Viêm thực quản – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Viêm thực quản xảy ra khi niêm mạc thực quản bị viêm do một số nguyên nhân khác nhau. Bệnh lý này thường khởi phát ở người bị trào ngược dạ dày mãn tính, suy giảm miễn dịch (tiểu đường, nhiễm HIV,…), sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc lạm dụng rượu bia.

Viêm thực quản là gì?

Viêm thực quản là bệnh lý xảy ra khi lớp lót niêm mạc thực quản bị sưng viêm. Tình trạng này có thể khiến cho người bệnh cảm thấy đau và khó chịu mỗi khi nuốt thức ăn.

viêm thực quản là gì
Viêm thực quản là tình trạng niêm mạc ở thực quản bị sưng viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau

Do có nhiều triệu chứng tương đồng, bệnh viêm thực quản thường bị nhầm lẫn với trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên trên thực tế viêm thực quản có tiến triển phức tạp, mức độ nguy hiểm và dễ gây biến chứng nguy hiểm nếu không can thiệp kịp thời.

Tìm hiểu thêm: Thực quản là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo & thông tin cần biết

Triệu chứng viêm thực quản

Khi viêm thực quản phát sinh, bạn sẽ nhận thấy một số triệu chứng sau đây:

  • Đau họng: Tình trạng viêm ở thực quản có thể gây đau họng và vướng nghẹn khi nuốt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây chèn ép dây thanh quản, khiến cổ họng sưng đau và khàn tiếng.
  • Ợ hơi, ợ chua: Ợ hơi và ợ chua là dấu hiệu đặc trưng của các bệnh lý ở thực quản. Triệu chứng này thường xảy ra khi bụng đói – vì đây là thời điểm dạ dày tăng tiết acid nhiều hơn bình thường.
  • Đau ngực: Khi ăn no, viêm thực quản có thể làm phát sinh cơn đau tức ngực hoặc đau vùng thượng vị.
  • Khó khăn khi ăn uống: Thực quản là cơ quan vận chuyển thức ăn xuống dạ dày. Do đó khi cơ quan này bị viêm, lượng thức ăn được thu nạp có thể gây chèn ép và làm phát sinh triệu chứng đau cổ họng, khó nuốt hoặc đắng miệng.
triệu chứng viêm thực quản
Bệnh lý này có thể gây đau cổ họng, vướng nghẹn khi nuốt, chán ăn, buồn nôn,…

Ngoài những triệu chứng nói trên, bệnh viêm thực quản còn gây ra tình trạng buồn nôn, chán ăn, ăn không ngon miệng, ho,…

Nguyên nhân gây viêm thực quản

Viêm thực quản có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định được tác nhân gây bệnh cụ thể sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Các nguyên nhân gây viêm thực quản, bao gồm:

  • Do trào ngược acid dạ dày: Đây là tình trạng dịch vị dạ dày trào ngược lên cổ họng và thực quản. Bệnh lý này kéo dài có thể làm tổn thương và gây viêm ở niêm mạc cổ họng.
  • Do dị ứng: Dị ứng thực phẩm cũng có thể nguyên nhân gây viêm thực quản vì cơ quan này có tiếp xúc trực tiếp với “dị nguyên”. Sau khi dung nạp thực phẩm, niêm mạc ở thực quản sẽ tập trung bạch cầu và giải phóng histamine nhằm đối kháng với thành phần có trong thức ăn. Từ đó làm phát sinh hiện tượng sưng viêm thực quản, đau họng, khó nuốt,…
  • Do nhiễm trùng: Viêm là hiện tượng đặc trưng do nhiễm trùng. Vì vậy bệnh lý này có thể khởi phát do virus, vi khuẩn và nấm. Tuy nhiên thực quản là cơ quan kín, khó tiếp xúc với tác nhân gây hại. Vì vậy nhiễm trùng thường xảy ra ở những đối tượng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS, ung thư, sử dụng kháng sinh hoặc thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài, tiểu đường,…
  • Do thuốc: Hoạt chất của một số loại thuốc điều trị có thể ứ đọng bên trong niêm mạc, tích tụ và gây sưng viêm ở thực quản. Các loại thuốc có nguy cơ cao, bao gồm Kali chloride, Quinidine, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), Bisphosphonates, kháng sinh,…
nguyên nhân gây viêm thực quản
Trào ngược acid dạ dày là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm ở thực quản

Ngoài những nguyên nhân chính, bệnh viêm thực quản cũng có thể phát sinh do một số yếu tố rủi ro như:

  • Suy giảm miễn dịch
  • Hóa xạ trị
  • Tiền sử phẫu thuật vùng ngực
  • Mắc hội chứng nôn ói mãn tính
  • Thừa cân – béo phì
  • Lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá trong nhiều năm
  • Thoát vị hoành
  • Viêm thanh quản mãn tính

Viêm thực quản có nguy hiểm không?

Viêm thực quản có thể được điều trị dứt điểm nếu chẩn đoán và điều trị sớm. Với những trường hợp để bệnh kéo dài, tế bào niêm mạc có thể biến đổi bất thường, gây loét hoặc xơ hóa. Do đó, bệnh nhân bị viêm thực quản mãn tính có nguy cơ đối diện với những biến chứng như teo hẹp ống thực quản, loét thực quản và tăng nguy cơ hình thành khối u ác tính.

chẩn đoán viêm thực quản
Hẹp thực quản, hình thành khối u ác tính là biến chứng nếu bệnh kéo dài và tái phát nhiều lần

Ngoài ra tình trạng viêm ở thực quản còn gây ra cảm giác khó chịu, lười ăn, ăn không ngon,… Nếu những triệu chứng này kéo dài, thể trạng và sức khỏe thường có dấu hiệu suy giảm.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm thực quản có thể gây đau ngực kéo dài và đe dọa đến tính mạng. Vì vậy bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các biểu hiện sau:

  • Đau tức ngực và khó thở ngay cả khi bụng đói.
  • Không thể ăn uống.
  • Người sốt, đau mỏi cơ và chóng mặt.

Chẩn đoán bệnh viêm thực quản

Viêm thực quản khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán nhằm phân biệt với một số bệnh lý có triệu chứng tương tự và xác định “thủ phạm” gây bệnh cụ thể.

Các kỹ thuật chẩn đoán có thể được thực hiện, bao gồm:

  • Nội soi: Nội soi là thủ thuật chẩn đoán chính với những bệnh lý ở đường tiêu hóa. Qua hình ảnh từ nội soi, bác sĩ có thể quan sát biểu hiện của niêm mạc và nhận biết một số dấu hiệu bất thường. Nếu nghi ngờ do nhiễm trùng, có thể tiến sinh thiết mô để xét nghiệm.
  • X-Quang cản quang: Hình ảnh từ X-Quang có thể giúp bác sĩ loại trừ khả năng có khối u thực quản.

Ở những trường hợp không đặc hiệu, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số chẩn đoán khác trước khi đưa ra kết quả cuối cùng.

Tìm hiểu thêm: Nội soi thực quản là gì, có đau không, ở đâu tốt?

Điều trị bệnh viêm thực quản

Như đã đề cập, viêm thực quản khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, cần áp dụng biện pháp điều trị phù hợp với từng trường hợp để đạt được kết quả khả quan.

1. Điều trị viêm thực quản do dị ứng

Trong những trường hợp dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành cấp cứu kịp thời để hạn chế sốc phản vệ và tử vong. Đối với trường hợp dị ứng nhẹ và kéo dài, bạn cần xác định thực phẩm gây dị ứng và loại trừ nhóm thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn.

thuốc điều trị viêm thực quản
Sử dụng thuốc kháng histamine H1 có thể làm giảm triệu chứng viêm thực quản do dị ứng thực phẩm

Sau đó, có thể sử dụng thuốc kháng histamine H1 để làm giảm các triệu chứng dị ứng như ngứa da, sưng cổ họng, khó nuốt,… Với trường hợp dị ứng thức ăn mãn tính khiến không gian trong thực quản bị thu hẹp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu cần thiết.

Xem thêm: Dị ứng thức ăn – Dấu hiệu và cách chữa trị 

2. Điều trị viêm thực quản do thuốc

Viêm thực quản do thuốc là nguyên nhân có mức độ nhẹ và dễ khắc phục nhất. Để giảm hiện tượng viêm, bạn nên sử dụng thuốc dạng hỗn dịch hoặc uống viên thuốc với một ly nước đầy (250ml) để tránh tồn đọng cặn thuốc ở niêm mạc. Ngoài ra, cần chú ý hạn chế nằm sau khi uống thuốc ít nhất 30 phút.

Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị của bạn sau khi thay đổi loại thuốc hay thói quen uống thuốc mà tình trạng viêm thực quản vẫn không thuyên giảm.

3. Điều trị viêm thực quản do nhiễm trùng

Trong trường hợp nhiễm trùng thực quản, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân là do virus, vi nấm hay vi khuẩn. Dựa vào kết quả chẩn đoán, bạn sẽ được chỉ định loại thuốc kháng sinh hoặc kháng nấm tương ứng.

Khi sử dụng thuốc kháng sinh, bác sĩ có thể yêu cầu kết hợp với thuốc giảm đau để tránh cảm giác khó chịu do hiện tượng viêm ở thực quản gây ra.

4. Điều trị viêm thực quản do trào ngược

Trào ngược dạ dày là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thực quản. Để làm giảm tình trạng này, bạn cần sử dụng thuốc để hạn chế tình trạng acid trào ngược.

thuốc chữa viêm thực quản
Nếu nguyên nhân viêm thực quản do trào ngược, bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng acid, kháng sinh hoặc thuốc giảm tiết dịch vị

Các loại thuốc có thể được sử dụng:

  • Thuốc kháng acid (Yumangel, Pepsane,…): Nhóm thuốc này có khả năng giảm nhanh tình trạng trào ngược acid, từ đó cải thiện chứng đau thượng vị, ợ nóng và ợ hơi.
  • Thuốc ức chế bơm proton/ kháng thụ thể H2: Hai nhóm thuốc này có khả năng ức chế quá trình bài tiết dịch vị có hồi phục. Do đó sử dụng nhóm thuốc này có thể hạn chế hiện tượng acid trào ngược lên niêm mạc thực quản.
  • Thuốc kháng sinh (Amoxicillin, Clarithromycin,…): Kháng sinh có thể được chỉ định trong trường hợp có vi khuẩn Helicobacter pylori.

Mách bạn: Top 10 Cách Chữa Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Tại Nhà Hiệu Quả Đơn Giản

Bệnh nhân viêm thực quản nên ăn gì và kiêng gì?

Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân viêm thực quản cần xây dựng chế độ ăn hợp lý để giảm tình trạng khó nuốt, vướng nghẹn khi ăn, đắng miệng và giảm áp lực lên niêm mạc thực quản.

chế độ ăn uống cho người bệnh viêm thực quản
Xây dựng chế độ ăn khoa học có vai trò to lớn đối với quá trình điều trị bệnh viêm thực quản

Các thực phẩm nên bổ sung, bao gồm:

  • Ngũ cốc nguyên hạt (gạo, yến mạch,…): Ngũ cốc cung cấp năng lượng dồi dào và nguyên tố vi lượng cho cơ thể. Khi ăn nhóm thực phẩm này, nên chế biến ở dạng mềm, lỏng như nấu cháo, soup,… để tránh tình trạng khó nuốt.
  • Rau xanh: Rau xanh không chỉ cung cấp hàm lượng vitamin và khoáng chất đa dạng mà còn có khả năng trung hòa dịch vị dạ dày. Điều này rất có lợi với người bị viêm thực quản do trào ngược acid.
  • Khoai lang: Ngoài hàm lượng tinh bột cao, khoai lang còn chứa hợp chất thực vật và các chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Những thành phần này có chức năng phục hồi niêm mạc bị viêm và hạn chế tình trạng viêm lan rộng. Ngoài ra khoai lang cũng là loại thực phẩm mềm, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.

Các thực phẩm và thức uống cần hạn chế, bao gồm:

  • Rượu bia và cà phê: Caffeine và cồn trong các đồ uống có thể kích thích và làm nghiêm trọng tình trạng viêm ở thực quản. Thường xuyên uống rượu bia còn tăng nguy loét và ung thư ở cơ quan này.
  • Thực phẩm khô và cứng: Khi thu nạp thực phẩm khô cứng, các mảng thức ăn có thể ma sát vào vị trí viêm tại thực quản và gây đau, vướng, nghẹn khi nuốt.
  • Thực phẩm nhiều gia vị: Muối, ớt, tiêu,… trong thực phẩm là nguyên nhân gây đau rát ở niêm mạc bị viêm. Thường xuyên ăn nhóm thực phẩm này có thể khiến phạm vi viêm lan rộng.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân viêm thực quản cần phải xây dựng lối sống lành mạnh để tránh bệnh tình chuyển biến theo chiều hướng xấu.

Phòng ngừa bệnh viêm thực quản tái phát

Viêm thực quản không phải là bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên tình trạng tái phát nhiều lần có thể gây xơ hóa niêm mạc, làm hẹp không gian thực quản và tăng nguy cơ ung thư. Do đó sau thời gian điều trị, bạn nên chủ động trong việc phòng ngừa bệnh lý này.

cách phòng ngừa viêm thực quản
Luyện tập thường xuyên giúp hỗ trợ hoạt động của cơ quan tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng và ngăn ngừa viêm thực quản

Các biện pháp ngăn ngừa tái phát viêm thực quản:

  • Điều trị trào ngược acid dạ dày theo phác đồ.
  • Sử dụng thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi uống thuốc nên uống cùng với một ly nước đầy để hạn chế cặn thuốc ứ đọng.
  • Tuyệt đối không sử dụng loại thực phẩm đã có tiền sử dị ứng. Bên cạnh đó nên hạn chế nhóm thực phẩm có khả năng dị ứng cao như đậu phộng, hải sản, sữa,…
  • Hạn chế nằm sau khi uống thuốc và sau khi ăn ít nhất 30 phút.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa và giảm thiểu nguy cơ tình trạng trào ngược acid.
  • Ngủ sớm và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày. Cần hạn chế thức khuya và căng thẳng kéo dài.
  • Luyện tập thường xuyên nhằm nâng cao sức đề kháng và tăng hoạt động của cơ quan tiêu hóa.
  • Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để bác sĩ quan sát tiến triển của niêm mạc thực quản và kịp thời khắc phục nếu có dấu hiệu bất thường.

Viêm thực quản là hệ quả do trào ngược acid dạ dày kéo dài hoặc do một số nguyên nhân khác. Khi bệnh lý phát sinh, cần chủ động điều trị và phòng ngừa để giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như loét thực quản, hẹp ống thực quản và ung thư.

Có thể bạn quan tâm

Ngày đăng 08:47 - 27/04/2024 - Cập nhật lúc: 14:52 - 23/05/2024
Chia sẻ:
Hở Van Dạ Dày Gây Hôi Miệng Và Cách Khắc Phục

Hở van dạ dày gây hôi miệng là hệ quả do dịch vị và mùi khó chịu bên trong dạ…

trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi Trào Ngược Dạ Dày Ở Trẻ 2 Tuổi Và Những Điều Mẹ Cần Biết

Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tuổi có thể gây ốm yếu, chán ăn, và suy giảm miễn dịch,…

Chữa trào ngược dạ dày tại Thuốc dân tộc – Người bệnh chia sẻ kinh nghiệm thoát khỏi bệnh

“Tôi bị trào ngược dạ dày khoảng 10 năm. Đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ trong nước những vẫn…

NS Thu Hà chia sẻ về nỗi khổ khi bị bệnh Hành trình NS Thu Hà CHỮA KHỎI viêm hang vị, trào ngược dạ dày và Hội chứng ruột kích thích tại THUỐC DÂN TỘC

Mất ăn mất ngủ vì phải sống chung với bệnh viêm hang vị và trào ngược dạ dày mấy năm…

Bị trào ngược dạ dày có nên ăn khoai lang không?

Khoai lang là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng dùng được.…

Bình luận (1)

  1. Vũ huy long
    Vũ huy long says: Trả lời

    Em hay bị ngứa và buồn buồn như có gì vướng vướng o phần thực quản. Không biết là bị làm sao ạ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua