Bệnh Hở Van Tim
Hở van tim là một trong những dạng tổn thương van tim thường gặp. Là tình trạng suy giảm chức năng van tim gây rối loạn dòng máu chảy qua giữa các buồng tim. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng, độ tuổi và giới tính nào. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng suy tim cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh.
Tổng quan
Hệ thống van tim được cấu tạo từ van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Nhiệm vụ của van tim là điều hòa dòng máu đi ra và đi vào tim dựa trên nguyên tắc 1 chiều. Cụ thể là khi máu từ buồng tim trên đổ xuống buồng tim dưới, van 2 lá và 3 lá sẽ mở ra, van động mạch chủ và động mạch phổi sẽ đóng lại. Ngược lại, khi máu bơm từ buồng tim dưới ngược lên phổi thì cơ chế đóng - mở của van tim sẽ ngược lại để giữ cho máu không tràn ngược về tim.
Hở van tim (Regurgitation) còn được gọi là bệnh suy van, là tình trạng các lá van trong tim không thực hiện đúng chức năng đóng mở, đóng không kín khiến máu lưu thông ngược trở lại tĩnh mạch tim thay vì chỉ lưu thông 1 chiều như bình thường. Van tim đóng không kín thường là do ảnh hưởng từ hiện tượng thoái hóa, giãn vòng van, các van co rút, dính hoặc dị tật dây chằng van tim quá dài...
Quá trình lưu thông máu ở người bệnh hở van tim thường rất khó khăn, máu ứ đọng ở các vị trí nhất định khiến các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể bị thiếu máu. Ngoài ra, hở van tim còn khiến tim phải tăng năng suất hoạt động để bù lại lượng máu thiếu hụt, lâu ngày dẫn đến suy tim.
Bệnh hở van tim là căn bệnh tim mạch phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cả tính mạng của người bệnh.
Phân loại
Dựa vào từng vị trí lá van bị hở, bệnh hở van tim được phân làm 4 loại chính gồm:
- Hở van 2 lá (Mitral valve regurgitation): Van 2 là nằm ở giữa vị trí tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Bị hở hở van 2 lá khiến dòng máu bị trào ngược từ thất trái về nhĩ trái trong giai đoạn tâm thu.
- Hở van 3 lá (Tricuspid Valve Regurgitation): Van ba lá nằm vị trí giữa tâm thất phải và tâm nhĩ phải. Khi bị hở, không thể đóng kín khiến máu chảy ngược vào trong buồng tâm nhĩ mỗi khi tim co bóp.
- Hở van động mạch chủ (Aortic Valve Regurgitation): Van động mạch chủ nằm ở vị trí giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Tình trạng hở van động mạch chủ là do van sigma động mạch chủ không thể đóng kín khiến máu trào ngược từ động mạch chủ vào buồng thất trái trong giai đoạn tâm trương.
- Hở van động mạch phổi (Pulmonary Valve Stenosis): Van động mạch phổi nằm ở vị trí giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Hở van này khiến dòng chảy của máu di chuyển đến phổi bị cản trở, trào ngược trở về tâm thất phải.
Ngoài ra, mỗi loại hở van tim sẽ được phân chia nhỏ hơn dựa theo tính chất, mức độ triệu chứng như:
- Hở van 1/4: Hay còn gọi là hở van sinh lý, các triệu chứng thường không nghiêm trọng, chỉ xuất hiện thoáng qua và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe;
- Hở van 2/4: Các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ hơn mỗi khi vận động mạnh hoặc khi nằm, như khó thở, mệt mỏi, ho khan, tim đập nhanh, phù mắt cá chân...;
- Hở van 3/4: Bệnh nhân hở van tim cấp độ 3/4 ngoài triệu chứng còn có nguy cơ phát sinh các biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim... nhưng vẫn còn trong tầm kiểm soát;
- Hở van 4/4: Đây là giai đoạn nặng nhất của hở van tim. Bệnh nhân dễ bị loạn nhịp tim, gặp các biến chứng nghiêm trọng như sốc tim, phù phổi... và thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời;
Việc phân chia này nhằm mục đích xác định chính xác vị trí bị hở van tim và mức độ nặng nhẹ của bệnh để áp dụng đúng phương pháp điều trị.
Tham khảo thêm: Trụy Tim Mạch Là Bệnh Gì? Biểu hiện và Cách chẩn đoán
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tình trạng van tim bị hở, không thể thực hiện đúng chức năng đóng - mở khiến quá trình lưu thông máu gặp sự cố, máu lưu thông 2 chiều khiến tuần hoàn máu diễn ra khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây tổn thương dẫn đến hở van tim như:
- Dị tật bẩm sinh: Hở van tim có thể là một trong những khiếm khuyết bẩm sinh xuất hiện ngay trong thời kỳ bào thai và tồn tại đến cả khi trẻ chào đời.
- Thoái hóa van: Người cao tuổi là đối tượng có mức độ thoái hóa cao và nhanh chóng. Thoái hóa càng nghiêm trọng càng khiến cấu trúc tim biến đổi càng nhiều và khiến van tim suy yếu, mất độ đàn hồi, cộng với sự hình thành của các mảng vôi hóa tích tụ xung quanh khiến van mất dần khả năng đóng - mở.
- Biến chứng từ các bệnh lý tại tim:
- Sốt thấp khớp hay thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Bệnh gây ra tổn thương nghiêm trọng ở tim, trong đó có van tim, gây đứt dây chằng, vôi hóa dày, dính, viêm loét... làm suy giảm chức năng đóng mở van;
- Xơ vữa động mạch là tình trạng tích tụ các mảng xơ vữa bên trong lòng động mạch, gây cản trở con đường lưu thông máu mang oxy và dưỡng chất đến các cơ quan, trong khi van tim vẫn phải hoạt động để phối hợp với cơ tim co bóp nhiều hơn để tống máu đi khắp cơ thể. Tình trạng này kéo dài quá lâu gây hở van tim;
- Viêm nội tâm mạc là tình trạng viêm màng tim do biến chứng nhiễm trùng huyết nặng. Vi khuẩn tấn công vào các lá van và gây tổn thương, suy giảm chức năng;
- Các nguyên nhân khác: Bệnh hở van tim còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác như:
- Chứng nhồi máu cơ tim, hồi máu cơ tim;
- Bệnh phình động mạch chủ;
- Cơ tim giãn nở, hở dây chằng van tim, van tim bị đứt, giãn...;
- U tim;
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống;
- Bệnh tim bẩm sinh Ebstein;
- Hội chứng Marfan;
- Tác dụng phụ của một vài loại thuốc có khả năng gây hở van tim;
- Tiểu đường;
- Nồng độ Cholesterol máu cao;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng hở van tim khá đa dạng, tùy theo từng cấp độ tổn thương mà chúng sẽ biểu hiện khác nhau về mức độ. Nhưng dựa trên các đánh giá triệu chứng lâm sàng, một người bị hở van tim thường có các triệu chứng sau:
- Khó thở: Bệnh nhân hở van tim rất hay bị khó thở, nhất là khi nằm xuống hoặc gắng sức vận động làm một việc gì đó. Triệu chứng khó thở thường đặc biệt nghiêm trọng ở bệnh nhân hở van tim 2 lá và hở van động mạch phổi.
- Mệt mỏi, kiệt sức: Tuần hoàn máu có vấn đề do van tim bị hở khiến các cơ quan trong cơ thể không có đủ máu để duy trì hoạt động. Tình trạng này dẫn đến thiếu hụt oxy và dưỡng chất khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, không có năng lượng và kiệt sức, ngất xỉu khi lao động quá sức.
- Tim đập nhanh bất thường: Một trong những triệu chứng đầu tiên của hở van tim 2 lá chính là tim đập nhanh, loạn nhịp mất kiểm soát.
- Một số triệu chứng khác: Tùy theo mức độ nghiêm trọng về tình trạng hở van mà bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như:
- Hở van tim 2 lá:
- Ho khan dai dẳng, ho kéo dài từng cơn hoặc tràng dài không dứt;
- Đánh trống ngực liên hồi, hồi hộp không rõ nguyên nhân;
- Tăng tần suất tiểu tiện ban đêm;
- Phù mắt cá chân hoặc cả bàn chân;
- Lắng tai yên tĩnh có thể nghe thấy âm thanh tim thổi do máu bị trào ngược trở lại buồng tâm nhĩ;
- Hở van tim 3 lá:
- Phù bàn chân, tĩnh mạch cổ và bụng;
- Gan to;
- Rối loạn nhịp tim và tĩnh mạch cổ đập mạnh;
- Giảm lượng nước tiểu;
- Mệt mỏi mỗi khi gắng sức;
- Hở van động mạch chủ:
- Đánh trống ngực;
- Đau thắt ngực;
- Khó thở khi nằm do suy tim trái;
- Hở van động mạch phổi:
- Đau ngực;
- Dễ ngất xỉu, bất tỉnh mất ý thức;
- Nghe tiếng tim thổi;
- Khó thở, nhất là khi gắng sức;
- Hở van tim 2 lá:
Chẩn đoán
Nếu chỉ dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng kể trên sẽ rất dễ chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Sau các bước thăm khám, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán khác để có đủ dữ liệu và kết luận chính xác nguyên nhân, mức độ hở van tim.
- Điện tâm đồ: Được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị chuyên dụng đo điện tim và thu lại hình ảnh điện tâm đồ. Có thể thực hiện khi người bệnh nằm nghỉ hoặc đang hoạt động gắng sức. Kết quả đo điện tâm đồ giúp xác định mức độ tim đập loạn nhịp, dựa vào đó đưa ra căn cứ chẩn đoán hở van tim.
- Siêu âm Doppler tim: Hình ảnh siêu âm tim chuyên sâu cho phép quan sát rõ nét cấu trúc bên trong buồng tim, giúp bác sĩ sẽ dàng quan sát thấy các tổn thương, trong đó có hở van tim.
- Chụp động mạch: Kỹ thuật chụp động mạch và thông tim tại buồng thất trái giúp đánh giá chỉ số HoHL, đó áp lực trong động mạch phổi, kiểm tra chức năng thất trái... để chẩn đoán hở van tim.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm phân tích công thức máu và sinh hóa máu giúp tìm kiếm, phát hiện sự tồn tại của các tác nhân gây viêm nhiễm, tổn thương cơ tim, làm hư hỏng van tim. Đồng thời, đo định lượng nồng độ B - type natriuretic prptide (BNP) trong máu;
- Các chẩn đoán hình ảnh khác: Giúp quan sát rõ hơn các tổn thương, xác định vị trí hở van tim, kể cả những tổn thương ở vị trí khuất bên trong buồng tim.
- Chụp CT Scan
- Chụp MRI
- Chụp X quang ngực
Biến chứng và tiên lượng
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng sau:
- Suy tim: Van tim bị hở khiến tim phải hoạt động hết công suất nhằm bơm máu mang oxy đến đến nuôi dưỡng các cơ quan. Lâu ngày dẫn dẫn đến suy tim, chức năng tim suy giảm kéo theo nhiều hệ lụy khó lường khác về sức khỏe.
- Rối loạn nhịp tim: Đây vừa là triệu chứng đặc trưng vừa là biến chứng nguy hiểm của bệnh hở van tim. Nhịp đập tim bất thường lúc nhanh (> 100 lần/ phút), lúc chậm (< 60 lần/ phút) gây rung thất, rung nhĩ, tăng nguy cơ bộc phát nhồi máu cơ tim, biến chứng đột quỵ và tử vong.
- Tai biến mạch máu não: Bất thường về chức năng van tim tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn lòng động mạch. Dưới áp lực của dòng máu, chúng di chuyển đến não và gây tắc mạch, phát sinh tai biến mạch máu não cực kỳ nguy hiểm.
- Phù phổi cấp: Những trường hợp bệnh nhân bị hở van động mạch chủ khiến tâm thất trái chịu áp lực lớn do ứ đọng máu quá nhiều. Tình trạng này kéo dài khiến xuất hiện dịch bên trong các phế nang phổi và gây phù phổi cấp.
Hở van tim là bệnh lý tim mạch đặc biệt nguy hiểm bởi gây ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tuần hoàn máu trong cơ thể. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh trong giai đoạn đầu nếu được phát hiện và điều trị sớm thường không quá xấu. Ngược lại, nếu bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, các triệu chứng và biến chứng biểu hiện rõ ràng cho thấy các tổn thương tim nghiêm trọng sẽ rất khó điều trị, tiên lượng giai đoạn này thường rất thấp.
Theo một thống kê, bệnh nhân hở van tim 2 lá và hở van động mạch chủ thường dễ gặp biến chứng với tiên lượng xấu cao hơn so với 2 dạng còn lại. Ngoài ra, tiên lượng ở những bệnh nhân hở van tim có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim... cũng sẽ xấu hơn, tỷ lệ sống thấp hơn so với những người chỉ bị hở van tim đơn thuần.
Tham khảo thêm: Thấp khớp cấp (thấp tim) – Điều trị sớm, tránh biến chứng
Điều trị
Tùy theo mức độ hở van tim, thể trạng sức khỏe và các bệnh lý kèm theo, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
1. Điều trị nội khoa
Dùng thuốc luôn là biện pháp điều trị ưu tiên đối với những trường hợp bị hở van tim mức độ nhẹ và vừa. Vì thuốc phát huy tác dụng nhanh chóng giúp cải thiện triệu chứng và xử lý một số nguyên nhân gây hở van tim như viêm nhiễm, ngăn ngừa biến chứng.
Các loại thuốc trị hở van tim thường dùng như:
- Thuốc lợi tiểu: Có tác dụng tăng tần suất tiểu tiện, tăng lượng nước tiểu nhằm đào thải lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể, giảm triệu chứng khó thở, phù nề, ho khan... Từ đó giúp giảm bớt gánh nặng cho tim, điều hòa huyết áp. Các loại thường dùng như Furosemide, Hydrochlorothiazide, Spironolactone...
- Nhóm thuốc trợ tim Digitalis: Có tác dụng cải thiện triệu chứng rối loạn nhịp tim hiệu quả. Thuốc có thể dùng được cho hầu hết các bệnh lý tim mạch có triệu chứng này, trong đó có hở van tim, ngăn ngừa biến chứng suy tim và hỗ trợ phục hồi chức năng tim.
- Thuốc tăng co bóp cơ tim: Được chỉ định sử dụng trong trường hợp tâm thu thất trái bị suy giảm chức năng (chỉ số EF < 50%). Các loại thường dùng như Digoxin 0.25mg x 1/2 viên/ ngày, dùng trong vòng 5 ngày. Trường hợp hở van tim có kèm suy tim cấp gây khó thở, hen tim... sẽ được truyền Dobutamine tĩnh mạch 2 - 5mcg/ kg/ phút trong vòng 2 - 5 ngày. Sau đó, giảm dần liều thuốc và chuyển sang dùng dạng viên thuốc Digoxin.
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định sử dụng nhằm 2 mục đích là dự phòng thấp tim và dự phòng viêm nội tâm mạc.
- Dự phòng thấp tim bằng thuốc tiêm Benzathine Penicillin 1,2 triệu đơn vị, dùng dưới dạng tiêm bắp 2 - 4 lần/ tuần. Hoặc có thể chuyển sang dùng dạng uống Penicillin V liều 400.000 đơn vị (tương đương 400mg) x 2 viên/ ngày;
- Dự phòng viêm nội tâm mạc: được chỉ định sử dụng kháng sinh trước và sau khi thực hiện các thủ thuật răng hàm mặt, tai mũi họng, sản khoa... Các loại được sử dụng phổ biến nhất là kháng sinh phổ rộng như Cephalosporine thế hệ 2 hoặc 3, thuốc Amoxillin...;
- Thuốc chống đông máu: Có tác dụng ngăn chặn sự hình thành và phát triển của các cục máu đông trong lòng động mạch, giảm nguy cơ biến chứng gây tắc mạch, giảm áp lực cho tim, làm chậm tiến triển của hở van tim.
- Một số loại thuốc khác
- Thuốc giãn mạch nhóm nitrate;
- Thuốc chống đau ngực;
- Thuốc chẹn beta giao cảm;
- Thuốc ức chế men chuyển như Lisinopril, Enalapril...;
- ...
Lưu ý bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc do bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc tùy tiện, tăng giảm liều hay lạm dụng trong thời gian dài để phòng ngừa các tác dụng phụ khó lường.
2. Phẫu thuật
Trường hợp chẩn đoán hở van tim mức độ nặng, có biến chứng và không còn đáp ứng điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện phẫu thuật van tim càng sớm càng tốt. Tùy vào mức độ tổn thương van sẽ tiến hành sửa chữa van hoặc thay van mới nhân tạo để phục hồi chức năng.
Cụ thể 2 phương pháp phẫu thuật trị hở van tim như sau:
- Thủ thuật sửa van bằng bóng: Đối với các van bị hở nhưng không quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ dựa vào cơ chế gây hở van để giúp các van đóng kín lại với nhau và hoạt động bình thường. Kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhất hiện nay là đưa một vòng giả thông qua tĩnh mạch từ chân tiếp cận đến tim. Sau đó, vòng được đặt vào van bị hở nhằm sửa chữa phần mô bị tổn thương, giúp máu lưu thông qua van dễ dàng hơn.
- Phẫu thuật thay van tim: Van tim bị tổn thương hoàn toàn và không còn khả năng phục hồi sẽ chỉ định thay van mới. Van mới có thể là van nhân tạo làm từ chất liệu cơ học như kim loại, nhựa... hoặc van được tiến tặng, lấy từ động vật... Trước khi thay van mới, van cũ bị tổn thương sẽ được tiến hành cắt bỏ.
Tuy phẫu thuật sửa hoặc thay mới van tim đem lại hiệu quả cao, là phương pháp duy nhất giúp loại bỏ triệt để các tổn thương van tim. Nhưng trên thực tế phương pháp này vẫn tồn tại nhiều rủi ro, biến chứng nhất định và cũng rất tốn kém nên cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi quyết định có nên thực hiện hay không.
Phòng ngừa
Ngoại trừ yếu tố di truyền bẩm sinh, hở van tim do các bệnh lý khác đều có thể phòng ngừa được ngay từ đầu nếu bạn có một lối sống và sinh hoạt lành mạnh, duy trì sự khỏe mạnh của quả tim.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, nhất là sức khỏe tim mạch như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt... Hạn chế các loại thực phẩm dầu mỡ, nhiều đường, muối, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn...
- Tập thể dục, vận động tích cực mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, tăng sự dẻo dai về thể chất và sự khỏe mạnh của quả tim. Chú ý tập vừa sức, tránh tập luyện quá sức cũng có thể gây áp lực cho tim.
- Duy trì cân nặng phù hợp, phòng ngừa thừa cân béo phì, tăng cholesterol phát sinh các bệnh lý tim mạch, trong đó có hở van tim.
- Nói không với thuốc lá, rượu bia hay các loại chất kích thích khác vì đây đều là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh lý, tổn thương tại tim mạch.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh stress, căng thẳng quá mức.
- Thăm khám và điều trị dứt điểm các bệnh lý mạn tính có liên quan đến hệ tim mạch để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh hở van tim xảy ra ở trẻ nhỏ hay người lớn?
2. Nguyên nhân khiến tôi/ con tôi mắc bệnh hở van tim là gì?
3. Bệnh hở van tim có nguy hiểm không?
4. Bị hở van tim sống được bao lâu?
5. Có điều trị hở van tim khỏi dứt điểm được không?
6. Tôi cần thực hiện biện pháp xét nghiệm nào để chẩn đoán hở van tim?
7. Phương pháp điều trị bệnh hở van tim tốt nhất dành cho trường hợp của tôi/ con tôi?
8. Có cần phẫu thuật hở van tim không? Có gây rủi ro khi phẫu thuật không?
9. Chi phí phẫu thuật hở van tim tốn bao nhiêu? Có được sử dụng BHYT không?
10. Có cần tái khám lại sau điều trị hở van tim không?
Bệnh hở van tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào. Do đó, khuyến cáo người bệnh nên chủ động thăm khám và điều trị sớm bằng phương pháp phù hợp. Đồng thời, mọi người cần nâng cao ý thức trong việc duy trì thực hiện lối sống lành mạnh và tầm soát định kỳ sức khỏe tim mạch thường xuyên để sớm phát hiện bệnh.
Tham khảo thêm:
- Bệnh Viêm động mạch Takayasu - Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
- Đau thắt ngực không ổn định - Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!