Bệnh Lao ruột

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Doãn Hồng Phương

Giám đốc Chuyên môn Đông Phương Y Pháp

Lao ruột là một trong những bệnh lao ít gặp. Tuy nhiên nếu mắc phải lại rất nguy hiểm vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, lồng ruột, tắc ruột, thủng ruột, suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh lao ruột là phác đồ thuốc kháng lao kết hợp nhiều loại theo chỉ định của bác sĩ. 

Tổng quan

Lao ruột (Intestinal tuberculosis) là dạng lao ngoài phổi ít gặp, xảy ra do nhiễm trùng trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Một người có thể bị mắc bệnh lao ruột trực tiếp thông qua đường tiêu hóa hoặc vi khuẩn lao xâm nhập vào đường máu, trú ngụ trong các hạch bạch huyết và tấn công đến ruột.

Lao ruột là dạng lao ngoài phổi xảy ra ở ruột do nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis

So với các dạng lao ngoài phổi phổ biến khác như lao màng phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao màng bụng, lao hệ sinh dục tiết niệu, lao xương khớp..., lao ruột ít xảy ra hơn. Chủ yếu xuất hiện ở những quốc gia đang phát triển, có điều kiện sinh hoạt và y tế kém. Theo thống kê, lao ruột chiếm khoảng 1- 3% trong tổng số các ca nhiễm lao trên toàn thế giớis.

Các chuyên gia cảnh báo, lao ruột tuy ít gặp nhưng nếu đã mắc phải có thể gây ra nhiều hệ lụy, biến chứng nguy hiểm. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu được xem là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển bệnh lao ruột.

Phân loại

Hệ thống đường ruột được chia làm nhiều phần, dựa vào vị trí bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn lao, bệnh được phân chia làm  3 dạng chính gồm:

  • Lao hồi tràng: Đây là thể lao ruột phổ biến nhất, với tỷ lệ khoảng 64% trong tổng số các ca mắc. Hồi tràng là đoạn cuối cùng của ruột non, khi nhiễm vi khuẩn lao, hồi tràng sẽ bị viêm, hình thành vết loét hoặc phì đại do bị ứ máu bên trong hoặc do tình trạng tăng sinh các mô bạch huyết dưới niêm mạc. Các triệu chứng đặc trưng của thể bệnh này là đau bụng quặn thắt, chướng bụng, khó tiêu, nôn ói, khả năng hấp thu kém...
  • Lao tá tràng: Thể bệnh này rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 2 - 2.5% trường hợp nhiễm lao ruột. Bệnh xảy ra thường liên quan đến sự phát triển của các bệnh lý hạch quai C tá tràng. Các triệu chứng bệnh khá giống với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
  • Lao đại - trực tràng: Tỷ lệ mắc khoảng 10.8% trong tổng các ca nhiễm lao ruột và phổ biến ở những người nhiễm HIV/AIDS gây suy giảm miễn dịch ở người. Tổn thương chính xác của thể bệnh này là tổn thương đa ổ đại tràng, đặc trưng với các triệu chứng như đau bụng, đại tiện bất thường, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh lao ruột, có thể kể đến một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ thường gặp như:

  • Nhiễm lao ruột qua ăn uống: Còn được gọi là nguyên nhân nguyên phát. Xảy ra khi người bệnh dung nạp các loại thực phẩm là đồ ăn hoặc thức uống có chứa vi khuẩn lao. Trong đó, nguồn thực phẩm chứa vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis nhiều nhất là sữa bò tươi hoặc các loại sữa chưa tiệt trùng.
  • Nhiễm lao thứ phát: Lao ruột xảy ra từ một ổ lao khác trong cơ thể, phổ biến nhất là sau lao phổi, lao hầu họng, thực quản hoặc màng bụng. Chúng xâm nhập vào cơ thể, hòa vào dòng máu và trú ngụ trong các hạch bạch huyết, đường mật. Sau đó tấn công đến ruột và gây ra các triệu chứng lao ruột.

Nguyên nhân chính gây bệnh lao ruột thông qua 2 con đường là thông qua thực phẩm hoặc nhiễm trùng lây lan từ các ổ lao khác

Ngoài 2 nguyên nhân chính trên, còn nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ phát triển lao ruột, gồm:

  • Người mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm HIV/AIDS;
  • Mắc bệnh tiểu đường;
  • Tiền sử nhiễm lao trước đó;
  • Người có thể chất suy nhược, yếu ớt;
  • Mắc các bệnh ung thư vùng đầu, cổ, u lympho Hodgkin, ung thư bạch cầu;
  • Môi trường sống ô nhiễm, chứa nhiều bụi bẩn, hóa chất, đặc biệt là bụi phổi Silic;
  • Những người phải trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân lao cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng bệnh lao ruột khá giống với nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác như viêm ruột, ung thư đại - trực tràng, bệnh Crohn... nên rất khó nhận biết sớm.

Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như đau bụng quặn thắt, tiêu chảy, nôn ói, sốt, sụt cân...

Một số triệu chứng điển hình của lao ruột như:

  • Đau bụng khu trú vùng hố chậu phải hoặc lan rộng khắp vùng bụng;
  • Cơn đau thường xuất hiện kèm theo cảm giác muốn đại tiện hoặc nôn ói;
  • Thay đổi tính chất đại tiện, tăng tần suất, đại tiện khó, phân lẫn máu, tiêu chảy kéo dài hoặc xen kẽ với táo bón;
  • Khả năng hấp thu kém;
  • Các triệu chứng toàn thân khác như;
    • Sụt cân đột ngột;
    • Suy nhược cơ thể;
    • Xuất huyết trực tràng khiến da dẻ xanh xao do thiếu máu;
    • Nổi hạch;
    • Cổ trướng;
    • Gan to, lách to
    • Xuất hiện khối u mềm, đau khi ấn vào và ít di động vùng hố chậu phải;

Chẩn đoán

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán bệnh. Quy trình chẩn đoán bệnh lao ruột khá phức tạp, vì các triệu chứng lâm sàng của bệnh tương đối giống với nhiều bệnh đường tiêu hóa khác.

Do đó, bên cạnh thu thập các thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh, thói quen ăn uống, sinh hoạt..., bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để đảm bảo đưa ra kết quả chính xác nhất. Bao gồm:

Chẩn đoán bệnh lao ruột cần kết hợp thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nội soi hoặc kiểm tra hình ảnh

  • Xét nghiệm máu: Được thực hiện nhàm đánh giá các yếu tố có liên quan đến lao ruột trong máu của người bệnh, chẳng hạn như phát hiện nhiễm trùng, đo nồng độ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu... Một số xét nghiệm cụ thể gồm:
    • Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC);
    • Xét nghiệm đo kháng thể huyết thanh;
    • Xét nghiệm Adenosine Deaminase (ADA).
    • Xét nghiệm Quantiferon xác nhận sự hiện diện của vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis;
    • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR);
  • Nội soi đường tiêu hóa: Đây là kỹ thuật tiêu chuẩn giúp chẩn đoán bệnh lao ruột với mức độ chính xác cao. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng kỹ thuật nội soi phù hợp. Chẳng hạn như:
    • Nội soi đại tràng sigma;
    • Nội soi đại - trực tràng;
    • Kết hợp lấy mẫu làm sinh thiết tế bào;
  • Kiểm tra hình ảnh: Để hỗ trợ xác nhận chẩn đoán bệnh lao ruột, bác sĩ sẽ tiến hành làm thêm một vài xét nghiệm hình ảnh sau:
    • Siêu âm;
    • Chụp X quang ngực;
    • Chụp X quang đại tràng có sử dụng chất cản quang (chất tương phản bari);
    • Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
    • Chụp mạch lympho (kiểm tra hoạt động của các mạch thuộc hệ thống bạch huyết);
    • Chụp Galium citrate (phát hiện các tình trạng viêm liên quan như viêm thanh mạch, viêm phúc mạc);

Biến chứng và tiên lượng

Tương tự như nhiều bệnh nhiễm trùng lao khác, lao ruột được đánh giá là một bệnh nguy hiểm và có thể gây các biến chứng khó lường nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách. Một số biến chứng thường gặp như:

  • Xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng;
  • Thiếu máu nặng;
  • Biến chứng tắc ruột hoặc lồng ruột;
  • Phát triển một số bệnh lý liên quan như rò hậu môn, viêm phúc mạc, viêm đa dây thần kinh...;

Mắc bệnh lao ruột có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, thủng ruột hoặc suy dinh dưỡng

Những biến chứng này có thể được cấp cứu xử lý kịp thời và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bệnh lao ruột tiến triển nặng trong thời gian dài không điều trị sẽ khiến bệnh nhân dần suy kiệt sức khỏe, thể chất do khả năng hấp thu kém, dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất, suy dinh dưỡng. Hậu quả nghiêm trọng nhất là suy kiệt đến mức tử vong.

Tiên lượng bệnh lao ruột tương đối tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương, phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng. Dựa vào những yếu tố này, bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng và phác đồ điều trị phù hợp.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp nhiễm lao ruột đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị lao phổi. Cụ thể là phác đồ dùng thuốc kháng lao phối hợp 4 loại liên tục trong vòng 6 - 9 tháng. Một số trường hợp có thể được chỉ định phẫu thuật nếu cần thiết để xử lý các biến chứng lồng ruột, tắc ruột hoặc các bệnh lý khác.

Cụ thể 2 phương pháp điều trị bệnh lao ruột hiện nay gồm:

Điều trị bằng thuốc

Thuốc kháng lao là loại nhóm thuốc chính được dùng để điều trị bệnh lao ruột. Bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ dùng thuốc do bác sĩ chỉ định. Thông thường, toa thuốc điều trị lao ruột thường kết hợp trên 2 loại thuốc, thường là 4 loại để đạt hiệu quả tốt nhất. Các loại điển hình thường dùng như Rifapicin, Ethambutol, Isoniazid, Pyrazinamide.

Phác đồ trị lao là sự kết hợp của nhiều loại thuốc chống lao sử dụng liên tục trong thời gian nhất định

  • Liều điều trị tấn công: Kéo dài liên tục trong vòng 2 - 5 tháng;
  • Liều điều trị củng cố: Kéo dài khoảng 12 - 18 tháng;

Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng được kê toa nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng lao ruột. Chẳng hạn như:

  • Thuốc giảm đau bụng:
    • Thuốc Atropin liều 1/2mg dạng tiêm dưới da;
    • Thuốc Belladol dạng cồn dung dịch 10%;
  • Thuốc chống tiêu chảy:
    • Thuốc Kaolin liều 10 - 20g/24h;
    • Thuốc Tanin liều 3 - 5g/24h;

Điều quan trọng khác mà bệnh nhân cần lưu ý trong quá trình dùng thuốc đó là tuân thủ liều dùng, cách dùng thuốc phù hợp. Kết hợp thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn đủ chất từ đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung đủ lượng vitamin, khoáng chất cần thiết và hạn chế thực phẩm cay nóng, dầu mỡ và giảm lượng tinh bột.

Can thiệp ngoại khoa

Những trường hợp mắc bệnh lao ruột nghiêm trọng, có biến chứng đường tiêu hóa như tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột hay rò hậu môn cần được can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Phẫu thuật xử lý biến chứng lao ruột cần được thực hiện sớm để ngăn chặn các rủi ro khó lường

Tùy theo từng dạng biến chứng và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng kỹ thuật phẫu thuật phù hợp. Chẳng hạn như:

  • Nội soi: Thủ thuật nội soi nong bóng giúp giải phóng tình trạng tắc nghẽn ống tiêu hóa do lao ruột.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Tùy theo dạng và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một đoạn ngang của đại tràng, hồi tràng hoặc cắt bỏ toàn bộ ống tiêu hóa chứa khối u, nhiễm trùng nặng không phục hồi. Đây là cách tốt nhất để loại bỏ tổn thương và ngăn không cho vi khuẩn lao lan sang các cơ quan khác. Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ không thể ăn uống như bình thường và sức khỏe cũng sẽ giảm sút nhiều.

Phòng ngừa

Hiện nay, bệnh lao ruột rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên các chuyên gia vẫn khuyến cáo mỗi người đều phải tự ý thức trong việc phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe. Một số biện pháp đơn giản dưới đây có thể giúp ích trong việc này:

Ăn chín uống sôi và đảm bảo môi trường sống sạch sẽ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm lao ruột

  • Có chế độ ăn uống khoa học, sử dụng thực phẩm lành mạnh, sạch sẽ, đặc biệt là sữa bò hoặc các chế phẩm từ sữa phải được xử lý tiệt trùng trước khi sử dụng.
  • Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và cả trong sinh hoạt hàng ngày để giảm thiểu sự lây lan của vi khuẩn lao.
  • Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, không ô nhiễm, không chứa hóa chất, bụi bẩn để hạn chế tổn thương phổi.
  • Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát để sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh tật, trong đó có lao ruột để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng về sau.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Những dấu hiệu nào cho thấy tôi mắc bệnh lao ruột?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để xác nhận chẩn đoán mắc bệnh lao ruột?

3. Nguyên nhân khiến tôi nhiễm bệnh lao ruột?

4. Bệnh lao ruột có nguy hiểm không? Có đe dọa đến tính mạng không?

5. Phương pháp điều trị bệnh lao ruột tốt nhất dành cho tôi?

6. Dùng thuốc chống lao trong thời gian dài gây ra tác dụng phụ gì?

7. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong suốt quá trình điều trị?

8. Chi phí điều trị lao ruột tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

9. Thời gian điều trị mất bao lâu thì khỏi hẳn?

10. Bệnh lao ruột có tái phát trở lại sau điều trị không?

Lao ruột gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đe dọa cả tính mạng người bệnh. Nhất là với những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém và có nhiều tiền sử bệnh khác nhau. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan, sớm thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.

Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ:
Hội chứng Mallory-Weiss
Hội chứng Mallory Weiss là tình trạng xảy ra vết rách ở niêm mạc thực quản do nôn ói quá nhiều hoặc nhiều tác nhân gây áp lực khác lên…
Lao Màng Bụng
Lao màng bụng là thể lao ngoài phổi hiếm gặp…
Bệnh Viêm Ruột Do Virus
Viêm ruột do virus là bệnh lý viêm đường tiêu…
Bệnh Barrett thực quản
Barrett thực quản là một bệnh đường tiêu hóa phổ…
Nguyên nhân gây hội chứng ruột ngắn Hội chứng ruột ngắn

Hội chứng ruột ngắn là tình trạng kém hấp thu dinh dưỡng ở ruột non do liên quan đến yếu…

Bệnh Tả

Bệnh tả là một trong những bệnh lý truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở ruột non do vi khuẩn…

Polyp Ống Tiêu Hóa

Polyp ống tiêu hóa thường xuất hiện ở đại tràng, dạ dày và nhiều vị trí khác. Chúng là những…

Bệnh Viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt xảy ra khi một hoặc nhiều tuyến nước bọt bị sưng viêm. Thường là do nhiễm…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Doãn Hồng Phương

Giám đốc Chuyên môn Đông Phương Y Pháp

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua