Chứng Đại tiện không tự chủ
Đại tiện không tự chủ là tình trạng sức khỏe xảy ra khá phổ biến, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải. Hầu hết các trường hợp mắc phải đều có liên quan đến các bệnh lý ở hệ tiêu hóa hoặc tổn thương cơ vòng hậu môn, cơ sàn chậu... Chứng đại tiện không tự chủ không quá nghiêm trọng và điều trị cũng không quá khó, chỉ cần người bệnh chú ý thăm khám sớm và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
Tổng quan
Đại tiện không tự chủ (Fecal incontinence) hay còn gọi là bệnh són phân, tiêu đùn ở trẻ em... Đây là tình trạng được mô tả việc phân rò rỉ ra từ trực tràng không tự chủ do mất khả năng kiểm soát nhu động ruột. Chất thải có thể rò rỉ ra khỏi trực tràng vào bất kỳ thời điểm nào, không theo thói quen đi vệ sinh thông thường.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể gặp phải tình trạng này, nhưng phổ biến nhất là ở người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai, sau sinh. Nguyên nhân thường là do tổn thương cơ hoặc dây thần kinh, liên quan đến lão hóa hoặc giãn nở quá mức.
Tình trạng đại tiện không tự chủ không phải vấn đề y tế quá nghiêm trọng vì có thể can thiệp điều trị được bằng nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn như dùng thuốc hoặc can thiệp xâm lấn tối thiểu.
Phân loại
Chứng đại tiện không tự chủ được phân chia làm 2 dạng chính gồm:
- Đại tiện không tự chủ cấp kỳ (urge incontinence): Xảy ra khi bạn có cảm giác muốn đi đại tiện ngay lập tức, nhưng cảm giác này đến quá nhanh khiến bạn không thể ngăn chặn việc đại tiện trước khi vào được nhà vệ sinh. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến việc các cơ sàn chậu bị suy yếu, giãn quá mức hoặc tổn thương dây thần kinh.
- Đại tiện không tự chủ thụ động: Là tình trạng bạn bị són phân ra khỏi trực tràng trong vô thức mà không hay biết.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Tình trạng đại tiện không tự chủ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, có những trường hợp gặp nhiều hơn 1 nguyên nhân khiến triệu chứng són phân nặng hơn bình thường.
Có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
- Tổn thương cơ: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đại tiện không tự chủ. Nhóm các cơ vòng xung quanh hậu môn bị suy yếu hoặc giãn ra quá mức. Tổn thương này thường xuất phát từ việc sinh nở, phải rạch tầng sinh môn hoặc sử dụng kẹp gắp trong quá trình sinh. Ngoài ra, chấn thương hoặc tiền sử thực hiện các phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ, cắt bỏ khối u ung thư trực tràng - hậu môn, cắt bỏ khối áp xe... cũng đều có thể gây tổn thương các cơ này.
- Tổn thương dây thần kinh: Hệ thống dây thần kinh kết nối với các dây thần kinh cảm nhận phân đầy trong trực tràng hoặc dây thần kinh kiểm soát cơ vòng hậu môn nếu bị tổn thương cũng sẽ gây ra tình trạng đại tiện không tự chủ. Có rất nhiều tác nhân liên quan góp phần khởi phát tình trạng này, chẳng hạn như:
- Các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, bệnh Celiac...;
- Bệnh tiểu đường type 2;
- Bệnh đa xơ cứng;
- Đột quỵ;
- Chứng sa sút trí tuệ;
- Bệnh Parkinson;
- Chấn thương tủy sống;
- Căng thẳng quá mức;
- Thói quen rặn mạnh khi đại tiện trong thời gian dài;
- Tiêu chảy: Tiêu chảy kéo dài là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý đường ruột, chẳng hạn như bệnh viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc viêm trực tràng... Việc tiêu chảy quá mức khiến trực tràng bị đầy nhanh chóng, đặc biệt phân lỏng nước thường khó giữ lại hơn phân rắn. Do đó, người bệnh thường xuyên bị són phân và bắt buộc phải vệ sinh liên tục.
- Táo bón: Khác với tiêu chảy, táo bón là tình trạng phân vón thành từng cục to, cứng và khó di chuyển ra ngoài. Khi chúng tích tụ quá lâu trong trực tràng khiến các cơ trực tràng bị giãn ra quá mức và suy yếu theo thời gian. Trong trường hợp này, tình trạng són phân xảy ra khi phần nước tích tụ phía sau khối chất thải bị són ra ngoài liên tục.
- Bệnh trĩ: Đặc trưng của bệnh trĩ là các cơ vòng quanh hậu môn bị giãn quá mức, không thể đóng kín hoàn toàn. Tình trạng này tạo điều kiện để phân són chảy ra ngoài với số lượng ít nhưng thường xuyên.
- Bệnh sa trực tràng - hậu môn: Những người bị sa trực tràng - hậu môn thường là do thói quen rặn đại tiện quá mức trong thời gian hoặc biến chứng của bệnh trĩ. Tình trạng này khiến trực tràng rơi xuống và lồi ra khỏi hậu môn. Điều này càng khiến cho các cơ vòng xung quanh hậu môn không thể đóng kín lại hoàn toàn và dẫn đến chất thải són ra ngoài một cách dễ dàng.
- Bệnh sa trực tràng - âm đạo: Đây là tình trạng trực tràng bị sa lồi ra khỏi âm đạo. Nguyên nhân thường là do lớp cơ mỏng phân tách giữa trực tràng và âm đạo bị suy yếu, giãn ra. Hậu quả khiến cho chất thải tích tụ trực tràng bị giữ lại khó tống ra ngoài, nhưng theo nhu cầu của cơ thể bạn vẫn có thể bị són phân số lượng ít.
- Lười vận động thể chất: Đây là cũng một trong những tác nhân gây ảnh hưởng đến khả năng đại tiện. Việc lười vận động, ngồi nằm nhiều hơn đi lại, cử động trong thời gian dài khiến phân tích tụ trong trực tràng, ngày càng cứng và khó tống ra ngoài. Đây cũng là nguyên nhân vì sao đa số người lớn tuổi dễ bị táo bón dẫn đến són phân.
- Dị tật bẩm sinh: Đối với trẻ em mắc chứng đại tiện không tự chủ, có thể là do bẩm sinh mắc phải các dị tật ở hậu môn, trực tràng hoặc đại tràng. Hầu hết những dị tật này khiến các cơ vòng hoặc cơ sàn chậu bị suy yếu, gây bất thường cho các dây thần kinh liên quan, dẫn đến tình trạng són phân liên tục.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Chứng đại tiện không tự chủ có thể xảy ra ngắn hạn hoặc dài hạn tùy theo căn nguyên. Ngoài ra, tùy theo dạng són phân mà biểu hiện ở từng người bệnh sẽ khác nhau. Chẳng hạn như:
- Có cảm giác đại tiện nhưng vẫn bị són phân trước khi đến nhà vệ sinh;
- Rò rỉ phân ra ngoài nhưng không có cảm giác;
- Một số trường hợp són phân có thể kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đường ruột khác như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, đầy hơi, chướng bụng...;
Chẩn đoán
Chẩn đoán đại tiện không tự chủ chủ yếu nhằm xác định căn nguyên để có biện pháp điều trị phù hợp. Bước đầu thăm khám, bệnh nhân sẽ mô tả đầy đủ các triệu chứng bản thân đang gặp phải. Sau đó, bác sĩ tiến hành thăm khám sức khỏe và kiểm tra thực thể để đánh giá sức mạnh của các cơ vòng hậu môn bằng cách đưa ngón tay hoặc dụng cụ vào thẳng bên trong trực tràng.
Bước cuối cùng là thực hiện các xét nghiệm bổ sung để xác nhận chẩn đoán đại tiện không tự chủ. Hoặc có nhiều trường hợp tình trạng són phân không quá nghiêm trọng có thể bỏ qua bước này để đi thẳng đến bước tư vấn điều trị.
Cụ thể gồm một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm phân: Trường hợp bị tiêu chảy cần làm xét nghiệm phân để loại trừ các tác nhân nhiễm trùng hoặc nguyên nhân gây bệnh khác.
- Đo áp lực hậu môn: Thử nghiệm này giúp đánh giá sức mạnh cơ vòng hậu môn. Được thực hiện bằng cách đưa một ống ngắn, mỏng vào trong hậu môn, trực tràng để đo mức độ đóng kín của cơ vòng.
- Siêu âm: Siêu âm đầu dò bên trong hậu môn, trực tràng cho phép quan sát hình ảnh chi tiết về hình dạng và cấu trúc các cơ vòng cùng các nhóm cơ xung quanh. Từ đó giúp phát hiện các bất thường có liên quan đến tình trạng đại tiện không tự chủ.
- Đo điện cơ hậu môn (EMG): Trong những trường hợp cần thiết, đo điện cơ hậu môn có thể xác định mức độ tổn thương dây thần kinh liên kết với cơ vòng hậu môn, đánh giá chức năng hoạt động của nó có bình thường hay không. Đồng thời, kiểm tra chức năng phối hợp giữa trực tràng và cơ hậu môn.
- Nội soi đại tràng: Xét nghiệm này giúp quan sát và đánh giá phần cuối của ruột già hoặc đại tràng để phát hiện các dấu hiệu bất thường tại đây. Có thể là viêm nhiễm, mô sẹo hoặc khối u, vì hầu hết những tác nhân này đều có thể gây ra tình trạng đại tiện không tự chủ.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác:
- Chụp đại tiện Proctography;
- Chụp cộng hưởng từ MRI;
- Chụp X quang trực tràng động;
- Các xét nghiệm thường quy khác: Chẳng hạn như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,... nhằm kiểm tra các dấu hiệu bất thường hoặc loại trừ các bệnh lý khác.
Biến chứng và tiên lượng
Theo đánh giá của các chuyên gia, chứng đại tiện không tự chủ không phải vấn đề y tế quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bản chất của tình trạng són phân này gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày, nỗi lo về tâm lý, ảnh hưởng công việc, thể trạng và nhiều vấn đề phát sinh khác.
Ngoài ra, việc són phân liên tục và thường xuyên, nhất là trong trạng thái thụ động không nhận thức khiến việc vệ sinh chậm trễ, có thể gây kích ứng da, lở loét và nhiều vấn đề sức khỏe khác cần được can thiệp điều trị y tế để tránh nguy cơ phát sinh biến chứng.
Điều trị
Hầu hết các trường hợp đại tiện không tự chủ đều không quá nghiêm trọng và có thể điều trị khỏi. Phương pháp điều trị thường được chỉ định tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh. Thông thường, mỗi trường hợp bệnh đều cần phải thực hiện nhiều hơn một phương pháp điều trị.
Một số biện pháp điều trị đại tiện không tự chủ được các chuyên gia bác sĩ khuyến cáo bao gồm:
Điều trị và chăm sóc tại nhà
Với những trường hợp đại tiện không tự chủ không quá nghiêm trọng, bác sĩ thường sẽ tư vấn cho bệnh nhân cách điều chỉnh thói quen ăn uống và một số mẹo đơn giản giúp cải thiện tình trạng són phân. Cụ thể gồm các cách sau
- Ăn kiêng: Mục tiêu của việc ăn kiêng trong trường hợp không phải để siết cân, mà là tránh sử dụng các loại thực phẩm làm thay đổi tính chất phân, ảnh hưởng đến tình trạng són phân.
- Thực phẩm nên ăn: Gồm chuối, táo, sốt táo, mỳ ống, bơ đậu phộng, phô mai, khoai tây...
- Thực phẩm nên kiêng: Gồm rượu, bia, cà phê và các chất kích thích khác, nước ép trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa, nước ngọt có gas hoặc thức uống chứa chất tạo ngọt nhân tạo, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đóng hộp như thịt xông khói...
- Tạo thói quen cho ruột: Mục tiêu của việc này là thiết lập thói quen đại tiện tốt cho ruột, đảm bảo nhu động ruột được kích thích đúng cách, nhất quán. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách đi đại tiện vào cùng thời điểm mỗi ngày. Hoặc uống thuốc xổ hàng ngày vào cùng thời điểm để giúp điều chỉnh việc loại bỏ phân, giảm thiểu tần suất các đợt đại tiện không cần thiết.
- Rèn luyện ruột: Các bài tập rèn luyện ruột giúp nâng cao sức mạnh cho các cơ vòng xung quanh hậu môn. Việc tập luyện ban đầu sẽ được chuyên gia hướng dẫn, sau đó chỉ cần bạn kiên trì thực hiện tại nhà thường xuyên, đều đặn hàng ngày để đạt kết quả cải thiện khả năng kiểm soát đại tiện.
- Dùng băng thấm hút: Đây cũng là cách xử lý hiệu quả tình trạng đại tiện không tự chủ. Các miếng thấm hút này dán bên trong quần lót để ngừa việc phân són không kiểm soát, tránh làm bẩn quần lót, có thể thay liên tục rất tiện lợi.
- Sử dụng kem bôi dưỡng ẩm: Những người bị són phân thường xuyên có thể bị kích ứng, hăm da, lở loét..., đặc biệt là trẻ em. Hãy sử dụng kem bôi dưỡng ẩm thường xuyên, thời điểm phù hợp nhất là sau khi tắm xong, lau khô người để đạt hiệu quả cao. Kết hợp mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để tránh làm kích ứng thêm cho vùng da mông.
Dùng thuốc
Tùy theo nguyên nhân gây đại tiện không tự chủ, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn với liều dùng phù hợp.
- Thuốc không kê đơn:
- Thuốc chống tiêu chảy như bismuth subsalicylate (như Kaopectate hoặc Pepto - Bismol), loperamide (Imodium);
- Thuốc chống táo bón giúp nhuận tràng như Laxatives;
- Thuốc làm mềm phân như methylcellulose (Citrucel) hoặc psyllium (Metamucil);
- Thuốc kê đơn: Trường hợp những loại thuốc không kê đơn không có tác dụng, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc mạnh hơn để điều trị tình trạng són phân. Các loại thuốc này chủ yếu dùng để điều trị các bệnh lý có tính chất nghiêm trọng như viêm ruột, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng...
Các thủ thuật y tế
Một số thủ thuật y tế được bác sĩ đề xuất dưới đây dùng để trị chứng đại tiện không tự chủ:
- Liệu pháp phản hồi sinh học: Đây là phương pháp kết hợp giữa các bài tập rèn luyện ruột trong khi đặt một cảm biến bên trong hậu môn và trên thành bụng. Kết quả giúp hỗ trợ làm tăng khả năng kiểm soát ruột tốt hơn.
- Điện kích thần kinh đốt cùng: Phương pháp này sử dụng nguồn xung điện nhẹ để kích thích dây thần kinh đốt cùng, dây thần kinh có khả năng kiểm soát các cơ vòng hậu môn, trực tràng và đại tràng. Nhờ sự tác động này, các dây thần kinh được kích thích hoạt động đúng cách và kiểm soát khả năng đại tiện tốt hơn. Một ưu điểm khác của thủ thuật này đó là nguồn xung điện nhẹ không gây đau và dễ sử dụng, bật tắt dễ dàng.
- Đặt bóng âm đạo: Đối với phụ nữ bị đại tiện không tự chủ, có thể thực hiện thủ thuật đặt bóng đã được bơm hơi vào bên trong âm đạo. Thủ thuật này giúp tạo áp lực lên thành trực tràng, ngăn chặn không cho phân đi ra khỏi trực tràng và chỉ rút hơi bóng ra khi có nhu cầu đại tiện.
- Tiêm chất độn không tiêu: Các chất độn không tiêu được chỉ định tiêm trực tiếp vào thành hậu môn nhằm kích thích làm phồng các cơ vòng xung quanh. Khi chúng phồng lên, diện tích lối ra của hậu môn bị thu hẹp lại, giúp các cơ vòng đóng kín hơn và tránh tình trạng són phân ra ngoài.
Phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả hoặc căn nguyên gây đại tiện không tự chủ xuất phát từ các tổn thương nghiêm trọng ở cơ vòng hậu môn, cơ sàn chậu,... bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật để xử lý tình trạng này.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị bao gồm:
- Phẫu thuật tạo hình cơ vòng: Liên quan đến thủ thuật nối các cơ vòng hậu môn bị tách rời và tổn thương sau khi sinh con hoặc chấn thương.
- Phẫu thuật cơ thắt hậu môn nhân tạo: Phương pháp này được thực hiện bằng cách phẫu thuật mở để đặt một vòng nhỏ quanh hậu môn, kết hợp cấy ghép máy bơm nhỏ dưới da giúp kích thích xì hơi. Hệ thống thiết bị nhân tạo này hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát nhu cầu đại tiện của bản thân. Tuy nhiên, vì tiềm ẩn nhiều rủi ro tác dụng phụ nên dạng phẫu thuật này ít khi được chỉ định.
- Phẫu thuật mở thông ruột kết: Phẫu thuật này nhằm đưa đại tràng vào một lỗ trên thành bụng, giúp phân được thu lại vào trong túi nằm ngoài bụng thay vì đi qua trực tràng hoặc hậu môn. Đây là lý do vì sao phương pháp này còn được gọi là phẫu thuật chuyển hướng ruột.
- Các phương pháp phẫu thuật khác: Dựa vào căn nguyên gây đại tiện không tự chủ, một số phương pháp phẫu thuật khác cũng có thể được chỉ định, chẳng hạn như trĩ, mổ sa trực tràng âm đạo hoặc sa trực tràng hậu môn.
Phòng ngừa
Không phải nguyên nhân nào gây đại tiện không tự chủ cũng có thể phòng ngừa được. Nhưng để giảm thiểu nguy cơ mắc phải, mỗi người cần chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống phù hợp. Cụ thể như sau:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục đều đặn hàng ngày để giảm nguy cơ táo bón.
- Ăn chín uống sôi, chế biến sạch sẽ thực phẩm trước khi nạp vào cơ thể để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường ruột và tiêu chảy.
- Tạo thói quen đại tiện khoa học, tốt nhất là vào buổi sáng sớm, tránh rặn mạnh khi đại tiện trong thời gian dài để tránh làm suy yếu cơ vòng hậu môn hoặc tổn thương hệ thống dây thần kinh gây đại tiện không tự chủ.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi thường xuyên bị són phân không kiểm soát?
2. Tình trạng đại tiện không tự chủ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của tôi?
3. Chứng đại tiện không tự chủ có phải dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm không?
4. Tôi nên điều trị chứng đại tiện không tự chủ bằng phương pháp nào tốt nhất?
5. Tình trạng của tôi nên điều trị tại nhà hay nhập viện?
6. Tình trạng bệnh của tôi có cần can thiệp phẫu thuật không?
7. Tôi cần chú ý gì trong chế độ ăn uống và sinh hoạt khi đang điều trị đại tiện không tự chủ?
8. Chi phí điều trị đại tiện không tự chủ có tốn kém không? Có dùng BHYT được không?
9. Thời gian điều trị chứng đại tiện không tự chủ mất bao lâu thì khỏi?
10. Tôi cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng đại tiện không tự chủ tái phát?
Đại tiện không tự chủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và đời sống sinh hoạt, công việc của người bệnh. Việc đại tiện mất kiểm soát như vậy khiến bất kỳ ai cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do đó, đừng nên chủ quan thay vào đó hãy thăm khám và tích cực điều trị để sớm thoát khỏi những triệu chứng khó chịu cũng như biến chứng khó lường về sau.
Có thể bạn quan tâm
- Đi đại tiện nhiều lần trong ngày là bệnh gì, có tốt không?
- Đi đại tiện ra máu đông – Coi chừng bệnh nguy hiểm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!