Bệnh Liệt Cơ Mở Thanh Quản

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

Liệt cơ mở thanh quản là tình trạng suy giảm chức năng dây thanh quản, ảnh hưởng đến khả năng nói, thở và nuốt. Tùy theo mức độ liệt nhẹ hoặc liệt vĩnh viễn, liệt 1 bên hoặc cả 2 bên dây thanh quản mà các triệu chứng và biến chứng bệnh biểu hiện khác nhau. Nguyên nhân gây liệt cơ mở thanh quản thường xuất phát từ các tổn thương cấp tính đột ngột hoặc mạn tính, tiến triển từ từ. 

Liệt cơ mở thanh quản là bệnh lý tổn thương dây thần kinh kiểm soát sự chi phối của cơ mở thanh quản

Tổng quan

Liệt cơ mở thanh quản (Paralysis of vocal cords) là tình trạng hai dây thanh âm của thanh quản không hoạt động như bình thường. Bệnh xảy ra do tổn thương dây thần kinh hồi quy nhánh, đây là dây thần kinh này có nhiệm vụ chi phối sự hoạt động đóng mở của cơ mở thanh quản đó là cơ nhẫn phễu sau.

Tổn thương này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên thần do sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương, nhiễm trùng... Liệt cơ mở thanh quản khiến bạn gặp khó khăn trong việc nói, thở và nuốt. Vì đây là những nhiệm vụ chính của dây thanh quản.

Phân loại

Dựa trên lâm sàng, liệt cơ mở thanh quản có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả 2 bên dây thanh quản. Cụ thể như sau:

Liệt cơ mở thanh quản được phân làm 2 loại là liệt 1 bên là liệt 2 bên

  • Liệt dây thanh 1 bên: Tình trạng liệt cơ mở thanh quản chỉ xảy ra ở 1 bên dây thanh quản. Bệnh nhân dạng này thường gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt, thường ít có các triệu chứng về suy giảm hô hấp.
  • Liệt dây thanh 2 bên: Khi cả dây thanh quản đều bị liệt thường gây biến chứng hẹp đường thở khá nguy hiểm. Bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái khó thở nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các xung thần kinh đến thanh quản bị gián đoạn là cơ chế chính dẫn đến tê liệt cơ. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như:

Các chấn thương vùng cổ, ngực do va chạm, tai biến phẫu thuật hoặc các bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng, thần kinh... là những nguyên nhân gây liệt cơ mở thanh quản

  • Tai biến phẫu thuật: Các ca phẫu thuật vùng ngực hoặc gần cổ có thể làm tổn thương dây thần kinh điều phối cơ mở thanh quản. Chẳng hạn như phẫu thuật tuyến giáp, tuyến cận giáp, cột sống cổ, phẫu thuật tim, thực quản hoặc thủ thuật đặt ống thở làm tổn thương các dây thần kinh trong thanh quản;
  • Chấn thương vùng cổ & ngực: Các chấn thương, va chạm gây tổn thương đến vùng cổ, ngực hoặc chấn thương sọ não nặng gây thiếu oxy đến các nhân vùng hành não có thể gây tổn thương dây thần kinh, gây liệt cơ mở thanh quản.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý như: 
    • Bệnh tự miễn: Cơ chế bệnh sinh của các bệnh tự miễn làm ngăn chặn sự truyền dẫn tín hiệu giao tiếp giữa dây thần kinh với các cơ bắp. Điển hình là chứng nhược cơ (Myasthenia Gravis - MG) gây liệt cơ mở thanh quản;
    • Bệnh thần kinh: Một số bệnh lý tổn thương, suy giảm chức năng thần kinh làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cơ mở thanh quản như bệnh Parkinson, chứng đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS), đột quỵ...;
  • Nhiễm trùng: Các bệnh lý nhiễm trùng do virus, thường gặp nhất là viêm não do bại liệt, bệnh Lyme, nổi mụn rộp, virus Epstein - Barr, virus Covid-19... đều là những tác nhân làm tổn thương dây thần kinh kiểm soát sự chuyển động của các cơ dây thanh quản, dẫn đến liệt cơ;
  • Nhiễm độc: Tiếp xúc trực tiếp với các loại độc tố như thủy ngân, chì, asen... gây tổn thương hành não và các mô thần kinh liên quan làm tổn thương và liệt cơ mở thanh quản;
  • Khối u: Sự xuất hiện của khối u ung thư dù lành tính hay ác tính đều gây chèn ép đến các dây thần kinh kiểm soát hoạt động cơ dây thanh quản, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến liệt cơ mở thanh quản. Thường là ung thư tuyến giáp và các nốt sần trên tuyến giáp, khối u vùng cổ, miệng - thực quản hoặc vùng sau sụn nhẫn, khối u di căn sọ não, u não thất IV...;
  • Một số nguyên nhân khác:
    • Liệt cơ mở thanh quản xảy ra sau đợt cảm lạnh hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên;
    • Tác dụng của nhóm thuốc ngủ barituric;
    • Bệnh giang mai;
    • Các tổn thương thoái hóa điển hình như bệnh Charcot hoặc chứng xơ cứng cột sống teo cơ;
    • Các tổn thương khác như viêm phần trước tủy sống, teo hành cầu tiểu não, liệt hành cầu, chứng rỗng hành tủy hoặc hội chứng Arnold - Chiari...;

Tìm hiểu: Bệnh Ung Thư Thanh Quản - Tổng quan và cách điều trị

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy vào vị trí và mức độ liệt cơ mở thanh quản, mà các triệu chứng bệnh ở từng bệnh nhân sẽ biểu hiện khác nhau. Điển hình như:

Bệnh nhân liệt cơ mở thanh quản thường có các triệu chứng về thay đổi giọng nói, khó nuốt, khó thở

Triệu chứng liệt cơ mở thanh quản 1 bên

  • Khàn tiếng, giọng yếu ớt, nói thều thào;
  • Thay đổi cường độ giọng từ cao xuống trầm;
  • Khó thở, thở gấp hoặc dễ hụt hơi khi nói chuyện;
  • Khó nuốt;
  • Nội soi dây thanh quản thấy chỉ có 1 bên dây cử chuyển động, dây còn lại cố định và kích thước mở của thanh môn khoảng 5mm;

Triệu chứng liệt cơ mở thanh quản 2 bên

  • Bệnh nhân khó thở nhẹ ban đầu và tăng dần lên khi hoạt động gắng sức như cười to hoặc chơi thể thao;
  • Thở ồn ào do phát ra âm thanh khò khè hoặc khàn khàn;
  • Giọng nói vẫn bình thường;
  • Da dẻ, mặt mũi tím tái kèm theo rối loạn tinh thần khi bệnh nhân khó thở nặng;
  • Hình ảnh nội soi cho thấy hai dây thanh quản nằm ở gần đường giữa, khi hít vào sẽ thấy khe thanh môn chỉ mở tối đa 2-3mm và khít nhau hoàn toàn khi nói;

Chẩn đoán 

Bên cạnh thăm khám và đánh giá các triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân cần phải thực hiện thêm một số kỹ thuật chẩn đoán bằng máy móc, thiết bị để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất về nguyên nhân và mức độ bệnh liệt cơ mở thanh quản.

Nội soi thanh quản cho phép quan sát rõ tổn thương dây thanh quản để chẩn đoán liệt cơ mở thanh quản

  • Siêu âm vùng cổ;
  • Nội soi thanh quản trực tiếp hoặc nội soi thanh quản thông qua ống mềm thông qua đường mũi;
  • Chụp CT scan cắt lớp vi tính hoặc chụp MRI cộng hưởng từ vùng ngực, cổ, sọ não;
  • Đo điện cơ thanh quản (LEMG) giúp đánh giá và ghi lại các xung điện của dây thần kinh kiểm soát cơ thanh quản;
  • Các xét nghiệm cần thiết khác như:
    • Xét nghiệm công thức máu và sinh hóa máu phát hiện các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn;
    • Đánh giá chức năng hô hấp;
    • Kiểm tra chức năng tuyến giáp;
  • Chẩn đoán phân biệt: Ngoài các kiểm tra, chẩn đoán xác định trên, cần thực hiện chẩn đoán phân biệt liệt cơ mở thanh quản với các bệnh lý tổn thương thanh quản khác như:
    • Viêm thanh quản;
    • Lao thanh quản;
    • Ung thư thanh quản;
    • Viêm khớp/ cứng khớp nhẫn phễu;
    • Co thắt thanh quản;
    • Sẹo gây chít hẹp thanh quản;
    • ...

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng

Liệt cơ mở thanh quản là vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng, gây biến chứng biến dạng giọng, mất giọng nói, khó thở, khó nuốt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một số trường hợp nghiêm trọng còn gây đe dọa đến tính mạng nếu bệnh bùng phát trong đợt cấp.

Vì dây thanh quản bị liệt khiến đường thở đóng mở không đúng, không khép kín hoàn toàn dẫn đến dễ hút phải chất dịch lỏng hoặc thức ăn được nạp vào từ bên ngoài, phát sinh biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tiên lượng

Tiên lượng bệnh liệt cơ mở thanh khá phức tạp, tùy thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể như sau:

Tiên lượng liệt cơ mở thanh quản tốt hay xấu còn tùy thuộc vào mức độ liệt 1 bên hay 2 bên, nguyên nhân và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân

  • Liệt một bên dây thanh quản: Tiên lượng khả quan nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp.
  • Liệt cả 2 bên dây thanh quản: Thường có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao vì biến chứng suy hô hấp cấp do không kịp điều trị mở khí quản sớm.

Ngoài ra, tùy theo mức độ tiến triển, nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân mà tiên lượng điều trị xấu hoặc tốt. Bệnh liệt cơ mở thanh quản có thể chữa khỏi nếu điều trị sớm trong giai đoạn đầu. Khuyến khích người bệnh nên chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn thực hiện phương pháp điều trị phù hợp.

Một số trường hợp liệt cơ mở thanh quản có thể tự cải thiện và thuyên giảm theo thời gian. Nhưng cũng có nhiều trường hợp liệt cơ mở thanh quản vĩnh viễn bắt buộc phải can thiệp điều trị để duy trì cấu trúc giải phẫu và chức năng dây thanh quản, phục hồi giọng nói, khả năng nuốt, thở.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị liệt cơ mở thanh quản chủ yếu nhằm mở rộng khí quản, giảm tắc nghẽn đường thở và phục hồi chức năng thanh quản (nếu có thể).

Gồm các phương pháp điều trị sau:

1. Điều trị nội khoa 

Những trường hợp có các triệu chứng mức độ nhẹ, được chẩn đoán do các nguyên nhân không quá phức tạp và chưa có biến chứng sẽ được ưu tiên điều trị nội khoa, bảo tồn cấu trúc tự nhiên dây thanh quản.

Có 2 biện pháp điều trị nội khoa được áp dụng phổ biến nhất là:

Dùng thuốc nhằm mục đích hỗ trợ điều trị nguyên nhân gây liệt cơ mở thanh quản

Liệu pháp giọng nói

Các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ cho biết, đã có không ít trường hợp bị liệt cơ mở thanh quản có thể tự phục hồi trong vòng vài năm, kết hợp liệu pháp giọng nói để cải thiện chức năng dây thanh quản. Phương pháp này được thực hiện thông qua các bài tập luyện giọng được chỉ định và hướng dẫn bởi chuyên viên có kinh nghiệm.

Quá trình tập luyện đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ theo liệu trình, kéo dài ít nhất trong khoảng 6 - 8 tuần, mỗi đợt trị liệu khoảng 30 - 40 phút.

Dùng thuốc 

Điều trị bằng thuốc là phương pháp hỗ trợ điều trị các nguyên nhân gây liệt cơ mở thanh quản. Tùy từng loại nguyên nhân sẽ được chỉ định sử dụng toa thuốc phù hợp. Phổ biến nhất thuốc giáp trạng tổng hợp điều trị suy giáp cả trước và sau khi phẫu thuật. Giai đoạn hậu phẫu thuật sẽ dùng thêm thuốc kháng sinh, thuốc Corticoid dạng uống hoặc dạng khí dung cải thiện hô hấp, hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe nhanh chóng hơn.

2. Điều trị ngoại khoa 

Gồm 2 phương pháp sau:

Tiêm thuốc vào dây thanh quản

Trường hợp chẩn đoán liệt cơ mở thanh quản vô căn, không rõ nguyên nhân thường sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêm hỗn dịch Gelfoam vào dây thanh quản. Đây là chất làm đầy dây thanh quản, thu hẹp khoảng cách giữa các dây âm thanh, cải thiện giọng nói.

Tiêm thuốc làm đầy vào dây thanh quản giúp thu hẹp khoảng cách giữa các dây thanh, cải thiện triệu chứng bệnh

Kỹ thuật này chỉ được thực hiện tại bệnh viện, dành cho những trường hợp vừa không xác định được nguyên nhân vừa không rõ quá trình phục hồi của các dây thần kinh.

Liệu trình tiêm gelfoam nhiều hay ít tùy theo kết quả điều trị và khả năng đáp ứng của cơ thể. Thông thường sẽ kéo dài trong vòng 4 - 12 tuần. Chất liệu tiêm vào dây thanh quản có 2 loại chính là:

  • Tiêm Teflon: Tuy đem lại hiệu quả cao nhưng vì là chất không hấp thu nên có nguy cơ cao gây ra u hạt viêm;
  • Tiêm mỡ tự thân: Lành tính hơn với cơ thể nhưng với điều kiện dây thanh quản bị liệt phải nằm cạnh hoặc ở đường giữa, mức độ giảm sản dây thanh nhẹ;

Biện pháp trên chủ yếu dành cho những trường hợp bị liệt dây thanh quản 1 bên. Còn riêng với liệt cơ dây thanh quản 2 bên bắt buộc sẽ phải mở khí quản (Tracheotomy) để xử lý tổn thương. Nhất là trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu lên cơn suy hô hấp, khó thở nặng.

Phẫu thuật loại bỏ khối u

Những trường hợp liệt cơ mở thanh quản do có khối u ở vùng cổ, trung thất... sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật loại bỏ ngay và phục hồi chức năng dây thanh quản.

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dây thanh quản bị tổn thương để mở rộng khí quản, ngăn ngừa biến chứng suy hô hấp

Có 2 kỹ thuật phẫu thuật liệt cơ mở thanh quản phổ biến nhất là: mổ qua đường nội thanh quản và qua đường ngoại thanh quản.

Phẫu thuật qua đường nội thanh quản

Gồm các kỹ thuật sau:

  • Cố định dây thanh: Dùng 2 ống kim tiêm, 1 kim chọc qua sụn giáp và 1 kim chọc dưới vị trí kim nhất vài mm. Sau đó, luồn 1 sợi dây đơn qua kim, quấn quanh 1 vòng dây thanh quả, kéo dây ra ngoài dây thanh quản và thắt chặt lại ở phía mặt ngoài sụn giáp để cố định dây thanh ở đúng vị trí;
  • Cắt bỏ dây thanh bằng laser: Cơ và dây chằng của dây thanh quản bị tổn thương, giãn tới gần đáy của buồng thanh quản sẽ được chỉ định cắt bỏ bằng tia laser;
  • Cắt sụn phễu: Thông qua đường nội thanh quản, sụn phễu sẽ được cắt bỏ bằng cách mở sụn giáp, laser hoặc nội soi;
  • Cắt vùng bán phần sau dây thanh: Được thực hiện bằng kỹ thuật soi treo vi phẫu. Cắt bỏ vùng bán phần sau ở vị trí một bên dây thanh quản, phạm vi tối đa là đến sát mấu cơ, sử dụng các loại dụng cụ như kéo, panh, thiết bị cầm máu bằng hệ thống đông điện đơn cực gắn ống hút;

Phẫu thuật qua đường ngoại thanh quản

Có thể kể đến các kỹ thuật sau:

  • Phẫu thuật Woodman;
  • Phẫu thuật Kelly;
  • Phẫu thuật King;
  • Phẫu thuật Reithi;
  • Các kỹ thuật nối dây thần kinh hồi quy với dây thần kinh hoành, thần kinh hạ thiệt, thần kinh phế vị, kỹ thuật Tucker...;

Ngoài ra, thực hiện phẫu thuật cấy ghép thiết bị vào trong khung thanh quản. Thiết bị thường được làm từ vật liệu silicone, có tác dụng giữ cố định dây thanh quản bị liệt và giữ cho 2 dây thanh khép khín lại.

Phòng ngừa

Bệnh liệt cơ mở thanh quản gây ảnh hưởng đến chức năng thanh quản, biến dạng giọng nói, giảm khả năng nuốt, thở và kéo theo nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe thể chất... Để phòng ngừa liệt cơ mở thanh quản, hãy chú ý thực hiện các biện pháp sau:

Thực hiện lối sống lành mạnh và giảm thiểu các chấn thương vùng cổ, ngực giúp phòng ngừa liệt cơ mở thanh quản

  • Chọn phẫu thuật vùng cổ, ngực, thanh khí quản,... ở những cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa uy tín để hạn chế thấp nhất nguy cơ biến chứng gây tổn thương dây thần kinh kiểm soát cơ mở thanh quản hoặc chấn thương thanh quản.
  • Có lối sống lành mạnh, ổn định sức khỏe, tăng cường sức đề kháng chống lại các tác nhân vi khuẩn, virus gây viêm thanh quản.
  • Quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa các bệnh lý lây qua đường tình dục gây liệt cơ mở thanh quản như giang mai, lao...
  • Phát hiện và điều trị sớm các bệnh về đường hô hấp, bệnh nhiễm trùng, bệnh tự miễn...
  • Xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh, tăng cường sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị liệt cơ mở thanh quản?

2. Bệnh liệt cơ mở thanh quản có nguy hiểm không?

3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán liệt cơ mở thanh quản?

4. Bệnh liệt cơ mở thanh quản có chữa khỏi được không?

5. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi hiện tại?

6. Phương pháp điều trị liệt cơ mở thanh quản tốt nhất đối với trường hợp bệnh của tôi?

7. Bị liệt cơ mở thanh quản khi nào cần phẫu thuật?

8. Những rủi ro thường gặp trong quá trình điều trị liệt cơ mở thanh quản?

9. Tôi cần làm gì trong quá trình điều trị để phục hồi sức khỏe nhanh chóng?

10. Bệnh liệt cơ mở thanh quản có tái phát sau điều trị không?

Bệnh liệt cơ mở thanh quản là một trong những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, ảnh hưởng đến khả năng nói, thở và nuốt. Phát hiện và điều trị bệnh càng sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nguyên nhân gây bệnh, ngăn ngừa biến chứng và bảo tồn chức năng dây thanh quản. Mọi thắc mắc về bệnh vui lòng trao đổi thêm với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp kỹ hơn.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Viêm amidan Bệnh Viêm Amidan
Viêm amidan là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, nhất là ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu kém. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng viêm nhiễm…
Bệnh Viêm Mủ Màng Phổi
Viêm mủ màng phổi là một trong những dạng nhiễm…
Bệnh Phì Đại Cuốn Mũi
Phì đại cuốn mũi là một trong những bệnh lý…
Bệnh Quai Bị
Quai bị là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, có…
Bệnh Rubella

Rubella là bệnh truyền nhiễm gây sốt phát ban lành tính do virus RuV gây ra, rất dễ lây từ…

Bệnh Lao Thanh Quản

Lao thanh quản là dạng lao ngoài phổi thứ phát thường xảy ra sau khi điều trị lao phổi hoặc…

Lưỡi Bản Đồ

Lưỡi bản đồ là một dạng viêm lưỡi lành tính. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh,…

Bệnh Viêm Màng Nhĩ Bọng Nước

Viêm màng nhĩ bọng nước là một dạng nhiễm trùng tai phổ biến. Đặc trưng của bệnh là những nốt…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

BÁC SĨ PHAN ĐÌNH LONG

Cố vấn Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua