Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng cách Xoa bóp đơn giản tại nhà
Biện pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng cách xoa bóp có ưu điểm dễ thực hiện, phù hợp với nhiều đối tượng và ít gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên tác dụng giảm đau của biện pháp này không cao, vì vậy chỉ thích hợp với bệnh nhân có cơn đau từ nhẹ đến trung bình.
Lợi ích của việc xoa bóp bấm huyệt đối với bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng đốt sống, dây chằng và đĩa đệm bị hư tổn và suy yếu do quá trình lão hóa cơ thể. Khi các cơ quan này bị hư hại, mức độ ổn định của cột sống sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng cứng cổ, đau nhức và giảm khả năng vận động.
Thoái hóa là hệ quả của quá trình lão hóa nên không thể chữa trị dứt điểm. Việc điều trị chỉ có khả năng cải thiện triệu chứng và làm chậm quá trình hư hại đốt sống. Với những trường hợp thoái hóa đốt sống cổ có cơn đau nhẹ, bạn có thể áp dụng xoa bóp bấm huyệt để thư giãn cơ bắp, kích thích máu lưu thông và giảm đau.
Xoa bóp là biện pháp giảm đau bằng cách tận dụng lực từ bàn tay và ngón tay nên dễ áp dụng và hầu như không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên phương pháp này chỉ tác động bên ngoài nên hiệu quả giảm đau thường không cao. Vì vậy những người có cơn đau nghiêm trọng nên liên hệ với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc giảm đau phù hợp.
Gợi ý: Thoái hóa đốt sống cổ C5 C6: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng cách xoa bóp tại nhà
Trước khi xoa bóp cổ, bạn cần tập luyện các động tác nhẹ nhàng để kích thích hoạt động của cơ quan này, đồng thời làm ấm và thư giãn cơ xương.
Các bài tập luyện dành cho cổ:
- Nghiêng cổ: Nghiêng cổ nhẹ nhàng sang trái và sang phải. Mỗi bên thực hiện khoảng 10 lần. Động tác này có khả năng kích thích tuần hoàn máu, giảm cứng cổ và kích thích dây chằng.
- Cúi cổ: Cúi cổ và phía trước, nên để cằm chạm vào ngực và ngửa về phía sau. Mỗi phía thực hiện khoảng 10 – 15 lần.
- Xoay cổ: Cúi cổ về phía trước rồi xoay từ vai trái ra phía sau, thực hiện tương tự với vai phải. Mỗi bên xoay khoảng 5 – 10 lần. Nếu bạn bị chóng mặt, nên giảm tốc độ xoay.
- Nhấc vai: Nhấc vai trái và vai phải lần lượt, thực hiện mỗi bên 10 lần. Sau đó nhấc đồng thời cả 2 vai cùng lúc, thực hiện 10 lần.
Sau khi đốt sống ở cổ và các cơ quan đã được kích thích, bạn có thể tiến hành xoa bóp theo trình tự sau:
- Xát cổ: Sử dụng tay phải xát nhẹ cổ trái từ trên xuống dưới và ngược lại trong khoảng 15 lần. Sau đó thực hiện tương tự với cổ bên phải.
- Xát gáy: Đan các ngón tay lại với nhau, ôm sau gáy và xát theo chiều trái – phải, trên – dưới trong khoảng 10 lần.
- Xát vùng xương bả vai: Hơi cúi nhẹ đầu về phía trước, đặt hai bàn tay lên bả vai và xát nhẹ theo chiều lên – xuống từ 10 – 15 lần.
- Bóp cơ: Cúi đầu về phía trước, dùng hai bàn tay bóp các cơ dọc theo vùng xương bả vai.
- Véo gân: Véo các gân dưới nách bằng cách dùng ngón tay cái và tay trở kéo mạnh. Dùng lực cho đến khi vùng gân có cảm giác tê truyền xuống ngón tay. Thực hiện ở cả 2 bên vai.
Nếu cơn đau chưa dứt sau khi xoa bóp, bạn có thể day ấn vào các huyệt vị sau:
- Huyệt A thị: Huyệt nằm ở vị trí không cố định, để xác định nên ấn nhẹ vào các vị trí ở vai. Vị trí đau nhất là huyệt A thị. Sau đó tiến hành bấm vào huyệt A thị ở hai bên vai trong khoảng 1 – 2 phút nhằm cải thiện cơn đau do thoát hóa đốt sống cổ.
- Huyệt Phong trì: Huyệt nằm ở đáy hộp sọ, ở vị trí lõm giữa bờ ngoài cơ thang và bờ trong cơ ức đòn chũm. Day ấn huyệt Phong trì có tác dụng sơ tà khí, khu phong, giải biểu, chuyên chủ trị chứng đau cứng cổ gáy, tai ù, đau nhức vai,…
- Huyệt Kiên tỉnh: Để xác định huyệt, cần giơ ngang tay, huyệt nằm ở chỗ lõm của đỉnh cao nhất ở vai. Huyệt Kiên tỉnh có tác dụng trị cứng cổ gáy, đau nhức cổ và vai.
- Huyệt Hậu khê: Huyệt nằm ở mô ngón tay út, ngay chỗ lõm phía sau khớp ngón. Bấm huyệt vị này có tác dụng trị lưng đau, cổ cứng, mệt mỏi, tê liệt chi,…
Khi bấm huyệt, cần dùng ngón tay có lực mạnh nhất tác động vuông góc vào huyệt vị.
Đọc thêm: Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng các bài tập Yoga tại nhà rất đơn giản
Những điều cần lưu ý khi chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng xoa bóp
Xoa bóp có khả năng giảm đau nhẹ, cải thiện tuần hoàn máu và khí huyết ứ trệ. Phương pháp này không sử dụng thuốc nên khá an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng. Để việc xoa bóp đạt hiệu quả cao, bạn cần lưu ý những thông tin quan trọng sau:
- Xoa bóp tác động bên ngoài cơ quan đau nhức nên tác dụng giảm đau không cao. Vì vậy chỉ có hiệu quả lâm sàng đối với trường hợp có cơn đau từ nhẹ đến trung bình.
- Phải xoa bóp đều đặn mỗi ngày, đồng thời kết hợp với các bài tập vận động và bấm huyệt.
- Tránh để móng tay dài khi xoa bóp, day ấn huyệt vì có thể gây đau và nhiễm trùng.
- Một số động tác day ấn có thể kích thích chuyển dạ, vì vậy phụ nữ đang có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
- Xoa bóp chỉ có khả năng điều trị triệu chứng. Để ngăn chặn quá trình thoái hóa đốt sống, bạn nên thực hiện các can thiệp chuyên sâu.
- Tránh bấm huyệt khi tâm lý không ổn định, bụng quá đói hoặc quá no.
- Phải sử dụng lực từ nhẹ đến mạnh khi day ấn huyệt và xoa bóp. Dùng lực mạnh đột ngột có thể khiến gân cơ bị đau nhức và chảy máu.
Trong trường hợp bạn không xác định được các huyệt vị, vui lòng liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn. Tình trạng tác động sai huyệt vị có thể giảm hiệu quả điều trị hoặc gây ra các tác dụng không mong muốn.
Bài viết đã thông tin về biện pháp chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng cách xoa bóp. Tuy nhiên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc có mong muốn thực hiện cần liên hệ với người có chuyên môn để tham vấn y khoa, đảm bảo an toàn và hiệu quả khi áp dụng.
Có thế bạn quan tâm:
- Thoái Hóa Đốt Sống Cổ Gây Ù Tai Nguy Hiểm Như Thế Nào?
- Thoái hóa đốt sống cổ gây mất ngủ: Khắc phục như thế nào?
- Thoái hóa đốt sống cổ nên ăn gì, kiêng gì để mau hồi phục bệnh?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!