Bệnh Barrett thực quản
Barrett thực quản là một bệnh đường tiêu hóa phổ biến, xảy ra khi các tế bào niêm mạc thực quản bị loạn sản đột biến bất thường. Bệnh có mối liên hệ mật thiết với bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), do các triệu chứng phát triển giống nhau. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư thực quản.
Tổng quan
Barrett thực quản (Barrett's esophagus) được mô tả là tình trạng loạn sản niêm mạc thực quản, các mô lót thực quản, ống dẫn thức ăn từ dạ dày đến cổ họng thay đổi cấu trúc và phát triển giống với niêm mạc ruột. Đây được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm của hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Nhiều thống kê liên quan cho thấy những người mắc phải bệnh barrett thực quản thường có nguy cơ phát triển một dạng ung thư hiếm gặp là ung thư biểu mô tuyến thực quản.
Ngoài ra, những người có khả năng phát triển căn bệnh này là người da trắng gốc Tây Ban Nha, thừa cân béo phì, nam giới ở độ tuổi trung niên hoặc những người có tiền sử gia đình từng mắc barrett thực quản/ ung thư thực quản.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra sự biến đổi bất thường của niêm mạc thực quản vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng các chuyên gia khẳng định căn bệnh này có mối liên quan mật thiết đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Đây là tình trạng mãn tính xảy ra dai dẳng trong thời gian dài, khi các chất trong dạ dày chảy ngược vào thực quản.
Tình trạng này kéo dài làm tổn thương mô thực quản và gây ra những thay đổi ở niêm mạc ống dẫn thức ăn, gây ra barrett thực quản. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp phát triển barrett thực quản nhưng không liên quan đến GERD.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ phát triển barrett thực quản bao gồm:
- Người thừa cân béo phì;
- Người nghiện hút thuốc lá;
- Người cao tuổi (> 50 tuổi);
- Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới;
- Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người thuộc các nhóm chủng tộc khác;
- Tiền sử gia đình có người mắc barrett thực quản hoặc ung thư thực quản;
- Lạm dụng một số loại thuốc như thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau aspirin gây loét dạ dày;
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori gây loét dạ dày;
- Chế độ ăn uống không lành mạnh;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Nếu barrett thực quản không liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản thường không hoặc ít khi gây ra triệu chứng. Nhưng nếu liên quan đến GERD thì triệu chứng của barrett thực quản chính là triệu chứng của GERD.
Bao gồm một số triệu chứng điển hình sau:
- Ợ chua: Đây là cảm giác nóng rát vùng ngực do axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Khó nuốt: Thường là do thực quản bị thu hẹp khi các tế bào niêm mạc thực quản bị loạn sản, phát triển bất thường.
- Đau tức ngực: Bệnh nhân có cảm giác đau nhói, tức ngực do thực quản bị kích ứng, dẫn đến viêm.
- Các triệu chứng khác:
- Có cảm giác thức ăn mắc kẹt trong thực quản;
- Đại tiện ra máu;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Đau họng;
- Hơi thở có mùi hôi;
- Sụt cân;
Chẩn đoán
Cách hiệu quả duy nhất để chẩn đoán bệnh barrett thực quản là nội soi đường tiêu hóa (GI). Đây là thủ thuật hiện đại được thực hiện bằng cách đưa một ống mỏng, mềm dẻo và linh hoạt có gắn camera vào bên trong thực quản. Dựa vào hình ảnh quan sát được, bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện các tế bào niêm mạc thực quản bất thường, sau đó kết hợp lấy mẫu bệnh phẩm để làm sinh thiết (nếu cần).
Việc lấy mẫu mô bệnh phẩm ở niêm mạc thực quản khá khó khăn. Vì không phải vị trí nào trong thực quản cũng đã phát triển barret. Do đó, để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ thường lấy ít nhất 8 - 10 mẫu ở các vị trí khác nhau.
Dựa vào kết quả nội soi thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá và xác định mức độ loạn sản của các tế bào niêm mạc. Cụ thể gồm 3 cấp độ sau:
- Không có loạn sản: Đây là giai đoạn phát hiện các dấu hiệu bất thường của barrett thực quản, nhưng chưa phát hiện dấu hiệu tiền ung thư.
- Loạn sản cấp độ thấp: Phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư, có khả năng phát triển thành ung thư thực quản. Nếu bệnh được chẩn đoán trong giai đoạn này, tỷ lệ điều trị khỏi tương đối cao và ngăn chặn biến chứng phát triển thành ung thư.
- Loạn sản cấp độ cao: Ở cấp độ này, đa số các tế bào niêm mạc thực quản đều đã bị biến đổi hoàn toàn. Nếu không được điều trị kịp thời, chúng sẽ tiến triển thành ung thư thực quản.
Biến chứng và tiên lượng
Căn bệnh barrett thực quản được cảnh báo có mức độ nguy hiểm khó lường. Vì bản chất của nó là tình trạng tiền ung thư có khả năng dẫn đến ung thư biểu mô tuyến thực quản. Mặc dù loại ung thư này khá hiếm nhưng vẫn có tỷ lệ mắc phải.
Tuy nhiên, hãy yên tâm vì hầu hết những người mắc bệnh barrett thực quản (khoảng 90%) đều không có khả năng phát triển thành ung thư. Nhưng không nên vì vậy mà chủ quan, lơ là trong thăm khám và điều trị. Tốt nhất hãy tuân thủ lịch tái khám, theo dõi tình trạng sát sao để điều trị và sớm phát hiện các dấu hiệu ung thư giai đoạn đầu.
Điều trị
Tùy theo mức độ tổn thương các mô niêm mạc thực quản bị thay đổi nặng hay nhẹ, nguy cơ tiến triển ung thư và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Điều trị giai đoạn không loạn sản
Trường hợp barrett thực quản mức độ nhẹ hoặc không có nhiều thay đổi, có thể điều trị bằng các biện pháp đơn giản sau:
- Theo dõi định kỳ: Bệnh nhân được chỉ định tái khám định kỳ theo lịch hẹn để theo dõi tiến triển bệnh. Phương pháp theo dõi cụ thể là nội soi các tế bào trong thực quản. Lịch nội soi có thể sau vài tháng hoặc vài năm tùy theo mức độ thay đổi của các mô bệnh.
- Dùng thuốc: Điều trị barrett thực quản bằng thuốc GERD nhằm kiểm soát các triệu chứng liên quan. Thuốc có tác dụng làm giảm axit dạ dày, tăng cường khả năng bảo vệ thực quản khỏi những hư hại bất thường. Kết hợp thay đổi một số thói quen sinh hoạt, ngủ nghỉ và ăn uống để hỗ trợ cải thiện triệu chứng.
Điều trị barrett thực quản loạn sản
Loạn sản là sự hiện diện và phát triển của các tế bào tiền ung thư. Bắt buộc phải can thiệp điều trị y tế kịp thời và đúng cách để kiểm soát tiến triển bệnh, ngăn ngừa ung thư phát triển.
Giai đoạn loạn sản thấp
Ở giai đoạn này, các tế bào niêm mạc thực quản phát triển bất thường nhưng không nhiều. Đối với những trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện nội soi 6 - 12 tháng/ lần để theo dõi tiến triển và đánh giá triệu chứng. Trường hợp cần thiết sẽ khuyến nghị áp dụng liệu pháp cắt bỏ sớm.
Giai đoạn loạn sản cao
Những thay đổi cấu trúc niêm mạc thực quản nghiêm trọng, gần như toàn bộ tế bào đều bị ảnh hưởng, có nguy cơ cao phát triển thành ung thư cần can thiệp điều trị bằng các biện pháp y tế chuyên sâu. Việc điều trị nhằm mục đích loại bỏ các mô tổn thương và sửa chữa phục hồi.
Các biện pháp điều trị hiệu quả thường là các kỹ thuật ngoại khoa bao gồm:
- Cắt bỏ nội soi: Kỹ thuật này sử dụng thiết bị nội soi chuyên dụng nhằm loại bỏ các tế bào bị tổn thương nhằm phát hiện tình trạng loạn sản và dấu hiệu ung thư.
- Cắt bỏ bằng tần số vô tuyến: Kỹ thuật này sử dụng nguồn nhiệt lớn phát ra từ thiết bị chứa tần số vô tuyến để loại bỏ các mô niêm mạc thực quản loạn sản bất thường. Nhiều trường hợp được khuyến nghị thực hiện kỹ thuật này sau khi đã cắt bỏ nội soi nhằm loại bỏ các tế bào còn sót lại.
- Kỹ thuật áp lạnh: Đây là kỹ thuật hiện đại sử dụng nguồn nhiệt lỏng hoặc khí lạnh với nhiệt độ cao để loại bỏ các tế bào bất thường trong thực quản. Quá trình thực hiện kết hợp với nội soi để đưa chất hoặc khí lạnh vào, làm ấm sau đó đông lại. Quá trình được thực hiện liên tục nhằm đóng băng và tan băng để hủy các tế bào.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Trong một số trường hợp cần thiết, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn hoặc toàn bộ thực quản bị tổn thương tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sau đó, gắn phần còn lại vào dạ dày hoặc thay thế bằng thực quản nhân tạo.
Phòng ngừa
Nếu muốn phòng ngừa bệnh barrett thực quản, cách hiệu quả duy nhất đó là bảo vệ thực quản khỏi các tác nhân có hại và ngăn ngừa phát triển các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Dưới đây là một số cách hiệu quả:
- Hạn chế hoặc tránh sử dụng các loại thực phẩm kích thích triệu chứng gây trào ngược axit thực quản, giảm tần suất ợ nóng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sử dụng thực phẩm lành mạnh và tạo thói quen chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giảm sản sinh axit dạ dày.
- Duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục hàng ngày giảm nguy cơ thừa cân, béo phì để hạn chế phát triển barrett thực quản.
- Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là giảm nguy cơ phát triển bệnh barrett thực quản.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi thường xuyên ợ nóng, đau tức ngực, khó nuốt, đau họng, sụt cân... là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh?
3. Nguyên nhân khiến tôi bị barrett thực quản là gì?
4. Tình trạng barrett thực quản của tôi có nghiêm trọng không?
5. Tôi có nguy cơ bao nhiêu % phát triển ung thư thực quản?
6. Phương pháp điều trị barrett thực quản tốt nhất là gì?
7. Phương pháp phẫu thuật phù hợp với tình trạng bệnh của tôi?
8. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị barrett thực quản?
9. Chi phí điều trị barrett thực quản tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?
10. Sau điều trị, triệu chứng barrett thực quản có tái phát không?
Barrett thực quản rất phổ biến và là một tình trạng có thể kiểm soát được nếu phát hiện kịp thời cũng như điều trị đúng cách. Ngược lại, chủ quan trong điều trị có thể dẫn đến ung thư thực quản. Do đó, càng điều trị sớm tiên lượng càng cao, nên tốt nhất hãy chủ động thăm khám và đến bệnh viện để kiểm tra ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để được hướng dẫn áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Xem thêm:
- Bệnh viêm thực quản trào ngược độ a là gì, nguy hiểm không?
- Hẹp thực quản có nguy hiểm không? Dấu hiệu và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!