu hóa khác.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống phù hợp, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, uống nhiều nước, tránh ăn các loại thực phẩm cay nóng, có tính axit để giảm mức độ căng thẳng cho thực quản.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi mắc hội chứng Boerhaave?
2. Hội chứng Boerhaave có nguy hiểm không?
3. Tôi thường xuyên đau tức ngực, buồn nôn, khó thở, sưng bụng... có phải dấu hiệu đặc trưng của bệnh này không?
4. Nếu không điều trị hội chứng Boerhaave, tôi có thể tử vong hay không?
5. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với tình trạng bệnh của tôi?
6. Tôi mắc hội chứng Boerhaave khi nào cần phẫu thuật?
7. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến việc phẫu thuật sửa chữa thực quản?
8. Tỷ lệ sống sót của tôi sau phẫu thuật thực quản là bao nhiêu?
9. Chi phí điều trị hội chứng Boerhaave tốn bao nhiêu?
10. Hội chứng Boerhaave có tái phát sau điều trị không?
Hội chứng Boerhaave là tình trạng nghiêm trọng ở hệ tiêu hóa, tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị y tế kịp thời. Chẩn đoán bệnh có thể khó khăn, tuy nhiên vẫn có thể phát hiện thông qua một số xét nghiệm hình ảnh chuyên sâu. Các chuyên gia khuyến cáo nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về tình trạng này, hãy đến bệnh viện ngay để tìm kiếm sự chăm sóc y tế phù hợp.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Hẹp thực quản nguy hiểm không và cách điều trị?
- Loét thực quản – Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!