Đau họng sổ mũi là bệnh gì, uống thuốc gì nhanh khỏi?
Đau họng kèm sổ mũi có thể do viêm họng cấp, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, cảm lạnh (viêm mũi họng) hoặc cảm cúm. Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể sử dụng thuốc Tây hoặc áp dụng các bài thuốc từ y học cổ truyền.
Đau họng sổ mũi là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau họng, sổ mũi là triệu chứng thường gặp của các bệnh ở cơ quan hô hấp trên. Những triệu chứng này thường có mức độ nhẹ và hiếm khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên sổ mũi và đau họng kéo dài có thể gây mệt mỏi, suy nhược và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Trong trường hợp bị đau họng kèm sổ mũi, bạn có thể mắc phải một trong những bệnh lý sau:
1. Cảm lạnh (viêm mũi họng)
Cảm lạnh là tình trạng viêm cấp tính ở mũi và hầu họng. Bệnh chủ yếu xảy ra do nhiễm rhinovirus hoặc do dị ứng, thời tiết thay đổi đột ngột, hút thuốc lá trong thời gian dài,…
Cảm lạnh đặc trưng bởi các triệu chứng ở mũi và cổ họng, bao gồm chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi, đau họng, ho, sốt nhẹ, khô miệng, mệt mỏi,… Viêm mũi họng là bệnh cấp tính chỉ kéo dài trong khoảng 2 tuần và có thể biến mất mà không cần can thiệp điều trị.
2. Cảm cúm
Cảm cúm (cúm) là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm A, B hoặc C gây ra. Các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường xuất hiện đột ngột và có mức độ nghiêm trọng hơn bệnh cảm lạnh.
Triệu chứng đặc trưng của cảm cúm là sốt cao (thường trên 40 độ C), đau họng, nhức đầu, đau cơ, ho, ớn lạnh, sổ mũi, mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng, người mệt mỏi và thiếu tập trung.
3. Viêm họng cấp
Viêm họng cấp là tình trạng nhiễm trùng hầu họng do vi khuẩn hoặc virus. Bệnh lý này đặc trưng bởi triệu chứng đau họng, nghẹt vướng khi nuốt, khô miệng, khàn tiếng và có thể đi kèm với triệu chứng ho, sổ mũi,…
Viêm họng cấp có thể được điều trị dứt điểm sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên nếu để nhiễm trùng kéo dài, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính ở thể xuất tiết và quá phát (viêm họng hạt).
4. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi sưng viêm và phù nề do tiếp xúc với các tác nhân kích thích như khói thuốc lá, phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, lông chó mèo, nước xịt phòng,… Bệnh lý này gây ra các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt, sổ mũi, mệt mỏi, phát ban nhẹ, ho, ngứa và đau họng,…
Viêm mũi dị ứng có thể khởi phát theo mùa hoặc xảy ra quanh năm và có mức độ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.
5. Viêm xoang mũi
Viêm xoang mũi là tình trạng các xoang xung quanh mũi bị viêm do dị ứng hoặc nhiễm virus/ vi khuẩn. Bệnh khởi phát với triệu chứng sổ mũi và hắt hơi.
Tuy nhiên theo thời gian bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như nghẹt mũi, ho, sốt, đau nhức vùng trán, chảy nước mũi đặc, mệt mỏi,…
Khi bị đau họng sổ mũi nên dùng thuốc gì?
Bạn có thể làm giảm triệu chứng đau họng và sổ mũi bằng cách sử dụng thuốc Tây y hoặc áp dụng các bài thuốc từ y học cổ truyền.
1. Sử dụng thuốc Tây y
Thuốc Tây trị đau họng và sổ mũi thường có tác dụng nhanh chóng và hiệu quả cao. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể gây ra rủi ro và một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng.
Các loại thuốc giảm đau họng và sổ mũi thường dùng:
- Thuốc kháng sinh (Cefaclor, Zinnat, Augmentin): Thuốc kháng sinh được sử dụng khi đau họng và sổ mũi do vi khuẩn gây ra. Nhóm thuốc này tiêu diệt vi khuẩn và giảm nhiễm trùng, từ đó cải thiện các triệu chứng của bệnh.
- Thuốc co mạch (Xylometazolin, Naphtazolin, Oxymetazolin): Thuốc co mạch có tác dụng giảm sung huyết mũi, từ đó cải thiện tình trạng nghẹt và sổ mũi. Thuốc thường được sử dụng ở dạng khí dung xịt hoặc thuốc nhỏ mũi. Tuy nhiên bạn chỉ nên dùng thuốc co mạch trong thời gian không quá 3 ngày và không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Thuốc xịt mũi chứa corticoid có tác dụng giảm viêm, ngứa và nghẹt mũi. Thuốc thường được dùng trong trường hợp sổ mũi do viêm xoang và viêm mũi dị ứng.
- Thuốc chống dị ứng – kháng histamine H1: Thuốc chống dị ứng được dùng trong trường hợp cảm lạnh, viêm xoang và viêm mũi do dị ứng gây ra. Loại thuốc này có tác dụng giảm ho, ngứa ngáy, phát ban, sổ mũi, đau và ngứa họng. Tuy nhiên sử dụng thuốc kháng histamine H1 có thể gây buồn ngủ, chóng mặt và giảm mức độ tập trung.
- Nước muối sinh lý: Với trường hợp sổ mũi do viêm họng hoặc cảm cúm, có thể rửa mũi với nước muối sinh lý nhằm loại bỏ dịch tiết và làm mềm niêm mạc.
- Thuốc giảm đau: Nếu đau họng kéo dài và gây khó chịu, bạn có thể dùng viên uống chứa Paracetamol để cải thiện cơn đau và giảm thân nhiệt.
2. Áp dụng bài thuốc từ y học cổ truyền
Ngoài việc sử dụng thuốc Tây, bạn có thể làm giảm triệu chứng sổ mũi và đau họng với một số bài thuốc từ y học cổ truyền. Bên cạnh khả năng điều trị, bài thuốc từ y học cổ truyền còn có tác dụng phòng ngừa bệnh tái phát.
– Bài thuốc 1
- Chuẩn bị: Kinh giới 16g, cỏ seo gà 16g, phòng phong 10g, cây ngũ sắc 16g, bạch chỉ 10g, thiên niên kiện 10g, xuyên khung 10g, tía tô 16g, hoàng kỳ 12g, thương nhĩ 16g và xương bồ 12g.
- Thực hiện: Đem sắc ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống.
– Bài thuốc 2
- Chuẩn bị: Bạch chỉ 10g, huyền sâm 12g, xương bồ 12g, bán hạ chế 10g, vỏ quế 6g, tế tân 10g, sa sâm 16g, xuyên khung 10g, xuyên sơn giáp 2g, xạ can 12g, củ đinh lăng 16g, sinh khương 4g, rau tần lá dày (húng chanh) 16g, đương quy 12g và trần bì 10g.
- Thực hiện: Đem sắc ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống.
– Bài thuốc 3
- Chuẩn bị: Hoa hồng bạch, vỏ quế, xuyên khung, kinh giới, lá chanh, tía tô và bạch chỉ mỗi thứ 10g.
- Thực hiện: Đem sắc cho nóng rồi đổ ra tô và xông mũi trong 15 – 20 phút.
– Bài thuốc 4
- Chuẩn bị: Củ đinh lăng, rễ xương sông, thương nhĩ, cây ngũ sắc mỗi thứ 16g, nam hoàng bá, sa sâm, nam tục đoạn, xuyên sơn giáp, cát cánh mỗi thứ 12g, bối mẫu, tang ký sinh, hoàng kỳ và tế tân mỗi thứ 10g.
- Thực hiện: Đem sắc ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống.
– Bài thuốc 5
- Chuẩn bị: Sinh khương 4g, quế chi 8g, bán hạ chế, khương hoạt, thiên niên kiện và hậu phác mỗi thứ 10g, sa sâm và độc hoạt mỗi thứ 12g, thương nhĩ, húng chanh và nam hoàng bá mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Đem sắc ngày 1 thang, chia thành 3 lần uống.
Chế độ chăm sóc khi bị đau họng kèm sổ mũi
Đau họng kèm sổ mũi thường đáp ứng tốt với việc sử dụng thuốc Tây và bài thuốc dân gian. Tuy nhiên để rút ngắn thời gian điều trị, bạn cần kết hợp với chế độ chăm sóc khoa học.
Chế độ chăm sóc cho bệnh nhân bị đau họng và sổ mũi:
- Cần tránh la hét hoặc nói quá nhiều, đồng thời nên giữ ấm cơ thể và vùng cổ.
- Súc miệng với giấm táo pha loãng hoặc nước muối ấm thường xuyên để loại bỏ dịch đờm và làm giảm đau rát cổ họng.
- Dành thời gian nghỉ ngơi khi đang điều trị, tránh vận động mạnh và làm việc quá sức.
- Nâng cao sức khỏe bằng cách uống nhiều nước, bổ sung nước ép, trái cây và các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng.
- Nên ngủ từ 7 – 8 giờ và hạn chế thói quen thức khuya.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc, dùng trà đặc và cà phê trong thời gian điều trị.
- Có thể phối hợp việc dùng thuốc với một số mẹo trị đau họng sổ mũi tại nhà như ngậm gừng tươi, uống trà mật ong, nhai lá bạc hà,…
- Tắm nước ấm có thể giúp giải cảm nhanh chóng.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích thích trong thời gian điều trị.
Triệu chứng đau họng kèm sổ mũi có thể thuyên giảm nếu dùng thuốc đều đặn và chăm sóc đúng cách. Trong trường hợp triệu chứng có dấu hiệu nặng dần theo thời gian, bạn nên tìm gặp bác sĩ để xác định các bệnh lý tiềm ẩn.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Ngứa họng – Vạch trần nguyên nhân & cách điều trị
- 7 bài thuốc dân gian chữa viêm họng dùng hiệu nghiệm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!