Bệnh Còi Xương

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Còi xương là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có nhiều mức độ còi xương với các biểu hiện khác nhau giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác. Trẻ bị còi xương dễ gặp phải những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe xương, kém phát triển thể chất với nhiều biến chứng khó lường khi trưởng thành. Để điều trị còi xương hiệu quả, bố mẹ cần hiểu rõ về căn bệnh này và cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. 

Còi xương là căn bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Tổng quan

Còi xương (Rickets) là tình trạng chậm hoặc ngưng quá trình khoáng hóa xương do thiếu hụt canxi và phosphat, khiến xương mất đi độ cứng và sức đề kháng khỏe mạnh. Khoáng hóa là quá trình liên kết các chất cứng chứa khoáng chất canxi và phosphat tạo thành vật liệu hình thành cấu trúc cơ bản của xương.

Còi xương xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như chế độ ăn uống không phù hợp hoặc mắc các bệnh di truyền. Ngoài ra, người lớn tuổi, người lớn trưởng thành hoặc phụ nữ mang thai cũng là những đối tượng có nguy cơ bị còi xương.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Có 3 nguyên nhân chính làm chậm hoặc ngừng quá trình khoáng hóa xương, gây còi xương, bao gồm:

Thiếu dưỡng chất

Vitamin D, canxi và phốt pho là những thành phần quan trọng tham gia quá trình hình thành xương và giúp xương chắc khỏe. Trong đó, vitamin D có nhiệm vụ hỗ trợ cơ thể hấp thu 2 hoạt chất còn lại là canxi và phốt pho.

Thiếu hụt vitamin D và canxi là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị còi xương

Đối với một đứa trẻ đang trong giai đoạn phát triển xương mạnh mẽ, việc thiếu hụt các hoạt chất này khiến xương không thể phát triển bình thường, trở nên yếu, dễ gãy hơn.

Ngoài ra, thiếu hụt vitamin K2 làm chậm quá trình vận chuyển canxi từ máu vào xương cũng là nguyên nhân gây còi xương, tuy nhiên khá hiếm gặp.

Còi xương di truyền

Còi xương di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây dẫn đến còi xương. Xảy ra khi trẻ thừa hưởng gen đột biến gây giảm phospho máu từ bố mẹ.

Còi xương ở người trưởng thành

Tình trạng còi xương ở người lớn còn được gọi là bệnh nhuyễn xương (Osteomalacia). Nguyên nhân chính gây ra cũng là do thiếu vitamin D, khiến xương mềm, dễ gãy.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ gây còi xương như:

  • Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là ở những vị trí địa lý vĩ độ Bắc, nơi có tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh còi xương cao;
  • Phụ nữ mang thai thiếu vitamin D, canxi khiến bào tai bị còi xương;
  • Chế độ dinh dưỡng kém, không được nuôi bằng sữa mẹ hoặc cho ăn bột, gia vị sớm làm giảm khả năng hấp thu canxi, vitamin D trong ruột;
  • Trẻ sinh non, nhẹ cân (< 2.5kg), sinh đôi, sinh ba;
  • Mắc các bệnh lý gây cản trở hấp thụ vitamin D dẫn đến còi xương như nhiễm ký sinh trùng, tiêu chảy, viêm gan tắc mật...;
  • Mẹ bầu sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống động kinh trong thai kỳ;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Còi xương chủ yếu xảy ra ở trẻ em, đặc trưng với các dấu hiệu sau:

Trẻ bị còi xương thường có các biểu hiện đặc trưng như rối loạn thần kinh thực vật, rụng tóc vành khăn, táo bón...

  • Rối loạn thần kinh thực vật: Trẻ khó ngủ, ngủ giấc ngắn, dễ giật mình, quấy khóc, đổ mồ hôi trộm ban đêm...
  • Rối loạn tiêu hóa: Trẻ dễ bị táo bón, đi ngoài phân sống, đau bụng khó chịu.
  • Đau nhức: Với những trẻ lớn, còi xương khiến cơn đau nhức xương, thường là ở các xương dài (như xương cẳng chân), có thể vào buổi chiều tối hoặc ban đêm.
  • Rụng tóc: Tóc trẻ rụng dần, ban đầu chỉ vài sợi vương trên gối, theo thời gian còi xương nặng tóc trẻ còn rất ít, nhất là phần tóc phía trước. Tình trạng này dân gian gọi là rụng tóc hình vành khăn.
  • Chậm phát triển: Trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đi...
  • Xuất hiện bướu: Những trẻ bị còi xương ngay từ trong bụng mẹ thường xuất hiện bướu trán, đỉnh đầu trong 3 tháng đầu sau sinh.
  • Chậm mọc răng: Trẻ còi xương thường chậm mọc răng, răng mọc lộn xộn, dễ sâu, nướu và men răng kém.
  • Biến dạng xương:
    • Giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi, trẻ còi xương thường xuất hiện các nốt  ở phần đầu xương sườn (chuỗi hạt sườn) hoặc cong xương sườn, gây biến dạng lồng ngực (lồng ngực hình gà);
    • Trẻ từ sau 1 tuổi, xương của trẻ bắt đầu biến dạng nặng gây cong xương chi dưới (chân vòng kiềng), đầu gối nhô ra ngoài, hẹp khung chậu, gù vẹo cột sống, thấp bé do chậm phát triển chiều cao;

Ngoài các triệu chứng còi xương chung, trường hợp trẻ đang trong đợt còi xương cấp có thể gây ra một số biểu hiện khác như:

  • Cơn khóc lặng;
  • Thở rít thanh quản;
  • Có cảm giác tê, ngứa ran như kim châm ở bàn tay, bàn chân;
  • Hạ canxi máu gây chuột rút, co giật;

Trong trường hợp này, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được cấp cứu kịp thời.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh còi xương thông qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Chẩn đoán bệnh còi xương ở trẻ bằng các biện pháp lâm sàng và cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp X quang...

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các kiểm tra triệu chứng lâm sàng dựa trên những biểu hiện do bố mẹ cung cấp. Chẳng hạn như hộp sọ mềm, chân vòng kiềng, ngực nhô ra bất thường... Đồng thời, khai thác một số thông tin về chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống, tắm nắng...
  • Xét nghiệm cận lâm sàng: Các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán còi xương như:
    • Xét nghiệm máu đo nồng độ canxi và phốt pho;
    • Xét nghiệm động mạch đo nồng độ axit trong máu;
    • Chụp X quang nhằm phát hiện các thay đổi trong cấu trúc, biến dạng xương;
    • Sinh thiết xương đem lại kết quả chẩn đoán chính xác tuyệt đối về nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, đối với còi xương thường hiếm được chỉ định.

Chẩn đoán còi xương cần phân biệt với chứng còi cọc cũng phổ biến không kém ở trẻ. Trẻ còi cọc thường là những trẻ suy dinh dưỡng, các chỉ số cân nặng, chiều cao thấp hơn mức bình thường và có thể kèm theo còi xương hoặc không. Trong khi trẻ còi xương vẫn có thể trạng bình thường, cân nặng tốt, bụ bẫm, do trẻ chỉ thiếu hụt các chất cần thiết cho xương là vitamin D, canxi, phốt pho.

Biến chứng và tiên lượng

Trẻ bị còi xương gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thể chất mà còn làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm như:

Chân vòng kiềng là một trong những biến chứng do còi xương gây ra

  • Biến dạng lồng ngực, gù vẹo cột sống gây cản trở hô hấp;
  • Dị tật chân tay do biến dạng xương, thường là chân vòng kiềng hoặc chân chữ bát, dị tật răng khiến trẻ tự ti về ngoại hình, nhất là khi lớn lên;
  • Nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương, gãy xương dù gặp các chấn thương nhẹ;
  • Tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, thấp bé, nhẹ cân hơn so với bạn bè đồng trang lứa;
  • Hẹp khung xương chậu gây khó khăn về khả năng sinh sản trong tương lai, đối với trẻ gái;
  • Suy giảm miễn dịch tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng, phổ biến nhất là viêm phổi;
  • Trẻ bị còi xương có nguy cơ bị động kinh cao hơn những trẻ khỏe mạnh;

Điều trị

Nguyên tắc điều trị còi xương cho trẻ là bổ sung đủ lượng vitamin D thiếu hụt cho trẻ. Để biết được liều lượng cần bổ sung, bố mẹ cần nắm rõ nhu cầu vitamin D qua từng giai đoạn như sau:

  • Trẻ < 6 tháng tuổi: 1000UI/ngày;
  • Trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi: 1.500IU/ngày;
  • Trẻ từ 1 - 2 tuổi: 2.500IU/ngày;
  • Trẻ từ 3 - 7 tuổi: 3000IU/ngày;
  • Trẻ > 8 tuổi: 4000IU/ngày;

Đối với canxi:

  • Trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi: 200mg/ngày;
  • Trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi: 260mg/ngày;
  • Trẻ từ 11 tháng - 3 tuổi: 700mg/ngày;

Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, mức độ thiếu hụt canxi, vitamin D và các vi chất khác bao nhiêu, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị thông qua dinh dưỡng

Dinh dưỡng là cách tốt nhất giúp bổ sung canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết khác cho trẻ, cải thiện còi xương. Có nhiều cách bổ sung như:

Bổ sung canxi và vitamin D thông qua thực phẩm là giải pháp điều trị còi xương cho trẻ hiệu quả

  • Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và duy trì cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 2 năm;
  • Cho con ăn dặm đúng thời điểm, thường là khi trẻ > 6 tháng tuổi;
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D như thịt, cá, cua, trứng, sữa, phô mai, các loại đậu, rau xanh, ngũ cốc, nấm...;
  • Kết hợp một ít dầu ăn khi chế biến thức ăn cho trẻ, vì vitamin D chỉ tan trong dầu;
  • Không nên cho trẻ sử dụng nước hầm xương vì lượng canxi rất thấp và cơ thể trẻ khó hấp thu;

Cho trẻ tắm nắng thường xuyên

Các chuyên gia khuyến cáo trẻ bị còi xương nên được tắm nắng hàng ngày. Thói quen này giúp kích thích cơ thể tự sản sinh đủ lượng vitamin D mà cơ thể cần. Khoảng thời gian tắm nắng tốt nhất là từ 6 - 9h sáng, chiều từ 4 - 5h tùy theo mức độ nắng có gắt hay không.

Trong vài ngày đầu, hãy cho trẻ tắm nắng 5 - 10 phút và tăng dần thời gian lên 20 - 30 phút trong những ngày tiếp theo. Chú ý khi tắm nắng, không để nắng chiếu trực tiếp vào mắt, đầu và những bộ phận nhạy cảm của trẻ. Thay vào đó, nên cho trẻ tắm lần lượt từng bộ phận và chọn nơi tắm nắng kín gió.

Điều trị bằng thuốc

Đối với trẻ bị còi xương nặng, tăng cường bổ sung canxi, vitamin D bằng thuốc là biện pháp nhanh chóng được bác sĩ chỉ định. Phác đồ điều trị cụ thể như sau:

  • Liều tấn công: Vitamin D2 (Ezgocalciferol, Infain), vitamin D3 (Cholecalciferol, Aquadetrim) liều 2000 - 5000UI/ngày, kéo dài trong vòng 4 - 6 tuần;
  • Liều duy trì: Trẻ 1 tuổi tiếp tục dùng liều dự phòng 400UI/ngày, ưu tiên bổ sung dưới dạng multivitamins;

Trường hợp trẻ bị còi xương cấp tính hoặc kèm theo dấu hiệu nhiễm khuẩn cấp gây tiêu chảy, viêm phổi có thể dùng liều 10.000UI/ngày, liên tục trong vòng 10 ngày. Bố mẹ cần lưu ý theo dõi phản ứng của trẻ khi dùng thuốc và tránh tự ý tăng liều cao hơn chỉ định để tránh nguy cơ ngộ độc vitamin D.

Thuốc trị còi xương cho trẻ giúp bổ sung nhanh và hấp thu tốt các dưỡng chất cần thiết cho xương

Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị còi xương phổ biến khác như:

  • Calcium Corbiere 5ml: Trẻ < 1 tuổi uống 1/2 ống/ ngày, trẻ > 1 tuổi uống 1 - 2 ống/ ngày;
  • Canxi nhóm B: Thường là B1, B2 và B6, bổ sung dạng uống, trẻ < 6 tuổi uống 1/2 ống/ ngày;
  • Canxi nano: Liều dùng khuyên cáo cho trẻ < 6 tháng tuổi là 200mg/ ngày, trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi dùng liều 260mg/ ngày;
  • Calcinol: Thường dùng cho trẻ > 1 tuổi, tần suất 2 - 3 lần/ ngày, liều dùng do bác sĩ chỉ định;
  • MK7: Liều dùng tùy theo độ tuổi, trẻ từ 0 - 6 tháng dùng 2mcg/ ngày, trẻ từ 7 - 12 tháng dùng 2.5mcg/ ngày;

Phụ huynh nên chọn những loại thuốc kết hợp cả 3 thành phần vitamin D3, canxi nano và MK7 sẽ giúp đạt hiệu quả điều trị còi xương cho trẻ hiệu quả hơn.

Đồng thời, kết hợp điều trị phối hợp nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ các khoáng chất quan trọng khác như canxi và phốt pho. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bổ sung muối Ca 500mg/ ngày, trẻ lớn hơn bổ sung 1 - 2g/ ngày.

Phòng ngừa 

Chủ động thực hiện các biện pháp tích cực dưới đây để phòng ngừa bệnh còi xương:

Phụ nữ mang thai cần bổ sung canxi & vitamin D đầy đủ thông qua ăn uống và TPCN phòng ngừa sinh con bị còi xương

  • Phụ nữ mang thai nên ăn uống đủ chất, tắm nắng và bổ sung vitamin D để có thai kỳ khỏe mạnh, tránh nguy cơ sinh non, gây còi xương cho bào thai.
  • Trẻ sau sinh cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ và tắm nắng thường xuyên.
  • Những trẻ sinh ra thấp bé, nhẹ cân, còi cọc, ít được tiếp xúc với ánh nắng cần uống bổ sung vitamin D với liều 400 đơn vị/ngày và uống liên tục trong vòng 1 năm đầu đời.
  • Trẻ đến tuổi ăn dặm nên có có khẩu phần ăn đủ 4 nhóm chất quan trọng, trong đó tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D.
  • Trẻ có tiền sử còi xương, nên chủ động điều trị dự phòng bằng vitamin D3 6 tháng/lần, nhất là vào mùa đông.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu cho thấy con tôi bị còi xương?

2. Nguyên nhân khiến con tôi bị còi xương?

3. Bệnh còi xương ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ?

4. Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh còi xương?

5. Bệnh còi xương có chữa khỏi được không?

6. Phương pháp điều trị bệnh còi xương tốt nhất dành cho con tôi?

7. Con tôi bị còi xương nên ăn uống như thế nào?

8. Có nên tắm nắng cho trẻ bị còi xương không? Nên tắm nắng khi nào?

Bệnh còi xương gây nhiều ảnh hưởng khó lường cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó, khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và tư vấn cách điều trị kịp thời, ngăn chặn những hệ lụy khó lường về sau.

THAM KHẢO THÊM:

Chia sẻ:
Bệnh Viêm tủy xương đốt sống
Viêm tủy xương đốt sống là một trong những dạng viêm tủy xương hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến các đốt sống. Nó thường được gây ra bởi tình trạng…
Hội chứng chùm đuôi ngựa
Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng nghiêm trọng,…
Bệnh Viêm Khớp Cổ Tay
Viêm khớp cổ tay là một dạng viêm khớp phát…
Đau thần kinh tọa Bệnh Đau Thần Kinh Toạ
Đau thần kinh tọa là hiện tượng dây thần kinh…
Chấn Thương Dây Chằng Chéo Sau

Chấn thương dây chằng chéo sau là một trong 4 dạng chấn thương dây chằng gối phổ biến. Thường xảy…

Tràn dịch khớp Bệnh Tràn Dịch Khớp

Tràn dịch khớp là hậu quả của chấn thương hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý xương khớp. Bất kỳ…

Bệnh Viêm đa cơ

Viêm đa cơ là bệnh tự miễn hiếm gặp gây ảnh hưởng đến các cơ, gây viêm và yếu cơ.…

Bệnh Viêm Khớp Dạng Thấp Huyết Thanh Dương Tính

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là một trong những dạng phổ biến nhất của viêm khớp dạng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua