Cảnh giác “biến chứng trào ngược dạ dày thực quản”
Biến chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm Barrett và ung thư thực quản nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Do đó việc nhận thức các rủi ro tiềm ẩn và can thiệp sớm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bạn.
7 Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và gây ra một số ảnh hưởng nhất định đối với cơ thể. Nếu không được kiểm soát và điều trị tốt, bệnh có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.
Dưới đây là các biến chứng trào ngược dạ dày thực quản đã được ghi nhận:
1. Bệnh Barrett thực quản
Khoảng 5 – 10% người bệnh trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng Barrett thực quản. Đây là tình trạng ống cơ mang thức ăn và nước bọt đến dạ dày được lót một lớp tế bào, mô tương tự như các tế bào được tìm thấy trong ruột.
Bệnh Barrett thực quản không gây ra các dấu hiệu nhận biết cụ thể nào cả. Do đó, người bệnh nên thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra nếu có bệnh trào ngược dạ dày. Bác sĩ có thể đề nghị nội soi đường tiêu hóa trên để kiểm tra và quan sát thực quản.
Biến chứng này thường xuất hiện ở những người bị trào ngược mãn tính. Nam giới trong độ tuổi trung niên dễ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Mặc dù không phổ biến nhưng bệnh Barrett thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản.
2. Viêm thực quản ăn mòn
Viêm thực quản ăn mòn là biến chứng của trào ngược dạ dày khá phổ biến. Axit dạ dày khi trào ngược lên trên sẽ khiến thực quản bị sưng, viêm và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Các triệu chứng bệnh thường bao gồm đau khi nuốt và nóng rát thường xuyên ở thực quản.
Viêm thực quản ăn mòn có thể điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng Histamin H2 và các loại thuốc kháng axit. Ngoài ra, đôi khi bác sĩ có thể kê kháng sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
3. Hẹp thực quản
Tình trạng trào ngược dạ dày mãn tính hoặc lâu ngày có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và gây ra mô sẹo. Khi các mô sẹo được tích tụ có thể dẫn đến hẹp thực quản và gây khó nuốt.
Hẹp thực quản có thể dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, mất nước khiến người bệnh giảm cân mà không rõ lý do.
Xem chi tiết: Hẹp thực quản là gì, nguy hiểm không và cách điều trị?
4. Tăng nguy cơ trào ngược vào ban đêm gây ho, mất ngủ
Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra thường xuyên hơn vào ban đêm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, sức khỏe và hệ thống miễn dịch của người bệnh.
Ngoài ra, tình trạng này cũng làm người bệnh dễ bị nghẹt thở. Nếu axit dạ dày trào ngược vào cổ họng và miệng, người bệnh có thể vô tình hít chất lỏng này vào phổi. Điều này dẫn đến các cơn ho cùng hiện tượng khó thở khiến bệnh nhân bị mất ngủ.
Đừng bỏ qua: Trào ngược dạ dày khi ngủ (vào ban đêm) và cách trị
5. Các vấn đề về hệ thống hô hấp
Khi bị đẩy ngược lên trên, axit dạ dày không chỉ gây kích ứng niêm mạc họng mà còn được hít vào phổi. Từ đây có thể làm phát sinh nhiều vấn đề khác ở đường hô hấp.
Một số biến chứng trào ngược dạ dày thực quản liên quan đến hệ thống hô hấp như:
- Tăng nguy cơ hen suyễn hoặc làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn ở người đang bị hen suyễn.
- Khó thở hoặc ngưng thở khi ngủ
- Thở khò khè
- Ho khan
- Xuất hiện chất lỏng trong phổi
- Viêm thanh quản hoặc thay đổi giọng nói
- Đau họng
- Viêm phổi, viêm phế quản
6. Sâu răng
Trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và mất răng. Lý do bởi axit dạ dày có thể làm mòn men răng, chân và phần thân của răng. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị mất răng vĩnh viễn.
7. Tăng nguy cơ ung thư thực quản
Axit dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản sẽ gây tổn thương và viêm niêm mạc thực quản. Lâu dần, các tế bào bị ảnh hưởng có thể biến đổi và phát triển thành tế bào Barrett, một dạng tiền ung thư.
Nếu không được điều trị kịp thời, tế bào Barrett có thể tiếp tục biến đổi và phát triển thành ung thư thực quản.
Một số dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản bao gồm:
- Khó nuốt và đau khi nuốt
- Khàn tiếng
- Buồn nôn và nôn thường xuyên
- Đau ngực, khó tiêu, đầy hơi, ợ nóng
- Giảm cân không rõ lý do
- Phân đen.
Nếu người bệnh gặp các triệu chứng ung thư thực quản kết hợp với trào ngược, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Xem thêm: Bệnh Ung Thư Thực Quản Có Nguy Hiểm Không? Chữa Được Không?
Phòng ngừa biến chứng trào ngược dạ dày
Để phòng ngừa các biến chứng trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh nên thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng có thể giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ gặp biến chứng do bệnh gây ra.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho người bệnh:
- Ăn các bữa ăn nhỏ thay vì ăn một bữa ăn lớn. Ngoài ra, người bệnh cần tránh ăn vặt, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
- Nằm ngủ với gối để nâng đầu lên cao khi nằm nhằm tránh hiện tượng trào ngược axti vào ban đêm.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm béo, axit, rượu, chocolate, bạc hà và cà phê. Các loại thực phẩm này có thể gây áp lực lên hệ thống tiêu hóa và khiến tình trạng trào ngược trở nên nghiêm trọng.
- Không nên nằm liền ngay sau khi ăn, đặc biệt là nằm úp xuống. Điều này khiến axit dễ chảy ngược vào thực quản và khiến bệnh trở nên nghiêm trọng.
- Không hút thuốc lá. Tránh xa những khu vực thường xuyên có người hút thuốc.
- Giảm cân nếu người bệnh thừa cân béo phì và giữ cân nặng ở mức trung bình.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Không mặc quần áo chật bụng hoặc thắt lưng quá chật. Điều này có thể làm co thắt dạ dày và gây trào ngược.
Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì vậy, một khi đã mắc căn bệnh này, bạn nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe trong suốt quá trình điều trị nhằm sớm phát hiện các vấn đề phát sinh và can thiệp y tế kịp thời.
Bạn không nên bỏ qua
- Bị trào ngược dạ dày thực quản nên kiêng gì, ăn gì tốt?
- Top 10 Cách Chữa Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Tại Nhà Hiệu Quả Đơn Giản
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!