Bệnh Viêm Khớp Phản Ứng

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Viêm khớp phản ứng là thuật ngữ y tế dùng để chỉ tình trạng sưng viêm khớp do nhiễm khuẩn tại các cơ quan nội tạng ngoài khớp như đường ruột, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, cầu thận... Bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền kháng nguyên bạch cầu HLA-B27 và nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch yếu kém. Nếu không điều trị kịp thời, hiện tượng nhiễm trùng lây lan ngày càng nghiêm trọng và đe dọa sức khỏe, khả năng vận động của người bệnh. 

Tổng quan

Viêm khớp phản ứng (Reactive arthritis) là một dạng viêm khớp xảy ra sau đợt nhiễm khuẩn. Bệnh còn được gọi là viêm khớp vô khuẩn hoặc hội chứng Reiter. Bệnh đặc trưng với tình trạng sưng viêm, đau nhức khớp hậu nhiễm khuẩn, xảy ra tại các cơ quan như hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa (đường ruột, đại tràng), hệ sinh dục. Còn vị trí khớp dễ bị tác động tổn thương nhất là hai chi dưới, cột sống và khớp cùng chậu.

Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm nhiễm, sưng đỏ, đau nhức khớp ở các cơ quan ngoài khớp sau đợt nhiễm trùng do virus & vi khuẩn

Bệnh lý này có tính chất hệ thống vì các tổn thương gây sưng khớp, nhiễm khuẩn các cơ quan ngoài khớp như cầu thận, đại tràng, niệu đạo, kết mạc mắt, da... Bệnh có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền hoặc những người mang kháng nguyên bạch cầu HLA-B27.

Bệnh viêm khớp phản ứng không phổ biến như các dạng bệnh viêm khớp khác. Chủ yếu xảy ra ở mọi đối tượng, chủ yếu là người trưởng thành từ 20 - 50 tuổi, nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới. Trẻ em và người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh thấp. Bệnh không có khả năng lây nhiễm nhưng có thể lây truyền thông qua dùng chung vật dụng cá nhân, nguồn thức ăn ô nhiễm hoặc qua đường tình dục.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Theo các chuyên gia xương khớp, viêm khớp phản ứng là hậu quả của quá trình đáp ứng quá mức của hệ thống miễn dịch khi tiếp xúc với vi khuẩn. Các loại vi khuẩn được phát hiện ở bệnh nhân viêm khớp phản ứng như:

Các loại vi khuẩn, virus, bệnh lao hệ thống hoặc các bệnh đường ruột là những nguyên nhân gây ra viêm khớp phản ứng

  • Vi khuẩn đường sinh dục, tiết niệu như Chlamydia, Trachomatis...;
  • Vi khuẩn đường tiêu hóa như Shigella, Borrelia, Yersinia, Salmonella, Campylobacter...;

Ngoài ra, một thống kê cho thấy có khoảng 30 - 60% các ca mắc viêm khớp phản ứng phát hiện có sự xuất hiện của kháng nguyên HLA-B27. Thậm chí, bệnh có thể tiến triển nặng sang giai đoạn mạn tính nếu có tồn tại kháng nguyên HLA-B27+.

Yếu tố nguy cơ 

Ngoài 2 nguyên nhân chính trên, bệnh viêm khớp phản ứng cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng từ các yếu tố khác như:

  • Nhiễm virus HIV, viêm gan A, Parvovirus, Rubella...;
  • Bệnh lao hệ thống;
  • Các bệnh viêm đường ruột mạn tính như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng...;
  • Viêm khớp phản ứng vô căn (chiếm tỷ lệ 20% trên tổng số các trường hợp mắc bệnh);

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng viêm khớp phản ứng bắt đầu biểu hiện sau đợt nhiễm khuẩn trước đó khoảng vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm, tùy theo mức độ ủ bệnh của vi khuẩn.

Viêm khớp phản ứng gây các triệu chứng đặc trưng như đau nhức khớp, tổn thương niêm mạc, da, niêm mạc mắt...

Hiện tượng viêm khớp phản ứng tác động đồng thời đến nhiều cơ quan. Cụ thể bệnh nhan sẽ gặp một số triệu chứng điển hình sau:

  • Triệu chứng tại khớp:
    • Đau nhức ở 1 hoặc nhiều khớp, nhưng không có tính chất đối xứng;
    • Có cảm giác sưng phồng tại khớp;
    • Vị trí đau phổ biến nhất là mắt cá chân, bàn chân, đầu gối;
    • Cơn đau ban đầu chỉ khu trú tại khớp, sau đó sẽ lan sang cột sống, lên tay, cổ tay, ngón tay...;
  • Triệu chứng tại niêm mạc & da:
    • Sừng hóa nghiêm trọng vùng da ở lòng bàn chân, lòng bàn tay và da đầu;
    • Đau rát, có vết loét ở niêm mạc miệng, lưỡi, bao quy đầu...;
    • Nặng hơn có thể gây nhiễm trùng niêm mạc khởi phát bệnh viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm bàng quang...'
  • Triệu chứng ở mắt:
    • Tổn thương ở 1 bên hoặc cả 2 bên mắt;
    • Đau nhức hốc mắt;
    • Viêm loét giác mạc;
    • Viêm kết mạc;
  • Triệu chứng toàn thân: Ngoài những nguyên nhân khu trú tại chỗ, viêm khớp phản ứng còn phát sinh kèm theo một số triệu chứng toàn thân như: sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, chán ăn, đau đầu, sụt cân, tăng số lần đi tiểu, đau rát khi tiểu...;

Chẩn đoán

Khuyến cáo bệnh nhân viêm khớp phản ứng nên thăm khám sớm và điều trị ngay để tránh gây ra những biến chứng khó lường cho sức khỏe. Việc chẩn đoán viêm khớp phản ứng được thực hiện thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng vừa kể trên. Đồng thời, kết hợp khai thác tiền sử bệnh cá nhân, gia đình và thói quen sống, sinh hoạt.

Xét nghiệm máu đo lường tốc độ lắng máu và đo mức độ dương tính với vi khuẩn giúp chẩn đoán xác định viêm khớp phản ứng

Sau đó, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết giúp chẩn đoán xác định viêm khớp phản ứng như:

  • Xét nghiệm tốc độ lắng máu;
  • Xét nghiệm nước tiểu (phát hiện hồng cầu, bạch cầu và protein niệu);
  • Test đo lường huyết thanh có thể cho kết quả dương tính với vi khuẩn Campylobacter, Samonella, Chlamydia...;
  • Xét nghiệm dịch khớp;
  • Xét nghiệm xác định kháng nguyên HLA-B27 (cho kết quả dương tính)l
  • Chụp X quang khớp;
  • Chụp MRI, CT scan;
  • Xạ hình xương;
  • ...

Ngoài ra, để tránh tạo ra những nhầm lẫn trong điều trị, cần chẩn đoán phân biệt giữa viêm khớp phản ứng với các bệnh lý khác có các triệu chứng đặc trưng khá tương đồng như:

  • Viêm khớp vảy nến;
  • Viêm khớp nhiễm trùng;
  • Viêm khớp gout cấp;
  • Viêm khớp trong các bệnh lý hệ thống;
  • Các bệnh lý viêm khớp không đặc hiệu khác;

Biến chứng và tiên lượng

Tiến triển bệnh viêm khớp phản ứng khá nhanh chóng và bộc phát dưới dạng cấp hoặc mạn tính. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, bệnh nặng hay nhẹ, nguyên nhân, cơ địa từng người... mà những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe thể chất, khả năng vận động của người bệnh cũng sẽ khác nhau.

Các chuyên gia cho biết, hầu hết những bệnh nhân mắc viêm khớp phản ứng khi tìm đến bệnh viện để điều trị đều đã ở giai đoạn muộn. Có 2 nguyên nhân, thứ 1 là do triệu chứng bệnh trong giai đoạn đầu khá mờ nhạt, thứ 2 là do bệnh nhân chủ quan lơ là không điều trị, nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi.

Bệnh viêm khớp phản ứng nếu phát hiện muộn và điều trị trễ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tàn phế vĩnh viễn

Trên thực tế thì viêm khớp phản ứng không chỉ là một bệnh lý nhiễm khuẩn đơn thuần mà nó còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý mạn tính khác như viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp... Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng phức tạp đến sức khỏe thể chất, tinh thần và khả năng vận động, cử động cột sống...

Tuy nhiên, bệnh nhân viêm khớp phản ứng cũng không cần phải quá lo lắng vì hầu hết các trường hợp bệnh đều chỉ kéo dài triệu chứng từ 3 - 12 tháng. Kết hợp chăm sóc tích cực sẽ giúp rút ngắn thời gian điều trị, sớm khỏi bệnh trong vòng 2 - 6 tháng. Điểm hạn chế duy nhất là bệnh dễ tái phát, khó điều trị dứt điểm trừ khi đã loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây bệnh.

Tìm hiểu: Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Bệnh có nguy hiểm không?

Điều trị

Nguyên tắc điều trị viêm khớp phản ứng là kiểm soát nhiễm khuẩn, cải thiện triệu chứng và điều trị/dự phòng biến chứng. Phác đồ điều trị thông qua bằng các phương pháp sau:

1. Điều trị bằng thuốc 

Các loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm khớp phản ứng như:

Thuốc kháng sinh

Phác đồ thuốc kháng sinh được chỉ định phổ biến trong điều trị viêm khớp phản ứng, nhất là những trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu sinh dục, đường tiêu hóa... Dựa vào kết quả chẩn đoán xác định chủng vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc phù hợp.

Hầu hết các trường hợp bị viêm khớp phản ứng đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị bằng thuốc kháng sinh

Có thể kể đến một số loại như:

  • Oxacillin;
  • Vancomycin;
  • Ceftazidim;
  • Nhóm Aminoglycosid;
  • Methicilin;
  • Penicillin;
  • Cephalosporin;
  • Doxycyclin;

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Nhóm thuốc này có tác dụng chính là giảm viêm nhiễm và hỗ trợ giảm đau hớp do viêm khớp phản ứng gây ra. Các loại NSAIDs được dùng phổ biến như:

  • Trường hợp nhẹ và vừa dùng Ibuprofen (Motrin, Advil), Aspirin, Naproxen (Aleve);
  • Trường hợp nặng hơn có thể dùng Indomethacin (Indocin) hoặc các nhóm thuốc khác;

Nhóm Corticosteroid 

Được chỉ định sử dụng nhằm ức chế tình trạng viêm sưng khớp xương. Thuốc chỉ dùng cho những trường hợp viêm khớp phản ứng gây đau nhức dữ dội, không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường, dùng dạng tiêm để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý tuân thủ liều dùng để tránh gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Thuốc chẹn TNF

Đây là nhóm thuốc chứa hoạt chất ức chế hoại tử khối u TNF một protein tế bào cytokine - tác nhân gây viêm trong bệnh cảnh viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng sưng đau, cứng khớp. Hiện nay, nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc chẹn TNF này cũng phát huy tác dụng trong điều trị viêm khớp phản ứng.

Các loại thuốc được dùng phổ biến như:

  • Infliximab (Remicade);
  • Etanercepx (Enbrel);
  • ...

2. Vật lý trị liệu & chăm sóc tích cực

Hầu hết các trường hợp bị viêm khớp phản ứng đều đáp ứng tốt với phác đồ kháng sinh và rất hiếm trường hợp phát sinh biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình điều trị và tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, bệnh nhân cần phối hợp thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu phù hợp để cải thiện chức năng vận động của khớp.

Tập luyện vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia hỗ trợ cải thiện sự linh hoạt các khớp, phục hồi chức năng vận động cho người bệnh

Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các bài tập vật lý trị liệu phù hợp, tác động tích cực đến cơ khớp bị tổn thương do viêm nhiễm. Vừa hỗ trợ cải thiện triệu chứng vừa phục hồi sự linh hoạt của các khớp nối cơ xương khớp, giúp bệnh nhân sớm cử động và sinh hoạt bình thường trở lại.

Ngoài các biện pháp trên, trong quá trình điều trị viêm khớp phản ứng, bệnh nhân cũng cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn uống dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, nghỉ ngơi thư giãn để tránh làm tăng nặng tình trạng nhiễm khuẩn. Sau thời gian ngắn điều trị khoảng 3 - 4 tháng, các tổn thương viêm khớp phản ứng sẽ thuyên giảm dần và khỏi hẳn.

Phòng ngừa

Bệnh viêm khớp phản ứng không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu, vì rất nhiều trường hợp mắc bệnh có mối liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Mà gen di truyền là thứ không thể thay đổi được trong cơ thể con người. Còn với những tác nhân gây nhiễm trùng còn lại như vi khuẩn, virus, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu thực hiện tốt các biện pháp sau:

Ăn chín uống sôi để giảm nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, virus gây viêm khớp phản ứng

  • Tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi để giảm nguy cơ nhiễm các loại vi sinh vật có hại như Shigella, Salmonella, Campylobacter, Yersinia...
  • Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục, tai mũi họng và che chắn kỹ lưỡng khi vào mùa lạnh để tránh làm giảm khả năng miễn dịch gây viêm khớp phản ứng.
  • Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy để tránh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Hạn chế tắm nước quá nóng vì có thể gây ra hiện tượng sưng đau, căng cứng khớp.
  • Chủ động thăm khám và điều trị dứt điểm, triệt để các tổn thường nhiễm khuẩn tại những vùng khác trên cơ thể như phần mềm, da, xương.
  • Thường xuyên khám sức khỏe tổng quát định kỳ và tầm soát sàng lọc nguy cơ mắc bệnh viêm khớp phản ứng ở những gia đình có tiền sử mắc bệnh hoặc có gen chứa kháng nguyên HLA-B27+.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sưng đau khớp, đau mắt và tổn thương da là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Lý do tại sao tôi mắc bệnh viêm khớp phản ứng?

3. Bệnh viêm khớp phản ứng có nguy hiểm không?

4. Tiên lượng mức độ bệnh viêm khớp phản ứng và khả năng chữa khỏi đối với trường hợp bệnh của tôi?

5. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh viêm khớp phản ứng?

6. Điều trị viêm khớp phản ứng bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị viêm khớp phản ứng và cứ để bệnh tiến triển như vậy?

8. Tôi cần tập luyện như thế nào để hỗ trợ điều trị viêm khớp phản ứng?

9. Bệnh viêm khớp phản ứng có lây truyền không? Tôi cần làm gì để tránh lây bệnh cho người khác?

10. Quá trình điều trị viêm khớp phản ứng mất bao lâu thì khỏi?

Viêm khớp phản ứng khởi phát từ tình trạng viêm nhiễm gây sưng đau, cứng khớp và kèm theo các tổn thương tại cơ quan khác như mắt, da, đường ruột, đường sinh dục... Bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe thể chất và khả năng vận động của người bệnh. Do đó, cần chủ động thăm khám và điều trị bệnh càng sớm càng tốt để dự phòng các nguy cơ biến chứng vĩnh viễn khó phục hồi.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Loãng xương Bệnh Loãng Xương
Loãng xương là một tình trạng khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn. Xương của người bị loãng xương có mật độ thấp hơn bình thường, khiến chúng…
Bệnh Viêm Khớp Ngón Tay
Viêm khớp ngón tay là một trong những dạng viêm…
Bệnh Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới
Giãn tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh lành tính…
Bệnh Gù Cột Sống
Gù cột sống là một trong những biến dạng về…
Bệnh thoái hóa cột sống

Bệnh thoái hóa cột sống thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên hiện nay bệnh ngày càng có…

Bệnh Viêm Khớp Bàn Chân

Viêm khớp bàn chân là một dạng tổn thương phổ biến. Không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng đi…

Tràn dịch khớp Bệnh Tràn Dịch Khớp

Tràn dịch khớp là hậu quả của chấn thương hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý xương khớp. Bất kỳ…

Bệnh Viêm Bao Hoạt Dịch Khớp Gối

Viêm bao hoạt dich khớp gối xảy ra do rất nhiều nguyên nhân và ở bất kỳ đối tượng nào.…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua