Bệnh Sa Trực Tràng

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Sa trực tràng là tình trạng sa một phần hoặc toàn bộ lớp niêm mạc trực tràng trong hậu môn thoát khỏi vị trí ban đầu và lồi ra khỏi hậu môn. Bệnh lý này có liên quan đến tuổi tác, các bệnh lý tiêu hóa hoặc chấn thương tại vùng chậu, hông hoặc hậu môn. Tùy theo mức độ sa mà các triệu chứng bệnh được biểu hiện khác nhau, thậm chí gây biến chứng khó lường ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. 

Sa trực tràng
Sa trực tràng là tình trạng sa một phần hoặc toàn bộ niêm mạc trực tràng khỏi vị trí ban đầu và lồi ra khỏi hậu môn

Tổng quan

Sa trực tràng (tên tiếng Anh là Rectal prolapse). Đây là tình trạng một đoạn (thường là đoạn cuối) hoặc toàn bộ trực tràng sa khỏi vị trí ban đầu tại vùng chậu và lồi ra bên ngoài hậu môn.

Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Đối với trẻ nhỏ thường chỉ ở mức độ nhẹ và thoáng qua. Nhưng với người lớn, bệnh thường tồn tại trong thời gian dài và tiến triển ngày càng nghiêm trọng. Những người trưởng thành trên 50 tuổi, phụ nữ đã cắt bỏ tử cung, bệnh nhân đã và đang mắc các bệnh về thần kinh, chấn thương cột sống, đã từng phẫu thuật vùng hông, hậu môn, sàn chậu... thường có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.

Phần lớn các trường hợp sa trực tràng giai đoạn đầu tương đối nhẹ, nhưng có thể chuyển biến phức tạp nếu không can thiệp điều trị kịp thời. Nếu nhẹ chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhưng nặng hơn có thể gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thậm chí hoại tử trực tràng đe dọa tính mạng người bệnh.

Xem thêm: Hậu môn trực tràng là gì, nằm ở đâu? Các bệnh lý thường gặp

Phân loại

Dựa theo mức độ sa của trực tràng để phân chia bệnh thành 3 loại gồm:

Sa trực tràng
Sa trực tràng được chia làm 3 loại chính dựa theo mức độ sa một phần hay toàn phần

  • Sa trực tràng bên trong (internal prolapse): trực tràng đã sa khỏi vị trí ban đầu nhưng chưa có dấu hiệu nhô lồi ra ngoài hậu môn. Rất hiếm trường hợp bị sa trực tràng bên trong, thường được hình thành do thói quen rặn mạnh  khi đi đại tiện, làm tăng áp lực lên ổ bụng.
  • Sa niêm mạc hoặc sa một phần trực tràng (mucosal prolapse or partical prolapse): một đoạn niêm mạc trực tràng đã sa xuống và lồi ra ngoài hậu môn. Sa niêm mạc trực tràng được chia làm 4 thể nhỏ hơn gồm:
    • Sa niêm mạc do dùng sức rặn mạnh khi đi đại tiện, sau đó có thể tự co lên;
    • Sa niêm mạc do dùng sức rặn mạnh khi đi đại tiện, nhưng sau đó không thể tự co lại, người bệnh phải dùng tay để đẩy phần niêm mạc nhô ra vào lại bên trong;
    • Sa niêm mạc do ngồi xổm, ho hoặc hắt hơi mạnh, đi bộ quá nhiều;
    • Sa niêm mạc thường xuyên khiến búi sa lồi hẳn ra ngoài hậu môn;
  • Sa bên ngoài hoặc sa toàn bộ trực tràng (extenal prolapse or full thickness prolapse): là tình trạng toàn bộ trực tràng sa trong vùng chậu sa xuống dưới và nhô hẳn ra bên ngoài hậu môn. Bệnh diễn tiến qua 4 giai đoạn với 4 mức độ nặng nhẹ khác nhau nhằm hỗ trợ quá trình chẩn đoán. Đối với dạng sa trực tràng này được chia làm 2 thể nhỏ gồm:
    • Sa trực tràng đơn thuần: thường chỉ ở mức độ nhẹ và chỉ xuất hiện bóng trực tràng ở ngoài hậu môn. Riêng phần ống hậu môn vẫn còn nằm tại chỗ.
    • Sa trực tràng & ống hậu môn: toàn bộ trực tràng gồm bóng trực tràng và ống hậu môn đều sa hết ra ngoài.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, nguyên nhân gây sa trực tràng vẫn chưa được kết luận rõ ràng. Nhưng theo các tài liệu khoa học, các chuyên gia nhận định bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với các tổn thương hoặc khiếm khuyết về cấu trúc khung chậu, vùng hông, hậu môn hoặc ảnh hưởng từ lối sống, sinh hoạt kém khoa học...

Sa trực tràng
Sa trực tràng có liên quan đến thói quen đại tiện, các bệnh đường tiêu hóa hoặc chấn thương vùng hông, chậu và hậu môn

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng mắc bệnh sa trực tràng:

  • Thói quen cố dùng sức rặn mạnh khi đi đại tiện;
  • Suy yếu chức năng cơ sàn chậu hoặc cơ hậu môn;
  • Các chấn thương liên quan đến đĩa đệm cột sống hoặc vùng lưng dưới;
  • Tổn thương dây chằng nối giữ trực tràng và thành ruột;
  • Bị tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Yếu tố di truyền, tiền sử bệnh gia đình;
  • Nhiễm ký sinh trùng như giun sán, trùng roi, giun kim...;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý như phì đại tuyến tiền liệt, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh tiểu đường, bệnh xơ nang mạn tính, các dạng rối loạn chức năng ruột bẩm sinh như loạn sản ruột thần kinh, bệnh Hirschsprung...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh nhân sa trực tràng thường gặp phải các triệu chứng điển hình sau:

  • Thay đổi thói quen đại tiện, khó đi, phải rặn nhiều và mạnh;
  • Giảm khả năng kiểm soát chức năng nhu động ruột, gây ra đại tiện không kiểm soát;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài;
  • Có lẫn máu hoặc chất nhầy khi đi đại tiện;
  • Đau rát hậu môn - trực tràng;
  • Có thể cảm nhận hoặc sờ được khối sa trực tràng ngay cả trong hoặc sau khi đại tiện;
  • Sau khi đại tiện xong vẫn có cảm giác căng tức, khó chịu ở hậu môn;

Những triệu chứng trên khá tương đồng với bệnh trĩ, nên nhiều trường hợp bệnh nhân nghĩ rằng mình bị trĩ khiến việc điều trị không có kết quả. Tốt nhất nên thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bằng các biện pháp y tế chính xác. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng để kết luận nguyên nhân gây sa trực tràng.

Sa trực tràng
Chẩn đoán sa trực tràng thông qua lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ dùng tay kiểm tra hậu môn - trực tràng, đánh giá mức độ sa của trực tràng ngoài hậu môn và sức mạnh cơ vòng. Đồng thời, thăm hỏi triệu chứng liên quan để đánh giá tổng quan sức khỏe.
  • Khám cận lâm sàng: Tiến hành thực hiện các xét nghiệm cần thiết để quan sát cấu trúc và đánh giá tổn thương trực tràng, phát hiện các vấn đề về sàn chậu có thể là nguyên nhân gây ra sa trực tràng. Bao gồm:
    • Nội soi tiêu hóa: gồm nội soi đại trực tràng (phát hiện các tổn thương như khối u ung thư, polyp để loại trừ các bệnh liên quan) và nội soi đại tràng Sigma (giúp quan sát toàn bộ niêm mạc đại tràng và phát hiện các bất thường như khối polyp, viêm niêm mạc hoặc có mô sẹo).
    • Chẩn đoán hình ảnh: nhằm xác định vị trí, nguyên nhân và mức độ tổn thương của bệnh sa trực tràng. Các phương pháp thường dùng siêu âm qua ngả hậu môn, chụp X quang, chụp cộng hưởng từ MRI kết hợp sử dụng chất cản quang hoặc phương pháp Proctography...
    • Kỹ thuật thăm dò chức năng: bằng phương pháp đo điện cơ (EMG) giúp đánh giá mức độ tổn thương dây thần kinh liên quan đến cơ vòng hậu môn. Hoặc đo áp lực hậu môn nhằm đánh giá chức năng hoạt động của cơ thắt hậu môn - trực tràng.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh sa trực tràng không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Gây tổn thương hậu môn - trực tràng nghiêm trọng dẫn đến xuất huyết, viêm loét;
  • Sa trực tràng hoàn toàn ra bên ngoài hậu môn vĩnh viễn không thể phục hồi. Gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và tính thẩm mỹ, sự tự tin của người bệnh;
  • Giảm tuần hoàn máu đến trực tràng gây sa căng cơ, nếu không can thiệp sớm sẽ kéo theo biến chứng hoại tử, khiến trực tràng khô lại, chuyển sang màu đen và tự rụng mất. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm cần can thiệp phẫu thuật xử lý ngay lập tức;
  • Các biến chứng khác như: gây viêm loét trực tràng, tắc ruột, vỡ trực tràng, sa, thoát vị đáy chậu, sa tử cung - âm đạo ở nữ giới...

Sa trực tràng là bệnh lý đáng lo ngại ở hậu môn - trực tràng. Bệnh không có khả năng tự thuyên giảm theo thời gian, mà bắt buộc phải can thiệp điều trị bằng các phương pháp phù hợp để ức chế tiến triển bệnh, ngăn ngừa rủi ro, biến chứng.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị chính đối với bệnh sa trực tràng chính là loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, cải thiện dần triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị sa trực tràng được áp dụng chính gồm:

1. Điều trị nội khoa 

Các trường hợp bị sa trực tràng mức độ nhẹ do phát hiện bệnh sớm ngay từ giai đoạn đầu sẽ được chỉ định điều trị nội khoa, thông qua các phương pháp sau:

  • Dùng thuốc: Thuốc trị sa trực tràng thường dùng nhất là thuốc làm mềm phân, thuốc chống co thắt và các loại gel bôi ngoài giúp giảm đau rát, ngăn ngừa nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng tạm thời và góp phần giúp bệnh nhân đi đại tiện dễ dàng hơn, không phải dùng sức nhiều tránh làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập kegel, tập phản hồi sinh học kết hợp liệu pháp kích điện vào bên trong lòng hậu môn là các hướng dẫn về vật lý trị liệu hiệu quả nhất. Cách này giúp phục hồi chức năng phản xạ khi đi đại tiện, làm săn chắc cơ sàn chậu và cơ hậu môn.
  • Thay đổi chế độ sinh hoạt & ăn uống: Các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thực hiện điều chỉnh lối sống sinh hoạt tích cực và ăn uống khoa học, vận động thể thao đều đặn mỗi ngày nhằm hỗ trợ cải thiện quá trình điều trị bệnh tốt hơn.

2. Can thiệp phẫu thuật

Phẫu thuật được đánh giá là phương pháp điều trị sa trực tràng hiệu quả nhất. Được thực hiện nhằm giải phóng trực tràng bị xếp gấp hoặc kéo căng và cố định trực tràng vào một vị trí bất kỳ bên trong ổ bụng. Có 2 phương pháp phẫu thuật sa trực tràng chính gồm:

Sa trực tràng
Phẫu thuật là phương pháp điều trị sa trực tràng hiệu quả nhất

  • Phẫu thuật nội noi ổ bụng: Sử dụng máy móc thiết bị tân tiến đưa vào bên trong ổ bụng. Thông qua hình ảnh thu được trên màn hình để tiến hành kéo trực tràng về đúng vị trí ban đầu, giữ cố định vào phần xương cùng phía trên.
  • Phẫu thuật tầng sinh môn: Thường được chỉ định áp dụng thay thế phẫu thuật nội soi hoặc ở bệnh nhân lớn tuổi, mắc các rối loạn sức khỏe khác. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách cố định lớp niêm mạc bị sa ra ngoài hoặc đoạn trực tràng nhô ra khỏi hậu môn, sau đó cắt bỏ một phần bị sa và nối cố định lại với đoạn đại tràng ban đầu nhằm phục hồi chức năng kiểm soát đại tiện.
  • Các phương pháp phẫu thuật khác: Với những trường hợp bệnh nhân sa trực tràng có các vấn đề sức khỏe đặc biệt, sẽ được cân nhắc áp dụng các kỹ thuật phẫu thuật khác như:
    • Phẫu thuật cắt trực tràng bằng Levatorplasy;
    • Phẫu thuật cắt trực tràng qua đường đáy chậu Altemeier;
    • Phẫu thuật cắt toàn bộ niêm mạc sa Whitehead W;
    • Kỹ thuật mổ của Delorme;
    • Kỹ thuật mổ của Hartmann;

Phẫu thuật sa trực tràng chỉ phù hợp áp dụng cho những bệnh nhân là người trưởng thành, người già. Riêng với trẻ em chỉ nên ưu tiên điều trị bảo tồn là chính, một số trường hợp cần thiết có thể thực hiện kỹ thuật khâu vòng hậu môn nhưng rất hiếm.

Cần cân nhắc các biến chứng, rủi ro sau phẫu thuật sa trực tràng để đưa ra chỉ định thận trọng: tái phát sa trực tràng, táo bón, bí tiểu, nhiễm trùng tại chỗ, xuất huyết trực tràng, trong ổ bụng hoặc tại vị trí nối... Thông thường, sau 2 - 3 ngày phẫu thuật, vết mổ sẽ phục hồi, sau ít nhất 1 tháng sức khỏe mới phục hồi hoàn toàn. Nhưng khuyến cáo bệnh nhân vẫn phải kiêng hoạt động nặng trong vòng 6 tháng để giảm nguy cơ tái phát.

Phòng ngừa

Để tránh khỏi những biến chứng khó lường của bệnh sa trực tràng, mỗi người trong chúng ta cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa ngay từ khi còn khỏe mạnh.

Sa trực tràng
Vận động rèn luyện thể chất và sinh hoạt khoa học là phương pháp phòng ngừa sa trực tràng tốt nhất

  • Duy trì thói quen đại tiện khoa học, không dùng sức rặn mạnh và đi càng nhanh càng tốt.
  • Tăng cường bổ sung chất xơ vào thực đơn ăn uống hàng ngày thông qua các loại rau xanh, củ quả, trái cây tươi...
  • Uống từ 2 - 3 lít nước/ ngày để hỗ trợ đại tiện trơn tru, phòng ngừa táo bón, tiêu chảy.
  • Duy trì cân nặng phù hợp với các chỉ số khác của cơ thể, tránh tăng cân đột ngột.
  • Tập thể dục thể thao mỗi ngày, mỗi lần tập ít nhất 30 phút với những bộ môn vừa sức như đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe...
  • Tránh khuân vác vật nặng quá mức và thường xuyên, đảm bảo đúng tư thế.
  • Đảm bảo ổn định sức khỏe tinh thần, thư giãn thoải mái.
  • Thăm khám định kỳ để tầm soát các tổn thương hậu môn - trực tràng, phát hiện dấu hiệu tiền ung thư hoặc các bệnh lý liên quan khác như viêm loét, polyp... và có hướng điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị sa trực tràng? Mức độ có nặng hay không?

2. Tôi nghi ngờ là bệnh trĩ, vậy phải thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh chính xác?

3. Bị sa trực tràng có nguy hiểm không? Tiên lượng đối với tình trạng của tôi ra sao?

4. Phác đồ điều trị sa trực tràng tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

5. Nếu tôi không điều trị có sao không?

6. Quá trình điều trị khỏi bệnh hoàn toàn mất bao lâu? Bệnh có tái phát không?

7. Tôi nên ăn uống và sinh hoạt như thế nào trong quá trình điều trị bệnh?

8. Nếu phát sinh biến chứng trong quá trình điều trị phải xử lý như thế nào?

9. Sau điều trị có cần tái khám không?

10. Chi phí điều trị sa trực tràng, đặc biệt là phẫu thuật có tốn kém không?

Sa trực tràng tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không chủ động điều trị sớm, bệnh vẫn có thể gây ra những biến chứng khó lường về sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, tuyệt đối không chủ quan về bệnh, chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để bảo tồn chức năng trực tràng - hậu môn.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Viêm Gan A
Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng gan cấp tính khá phổ biến do virus HAV gây ra. Bệnh này có khả năng lây nhiễm từ người sang người thông…
Bệnh đau dạ dày
Bệnh đau dạ dày là vấn đề tiêu hóa nhiều…
Polyp Ống Tiêu Hóa
Polyp ống tiêu hóa thường xuất hiện ở đại tràng,…
Hội Chứng Quai Mù
Hội chứng quai mù xảy ra khi thức ăn di…
Bệnh Táo Bón

Táo bón là một trong những triệu chứng phổ biến ở đường tiêu hóa, xảy ra ở mọi đối tượng,…

Bệnh Viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt xảy ra khi một hoặc nhiều tuyến nước bọt bị sưng viêm. Thường là do nhiễm…

Viêm loét dạ dày tá tràng Bệnh Viêm Loét Dạ Dày – Tá Tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh về đường tiêu hóa, bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy…

Bệnh Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa được mô tả là tình trạng bất ổn về hoạt động tiêu hóa do nhiều nguyên…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua