Hẹp thực quản là gì, nguy hiểm không và cách điều trị?
Hẹp thực quản là tình trạng không gian trong lòng thực quản bị thu hẹp, làm cản trở quá trình thức ăn di chuyển từ miệng vào dạ dày, khiến bệnh nhân thường xuyên có triệu chứng khó nuốt và đau khi ăn. Nguyên nhân có thể do viêm kéo dài, tổn thương từ axit dạ dày hoặc biến chứng sau phẫu thuật. Bệnh cần được điều trị đúng cách để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Hẹp thực quản là gì?
Hẹp thực quản là tình trạng thực quản bị tổn thương, lòng thực quản thu hẹp lại gây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển thức ăn từ khoang miệng xuống đến dạ dày.
Bệnh hẹp thực quản có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng nhưng thường gặp ở người lớn tuổi hơn. Đặc biệt, bệnh xảy ra phổ biến ở trường hợp có tiền sử mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc những người đã từng trải qua phẫu thuật, điều trị bức xạ vùng cổ, ngực.
Đa số các trường hợp hẹp thực quản đều không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người bệnh.
Xem thêm: Thực quản là gì, nằm ở đâu? Cấu tạo & thông tin cần biết
Triệu chứng hẹp thực quản
Bệnh hẹp thực quản rất dễ để nhận biết thông qua các triệu chứng lâm sàng sau đây:
- Khó khăn khi ăn uống, luôn cảm thấy khó chịu và mắc nghẹn khi nuốt thức ăn.
- Nghẹt thở hoặc khó thở khi nuốt thức ăn đặc rắn.
- Hay bị khó thở, thở dốc.
- Vùng thượng vị và ngực có cảm giác đau tức.
- Cân nặng giảm sút.
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng thu hẹp của thực quản. Các trường hợp hẹp nặng thường khó khăn hơn trong việc nuốt thức ăn và có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng do không nạp đủ thức ăn.
Nguyên nhân gây hẹp thực quản
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh hẹp thực quản. Phổ biến nhất là những yếu tố sau:
- Do viêm trào ngược dạ dày – thực quản (GERD): Đây là nguyên nhân gây hẹp thực quản thường gặp nhất hiện nay. Lúc này, acid từ dạ dày bị trào ngược lên thực quản sẽ ăn mòn lớp niêm mạc dẫn đến viêm thực quản. Nếu quá trình này tái phát nhiều lần sẽ khiến thực quản bị tổn thương và không thể phục hồi, từ đó hình thành nên các mô sẹo gây hẹp bên trong lòng thực quản.
- Do bẩm sinh: Trong quá trình phát triển của thai kỳ, thực quản của thai nhi phát triển không bình thường, bị tắc nghẽn. Bệnh thường xảy ra trong tuần thứ 4 của thai kỳ và gen là một trong những yếu tốt chính gây hẹp thực quản bẩm sinh.
- Do các bệnh lý ác tính: Hẹp thực quản cũng có thể xảy ra do một số căn bệnh nguy hiểm như ung thư thực quản, xuất hiện khối u ác tính bên ngoài thực quản,…
- Nguyên nhân khác: Hẹp thực quản cũng có thể xảy ra do sự hình thành các mô sẹo trong thực quản hoặc là biến chứng của một số bệnh lý như xạ trị ở ngực và cổ, nuốt phải chất hóa học có tính ăn mòn, chấn thương thực quản do nội soi,…
Xem thêm: Bệnh viêm thực quản trào ngược độ a là gì, nguy hiểm không?
Hẹp thực quản có nguy hiểm không?
Hẹp thực quản là căn bệnh gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Lòng thực quản bị thu hẹp sẽ khiến quá trình ăn uống của người bệnh diễn ra khó khăn hơn. Tình trạng ăn uống kém hoặc không ăn được nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị suy nhược, thiếu dưỡng chất và gây tác động xấu đến sức khỏe.
Đồng thời, khi bị hẹp thực quản tinh thần người bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều trường hợp luôn cảm thấy lo âu, căng thẳng, buồn phiền và có nguy cơ bị trầm cảm.
Nếu hẹp thực quản không được điều trị sớm sẽ gây ra biến chứng Barrett thực quản, đây là hiện tượng thực quản có sự thay đổi bất thường về cấu trúc và hình thái. Nếu mắc phải biến chứng này, người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn liên tục, vùng ngực đau tức rất khó chịu, đi ngoài phân đen và có thể nôn ra máu.
Barrett thực quản được xem là một giai đoạn tiền ung thư thực quản. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi và gây ra những hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, bệnh hẹp thực quản cũng có nguy cơ gây tràn dịch phổi và dẫn đến bệnh viêm phổi. Việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro và biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Chẩn đoán hẹp thực quản
Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau để chẩn đoán hẹp thực quản:
- Nội soi thực quản: Đây là phương pháp chính giúp bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong thực quản nhằm xác định mức độ và vị trí bị thu hẹp. Quá trình nội soi cũng cho phép lấy mẫu sinh thiết nếu cần thiết để kiểm tra tế bào bệnh lý.
- X-quang thực quản dạ dày: Phương pháp này thường sử dụng bột bari để phủ lớp màng mỏng trong thực quản khi người bệnh nuốt, giúp hình ảnh trên X-quang rõ nét, từ đó phát hiện được khu vực bị hẹp.
- Đo áp lực thực quản (Esophageal manometry): Được sử dụng để đánh giá chức năng co bóp của thực quản, giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây khó nuốt do rối loạn chức năng thực quản.
Tìm hiểu chi tiết: Nội soi thực quản là gì, có đau không, ở đâu tốt?
Các cách điều trị hẹp thực quản
Hẹp thực quản nếu ở mức độ nhẹ thì người bệnh có thể cải thiện bằng cách xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học để bệnh được cải thiện từ từ. Tuy nhiên, ở những trường hợp bệnh nặng thì người bệnh tuyệt đối không được chủ quan.
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh hẹp thực quản, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám và có các phương pháp điều trị tích cực.
1. Điều trị hẹp thực quản không dùng thuốc
Hai phương pháp điều trị hẹp thực quản không dùng thuốc thường được bác sĩ chỉ định điều trị là nong thực quản và đặt stent thực quản:
– Nong thực quản
Nong thực quản là phương pháp được bác sĩ ưu tiên lựa chọn điều trị cho bệnh nhân bị hẹp thực quản. Đây là một thủ thuật có đơn giản có tác dụng ngăn chặn quá trình hẹp thực quản tiếp diễn, giúp bệnh nhân có thể ăn uống dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nong thực quản, người bệnh sẽ cảm thấy rất khó chịu và phải thực hiện nhiều lần để hạn chế bệnh tái phát.
– Đặt stent thực quản
Phương pháp này sử dụng bóng để nong rộng thực quản sau đó đặt stent vào đoạn bị hẹp. Stent được đặt cố định có tác dụng chống đỡ vào thành thực quản để giữ cho không gian bên trong không bị hẹp.
2. Dùng thuốc trị hẹp thực quản
Sử dụng thuốc để điều trị có vai trò rất quan trọng đối với những trường hợp hẹp thực quản do trào ngược dạ dày ở mức độ nặng. Các loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn để điều trị là:
- Thuốc ức chế giảm sự bài tiết acid ở dạ dày.
- Thuốc kháng acid có tác dụng trung hòa acid dạ dày, làm giảm các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
- Thuốc điều hòa co thắt ống tiêu hóa.
Chữa hẹp thực quản bằng thuốc yêu cầu bệnh nhân phải sử dụng trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần phải kiên trì và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý thay đổi thuốc và liều lượng gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Tìm hiểu thêm: 11+ Thuốc Điều Trị Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản Tốt Nhất
3. Cách chữa hẹp thực quản bằng phẫu thuật
Đối với những trường hợp sau khi thực hiện điều trị bằng các phương pháp trên nhưng không đem lại hiệu quả sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định tiến hành làm phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả nhanh chóng, giúp các triệu chứng của bệnh được cải thiện một cách triệt để.
Tuy nhiên sau khi tiến hành phẫu thuật điều trị, hẹp thực quản vẫn có khả năng tái phát trở lại sau một vài năm. Vì vậy, người bệnh phải phối hợp điều trị bằng thuốc kiểm soát GERD theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa hẹp thực quản tái phát
Trào ngược dạ dày – thực quản là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra căn bệnh hẹp thực quản. Vì vậy, người bệnh cần xây dựng thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để có thể kiểm soát được bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả:
- Nằm đúng tư thế, khi nằm nên nâng cao đầu so với mặt giường giúp hạn chế tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Thừa cân là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ trào ngược dạ dày – thực quản. Vì vậy, nếu đang trong trạng thái thừa cân bạn hãy lên kế hoạch giảm cân khoa học và hợp lý sẽ có tác dụng rất tốt trong việc kiểm soát tình trạng trào ngược dạ dày.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, ăn chậm nhai kỹ, không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói, hãy chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày và thực quản.
- Tuyệt đối tránh xa đồ uống có cồn, chất kích thích gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ như thuốc lá, bia, rượu,…
- Không nên sử dụng thức ăn cay, thực phẩm giàu chất béo, đồ uống có ga, hoa quả chua,… đây là những loại thực phẩm rất dễ gây ra hiện tượng trào ngược axit dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao giúp nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể. Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng có tác dụng thúc đẩy quá trình nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Sử dụng thuốc điều trị theo đơn kê, tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh, có các biện pháp can thiệp kịp thời khi bệnh có dấu hiệu chuyển biến xấu.
Hẹp thực quản không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn dẫn đến suy dinh dưỡng và một số biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy, khi thấy bản thân có những dấu hiệu mắc bệnh, bạn không nên chủ quan bỏ qua mà hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, điều trị.
Có thể bạn quan tâm:
- Loét thực quản – Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và điều trị
- Trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì, kiêng gì tốt?
Bình luận (1)
Cháu nhà e hẹp tp lớn có hết ko a