Viêm mũi họng (cảm lạnh) – Cách điều trị, giảm nhanh triệu chứng

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Viêm mũi họng (cảm lạnh) đề cập đến tình trạng viêm cấp tính ở mũi và hầu họng. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mắt, chảy nước mắt và đau họng. Cảm lạnh là bệnh lý lành tính và có thể tự thuyên giảm mà không cần can thiệp các biện pháp y tế.

triệu chứng viêm mũi họng
Viêm mũi họng (cảm lạnh) là bệnh lý có liên quan đến tình trạng viêm cấp tính ở mũi và hầu họng

Viêm mũi họng (cảm lạnh) là gì?

Viêm mũi họng (cảm lạnh) là bệnh viêm đường hô hấp trên khá phổ biến. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng sưng viêm cấp ở vòm họng và ống mũi.

Viêm mũi họng là bệnh khá lành tính và có thể thuyên giảm mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên triệu chứng của bệnh có thể kéo dài trong vòng 2 tuần và gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Hơn nữa cảm lạnh còn có đặc tính dễ lây lan và bùng phát vào thời tiết lạnh.

Bệnh lý này có thể gặp ở mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người trưởng thành và người cao tuổi. Tuy nhiên bệnh có xu hướng xuất hiện ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch của nhóm đối tượng này chưa phát triển hoàn chỉnh.

Nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh

Phần lớn các trường hợp bị cảm lạnh đều do virus gây ra. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân, cảm lạnh có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác.

bệnh viêm mũi họng
Nhiễm rhinovirus từ người mắc bệnh là nguyên nhân chính gây ra cảm lạnh

Các nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh cảm lạnh, bao gồm:

  • Nhiễm rhinovirus (có hơn 100 loại virus) từ người nhiễm bệnh thông qua hoạt động giao tiếp, ôm hôn hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân.
  • Dị ứng phấn hoa, thời tiết, bụi bẩn, nấm mốc, thực phẩm,…
  • Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá và sinh sống trong môi trường ô nhiễm.
  • Thay đổi thời tiết đột ngột (thời điểm giao mùa từ mùa hè sang mùa thu).

Triệu chứng nhận biết viêm mũi họng

Sau khi ủ bệnh khoảng 2 – 3 ngày, virus gây cảm lạnh có thể khởi phát các triệu chứng điển hình như:

  • Nghẹt mũi
  • Hắt hơi
  • Chảy nước mũi
  • Đau rát họng
  • Mệt mỏi
  • Sốt nhẹ
  • Ho
  • Chảy nước mắt

Phần lớn các triệu chứng của bệnh cảm lạnh đều tập trung ở vùng mũi và hiếm khi gây ra các triệu chứng toàn thân nghiêm trọng.

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Cảm lạnh và cảm cúm là hai bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên phổ biến và có nhiều triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên cảm cúm thường do virus cúm A và B gây ra, triệu chứng của bệnh có mức độ nặng nề và thường phải can thiệp điều trị mới chấm dứt hoàn toàn.

Các triệu chứng đặc trưng của cảm cúm, bao gồm sốt cao (khoảng 39 – 40 độ C), đau cơ, đau đầu, chảy nước mũi, người mệt mỏi, chóng mặt, đau họng,…

Vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng ở tai mũi họng, bạn nên xem xét các biểu hiện đi kèm để phân biệt cảm lạnh – cảm cúm và có biện pháp điều trị phù hợp.

Cách điều trị bệnh viêm mũi họng (cảm lạnh)

Viêm mũi họng có thể thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể cản trở quá trình làm việc và sinh hoạt. Trong trường hợp này, bạn có thể can thiệp một số phương pháp khắc phục sau:

1. Sử dụng thuốc

Nguyên nhân gây cảm lạnh là do nhiễm rhinovirus, vì vậy bạn không thể sử dụng kháng sinh để điều trị. Việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân cảm lạnh có mục đích làm giảm các triệu chứng như đau họng, ho, chảy nước mũi,…

bệnh viêm mũi họng
Có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc chống ho,… để cải thiện triệu chứng của bệnh viêm mũi họng

Các loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh cảm lạnh, bao gồm:

  • Pseudoephedrine: Loại thuốc này tác động qua hệ thần kinh giao cảm nhằm giảm sung huyết và cải thiện các triệu chứng ở tai mũi họng như chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, đờm,… Tuy nhiên không sử dụng Pseudoephedrine cho người bị cao huyết áp, mắc bệnh cường giáp hoặc đang sử dụng thuốc IMAO.
  • Thuốc kháng histamine H1: Nhóm thuốc này được sử dụng nhằm làm giảm các triệu chứng như chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mắt,… do dị ứng gây ra. Các loại thuốc kháng histamine H1 được sử dụng bao gồm Claritin, Benadryl,…
  • Thuốc giảm đau và chống viêm: Acetaminophen, Ibuprofen, Diclofenac,… có thể được sử dụng để giảm đau đầu, đau họng và sốt nhẹ do cảm lạnh gây ra.
  • Thuốc trị ho: Thuốc trị ho Toplexin, Codein, Dextromethorphan,… có thể được sử dụng để giảm triệu chứng ho do cảm lạnh.
  • Thuốc long đờm (Acetylcystein): Thuốc long đờm có tác dụng làm lỏng dịch tiết hô hấp trong cổ họng và tạo điều kiện để cơ thể loại bỏ đờm. Tuy nhiên khi sử dụng loại thuốc này, bạn cần uống nhiều nước để tránh tình trạng khô miệng.

Việc sử dụng thuốc có thể làm giảm triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên lạm dụng các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy bạn chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn (khoảng 3 ngày) và cần kết hợp với các biện pháp tại nhà để kiểm soát triệu chứng hoàn toàn.

2. Biện pháp điều trị tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị, bạn có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm mũi họng bằng các biện pháp tại nhà. Áp dụng các biện pháp này thường xuyên có thể làm giảm đau họng, chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, sốt, đau đầu,…

điều trị viêm mũi họng
Uống trà chanh mật ong giúp giảm đau rát cổ họng, cải thiện tình trạng nghẹt mũi và ho kéo dài

Các biện pháp giảm cảm lạnh ngay tại nhà, bao gồm:

  • Uống trà chanh và mật ong: Loại trà này có tác dụng xoa dịu các triệu chứng của bệnh viêm mũi họng nhanh chóng. Ngoài ra vitamin C trong chanh còn tăng cường hoạt động miễn dịch của cơ thể và ức chế virus gây bệnh.
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý: Biện pháp này có thể giúp loại bỏ dị nguyên và dịch tiết hô hấp bên trong mũi. Rửa mũi 2 lần/ ngày có thể làm giảm tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi,… do cảm lạnh gây ra.
  • Xông hơi với tinh dầu: Bạn có thể xông hơi với tinh dầu bạc hà, đinh hương, sả hoặc gừng để thông mũi và xoa dịu các triệu chứng do bệnh cảm gây ra. Ngoài ra xông mũi còn hỗ trợ loại bỏ các tác nhân kích thích như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc,… ở bên trong cơ quan hô hấp.
  • Tắm nước ấm: Tắm nước ấm giúp làm giảm mệt mỏi và đau nhức do nhiễm trùng đường hô hấp gây ra. Ngoài ra nhiệt độ ấm còn giúp giãn không gian đường thở và hỗ trợ đào thải nước mũi ra bên ngoài.
  • Súc miệng với nước muối: Biện pháp này giúp loại bỏ virus gây nhiễm trùng, giảm hôi miệng và cải thiện cơn đau ở cổ họng. Ngoài ra súc nước muối thường xuyên còn giảm lượng đờm ứ đọng tại hầu họng.

3. Chế độ chăm sóc

Ngoài việc cải thiện triệu chứng, bạn cần xây dựng chế độ chăm sóc hợp lý nhằm nâng cao hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình điều trị.

điều trị cảm lạnh
Trong thời gian điều trị cảm lạnh nên bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa

Chế độ chăm sóc cho bệnh nhân bị cảm lạnh, bao gồm:

  • Uống nhiều nước (nên uống nước ấm) để làm dịu niêm mạc, giảm đau rát và cảm giác khó chịu ở cổ họng. Ngoài ra bổ sung đủ nước cho cơ thể còn hỗ trợ làm loãng dịch tiết ở mũi.
  • Hạn chế xì mũi quá nhiều – hoạt động này có thể gây tổn thương niêm mạc mũi và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy bạn chỉ nên xì mũi nhẹ nhàng để loại bỏ dịch tiết và dị nguyên ứ đọng bên trong.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, dâu tây,… để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ hoạt động ức chế vi khuẩn của cơ thể.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi trong giai đoạn bệnh mới khởi phát. Hoạt động quá sức trong thời gian này có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng do viêm mũi họng gây ra.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm giảm kích ứng và khô rát ở vùng mũi.
  • Giữ ấm cho cơ thể để tránh bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt, canh,… Đồng thời nên hạn chế cà phê, rượu bia và nước ngọt có gas.
  • Thêm tỏi, sả, gừng,… vào các món ăn hằng ngày nhằm tăng cường miễn dịch và hỗ trợ ức chế tác nhân gây viêm ở mũi – họng.
  • Hạn chế tiếp xúc vật lý và sử dụng vật dụng với người khác để hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh.
  • Cần vệ sinh tay với xà phòng sau khi xì mũi.

Phòng ngừa bệnh cảm lạnh bằng cách nào?

Mặc dù cảm lạnh không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng sự xuất hiện của các triệu chứng có thể gây khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

bị cảm lạnh
Giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh và cảm cúm

Vì vậy ngay sau khi điều trị, bạn cần thực hiện các biện pháp giúp làm giảm nguy cơ bệnh tái phát như:

  • Giữ ấm cho cơ thể và cần vệ sinh tay thường xuyên với xà phòng – nhất là trước khi ăn.
  • Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
  • Nên đeo khẩu trang di chuyển ngoài trời trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh (khi thời tiết chuyển lạnh).
  • Không sử dụng vật dụng cá nhân với người khác.
  • Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc,… nhằm nâng cao thể trạng và chức năng miễn dịch.
  • Cung cấp đủ lượng nước mà cơ thể cần.
  • Đánh răng 2 lần/ ngày và thường xuyên súc miệng với nước muối.
  • Với những người có hệ miễn dịch yếu, nên tập thể dục thường xuyên và có thể bổ sung các viên uống chứa vitamin.
  • Đảm bảo ngủ đủ 8 giờ/ ngày và tránh tình trạng thức quá khuya. Các bác sĩ cho biết người thiếu ngủ và thức khuya có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn bình thường.

Bệnh viêm mũi họng (cảm lạnh) là vấn đề sức khỏe rất phổ biến và gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng bùng phát, bạn nên thực hiện các biện pháp điều trị và chăm sóc để làm giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ:
Cách Dùng Cây Vòi Voi Chữa Viêm Xoang và Lưu Ý Cần Biết

Cây vòi voi chữa viêm xoang đang được nhiều bệnh nhân quan tâm bởi giúp giảm viêm và cải thiện…

đau mũi Đau mũi – Dấu hiệu viêm xoang hay bệnh lý nào khác?

Tình trạng đau mũi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau kích hoạt, thường là các bệnh về xoang…

Viêm tai giữa cấp tính Viêm tai giữa cấp tính là gì? Dấu hiệu, cách điều trị

Viêm tai giữa cấp tính là một căn bệnh phổ biến. Đây được xem là tình trạng viêm tai giữa…

Chữa viêm, đau họng bằng chanh được không, dùng thế nào?

Biện pháp chữa viêm họng bằng chanh có cách thực hiện đơn giản và an toàn nên được áp dụng…

Các loại thuốc kháng sinh chữa viêm họng tốt nhất & lưu ý

Không phải tất cả trường hợp đều cần kháng sinh. Kháng sinh chữa viêm họng chỉ được chỉ định cho…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua