Bệnh Ung thư hạch Hodgkin

Ung thư hạch Hodgkin là một nhánh nhỏ của ung thư máu khá hiếm gặp. So với các dạng ung thư máu khác thì thể bệnh này thường có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và chữa khỏi trong giai đoạn đầu. Các chọn lựa điều trị ưu tiên bao gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc cấy ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, hiệu quả còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và khả năng đáp ứng của bệnh nhân. 

Tổng quan

Ung thư hạch Hodgkin (Hodgkin Lymphoma - HL) là một trong những dạng ung thư máu phát triển trong các tế bào bạch cầu, hay còn gọi là tế bào lympho. Đây là dạng ung thư gây ảnh hưởng đến hệ thống hạch bạch huyết - một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch. Bệnh được phát hiện và mô tả lần đầu tiên vào năm 1832 bởi chuyên gia Thomas Hodgkin.

Ung thư hạch Hodgkin là một dạng ung thư máu gây ảnh hưởng đến hệ thống hạch bạch huyết trong cơ thể

Đa số các trường hợp mắc phải thường là do di truyền gen đột biến hoặc thay đổi từ bố mẹ. Bệnh chủ yếu xảy ra ở 2 nhóm độ tuổi chính là người trưởng thành từ 20 - 39 tuổi và nhóm thứ hai là người lớn tuổi > 65 tuổi. Ngoài ra, trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể mắc phải bệnh này nhưng rất hiếm.

Dạng ung thư này máu này khá hiếm, ít gặp hơn so với ung thư hạch không Hodgkin (dạng ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới). Theo số liệu thống kê cho thấy, bệnh chỉ ảnh hưởng đến khoảng 3/100.000 người mỗi năm. Ở Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 8.500 trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư hạch Hodgkin và khoảng 1.050 trường hợp trong số đó chết vì căn bệnh này.

Phân loại

Bệnh ung thư hạch Hodgkin được chia làm 2 nhóm chính gồm u lympho Hodgkin cổ điển và u lympho Hodgkin chiếm ưu thế tế bào lympho dạng nốt. Đặc điểm cụ thể của từng loại như sau:

Hai dạng chính của u lympho Hodgkin là thể cổ điển và thể tế bào lympho dạng nốt

  • U lympho Hodgkin cổ điển: Đây là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 95% trong tổng số các ca mắc ung thư máu dạng này. Trong đó, bệnh được chia làm 4 thể phụ bao gồm:
    • U lymphp Hodgkin xơ cứng dạng nốt: Chủ yếu xảy ra ở người trẻ tuổi, nhất là phụ nữ. Cơ chế khởi phát ảnh hưởng chủ yếu đến các hạch bạch huyết trung tâm vùng ngực.
    • U lympho Hodgkin tế bào hỗn hợp: Thể bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi (> 60 tuổi). Chúng phát triển chứa các hạch bạch huyết mang hỗn hợp nhiều loại tế bào khác nhau, trong đó có tế bào Reed - Sternberg.
    • U lympho Hodgkin cổ điển chứa tế bào lympho: Dạng này chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng số những ca mắc ung thư hạch Hodgkin. Nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn nữ giới. Đặc điểm của thể bệnh này là trong các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng chứa nhiều tế bào lympho bình thường và cả tế bào Reed Sternberg.
    • Ung thư hạch Hodgkin giảm tế bào lympho: Dạng này rất hiếm, chỉ khoảng 1% trường hợp mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin. Người trên 60 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng do nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này. Tính chất của bệnh là làm suy giảm đến mức cạn kiệt các tế bào khỏe mạnh trong hạch bạch huyết, thay thế vào đó bằng các tế bào bất thường.
  • U lympho Hodgkin chiếm ưu thế tế bào dạng nốt (NLPHL): So với thể u lympho Hodgkin cổ điển thì dạng này rất hiếm khi gặp phải. Nó chỉ ảnh hưởng đến khoảng 5% trong tổng số các ca mắc ung thư hạch Hodgkin nói chung. Bệnh có thể xảy ra ở những người trong độ tuổi 20 và 60. Tiến triển bệnh thường chậm nên ít khi nguy hiểm, có thể không cần điều trị ngay trong giai đoạn đầu.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh xảy ra khi cơ thể tăng sản xuất bạch cầu dẫn đến dư thừa. Đặc biệt, những tế bào bạch cầu này lại bị ảnh hưởng bởi các đột biến gen, khiến quá trình phát triển và ảnh hưởng đến chức năng bạch cầu.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư hạch Hodgkin tuy vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng các chuyên gia cho rằng bệnh có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền và môi trường. Cụ thể một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển bệnh u lympho hạch Hodgkin như:

Các yếu tố rủi ro như suy giảm hệ thống miễn dịch, tiếp xúc với virus hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh đều có liên quan đến sự phát triển bệnh ung thư hạch Hodgkin

  • Suy giảm hệ thống miễn dịch: Cụ thể xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch yếu kém do mắc bệnh HIV/AIDS, tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị các bệnh tự miễn dịch hoặc đã từng thực hiện phẫu thuật cấy ghép nội tạng... Nhóm những đối tượng này rất dễ bị nhiễm trùng và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư hạch Hodgkin.
  • Tiếp xúc với virus: Một số loại virus phổ biến, điển hình là virus Epstein-Barr có liên quan mật thiết đến việc khởi phát ung thư hạch Hodgkin. Cụ thể, đây là chủng virus phổ biến gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (bệnh mono). Tuy nhiên, không phải ai nhiễm loại virus này cũng phát triển ung thư hạch Hodgkin, thường bệnh chỉ khởi phát ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Tiền sử gia đình: Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ung thư hạch Hodgkin. Những người có người thân cùng huyết thống như bố mẹ hoặc anh chị em ruột đã được chẩn đoán mắc bệnh, bản thân họ cũng sẽ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.
  • Tuổi tác và giới tính: Đối tượng nam giới hoặc những người từ 20 - 40 tuổi, trên 65 tuổi có nhiều khả năng phát triển bệnh ung thư hạch Hodgkin hơn. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là thể bệnh xơ cứng nốt chủ yếu ảnh hưởng đến nữ giới.
  • Các yếu tố khác:
    • Thừa cân béo phì;
    • Nhiễm phóng xạ;
    • Thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như benzen, thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt côn trùng;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của bệnh ung thư hạch Hodgkin thường không đặc hiệu, khá giống với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, để phục vụ công tác chẩn đoán, bệnh nhân thường được đánh giá dựa trên các triệu chứng lâm sàng sau:

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh là sưng hạch bạch huyết, sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi đêm, sụt cân, ngứa da, mệt mỏi...

  • Sưng hạch bạch huyết: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất đối với bệnh lý này. Sự hiện diện của các hạch bạch huyết bị sưng phù và thường không gây đau là dấu hiệu cho thấy hệ thống này đang bị tác động và ảnh hưởng. Một số vị trí hạch bạch huyết bị sưng như cổ, nách, ngực, háng...
  • Mệt mỏi: Hầu hết bệnh nhân đều có cảm giác mệt mỏi, suy nhược đến mức kiệt quệ, dù không làm việc quá sức hay nặng nhọc. Căn nguyên của sự mệt mỏi này là do sự phát triển quá mức của các tế bào ung thư khiến quá trình hoạt động trong cơ thể bị gián đoạn, dẫn đến thiếu hụt năng lượng. Hoặc trạng thái này cũng có thể đến từ các biện pháp điều trị bệnh.
  • Sốt: Bệnh nhân ung thư hạch Hodgkin có tần suất sốt thường xuyên, thân nhiệt luôn ở trạng thái > 38 độ C. Cơn sốt bộc phát thường kèm theo triệu chứng vã mồ hôi về đêm gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.
  • Sụt cân: Bất kỳ dạng ung thư nào, bao gồm cả ung thư hạch Hodgkin đều gây sụt cân không rõ nguyên nhân. Thông thường, người bệnh sẽ giảm khoảng 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng đầu.
  • Ngứa ngáy da: Một triệu chứng khác của căn bệnh này là cảm giác ngứa ngáy, nóng rát khó chịu trên da.
  • Đau tức ngực & khó thở: Bệnh nhân ung thư Hodgkin có thể bị đau tức ngực khó chịu, cảm giác như ngực bị chèn ép dẫn đến khó thở.

Các chuyên gia cảnh báo nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường trên, kể cả khi chưa biết rõ căn nguyên, người bệnh phải chủ động thăm khám ngay và thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt. Vì những triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân thông thường khác nhưng cũng rất có thể là dấu hiệu của ung thư hạch Hodgkin.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh ung thư hạch Hodgkin, cần phải thông qua kết hợp giữa đánh giá triệu chứng lâm sàng, kiểm tra sức khỏe toàn diện và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Cụ thể một số xét nghiệm thường được áp dụng như:

Xét nghiệm máu kết hợp kiểm tra hình ảnh và sinh thiết là những kỹ thuật chẩn đoán chính xác đối với bệnh ung thư hạch Hodgkin

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm trong cơ thể có liên quan đến tác nhân khởi phát bệnh u lympho Hodgkin. Một số kỹ thuật xét nghiệm máu phổ biến như xét nghiệm công thức máu toàn bộ, xét nghiệm đo lường các chất được giải phóng vào máu, đo tốc độ lắng hồng cầu...
  • Sinh thiết: Đây là thủ thuật sử dụng một mẫu mô nhỏ từ hạch bạch huyết và tiến hành soi trực tiếp dưới kính hiển vi. Kỹ thuật này giúp phát hiện chính xác sự hiện diện của các tế bào Reed - Sternberg.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chẳng hạn như chụp X quang, siêu âm, chụp CT scan, chụp MRI hoặc chụp PET giúp tìm ra các hạch bạch huyết bị tổn thương, sưng phú hoặc những dấu hiệu ung thư khác có liên quan.

Dựa vào kết quả kiểm tra triệu chứng và xét nghiệm, bác sĩ sẽ tiến hành phân loại bệnh theo giai đoạn. Điều này giúp đưa ra đánh giá khách quan về mức độ bệnh, nguy cơ rủi ro, tiên lượng kết quả và tạo tiền đề cho việc xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh ung thu hạch Hodgkin có 4 giai đoạn chính gồm:

  • Giai đoạn I - ung thư sớm: Phát hiện u lympho ở một vùng hoặc cơ quan hạch bạch huyết nào đó như lá lách, tủy xương, tuyến ức... Ngoài ra, ung thư hạch cũng có thể phát triển ở 1 vị trí trong một cơ quan nằm bên ngoài hệ thống bạch huyết.
  • Giai đoạn II - ung thư tiến triển tại chỗ: Ung thư hạch phát triển ở hai hoặc nhiều nhóm hạch bạch huyết ở trên/ dưới cơ hoành hoặc các cơ quan khác gần cơ hoành.
  • Giai đoạn III - ung thư lan sang các cơ quan lân cận: Các tế bào ung thư hạch phát triển ở vùng hạch bạch huyết cả 2 bên cơ hoành hoặc trong lá lách.
  • Giai đoạn IV 0 ung thư lan rộng đến các cơ quan ở xa: Phát triển các tế bào ung thư hạch ở ít nhất một cơ quan nằm bên ngoài hệ thống hạch bạch huyết, chẳng hạn như gan, phổi hoặc xương tủy.

Biến chứng và tiên lượng

Ung thư hạch Hodgkin là một trong những dạng hiếm gặp của ung thư máu, nhưng mức độ nguy hiểm của nó cũng không hề thua kém các dạng khác. Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này, việc can thiệp điều trị y tế chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, kiểm soát làm chậm tiến triển bệnh và ngăn ngừa biến chứng, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Ngược lại, những trường hợp chủ quan không điều trị, khiến bệnh phát triển ngày càng tiến triển nặng có thể gây nhiều biến chứng khó lường, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các chuyên gia khẳng định, đối với bệnh ung thư hạch Hodgkin, việc điều trị bệnh càng sớm tiên lượng tuổi thọ càng cao. Ước tính có khoảng 96 - 99% bệnh nhân được chẩn đoán mắc u lympho Hodgkin giai đoạn đầu còn sống sau 5 năm chẩn đoán. Và khoảng 56 - 89% trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn sau còn sống sau 5 năm chẩn đoán với điều kiện phải được điều trị và chăm sóc tích cực.

Điều trị

Mục tiêu điều trị y tế đối với bệnh u lympho hạch Hodgkin là tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ức chế sự phát triển, phân chia của chúng. Một số phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

Hóa và xạ trị liệu là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh ung thư hạch Hodgkin

  • Hóa trị: Phương pháp được thực hiện bằng cách sử dụng đơn lẻ một loại hoặc kết hợp nhiều loại thuốc mạnh với nhau để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hoặc một số trường hợp giúp ức chế sự phát triển và phân chia của chúng.  Thuốc có thể được sử dụng qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Tác dụng phụ thường gặp của phương pháp này là buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, rụng tóc... Để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn, bác sĩ thường chỉ định áp dụng kết hợp với xạ trị.
  • Xạ trị: Phương pháp này sử dụng nguồn năng lượng tia X cao hoặc các dạng bức xạ khác nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Nguồn năng lượng này thường được đưa đến cơ thể bằng một máy hướng bức xạ, chiếu trực tiếp tia X đến khu vực bị ảnh hưởng. Phương pháp này tuy hiệu quả nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, kích ứng da, buồn nôn.
  • Các liệu pháp mới: Sự phát triển của y học hiện đại đã phát triển thêm một số liệu pháp khác giúp cải thiện triệu chứng và hỗ trợ kiểm soát tiến triển bệnh ung thư hạch Hodgkin. Bao gồm 2 liệu pháp phổ biến là:
    • Liệu pháp miễn dịch: Hay còn được gọi là liệu pháp sinh học, sử dụng các loại thuốc có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch trong cơ thể người bệnh, nhờ đó tăng khả năng chống lại các tế bào ung thư.
    • Liệu pháp nhắm trúng đích: Đây là phương pháp mới, sử dụng thuốc hoặc các hoạt chất khác có khả năng xác định đúng vị trí các tế bào ung thư, sau đó tấn công và tiêu diệt chúng. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế làm ảnh hưởng đến các tế bào máu khỏe mạnh khác.
  • Hóa trị kết hợp cấy ghép tế bào gốc: Những trường hợp bệnh u lympho hạch Hodgkin nghiêm trọng, khó điều trị và không đáp ứng với các biện pháp cơ bản khác, hoặc tái phát trở lại sau điều trị có thể được chỉ định áp dụng phương pháp cuối cùng là hóa trị kết hợp cấy ghép tế bào gốc. Tế bào gốc là những tế bào máu chưa trưởng thành nằm trong máu hoặc tủy xương. Việc cấy ghép những tế bào gốc khỏe mạnh nhằm thay thế cho những tế bào đã bị phá hủy, giúp cơ thể phục hồi trạng thái khỏe mạnh. Có 2 dạng cấy ghép tế bào gốc là:
    • Cấy ghép tế bào gốc tự thân: Tức là sử dụng chính các tế bào gốc của bản thân đã được thu thập và lưu trữ trước khi tiến hành xạ trị. Phương pháp này giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm trùng hoặc phản ứng tự đào thải của cơ thể.
    • Dị ghép: Sử dụng tế bào gốc được người khác hiến tặng, thường là người thân, họ hàng có cùng dòng tủy tương thích. Phương pháp này đòi hỏi sự tương thích cao nên không phải ai cũng có thể thực hiện được. Do đó, chỉ những trường hợp thực hiện tự ghép không thành công mới được cân nhắc đến kỹ thuật dị ghép.

Đối với bất kỳ loại ung thư nào, kể cả ung thư hạch Hodgkin luôn đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài và kiên trì tuân thủ. Ngay cả khi đã hoàn thành phác đồ, người bệnh vẫn phải chú ý các nguyên tắc chăm sóc sau điều trị và định kỳ tái khám để theo dõi tiến triển phục hồi, đánh giá nguy cơ tái phát.

Một số gợi ý do chuyên gia đề cập dưới đây sẽ giúp bạn có thể tự chăm sóc bản thân sau điều trị ung thư hạch Hodgkin, bao gồm:

  • Ăn uống đầy đủ, đảm bảo cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe và nâng cao hệ thống miễn dịch;
  • Kiểm soát căng thẳng, hạn chế stress bằng các kỹ thuật như thiền, yoga, bài tập hít thở sâu để giúp giảm nguy cơ tái phát các triệu chứng bệnh;
  • Tập thể dục, rèn luyện thể chất đều đặn hàng ngày giúp xoa dịu đầu óc, nâng cao sức khỏe và hệ thống miễn dịch;

Phòng ngừa

Tiên lượng về bệnh ung thư hạch Hodgkin tương đối tốt hơn so với các căn bệnh ung thư khác và có tỷ lệ cao chữa khỏi trong giai đoạn sớm. Tuy nhiên, không nên vì thế mà người bệnh chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bởi bản chất của bệnh lý này là ung thư, có thể tiến triển theo hướng khó lường dù nhẹ hay nặng.

Nâng cao sức khỏe và tăng cường miễn dịch làm giảm khả năng phát triển ung thư hạch Hodgkin

Các biện pháp tích cực dưới đây sẽ giúp bạn và người thân giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư hạch Hodgkin:

  • Tránh tiếp xúc với các nguồn bức xạ cao hoặc hóa chất. Trong trường hợp bắt buộc do tính chất công việc, hãy cố gắng hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc và đảm bảo phải sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, mặt nạ, găng tay...
  • Có chế độ sinh hoạt lành mạnh, nhất là trong ăn uống và tập thể dục hàng ngày. Điều này vừa giúp nâng cao sức khỏe toàn diện, cải thiện miễn dịch vừa giúp duy trì cân nặng, giảm nguy cơ thừa cân béo phì để giảm nguy cơ phát triển ung thư máu thể hạch Hodgkin.
  • Nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh, hãy thăm khám định kỳ và tầm soát ung thư 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, kịp thời điều trị sớm trong giai đoạn đầu để ngăn ngừa biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin?

2. Tôi mắc phải dạng ung thư hạch Hodgkin nào? Giai đoạn nào?

3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh?

4. Tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không? Tôi có thể sống được bao lâu?

5. Các chọn lựa điều trị tốt nhất đối với trường hợp bệnh của tôi?

6. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến các phương pháp điều trị?

7. Việc điều trị ung thư hạch Hodgkin kéo dài bao lâu và ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của tôi?

8. Chi phí điều trị ung thư hạch Hodgkin tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

9. Tôi có cần phải tái khám lại sau khi đã điều trị khỏi bệnh không?

10. Tỷ lệ tái phát ung thư hạch Hodgkin trong trường hợp của tôi là bao nhiêu?

Bệnh ung thư hạch Hodgkin có mức độ nguy hiểm không bằng các dạng ung thư máu khác và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên vì vậy mà chúng ta lơ là, bỏ qua các dấu hiệu sớm và không chịu thăm khám, điều trị. Vì điều trị càng sớm tỷ lệ chữa khỏi càng cao, giảm thiểu biến chứng và các nguy cơ rủi ro khác trong tương lai, bao gồm cả tính mạng.

Tham khảo thêm

Chia sẻ:
Thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là một dạng thiếu máu thường gặp, xảy ra do cơ thể thiếu hụt chất sắt, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các tế…
Bệnh U lympho tế bào thần kinh
U lympho tế bào thần kinh là một dạng ung…
Bệnh Hồng Cầu Hình Liềm
Hồng cầu hình liềm là bệnh thiếu máu di truyền…
Bệnh Von Willebrand
Bệnh von Willbrand là một chứng rối loạn chảy máu…
Bệnh Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em

Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em là một rối loạn hiếm gặp khiến trẻ có nồng độ bạch…

Xuất Huyết Giảm Tiểu Cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Đây là một dạng rối loạn…

Hội chứng Bernard Soulier

Hội chứng Bernard Soulier là rối loạn di truyền hiếm gặp gây ra các vấn đề về khả năng đông…

Bệnh Tụ máu ở ngực

Tụ máu ở ngực là tình trạng rất dễ xảy ra ở chị em phụ nữ do các tác nhân…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua