Cách điều trị viêm họng mất tiếng và những lưu ý khi mắc phải
Viêm họng mất tiếng xảy ra khi vi khuẩn gây nhiễm trùng lây lan sang dây thanh quản. Ngoài ra tình trạng cũng có thể khởi phát do chăm sóc không đúng cách hoặc không can thiệp điều trị viêm họng trong giai đoạn đầu của bệnh.
Vì sao bệnh viêm họng gây mất tiếng?
Viêm họng xảy ra khi niêm mạc ở hầu họng bị viêm do dị ứng, nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn, bạn có thể gặp phải tình trạng khàn giọng và mất tiếng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do nhiễm trùng ở cổ họng lây lan sang dây thanh quản và ảnh hưởng đến hoạt động tạo âm thanh của cơ quan này.
Ngoài ra hiện tượng mất tiếng khi bị viêm họng còn có thể khởi phát do một số yếu tố chủ quan như:
- Không kiểm soát tình trạng nhiễm trùng họng kịp thời
- Thường xuyên la hét và nói quá nhiều trong thời gian điều trị
- Hút thuốc lá
- Bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản mãn tính
Viêm họng gây mất tiếng là tình trạng thường gặp. Tuy nhiên tình trạng mất tiếng có thể gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và làm việc. Trong trường hợp để kéo dài, dây thanh quản có thể bị tổn thương nặng nề và khiến giọng nói bị thay đổi vĩnh viễn.
Các biện pháp điều trị viêm họng mất tiếng
Tình trạng mất tiếng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và làm việc. Hơn nữa tình trạng này kéo dài còn có thể khiến dây thanh quản bị tổn thương vĩnh viễn. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng mất tiếng do viêm họng, bạn nên tiến hành các biện pháp điều trị sau:
1. Tích cực điều trị bệnh viêm họng
Nguyên nhân gây mất tiếng là do tổn thương ở hầu họng. Vì vậy để cải thiện chứng khàn giọng và mất tiếng, bạn cần tích cực trong quá trình điều trị viêm họng.
Với trường hợp nhiễm trùng họng do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh và thuốc giảm đau để cải thiện triệu chứng. Nếu sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ định, bệnh tình sẽ có xu hướng thuyên giảm sau khoảng 7 – 10 ngày.
Khi tình trạng viêm họng được cải thiện, tổn thương ở thanh quản cũng sẽ được kiểm soát, từ đó làm giảm triệu chứng mất giọng, khàn tiếng,…
2. Áp dụng mẹo chữa mất tiếng do viêm họng
Để giảm nhanh tình trạng mất tiếng do viêm họng, bạn có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà sau đây.
– Ngậm mật ong và chanh tươi
Ngậm mật ong và chanh tươi có thể làm dịu cổ họng và giảm viêm ở dây thanh quản. Ngoài ra các hợp chất chống oxy hóa trong mật ong còn có tác dụng tái tạo tế bào tổn thương, giảm viêm và bảo vệ niêm mạc cơ quan hô hấp trên khỏi tác động của vi khuẩn.
Bên cạnh đó hàm lượng acid citric trong chanh còn có tác dụng làm loãng đờm và loại bỏ hoàn toàn dịch tiết hô hấp ở cổ họng. Chanh còn chứa vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ cơ thể trong hoạt động ức chế vi khuẩn gây bệnh.
Thực hiện:
- Cắt lát ½ quả chanh
- Sau đó đem ngâm lát chanh với 1 ít mật ong trong 2 giờ đồng hồ
- Khi dùng, bạn nên ngậm từng lát chanh để dưỡng chất thẩm thấu vào cổ họng
- Thực hiện mẹo này 3 – 4 lần/ tuần liên tục trong vòng vài ngày để giảm ngay triệu chứng mất tiếng
Ngoài ra bạn cũng có thể dùng trà chanh và mật ong ấm vào sáng sớm để làm dịu cổ họng và giảm cảm giác khó chịu.
– Trà gừng giảm viêm họng gây mất tiếng
Gừng là loại dược liệu tự nhiên quen thuộc với người Việt. Gừng có vị cay, nồng, tính ấm, tác dụng sát trùng, kháng khuẩn và chống viêm. Ngoài ra các hợp chất thực vật trong gừng như Zingiberene và Zingiberol còn có tác dụng phục hồi các niêm mạc bị tổn thương.
Sử dụng trà gừng có thể làm giảm tình trạng khó chịu ở cổ họng, đồng thời đánh bật mùi hôi khó chịu và cải thiện triệu chứng khàn giọng, mất tiếng.
Thực hiện:
- Thái mỏng ½ củ gừng tươi
- Sau đó đem hãm với 200ml nước sôi
- Đợi nước nguội bớt có thêm 1 ít mật ong vào
- Uống từng ngụm nhỏ để làm dịu vùng cổ họng sưng đau
Với mẹo chữa viêm họng mất tiếng với trà gừng, bạn nên áp dụng 2 lần/ ngày (sáng – tối). Ngoài tác dụng giảm khàn giọng và mất tiếng, trà gừng còn cải thiện tình trạng sưng đau, ngứa họng, giảm buồn nôn và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Lá hẹ hấp mật ong trị mất tiếng do viêm họng
Ngoài ra bạn cũng có thể làm giảm tình trạng mất tiếng do viêm họng bằng cách áp dụng mẹo chữa từ mật ong và lá hẹ. Lá hẹ chứa các hợp chất thực vật (Saponin và Odorin) có tác dụng tương tự kháng sinh, giúp kiểm soát hoạt động và tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Do đó áp dụng mẹo chữa này có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng và cải thiện tình trạng mất tiếng do bệnh lý này gây ra.
Thực hiện:
- Đem khoảng 50g lá hẹ rửa sạch và để ráo nước
- Cắt lá hẹ thành khúc dài khoảng 1 – 2cm
- Sau đó cho lá hẹ vào chén và thêm 3 – 4 thìa mật ong
- Đem hấp cách thủy trong 15 phút
- Sau đó chắt lấy nước và uống trực tiếp (có thể ăn cả xác để tăng tác dụng điều trị)
Các mẹo điều trị viêm họng tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Vì vậy bạn nên phối hợp các biện pháp này với việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những điều cần lưu ý khi bị mất tiếng do viêm họng
Để quá trình điều trị đạt được kết quả tốt, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:
- Tránh nói quá nhiều hoặc la hét trong thời gian điều trị. Nếu tính chất công việc phải giao tiếp thường xuyên, bạn nên xin nghỉ trong vòng vài ngày để cổ họng và thanh quản được phục hồi hoàn toàn.
- Nên uống nhiều nước để làm dịu niêm mạc và giảm tình trạng khô họng. Ngoài ra bổ sung đủ nước cho cơ thể còn làm giảm tình trạng mệt mỏi và sốt cao do nhiễm trùng.
- Hạn chế thói quen hút thuốc lá, sử dụng cà phê và rượu bia trong thời gian điều trị viêm họng. Các thói quen này có thể khiến cổ họng sưng viêm nghiêm trọng và khiến tình trạng mất tiếng trở nên khó cải thiện hơn.
- Không nên tiêu thụ các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc cổ họng như thực phẩm khô cứng, cay nóng, chứa nhiều gia vị và chất béo. Thay vào đó nên ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu hóa.
- Nên chải răng và súc miệng bằng nước muối thường xuyên. Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể giảm nguy cơ vi khuẩn lây lan sang các cơ quan khác.
- Tránh tiếp xúc hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân với người khác. Các hoạt động này có thể tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khỏe mạnh.
- Giữ ấm cho cơ thể – đặc biệt là vùng cổ.
- Loại bỏ các tác nhân có khả năng kích thích cổ họng như phấn hoa, nấm mốc, lông chó mèo,…
Viêm họng gây mất tiếng là tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên nếu tình trạng này đi kèm với dấu hiệu sốt cao (trên 40 độ C), người ớn lạnh, nổi hạch ở cổ, buồn nôn, nôn mửa kéo dài, tiêu chảy,… bạn nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- 3 Bài thuốc dân gian chữa viêm họng mãn tính hiệu quả
- Mẹo chữa viêm họng không dùng thuốc kháng sinh vẫn khỏi
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!