Lao Màng Bụng

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Lao màng bụng là thể lao ngoài phổi hiếm gặp và thường là kết quả của bệnh lao đường tiêu hóa. Bệnh đặc trưng với các biểu hiện nhiễm trùng như sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp bệnh đều có tiên lượng tốt nhờ áp dụng đúng phác đồ chống lao đặc hiệu. 

Lao màng bụng là một trong những thể lao ngoài phổi hiếm gặp

Tổng quan

Lao màng bụng (Tuberculous peritonitis) còn được gọi là viêm phúc mạc do lao. Đây là thể lao thứ phát sau lao tiêu hóa hoặc lao phần phụ hiếm gặp, do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra.

Bất kỳ ai cũng có thể bị lao màng bụng, phổ biến nhất là ở người trẻ tuổi (< 40 tuổi), nữ mắc bệnh nhiều hơn nam. Lao màng bụng chiếm tỷ lệ 6.5% trong tổng các ca mắc lao ngoài phổi, xếp sau lao màng phổi, hạch, lao xương khớp, lao màng não và lao thanh quản. Có khoảng 1/3 trường hợp lao màng bụng liên quan đến lao phổi.

Phân loại

Dựa vào tính chất tổn thương và triệu chứng lâm sàng liên quan, bệnh lao màng bụng được chia làm 3 thể chính gồm:

  • Thể cổ trướng: Là thể bệnh phổ biến và nhẹ nhất. Các triệu chứng tuy khởi phát ồ ạt nhưng có tiên lượng tốt nếu điều trị kịp thời;
  • Thể bã đậu hóa: Là giai đoạn tiếp theo của thể cổ trướng. Triệu chứng tương tự nhưng mức độ nặng hơn;
  • Thể xơ dính: Là thể nặng nhất của lao màng bụng nhưng rất hiếm gặp. Có thể gây xơ dính màng bụng với các tạng bên trong ổ bụng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ đe dọa tính mạng bệnh nhân;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là loại vi khuẩn gây lao màng bụng cũng như tất cả các thể lao khác. Một số ít trường hợp phát hiện lao màng bụng do nhiễm lao bò, tuy nhiên tỷ lệ này rất hiếm.

Lao màng bụng xảy ra từ lao hạch bạch huyết, lao ruột non hoặc lan từ ống Fallop

Loại vi khuẩn này có khả năng phát triển và phân chia trong tế bào, gây nhiễm trùng. Vi khuẩn lao xâm nhập vào màng bụng qua 4 con đường gồm:

  • Lây lan qua hạch bạch huyết;
  • Lây lan do lao ruột non hoặc lao hồi manh trành và tràn vào thành ruột đến màng bụng;
  • Qua đường máu do các tổn thương lao ở vị trí xa;
  • Lây lan vi khuẩn từ ống Fallop đến màng bụng;

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ gây lao màng bụng như:

  • Mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch;
  • Nghiện rượu;
  • Sinh hoạt ở nơi có điều kiện sinh hoạt kém;
  • Ăn uống thiếu chất, nhất là đạm và vitamin;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Mỗi thể lao màng bụng sẽ gây các triệu chứng khác nhau như, bao gồm:

Lao màng bụng thường gây sốt, chán ăn, gầy sút, suy nhược, đau bụng, tiêu chảy, táo bón,...

Triệu chứng thể cổ trướng

  • Sốt nhẹ từ 37 - 38 độ C và kéo dài không hạ;
  • Sốt cao > 39 - 40 độ;
  • Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đầy bụng, chán ăn;
  • Gầy sút, mệt mỏi, suy nhược cơ thể;
  • Vã mồ hôi;
  • Đại tiện phân lỏng;
  • Có cảm giác nặng tức bụng dưới, rốn lồi khi nằm;
  • Da bụng căng, nhẵn bóng;

Triệu chứng thể bã đậu hóa

  • Bệnh nhân có thể sốt nhẹ hoặc không sốt;
  • Có những đợt sốt cao > 39 - 40 độ C;
  • Tăng mức độ các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, đại tiện phân lỏng, nát;
  • Nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt;

Triệu chứng thể xơ dính

Tổn thương xơ hóa màng bụng gây ra các triệu chứng cơ năng như:

  • Đau bụng, trướng bụng;
  • Bí trung đại tiện;

Chẩn đoán

Nếu chỉ đánh giá các triệu chứng lâm sàng trên sẽ rất khó chẩn đoán bệnh chính xác. Cần kết hợp thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng dưới đây nếu nghi ngờ lao màng bụng:

Xét nghiệm dịch đờm AFB là kỹ thuật chẩn đoán lao màng bụng cho kết quả chính xác

  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm dịch đờm AFB;
  • Xét nghiệm dịch ổ bụng;
  • Phản ứng Mantoux;
  • Sinh thiết màng bụng;
  • Siêu âm hoặc nội soi ổ bụng;
  • Chụp X quang phổi;
  • ...

Dựa vào kết quả thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành phân biệt giữa lao màng bụng với các bệnh lý khác để có phác đồ điều trị phù hợp:

  • Viêm ruột thừa;
  • Viêm màng bụng cấp tính;
  • Tắc ruột cấp;
  • Xoắn dính ruột;
  • Ung thư nguyên phát hoặc ung thư di căn ổ bụng;
  • Tràn dịch màng bụng;
  • Khối u lympho sarcom;

Biến chứng và tiên lượng

Lao màng bụng là thể lao ngoài phổi khá nguy hiểm. Tiến triển bệnh càng nặng, nguy cơ biến chứng càng cao, thậm chí dẫn đến tử vong. Chẳng hạn như:

Lao màng bụng có thể gây các biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

  • Hình thành ổ áp xe, có nguy cơ rò mủ vào thành bụng hoặc vào đại tràng;
  • Viêm loét đường tiêu hóa;
  • Xơ dính gây thắt ruột, tắc ruột;
  • Viêm dính quanh gan, mật và tăng nguy cơ viêm tắc vòi trứng;
  • Dẫn đến tử vong;

Hầu hết các trường hợp lao màng bụng có tiên lượng tốt nhờ phát hiện bệnh sớm và điều trị bằng phác đồ thuốc chống lao đặc hiệu kết hợp thuốc kiểm soát triệu chứng. Khuyến cáo bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị cho bác sĩ chỉ định, không tự ý dùng thuốc và có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt khoa học để sớm khỏi bệnh.

Điều trị

Tương tự như các dạng lao khác, nguyên tắc điều trị lao màng bụng là điều trị bằng kháng sinh chống lao đặc hiệu kết hợp liệu pháp Corticoid và chăm sóc nâng cao thể trạng.

Các loại thuốc chống lao đặc hiệu được dùng phổ biến gồm:

  • Rifampicin;
  • Streptomycin;
  • Pyrazinamide;
  • Rimifin;
  • Ethambutol;
  • Cycloserin;
  • Ethionamide;
  • Thoacetazone;
  • Kanamycin;

Điều trị lao màng bụng hiệu quả bằng phác đồ chống lao đặc hiệu

Tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng công thức chống lao hiệu quả nhất:

  • Đối với thể cổ trướng: Trường hợp bệnh nhẹ và trung bình áp dụng công thức 2RHZE/4RHE. Riêng trường hợp nặng dùng công thức đa hóa trị liệu 2RHZSE/1RHZE/5R3H3E3. Kết hợp một số biện pháp điều trị hỗ trợ sau:
    • Liệu pháp Corticoid trong 8 - 12 tuần;
    • Chọc tháo dịch cổ trướng;
    • Thuốc cải thiện táo bón, chống buồn nôn, tiêu chảy;
  • Đối với thể bã đậu & thể xơ dính:
    • Áp dụng công thức điều trị cơ bản giống thể cổ trướng, nhưng thời gian dùng thuốc lâu hơn;
    • Lưu ý, bệnh nhân chú ý không dùng corticoid để giảm nguy cơ rò ruột, thành bụng hoặc thủng ruột;
    • Trường hợp phát sinh biến chứng tắc ruột, hình thành ổ áp xe ruột có thể can thiệp phẫu thuật;
  • Đối với thể lao phối hợp: Đây là thể bệnh nặng khi lao màng bụng phối hợp với lao phổi và lao ở nhiều màng khác. Phác đồ điều trị tấn công với liều mạnh và điều trị củng cố duy trì lâu hơn, sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc chống lao, liệu pháp Corticoid.

Phòng ngừa

Lao màng bụng là bệnh lao ngoài phổi nguy hiểm. Tuy có thể điều trị được nhưng tốt nhất bạn vẫn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm, tránh các ảnh hưởng sức khỏe tiêu cực.

  • Điều trị sớm và triệt để các bệnh lao khác trước khi chúng lây lan sang màng bụng.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang nhiễm lao, che chắn đường thở khi ra ngoài và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc các bề mặt công cộng.
  • Thông báo ngay cho trung tâm điều trị lao những dấu hiệu sức khỏe bất thường để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên bị sốt, đau bụng, chướng bụng, suy nhược... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tại sao tôi mắc bệnh lao màng bụng?

3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán lao màng bụng?

4. Bệnh lao màng bụng có liên quan đến lao màng phổi hay không?

5. Tôi nên điều trị lao màng bụng bằng phương pháp nào?

6. Phác đồ chống lao màng bụng tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

7. Quá trình điều trị lao màng bụng mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

8. Tôi có cần nhập viện để điều trị lao màng bụng không?

9. Lao màng bụng có lây không? Tôi có cần tự cách ly để tránh lây bệnh cho những người xung quanh không?

10. Chi phí điều trị bằng thuốc chống lao tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

Lao màng bụng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Do đó, tốt nhất bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc theo cảm tính hay thông tin truyền miệng. Thay vào đó, hãy thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và chỉ định áp dụng phác đồ chống lao phù hợp giúp đẩy lùi bệnh nhanh chóng.

Có thể bạn quan tâm:

  • Bệnh ho lao là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị HIỆU QUẢ NHẤT HIỆN NAY
  • Ho ra máu – Lao, Ung thư hay bị bệnh gì?
Chia sẻ:
Hội chứng Turcot
Hội chứng Turcot là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư.…
Bệnh Thoát Vị Đùi
Thoát vị đùi là một trong những dạng thoát vị…
Bệnh Viêm Ruột Thừa
Viêm ruột thừa là bệnh lý đường tiêu hóa phổ…
Bệnh Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là dạng ung thư phổ biến…
Bệnh U Nhầy Ruột Thừa

U nhầy ruột thừa là căn bệnh hiếm gặp và có những biểu hiện khá giống với viêm ruột thừa.…

Bệnh viêm đại tràng

Bệnh viêm đại tràng có diễn biến phức tạp, khả năng phát sinh nhiêu biến chứng nếu không được thăm…

Bệnh Barrett thực quản

Barrett thực quản là một bệnh đường tiêu hóa phổ biến, xảy ra khi các tế bào niêm mạc thực…

Bệnh Loạn Dưỡng Mỡ

Loạn dưỡng mỡ có thể do bẩm sinh di truyền hoặc mắc phải. Xảy ra khi tích tụ mô mỡ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua