Bệnh Crohn

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Bệnh Crohn thuộc nhóm bệnh viêm ruột mãn tính. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng bất thường tại đường tiêu hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Bệnh Crohn nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, thậm chí tăng nguy cơ tử vong đối với các biến chứng nặng. Bệnh không thể tự khỏi nên việc chẩn đoán và điều trị cần được thực hiện sớm tại bệnh viện chuyên khoa.

Tổng quan

Bệnh Crohn (Crohn's disease) còn được gọi với nhiều cái tên khác như viêm ruột từng vùng, viêm hồi đại tràng u hạt, viêm hồi tràng u hạt, viêm ruột Crohn... Thuộc nhóm bệnh lý viêm ruột mạn tính (inflammatory bowel disease - IBD), gây viêm loét toàn bộ bề dày của thành ruột, ở cả ruột non và ruột già hoặc bất kỳ bộ phận nào trên ống tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn.

Bệnh Crohn là một dạng rối loạn tiêu hóa thuộc nhóm bệnh viêm đường ruột mạn tính

Đây là một hội chứng rối loạn tiêu hóa đặc trưng với tình trạng viêm nhiễm nang, hình thành áp xe, các lỗ rò ăn sâu vào bên trong thành ruột non hoặc đại tràng. Những tổn thương này có thể xảy ra từng vùng hoặc liên tục tùy từng trường hợp. Bệnh được biểu hiện thông qua các triệu chứng điển hình như tiêu chảy, đau bụng, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng...

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh Crohn vẫn chưa được xác định rõ ràng nên việc vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát tiến triển và cải thiện triệu chứng, phòng ngừa tái phát lâu dài. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh nhẹ hoăc nặng để chọn lựa áp dụng phương pháp phù hợp.

Gợi ý: Bệnh crohn ở trẻ em: Cách chẩn đoán và điều trị

Phân loại

Tùy vào vị trí viêm nhiễm và áp xe, bệnh Crohn được phân chia làm 6 nhóm chính gồm:

Có nhiều dạng bệnh Crohn tùy theo vị trí viêm nhiễm tổn thương

  • Viêm dạ dày - tá tràng: đặc trưng với các triệu chứng ở khu vực dạ dày và tá tràng;
  • Viêm hồi tràng: là tình trạng viêm phần cuối của của ruột non;
  • Viêm hỗng tràng: xuất hiện viêm nhiễm ở hỗng tràng, dạng bệnh Crohn này rất ít khi xảy ra;
  • Viêm hồi tràng - đại tràng: đây là vị trí viêm do hội chứng Crohn phổ biến nhất, đặc trưng với các triệu chứng xuất hiện ở vùng hồi tràng và đại tràng;
  • Viêm đại tràng: xuất hiện viêm nhiễm ở khu vực đại tràng, dễ biến chứng viêm loét mức độ nghiêm trọng do tốc độ xâm lấn của lỗ rò vào lớp cơ thành đại tràng sâu hơn các dạng khác;
  • Quanh hậu môn: Hội chứng Crohn với tình trạng viêm nhiễm xuất hiện xung quanh hậu môn không chỉ gây các triệu chứng về tiêu hóa mà còn kèm theo đau rát, ngứa ngáy, dễ biến chứng áp xe, rò hậu môn hoặc nhiễm trùng mô sâu... rất nguy hiểm;

Dựa vào giai đoạn phát triển, bệnh Crohn được phân làm 3 giai đoạn chính gồm:

  • Giai đoạn 1: Là giai đoạn đầu tiên của bệnh, tổn thương vừa khởi phát ở giai đoạn nhẹ. Trong giai đoạn này, các tế bào đột biến chỉ mới xuất hiện, tổn thương chưa nghiêm trọng, chỉ viêm nhẹ và chưa có vết loét.
  • Giai đoạn 2: Là giai đoạn giữa với mức độ viêm nhiễm trung bình. Các tế bào đột biến đã viêm nhiễm và bắt đầu ăn vào các lớp niêm mạc trên ống tiêu hóa để hình thành vết loét.
  • Giai đoạn 3: Là giai đoạn nặng nhất, đặc trưng với các vết loét lớn, viêm nhiễm nặng. Kèm theo là các lỗ rò ăn sâu vào niêm mạc ống tiêu hóa.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Crohn vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng tình trạng suy giảm tổn thương miễn dịch gây ảnh hưởng đến quá trình tạo ra kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh.

Nhiễm trùng đường ruột do rối loạn miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn

Nguyên nhân 

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: Đường tiêu hóa bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích hoạt nhằm loại bỏ các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, một số loại virus, vi khuẩn đặc biệt khi xâm nhập vào bên trong đường ruột có thể tấn công đến cả các tế bào khỏe mạnh bình thường trong đường tiêu hóa và kích hoạt bệnh Crohn.
  • Di truyền: Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh bệnh Crohn có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền. Điều này đồng nghĩa với việc gen bệnh có thể truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Do đó, những người có tiền sử gia đình từng mắc bệnh Crohn, các bệnh về tiêu hóa như polyp đại tràng, viêm loét tiêu hóa, ung thư... sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Môi trường: Các yếu tố môi trường như khói bụi, ô nhiễm, hóa chất độc hại... cũng có liên quan đến cơ chế hình thành bệnh Crohn.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân trên, còn có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy mắc bệnh Crohn như:

  • Tuổi tác: Độ tuổi dễ mắc bệnh Crohn nhất là từ 15 - 35 tuổi;
  • Ăn uống: Khẩu phần ăn uống hàng ngày không đủ chất, không khoa học, nhiều chất béo cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
  • Sinh hoạt: Lối sống sinh hoạt kém lành mạnh, thức khuya, nghiện hút thuốc lá... có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn, thậm chí phát sinh thêm các biến chứng khó lường, có nguy cơ cao phải phẫu thuật điều trị;
  • Tác dụng phụ của thuốc: Lạm dụng một số loại thuốc như kháng sinh, chống viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc giảm đau khiến các triệu chứng bệnh Crohn trở nên nghiêm trọng hơn;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh Crohn thường có mức độ khác nhau và thay đổi liên tục theo thời gian. Đặc trưng với các biểu hiện chính sau:

  • Đau bụng, đau thượng vị hoặc những cơn đau co thắt vùng bụng dưới;
  • Tiêu chảy, táo bón kéo dài do rối loạn tiêu hóa, có thể gây tắc ruột ở giai đoạn nghiêm trọng;
  • Đại tiện khó khăn, có lẫn máu trong phân;
  • Sốt cao gây mệt mỏi kéo dài;
  • Lở loét niêm mạc miệng, khó ăn uống, chán ăn, sụt cân;
  • Vùng da quanh hậu môn rỉ dịch do viêm nhiễm, gây đau rát, ngứa ngáy;
  • Ban đêm hay đổ mồ hôi;
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt;

Triệu chứng đặc trưng của bệnh Crohn là đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, phân lẫn máu, sốt...

Một số trường hợp bệnh diễn tiến nghiêm trọng và không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ phát sinh thêm các triệu chứng như:

  • Viêm tắc ruột, áp xe ruột;
  • Sỏi thận;
  • Viêm đường mật;
  • Viêm gan;
  • Xuất huyết kéo dài gây thiếu máu, thiếu sắt, hay bị khó thở, mệt mỏi, da xanh xao;
  • Ngoài triệu chứng đường tiêu hóa, các triệu chứng toàn thân khác dễ xảy ra như:
    • Đỏ mắt, đau mắt;
    • Viêm da;
    • Đau nhức xương khớp;
    • Viêm khớp;
    • Dễ bị loãng xương, gãy xương;
    • Trẻ chậm phát triển, còi cọc, ốm yếu, suy dinh dưỡng;
    • ...

Những triệu chứng của bệnh Crohn thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý đường tiêu hóa khác. Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh Crohn, người bệnh cần phải thăm khám chuyên khoa tại bệnh viện để được chẩn đoán ngay khi phát hiện các triệu chứng sau:

  • Đau bụng mạn tính, liên tục và không thuyên giảm dù đã uống thuốc giảm đau;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài gây mất nước, suy nhược cơ thể;
  • Buồn nôn, nôn ói liên tục, sốt cao không rõ nguyên nhân > 2 ngày;
  • Sụt cân mất kiểm soát;

Chẩn đoán

Tại bệnh viện, thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng, kết hợp thăm khám bụng, hậu môn tại chỗ, đo nhịp thở, mạch và điều tra tiền sử bệnh lý, tiền sử dùng thuốc bác sĩ sẽ đưa ra nhận định chung về vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải.

Nội soi ống tiêu hóa chẩn đoán vị trí và mức độ tổn thương đường ruột do bệnh Crohn gây ra

Sau đó, kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để loại trừ các bệnh lý khác, bao gồm:

  • Nội soi ống tiêu hóa: Giúp xác định vị trí và đánh giá mức độ tổn thương ống tiêu hóa do bệnh Crohn gây ra. Tùy vào vị trí nghi ngờ hoặc có thể tiến hành nội soi tất cả các bộ phận để phát hiện tổn thương như dạ dày, đại trực tràng, đại tràng sigma...
  • Xét nghiệm máu (CBC): Đây là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu nhằm kiểm tra các chỉ số quan trọng trong máu như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu... Đồng thời, đo định lượng sắt huyết thanh, các khoáng chất, chỉ số CEA, ferritine máu... nhằm xác định các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh Crohn như nhiễm trùng, thiếu máu, viêm loét...;
  • Xét nghiệm phân: Thường được chỉ định cho những trường hợp đi ngoài ra phân có lẫn máu. Nhằm phát hiện tình trạng xuất huyết bên trong ống tiêu hóa, xác định mức độ tổn thương, tìm kiếm sự tồn tại của các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng trong phân, chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm loét hoặc ung thư đại trực tràng...;
  • Các xét nghiệm khác:
    • Xét nghiệm kháng thể Saccharomyces Cerevisiae (ASCA) - 1 loại protein tồn tại với nồng độ cao ở những mắc bệnh Crohn;
    • Xét nghiệm kháng thể kháng tế bào chống bạch cầu trung tính (pANCA) - Loại protein này thường xuất hiện ở những người mắc bệnh viêm loét đại tràng;
    • Xét nghiệm chức năng gan;
    • Xét nghiệm DXA đo mật độ xương;
  • Chẩn đoán hình ảnh: Giúp phát hiện các khối áp xe nhiễm trùng, tình trạng tắc nghẽn, lỗ rò và phân biệt tổn thương bệnh Crohn với các bệnh lý khác.
    • Chụp X quang;
    • Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
    • Chụp cộng hưởng từ;

Biến chứng và tiên lượng

Theo các chuyên gia, Crohn là một hội chứng rối loạn tiêu hóa tương đối phức tạp. Đặc trưng với những tổn thương ở bất kỳ phần nào trên đường tiêu hóa, thậm chí ảnh hưởng đến những cơ quan khác như xương khớp, mắt...

Bệnh Crohn gây biến chứng tắc ruột, viêm loét và nguy hiểm hơn là ung thư tiêu hóa gây tử vong

Bệnh Crohn nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bằng phác đồ phù hợp sẽ gây ra nhiều biến chứng sức khỏe khó lường như:

  • Gây tắc ruột và viêm loét ống tiêu hóa;
  • Nứt kẽ hậu môn, xuất hiện lỗ rò hậu môn gây áp xe, biến chứng nhiễm trùng lây lan đe dọa tính mạng;
  • Suy dinh dưỡng, trẻ em chậm phát triển về thể chất;
  • Chứng tụ khối máu đông trong động mạch và tĩnh mạch;
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư đại - trực tràng, ung thư ruột non, ung thư hậu môn...;
  • Dễ mắc bệnh mạn tính khác như:
    • Thiếu máu
    • Viêm khớp, loãng xương
    • Viêm gan, viêm túi mật
    • Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể
    • Cao huyết áp
    • Đái tháo đường
    • ...

Tiên lượng tử vong bệnh Crohn rất thấp, tuy nhiên các biến chứng của bệnh (đặc biệt là ung thư ruột non, trực tràng...) lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong. Việc điều trị bệnh Crohn chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn tiến triển bệnh và dự phòng tái phát dài lâu, duy trì đời sống sinh hoạt ổn định.

Điều trị

Do nguyên nhân gây bệnh Crohn vẫn chưa rõ ràng nên y học vẫn chưa ghi nhận phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh lý này. Mục tiêu điều trị chung dành cho hầu hết các trường hợp bệnh từ nhẹ đến nặng đều là kiểm soát yếu tố nguy cơ, ngăn chặn tiến triển bệnh, cải thiện triệu chứng và dự phòng tái phát.

Phác đồ điều trị bệnh Crohn gồm các phương pháp sau:

1. Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc là phương pháp ưu tiên áp dụng nhằm kiểm soát triệu chứng bệnh Crohn.

Nhóm thuốc chống viêm 

Được chỉ định sử dụng đầu tiên trong phác đồ trị bệnh Crohn. Có 2 loại thuốc được dùng phổ biến như:

  • Thuốc Corticoid:
    • Thường là prednisone và budesonide với liều dùng phù hợp, trong 3 - 4 tháng giúp cải thiện triệu chứng viêm nhiễm hiệu quả tại tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa;
    • Chỉ sau vài ngày dùng thuốc, các triệu chứng bệnh Crohn sẽ được cải thiện đáng kể;
    • Lưu ý dùng thuốc Corticoid đúng chỉ định để tránh gây tác dụng phụ như tăng huyết áp, tăng cân, đau đầu, tụt kali, yếu cơ, loét dạ dà tá tràng, rối loạn kinh nguyệt...;
  • Thuốc 5-aminosalicylates (5-ASA):
    • Đây cũng là một loại thuốc chống viêm được đánh giá cao và sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh Crohn;
    • Thường dùng nhất là loại Sulfasalazine có chứa sulfa và mesalamine;

Nhóm thuốc ức chế miễn dịch

Có tác dụng cải thiện tình trạng viêm nhờ cơ chế ức chế miễn dịch - nơi sản sinh ra chất gây viêm. Trong một số trường hợp, bác sĩ thường kê toa kết hợp dùng nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch để tăng hiệu quả điều trị.

Các loại thuốc ức chế miễn dịch thường dùng trong phác đồ điều trị bệnh Crohn như:

  • Azathioprine & Mercaptopurine: Là các loại được dùng phổ biến nhất. Tuy nhiên, do tác dụng mạnh nên cần theo dõi, xét nghiệm máu liên tục để đánh giá và xử lý tác dụng phụ (nếu có);
  • Methotrexate: Chỉ định dùng trong trường hợp bị bệnh Crohn nhưng không đáp ứng với bất kỳ loại thuốc nào khác;

Thuốc kháng sinh 

Trong phác đồ thuốc trị bệnh Crohn còn kết hợp với thuốc kháng sinh. Tác dụng chính là hỗ trợ tăng cường miễn dịch, ức chế tiết dịch từ ổ áp xe, lỗ rò, thậm chí trong những trường hợp nhẹ có thể chữa lành tổn thương. Các loại kháng sinh thường dùng nhất là Metronidazole, Ciprofloxacin và Cyclosporin.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng thuốc kháng sinh có khả năng ức chế hại khuẩn, thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường ruột. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này.

Liệu pháp sinh học

Liệu pháp sinh học là phương pháp mới được áp dụng điều trị bệnh Crohn trong thời gian gần đây. Các hoạt chất sinh hoạt có khả năng ức chế trực tiếp đến các protein do hệ thống miễn dịch sản sinh ra, kiểm soát tiến triển và giảm thiểu tổn thương tế bào niêm mạc ruột. Đồng thời, hỗ trợ điều chỉnh hệ thống miễn dịch.

Một số hoạt chất sinh học được dùng phổ biến như:

  • Thuốc Infliximab: Dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch, chỉ định cho những bệnh nhân bệnh Crohn mức độ trung bình và nặng, không đáp ứng với các loại thuốc khác;
  • Thuốc Adalimumab: Được tiêm dưới da theo liệu trình, chỉ định dùng khi cơ thể không đáp ứng với Infliximab;
  • Thuốc Certolizumab: Tiêm dưới da đều đặn mỗi tháng, chỉ định dùng khi 2 loại thuốc trên không có tác dụng;
  • Thuốc Natalizumab & Vedolizumab: Thường dùng cho những trường hợp mắc bệnh Crohn mức độ trung bình và nặng nhưng không dung nạp thuốc ức chế TNF hoặc thuốc điều hòa miễn dịch;
  • Thuốc Ustekinumab: Được tiêm tĩnh mạch theo liệu trình 8 tuần/ lần.

Các loại thuốc khác

  • Thuốc giảm đau;
  • Thuốc chống tiêu chảy;
  • Thuốc chống co thắt;
  • Thuốc nhuận tràng;
  • Các loại vitamin, khoáng chất bổ sung khác như vitamin B12, vitamin D, canxi...;

2. Liệu pháp dinh dưỡng 

Song song với điều trị bằng thuốc, bệnh nhân mắc hội chứng Crohn sẽ được cân nhắc áp dụng liệu pháp dinh dưỡng đặc biệt nhằm điều trị bệnh tốt hơn. Cách này giúp hệ tiêu hóa đang bị tổn thương có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi nhanh chóng nhưng cơ thể vẫn đảm bảo bổ sung lượng dinh dưỡng cần thiết.

Tùy từng trường hợp mà phương pháp này có thể được thực hiện thông qua truyền dưới đặt ống miệng hoặc truyền tĩnh mạch. Ngoài ra, nếu bệnh nhân đã có thể tự ăn uống được, bác sĩ thường khuyến cáo một chế độ ăn ít chất xơ nhằm giảm thiểu nguy cơ bị tắc nghẽn đường ruột. Thay vào đó sẽ ưu tiên một chế độ ăn ít chất thải nhằm giảm thiểu số lượng và kích thước phân.

3. Can thiệp phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp tổn thương viêm nhiễm do bệnh Crohn gây ra quá mức nghiêm trọng, tái phát thường xuyên, có xu hướng phát sinh biến chứng và không đáp ứng với phác đồ điều trị nội khoa. Theo thống kê, có khoảng 70% trường hợp mắc bệnh Crohn đều phải thực hiện phẫu thuật ít nhất 1 lần.

Phẫu thuật loại bỏ tổn thương viêm nhiễm do bệnh Crohn gây ra tuy hiệu quả nhưng không thể chữa khỏi dứt điểm bệnh

Phẫu thuật cắt bỏ tổn thương được thực hiện dựa trên chẩn đoán hình ảnh, nội soi tiêu hóa và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân.

  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ được chỉ định tùy theo mức độ tổn thương.
  • Nếu chỉ cắt một đoạn ruột tổn thương, các phần ruột khỏe mạnh sẽ được nối lại với nhau.
  • Ngoài ra, những trường hợp viêm nhiễm có áp xe mưng mủ sẽ được kết hợp mở rộng ruột để đóng lỗ rò, dẫn lưu ổ áp xe để loại bỏ ổ nhiễm trùng.

Tuy phẫu thuật đem lại hiệu quả cao nhưng không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Sau phẫu thuật, bệnh vẫn có thể tái phát trở lại khi gặp điều kiện thuận lợi. Lúc này, bệnh nhân vẫn sẽ phải tiếp tục điều trị bằng thuốc để kiểm soát tiến triển bệnh.

Phòng ngừa

Những ảnh hưởng của bệnh Crohn đối với sức khỏe con người rất đáng lo ngại, khó kiểm soát dứt điểm và gây nhiều hệ lụy, phiền toái trong đời sống sinh hoạt. Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tích cực ngay từ bây giờ để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.

Khám tổng quát định kỳ để tầm soát các bệnh lý đường tiêu hóa để sớm phát hiện bệnh Crohn

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và đủ dinh dưỡng. Tăng cường bổ sung chất xơ, hạn chế thực phẩm giàu chất béo.
  • Nói không với chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà, thuốc lá...
  • Tránh xa những nơi chứa nhiều khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại không tốt cho sức khỏe;
  • Tuyệt đối không lạm dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Duy trì lối sống tích cực, vận động thể chất, sinh hoạt điều độ và tinh thần lạc quan để tăng cường miễn dịch chống lại bệnh tật.
  • Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa nói riêng và triệu chứng toàn thân nói chung, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và áp dụng biện pháp điều trị kịp thời.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất 1 lần/ năm và nội soi tiêu hóa mỗi 10 năm với người > 50 tuổi hoặc sớm hơn 10 năm với những người có tiền sử gia đình đã từng mắc bệnh Crohn.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau bụng, tiêu chảy, táo bón và sốt cao là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh Crohn là gì?

4. Tôi cần thực hiện thêm các xét nghiệm nào để chẩn đoán tình trạng bệnh Crohn?

5. Bệnh Crohn có nguy hiểm không? Tiên lượng đối với tình trạng bệnh của tôi?

6. Bệnh của tôi được điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Quá trình điều trị bệnh Crohn mất bao lâu? Có chữa khỏi dứt điểm được không?

8. Phác đồ thuốc điều trị bệnh Crohn tốt nhất dành cho tôi?

9. Bị bệnh Crohn khi nào cần phẫu thuật? Có rủi ro hay không?

10. Sau điều trị bệnh Crohn tôi có cần tái khám lại hay không?

Hội chứng Crohn là một trong những dạng bệnh thuộc nhóm viêm ruột mạn tính đáng lo ngại. Bệnh không thể tự khỏi nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, thậm chí còn gây biến chứng khó lường. Bởi vậy, khuyến cáo mỗi người trong chúng ta đều phải tự nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày, chủ động thăm khám và tiếp nhận điều trị khi cần thiết để phòng ngừa các rủi ro về sau.

Xem thêm:

Chia sẻ:
Nguyên nhân gây hội chứng ruột ngắn Hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn là tình trạng kém hấp thu dinh dưỡng ở ruột non do liên quan đến yếu tố bẩm sinh hoặc sau phẫu thuật ruột non. Hội…
Bệnh Liệt Ruột
Liệt ruột là phản ứng tạm thời sau phẫu thuật…
Bệnh Ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn là bệnh ung thư nguy hiểm,…
Ung Thư Ruột Non
Ung thư ruột non là dạng ung thư khá hiếm…
Bệnh Sỏi bùn túi mật

Sỏi bùn túi mật là một bệnh lý khá hiếm gặp xảy ra ở đường tiêu hóa, cụ thể ở…

Bệnh Tả

Bệnh tả là một trong những bệnh lý truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở ruột non do vi khuẩn…

Bệnh Viêm Ruột Thừa

Viêm ruột thừa là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Đặc trưng…

Bệnh Viêm tụy tự miễn

Viêm tụy tự miễn là một dạng bệnh rối loạn tự miễn hiếm gặp. Người mắc phải bệnh lý này…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua