Bệnh Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em
Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em là một rối loạn hiếm gặp khiến trẻ có nồng độ bạch cầu trung tính trong máu thấp hơn bình thường. Đây là tình trạng nghiêm trọng, nếu không có đủ lượng bạch cầu trung tính cần thiết, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Tổng quan
Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em (Pediatric Neutropenia) là tình trạng nồng độ bạch cầu trung tính trong máu giảm thấp hơn ngưỡng bình thường. Trong khi bạch cầu trung tính là tế bào bạch cầu quan trọng có khả năng chống lại nhiễm trùng, tiêu diệt và loại bỏ các tác nhân như virus, vi khuẩn.
Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, từ người lớn đến trẻ em, nhưng đa số các trường hợp mắc bệnh đều xảy ra ở trẻ em.
Phân loại
Tình trạng giảm bạch cầu trung tính được phân chia làm 3 cấp độ gồm nhẹ, trung bình và nặng. Việc phân loại tùy theo số lượng bạch cầu trung tính trong máu. Theo đó, nồng độ bạch cầu trung tính ở mức bình thường thấp nhất đối với người trưởng thành là khoảng 1.500 microlit. Do đó, việc phân chia cụ thể sẽ là:
- Giảm bạch cầu mức độ nhẹ: Giảm còn 1000 - 1.500;
- Giảm bạch cầu mức độ trung bình: Giảm còn 500 - 1.000;
- Giảm bạch cầu mức độ nặng: Giảm thấp dưới 500;
Ngoài ra, tình trạng giảm bạch cầu trung tính còn được phân chia thành 2 dạng gồm cấp tính (đột ngột, tạm thời) hoặc mạn tính (kéo dài). Một số trường hợp cũng được chẩn đoán mắc phải do bẩm sinh. Tất cả những thể này đều xảy ra phổ biến ở trẻ em, từ trẻ sơ sinh cho đến trẻ nhỏ, trẻ dậy thì...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tình trạng giảm bạch cầu trung tính xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Những tác nhân này khiến tủy xương không đủ khả năng sản xuất bạch cầu trung tính, hoặc chúng bị phân hủy quá sớm không theo chu kỳ.
Có thể kể đến một số nguyên nhân cụ thể sau:
- Hóa trị: Đây là nguyên nhân phổ biến gây giảm bạch cầu trung tính ở trẻ. Mặc dù hóa trị là phương pháp điều trị ung thư hiệu quả, giúp tiêu diệt các tế bào ung thư. Nhưng trong quá trình này, hóa chất vô tình tiêu diệt cả những tế bào khỏe mạnh, trong đó có bạch cầu trung tính và làm giảm đáng kể số lượng tế bào này.
- Rối loạn tự miễn dịch: Đặc điểm chung của các bệnh lý rối loạn tự miễn dịch là chính các tế bào trong hệ thống miễn dịch tấn công ngược đến các tế bào khỏe mạnh, trong đó có tế bào bạch cầu trung tính và làm giảm đáng kể số lượng của chúng. Các bệnh lý thường gặp như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, bệnh Crohn...
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có khả năng làm giảm bạch cầu trung tính ở trẻ như thuốc chống loạn thần, thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật... Vì những loại thuốc này có thể gây cản trở việc sản xuất bạch cầu trung tính hoặc khiến chúng bị phá hủy sớm.
- Rối loạn di truyền: Một số trường hợp bị giảm bạch cầu trung tính cũng có thể do rối loạn di truyền, điển hình là hội chứng giảm bạch cầu theo chu kỳ hoặc hội chứng Kostmann. Mặc dù hiếm gặp nhưng tình trạng này thường xảy ra do đột biến gen và di truyền từ bố mẹ sang con cái, gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và đảm bảo chức năng tế bào bạch cầu trung tính.
- Một số bệnh lý khác:
- Nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, chẳng hạn như viêm gan, HIV, lao, bệnh Lyme, nhiễm trùng huyết...;
- Ung thư bạch cầu hoặc ung thư hạch cũng có thể ngăn cơ thể sản xuất các tế bào bạch cầu trung tính khỏe mạnh;
- Rối loạn tủy xương, chẳng hạn như chứng rối loạn sinh tủy hoặc thiếu máu bất sản;
- Thiếu hụt dinh dưỡng từ chế độ ăn uống, thường là thiếu vitamin B12 hoặc B9 (acid folic);
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng của giảm bạch cầu trung tính thường biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Những trường hợp nhẹ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, trong khi những trường hợp nặng, triệu chứng có thể tiến triển nhiễm trùng nặng và đe dọa đến tính mạng.
Điển hình gồm các triệu chứng sau:
- Sốt giảm bạch cầu;
- Đau họng;
- Sưng hạch bạch huyết;
- Lở loét niêm mạc miệng hoặc xung quanh hậu môn;
- Mệt mỏi;
- Sưng đau và phát ban tại các vùng da nhiễm trùng;
- Tiêu chảy;
- Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu như đau rát, tiểu rắt, đột ngột...;
- Triệu chứng viêm phổi;
Chẩn đoán
Biện pháp chẩn đoán tình trạng giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em hiệu quả nhất là xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC). Việc xét nghiệm nhằm đo chính xác số lượng bạch cầu trung tính trong máu trẻ.
Nếu kết quả cho thấy số lượng bạch cầu trung tính thấp hơn ngưỡng bình thường, tiếp tục thực hiện các xét nghiệm bổ sung để đưa ra đánh giá chính xác. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm tìm kháng thể loại trừ các rối loạn khác gây ra triệu chứng tương tự.
Sau cùng, để xác nhận chẩn đoán trẻ bị giảm bạch cầu trung tính, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm tủy xương (chọc hút tủy xương). Thủ thuật này được thực hiện bằng cách gây mê, sau đó dùng kim chuyên dụng chọc vào mặt sau của xương chậu, tiếp cận đến tủy xương để lấy một lượng nhỏ mô tủy xương, chất lỏng. Tiến hành kiểm tra phân tích để xác định thể giảm bạch cầu trung tính ở trẻ, tiến triển của nó để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết những đứa trẻ được chẩn đoán mắc phải hội chứng giảm bạch cầu trung tính cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, nhất là khi phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng bất thường. Vì nhiễm trùng mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng giảm bạch cầu trung tính có thể được kiểm soát tốt và tăng mức tiên lượng chữa khỏi bệnh, ngăn ngừa các biến chứng nhiễm trùng.
Thông thường sau điều trị, số lượng bạch cầu trung tính sẽ có xu hướng tăng trở lại ở nồng độ bình thường sau 3 - 4 tuần. Riêng những trường hợp bị giảm bạch cầu trung tính do trải qua nhiều đợt hóa trị, thời gian phục hồi thường lâu hơn vì cơ thể cần nhiều thời gian để tạo ra đủ số lượng bạch cầu trung tính khỏe mạnh.
Điều trị
Bị giảm bạch cầu trung tính có thể có triệu chứng hoặc không. Trong trường hợp nhẹ không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên, khi phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng chính là thời điểm cần can thiệp điều trị y tế. Hiểu đơn giản thì đây là quá trình điều trị biến chứng của tình trạng giảm bạch cầu trung tính, loại bỏ nhiễm trùng.
Một số phương pháp điều trị hiệu quả được áp dụng phổ biến gồm:
Dùng thuốc kháng sinh
Để loại bỏ nhiễm trùng và ngăn ngừa lây lan, đa số bệnh nhân đều được kê toa thuốc kháng sinh, cụ thể là nhiễm trùng do vi khuẩn. Việc điều trị thường diễn ra khi trẻ đã được nhập viện và thường sử dụng thuốc dạng tiêm tĩnh mạch để tăng hiệu quả hấp thu.
Tuy cách này đem lại hiệu quả cao, nhưng việc sử dụng kháng sinh lâu dài với liều cao có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khó lường cho sức khỏe của trẻ. Chẳng hạn như gây tiêu chảy, viêm ruột, vi khuẩn kháng thuốc, suy giảm chức năng gan, thận...
Dùng thuốc Corticosteroid
Những trường hợp giảm bạch cầu trung tính do mắc các bệnh rối loạn tự miễn dịch thường dùng thuốc Corticosteroid. Thuốc có khả năng ức chế phản ứng quá mức của hệ miễn dịch nhằm giảm thiểu tình trạng phá hủy các tế bào bạch cầu trung tính khỏe mạnh của cơ thể.
Phương pháp kích thích sản xuất bạch cầu trung tính
G-CSF là yếu tố kích thích tạo thành bạch cầu hạt hoặc GM-CSF là yếu tố kích thích khuẩn lạc bạch cầu hạt - đại thực bào. Cả 2 liệu pháp này đều có khả năng kích thích tủy xương sản xuất nhiều tế bào bạch cầu khỏe mạnh một cách hiệu quả. Phương pháp này có thể áp dụng được cho nhiều loại giảm bạch cầu trung tính, bao gồm cả thể bẩm sinh hoặc đang hóa trị.
Can thiệp ngoại khoa
Những trường hợp giảm bạch cầu trung tính ở trẻ nghiêm trọng, tủy xương tổn thương nặng nề không có khả năng phục hồi sẽ được chỉ định phẫu thuật cấy ghép tủy xương càng sớm càng tốt.
Đây là thủ thuật nhằm loại bỏ phần tủy xương cũ bị tổn thương và thay thế bằng tủy xương khỏe mạnh. Tủy xương được cấy ghép có thể là tủy tự thân hoặc tủy hiến tặng phù hợp, thường là từ anh chị em ruột hoặc bố mẹ.
Kết hợp chăm sóc tại nhà
Một vài biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà dưới đây giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng nhiễm trùng, bao gồm:
- Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất và lành mạnh, sử dụng các loại thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch như rau xanh, trái cây ngũ cốc nguyên hạt...
- Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya cũng là điều quan trọng để giúp ổn định hệ miễn dịch.
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày vừa giúp nâng cao thể trạng, sự dẻo dai cơ xương khớp vừa nâng cao miễn dịch chống lại mọi bệnh tật.
- Kiểm soát căng thẳng, tránh xa stress bằng cách dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh làm việc quá sức kéo dài và thực hiện các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, yoga, thiền...
Phòng ngừa
Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân nên rất khó để phòng ngừa tuyệt đối căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu có một lối sống tích cực và khoa học sẽ giúp trẻ giảm bớt nguy cơ bị giảm bạch cầu trung tính cũng như phòng tránh nhiễm trùng.
- Bố mẹ cần giữ trẻ không tiếp xúc với bức xạ để bảo vệ tủy xương.
- Không tự ý cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Đặc biệt là những loại thuốc được cảnh báo có khả năng làm giảm số lượng tế bào bạch cầu trung tính.
- Giữ vệ sinh thật tốt bằng rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh tiếp xúc với người đang mắc các bệnh nhiễm trùng như cúm, lao hoặc có vết thương hở trên da.
- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ không gian sống, nghỉ ngơi, nhà bếp nấu nướng, sơ chế và chế biến thức ăn sạch sẽ.
- Không sử dụng chung các loại đồ dùng cá nhân như khăn tắm, dao dạo râu, bàn chải đánh răng... với bất kỳ ai.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với chất thải của thú cưng hoặc trẻ sơ sinh. Tốt nhất nên sử dụng găng tay và rửa tay sạch sẽ ngay sau đó.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa bệnh nhiễm trùng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao con tôi có những dấu hiệu nhiễm trùng như loét miệng, đau họng, sốt, nhiễm trùng da, viêm phổi, tiêu chảy...?
2. Nguyên nhân khiến con tôi bị giảm bạch cầu trung tính?
3. Con tôi bị giảm bạch cầu trung tính dạng nào? Có nguy hiểm không?
4. Những biến chứng con tối có thể gặp phải khi bị giảm bạch cầu trung tính?
5. Bị giảm bạch cầu trung tính có tự khỏi khi không điều trị không?
6. Phương pháp điều trị giảm bạch cầu trung tính tốt nhất dành cho con tôi?
7. Dùng thuốc kháng sinh kéo dài có gây ra tác dụng phụ nào không?
8. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe cho trẻ và cải thiện triệu chứng giảm bạch cầu trung tính?
9. Thời gian điều trị giảm bạch cầu trung tính mất bao lâu thì khỏi hẳn?
10. Sau điều trị giảm bạch cầu trung tính, các triệu chứng có tái phát lại không?
Giảm bạch cầu trung tính có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, có thể mắc phải do thuốc, hóa trị hoặc bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Nhiễm trùng được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của tình trạng này và cần được can thiệp điều trị y tế kịp thời để kiểm soát bệnh, bảo toàn tính mạng cho trẻ. Khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý theo dõi tình trạng của trẻ để kịp thời thăm khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp nhất.
Xem thêm: Bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: Dấu hiệu nhận biết và giải pháp điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!